Ngứa nướu: Triệu chứng cảnh báo điều gì?
Nội dung bài viết
Ngứa nướu răng là dấu hiệu răng miệng ít phổ biến hơn so với sưng nướu hay chảy máu nướu. Tuy nhiên đó có thể là báo hiệu của một số bệnh lý hoặc tình trạng răng miệng khác nhau. Mặc dù hầu hết mọi người đều ít quan tâm đến dấu hiệu này; nhưng đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Có thể đó là do các nguyên nhân nhỏ. Nhưng cũng có những tình huống mà nướu bị ngứa có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng; chẳng hạn như phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng.
Vì nướu răng nhạy cảm với các kích thích nhanh hơn so với da của. Chúng hấp thu mọi thứ rất nhanh, nên việc ngứa nướu răng sẽ báo cho bạn biết rằng có điều gì đó không ổn.
1. Các triệu chứng có thể đi kèm với ngứa nướu
Ngứa có thể tự xuất hiện. Hoặc nó có thể đi kèm với các triệu chứng khác bên trong miệng, chẳng hạn như:
- đỏ
- sưng tấy
- Khu trú tại vùng có thể nhìn thấy
- Phát ban
- Chảy máu
Triệu chứng ngứa nướu không phải lúc nào cũng đi kèm đỏ hoặc sưng. Chúng có thể trông hoàn toàn bình thường so với các mô nướu khác bên trong miệng của bạn. Hãy cố gắng chú ý xem liệu có một vùng nướu cụ thể ở vị trí răng nào cảm thấy ngứa, châm chích không? Hay cảm giác ngứa lan rộng trên bề mặt không xác định? Có lan đến vùng vòm khẩu cái hay lưỡi không?
Nếu nguồn gốc gây ngứa nướu răng của bạn không xuất phát từ miệng mà do nguyên nhân toàn thân khác; bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, khó thở, sốt và nôn mửa, đau đầu hoặc đi kèm các vùng ngứa trên các bộ phận khác của cơ thể. Đối với những người đã từng có tiền sử dị ứng thực phẩm hoặc cảm thấy khó thở, hãy nhanh chóng đến cấp cứu ngay lập tức.
2. Nguyên nhân và cách điều trị các tình trạng chính gây ngứa nướu răng
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, ngứa nướu có thể là một dấu hiệu nhẹ như viêm nướu, bệnh này có thể dễ dàng hồi phục khi vệ sinh răng miệng lại trong vòng một hoặc hai tuần. Nhưng các triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến các tình trạng khác có thể đe dọa tính mạng như dị ứng. Quan trọng là bạn phải luôn để ý và không bỏ qua bất cứ dấu hiệu nào của cơ thể.
Các nguyên nhân phổ biến gây ngứa nướu răng bao gồm:
2.1 Dị ứng
-
Triệu chứng
Các phản ứng dị ứng hầu như luôn bao gồm: sưng, đỏ và ngứa. Giống như các triệu chứng ngoài da khi dị ứng; khi các niêm mạc miệng của bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, miệng của bạn cũng sẽ bị ngứa.
Dị ứng thực phẩm là một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm ; chẳng hạn như động vật có vỏ hoặc đậu phộng; việc tiếp xúc có thể gây ra phản ứng dị ứng toàn thân bắt đầu từ bên trong miệng của bạn. Bạn sẽ cảm thấy ngứa khắp lưỡi, vòm miệng, má, môi và ở phía sau cổ họng. Trong những tình huống nghiêm trọng, đường thở của bạn có thể bị tắc nghẽn.
-
Điều trị
Các phản ứng dị ứng nhỏ thường có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine không kê đơn. Nhưng nếu bạn có tiền sử phản ứng dị ứng và có nguy cơ cao bị sốc phản vệ, hãy đến cấp cứu ngay lập tức.
2.2 Tích tụ mảng bám
-
Triệu chứng
Mảng bám răng là một hỗn hợp thức ăn tích tụ, vi khuẩn và các sản phẩm có tính axit của vi khuẩn. Nếu khoảng cách giữa các lần làm sạch răng bằng quá dài, vi khuẩn sẽ bắt đầu gây kích ứng mô nướu của bạn. Một trong những triệu chứng sớm nhất của viêm nướu là ngứa nướu. Nướu thậm chí có thể bị ngứa khi bạn đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Bạn có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng khác như sưng tấy dọc theo bờ nướu và chảy máu.
-
Điều trị
Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn cần lập kế hoạch để loại bỏ mảng bám triệt để bằng cách vệ sinh răng miệng thường xuyên; ít nhất hai lần một ngày. Việc chải răng đúng cũng vô cùng quan trọng. Trong đó bạn cần đặc biệt chú ý đến đường viền nướu là vị trí tập trung nhiều mảng bám. Thường xuyên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răn. Nếu bạn gặp khó khăn khi tiếp cận các vùng trong miệng, có thể sử dụng nhiều dụng cụ làm sạch khác như: bàn chải điện, tăm nước, bản chải kẽ…
2.3 Thay đổi nội tiết tố
-
Triệu chứng
Phụ nữ thường xuất hiện những thay đổi trong miệng và cơ thể nhiều hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do những thay đổi nội tiết tố khác nhau xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh. Đối với một số phụ nữ, các triệu chứng răng miệng như nướu bị kích thích sẽ phát triển theo thời gian. Tùy thuộc vào cơ địa, các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng hơn, dù tình trạng vệ sinh răng miệng khá tốt.
-
Điều trị
Các triệu chứng nướu do hormone gây ra như sưng và ngứa có xu hướng tự biến mất khi nồng độ hormone ổn định. Ví dụ, phụ nữ có thể nhận thấy nướu của mình mềm hơn trong những ngày chu kỳ kinh nguyệt, nhưng các triệu chứng chỉ là tạm thời. Thời gian viêm nhiễm kéo dài hơn thường xảy ra trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên chúng thường tự khỏi sau khi sinh con.
2.4 Tổn thương răng hoặc nướu
-
Triệu chứng
Khi cơ thể tự lành sau vết cắt hoặc vết thương nào đó, một số người có cảm giác ngứa ran ở vùng xung quanh vết thương. Ví dụ, một số người có xu hướng cảm thấy ngứa nướu sau khi phẫu thuật răng khôn, khi vết phẫu thuật đang bắt đầu lành lại. Các triệu chứng thường biến mất sau vài ngày.
-
Điều trị
Niêm mạc miệng có khả năng lành thương nhanh chóng. Đó là lý do tại sao những vết cắt đối với nướu răng hoặc vết bỏng khi ăn có thể nhanh lành lại.
Cách tốt nhất là giữ vùng tổn thương sạch sẽ. Vệ sinh thường xuyên trong ngày để loại bỏ các mảnh thức ăn. Thỉnh thoảng bạn có thể sử dụng thuốc tê tại chỗ, nhưng nếu bạn cần thứ gì đó mạnh hơn, hãy hỏi nha sĩ về việc kê đơn “nước súc miệng thần kỳ”.
2.5 Nghiến răng gây ngứa nướu
-
Triệu chứng
Nghiến răng là một hoạt động cận chức năng. Đa phần chúng ta có thể nghiến răng khi đang ngủ hoặc căng thẳng. Sự ma sát và cọ xát liên tục bên trong miệng của chúng ta có thể dẫn đến ngứa ở nướu răng (như ở những nơi răng va vào nướu của bạn). Nhưng các triệu chứng khác thường bao gồm: đau tai, đau hàm / đau TMJ, mòn răng…
-
Điều trị
Nghiến răng thường là một tình trạng đòi hỏi chúng ta phải luyện tập các bài tập hoặc đeo máng bảo vệ giúp ngăn ngừa tác hại . Vào ban ngày, bạn có thể tự ý thức nhắc nhở về “vị trí nghỉ ngơi” của miệng thích hợp. Chứng nghiến răng ban đêm được điều trị tốt nhất bằng dụng cụ bảo vệ hoặc nẹp ban đêm.
2.6 Khô miệng
-
Triệu chứng
Khi miệng của bạn không có đủ nước bọt để đảm bảo bôi trơn bề mặt thì tình trạng khô miệng xảy ra. Việc thiếu lưu lượng nước bọt có thể tạo điều kiện cho các chất kích thích dễ dàng ảnh hưởng đế mô nướu và lớp niêm mạc trong miệng. Khi tình trạng khô miệng xảy ra, sẽ dễ xuất hiện các triệu chứng nóng rát hoặc ngứa hơn.
-
Điều trị
Các phương pháp điều trị khô miệng thường bao gồm:kết hợp việc tăng cường uống nước; bổ sung thuốc làm ẩm; hoặc sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng dành riêng cho chứng khô miệng. Điều quan trọng là giữ cho miệng của bạn luôn được bôi trơn, tránh tình trạng dẫn đến sâu răng. Bạn cũng đi khám nha sĩ để tìm ra nguyên nhân khiến tuyến nước bọt bị ảnh hưởng.
3. Những nguyên nhân gây ngứa nướu ít phổ biến hơn
3.1 Mọc răng
-
Triệu chứng
Khi răng bắt đầu mọc, nướu phủ trên vị trí sắp mọc răng sẽ cảm thấy ngứa và đau là điều bình thường.
-
Điều trị
Súc miệng bằng nước muối ấm để làm dịu nhẹ các kích thích và giảm triệu chứng viêm khi răng đang mọc.
3.2 Áp xe răng
-
Triệu chứng
Các triệu chứng của áp xe răng dễ nhận thấy trong miệng đó là: lỗ dò, chảy mủ, miệng có vị mặn…
-
Điều trị
Điều trị nội nha (điều trị tủy) là cách duy nhất để điều trị răng và tránh việc nhổ răng không cần thiết.
3.3 Vết loét nhiệt miệng
-
Triệu chứng
Loét áp-tơ hay còn gọi là nhiệt miệng có xu hướng tạo ra những vết loét nhỏ, tròn, thô ở niêm mạc nướu, lưỡi, má…Điều này có thể dẫn đến tình trạng ngứa.
-
Điều trị
Loét nhiệt miệng điển hình thường có thể tự lành trong vòng 10-14 ngày. Quan trọng là phải luôn giữ cho miệng sạch sẽ và tránh kích thích vết loét do thức ăn hoặc bàn chải đánh răng.
3.4 Herpes hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi rút khác
-
Triệu chứng
Các vết loét lạnh và các dạng bùng phát herpes khác thường gây ra cảm giác ngứa ran, ngứa ngáy trước khi các vết loét bắt đầu nổi lên.
-
Điều trị
Thuốc kháng vi-rút có thể rút ngắn thời gian bùng phát triệu chứng. Điều trị bằng laser cũng có thể hiệu quả nhất nếu được thực hiện trong vòng một hoặc hai ngày đầu tiên kể từ khi có cảm giác ngứa.
4. Các biện pháp ngăn ngừa ngứa nướu
- Giữ miệng sạch sẽ và không có mảng bám dư thừa là cách tốt nhất để tránh ngứa miệng. Nhiều khả năng, nướu răng bị ngứa là do mảng bám tích tụ dọc theo đường nướu của bạn. Đánh răng kỹ lưỡng và dùng chỉ nha khoa là điều bắt buộc!
- Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp loại bỏ tình trạng viêm nhẹ nếu nướu bị kích ứng. Nước súc miệng kháng khuẩn cũng có thể giúp loại bỏ bất cứ thứ gì mà bàn chải hoặc chỉ nha khoa của bạn bỏ sót.
- Chú ý các loại thực phẩm sử dụng. Đọc kỹ nhãn mác và các thành phần để đảm bảo tránh bị dị ứng.
- Thường xuyên thăm khám nha sĩ để kiểm tra các vấn đề như mọc răng khôn hoặc sâu răng. Có thể cần một số biện pháp can thiệp trước khi bắt đầu sưng, nhiễm trùng hoặc ngứa.
Ngứa nướu răng thường báo hiệu tình trạng: nhiễm trùng nướu, đang bị phản ứng dị ứng hoặc có một vùng bị kích ứng cần bạn chú ý. Đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Hãy đến khám nha sĩ để xác định rõ nguyên nhân, và tìm phương pháp điều trị trước khi vấn đề nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1/ Kimberly Holland, “Itchy gums”, đăng nhập ngày 23-08-2017 tại website http://www. healthline.com
2/ “11 Reasons Why Your Gums Are Itchy”, đăng nhập tại website http:/www.teethtalkgirl.com