Ngũ linh chi: Vị thuốc quý từ phân loài sóc bay
Nội dung bài viết
Ngũ linh chi là một vị thuốc ít ai nghĩ đến nó được lấy từ phân của một loài sóc bay. Vị thuốc có rất nhiều công dụng để chữa nhiều bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc biết rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách sử dụng của vị thuốc này.
Ngũ linh chi là gì?
Tên gọi
- Tên thường gọi: thảo linh chi, ngũ linh tử, hàn hiệu điểu, hàn trước phần.
- Tên khoa học: Faeces Trogopterum.
Nguồn gốc
Ngũ linh chi là một loại thuốc được lấy từ phân khô của 1 loài sóc Trogopterus xanthipes Milne-Edward, thuộc họ Sóc bay (Petauristidae).
Loài Sóc bay này sống trong những hang động trong rừng núi, có nhiều ở các tỉnh của Trung Quốc như Hà Bắc, Sơn Tây, Cam túc. Hiện nay vị thuốc đều nhập từ Trung Quốc, không có ở Việt Nam.
Thành phần hóa học
Trong thành phần của thuốc chủ yếu là các chất vitamin A, uric acid, urea và resin.
Tác dụng của Ngũ linh chi
Tác dụng theo y học hiện đại
- Thuốc có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn lao.
- Tác dụng ức chế nhiều loại nấm gây bệnh ngoài da.
- Làm giảm co thắt cơ trơn.
Tác dụng theo y học cổ truyền
Vị thuốc có vị đắng, tính ôn, quy kinh Can.
Theo các Y văn cổ:
- Sách Khai bảo bản thảo: Ngũ linh chi có vị cam, ôn, không độc.
- Sách Bản thảo hội ngôn: Thuốc có vị ngọt chua, khí bình, không độc.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: “Nhập túc quyết âm can, túc thái âm tỳ kinh”.
Thuốc có tác dụng hoạt huyết, chỉ thống, hóa ứ cầm máu giải độc.
Chủ trị các chứng: ở phụ nữ đau bụng kinh, kinh bế, đau bụng sau sanh con, các trường hợp băng lậu, ngực bụng đau đầy tức. Rắn cắn, các trùng thú cắn.
Cách sử dụng Ngũ linh chi
Vào tháng 10 – 12 người ta vào núi tìm những hang sẵn có Ngũ linh chi để mang về. Đem loại bỏ tạp chất rồi đem phân phơi hoặc sấy khô.
Dựa vào hình dáng không giống nhau của phân mà người ta phân ra thành Ngũ linh chi khối (đường ngũ linh chi), tán Ngũ linh chi là những phân vụn nhỏ. Trước khi sử dụng thường sao lên.
Liều dùng:
Liều thuốc cho vào thuốc thang trong bài thuốc hay làm hoàn từ 3 – 10g, chú ý cho vào thuốc thang phải bọc lại bằng vải, lượng dùng ngoài tùy theo yêu cầu.
Bài thuốc ứng dụng từ Ngũ linh chi
Trị các chứng đau do viêm loét dạ dày tá tràng
Ngũ linh chi, Hương phụ, Ô tặc cốt mỗi vị 10g, Cam tùng 6g, Diên hồ sách 6g, Mộc hương, Nhũ hương, Một dược, Xuyên luyện tử mỗi vị 5g, Hoàng liên 3g sắc nước uống.
Chữa xuất huyết tử cung, phụ nữ đau bụng nhiều khi hành kinh
Ngũ linh chi 10g, Bồ hoàng 10g, đem 2 vị thuốc sao vàng lên rồi tán nhỏ. Chia ra mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần từ 2g đến 3g.
Bệnh tim mạch có cơn đau thắt ngực thể khí trệ huyết ứ
Bài thuốc Thất tiếu tán: Ngũ linh chi và Bồ hoàng lượng bằng nhau, đem tán mịn trộn đều. Dùng bọc vải sắc nước uống, chia thành 2 lần trong một ngày, mỗi lần uống từ 8 – 12g.
Chữa các trường hợp bị rắn cắn
Ngũ linh chi 20g, Sinh nam tinh, Xuyên bối mẫu mỗi vị đều 24g, Bạch chỉ 24g, Quế chi 24g, Bạch thược 24g, Hà thủ ô 40g, Bạch đậu khấu 24g, Bào sơn giáp 24g, Thanh phàn 24g, Hùng hoàng 40g. Đem tất cả các vị thuốc tán nhỏ rồi ngâm với 1,5 lít rượu ở 35 đến 40 độ trong vòng khoảng 10 ngày.
Khi bị rắn cắn tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, uống một ngày 50ml rượu ngâm này, sau đó cứ cách mỗi 5 đến 10 phút cho uống 1 lần. Liều tối đa uống 150ml – 200ml.
Ngoài uống rượu thuốc ngâm này có thể dùng bông thấm rượu xoa và băng vào vết cắn để lấy độc rắn cắn ra.
Kiêng kỵ
- Thận trọng đối với phụ nữ đang mang thai.
- Ngũ linh chi và Nhâm sâm không nên dùng chung với nhau.
- Những trường hợp bệnh huyết hư, không có huyết ứ thì không nên dùng.
Ngũ linh chi là một vị thuốc quý được lấy từ phân động vật là loài sóc bay có rất nhiều tác dụng, đặc biệt là các bệnh về ứ huyết như đau bụng kinh, loét dạ dày, đau thắt ngực, ngoài ra phối hợp với các vị thuốc khác dùng để chữa rắn cắn rất hiệu quả. Tuy nhiên bạn cần lưu ý những trường hợp không nên dùng. Vì vậy bạn nên tư vân bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- GS.BS Trần Văn Kỳ. Dược học cổ truyền toàn tập. Nhà xuất bản Đà Nẵng.
- GS.TS Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.