Người bệnh Peyronie cần làm gì để hạn chế bị bệnh?
Nội dung bài viết
Bệnh Peyronie hay bệnh cong dương vật là một trong những bệnh không hề hiếm gặp. Đây là một bệnh nam khoa gây khổ sở rất nhiều cho nam giới. Các quý ông mắc bệnh này rất dễ bị tự ti, mặc cảm đối với vợ hoặc bạn tình của mình. Vậy thì lời khuyên của các bác sĩ dành cho người mắc bệnh này là gì? Cần phải có chế độ sinh hoạt, ăn uống thế nào để hạn chế mắc bệnh? Tất cả sẽ được YouMed giải đáp qua bài viết sau đây.
1. Những đối tượng nào dễ mắc bệnh Peyronie?
Theo thông tin cập nhật, bệnh Peyronie được bác sĩ người Pháp thuộc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ – Francois De La Peyronie – mô tả vào năm 1743. Sau này, mọi người lấy tên của ông để đặt tên cho bệnh.
Trong phần lớn các trường hợp, nam giới mắc bệnh Peyronie có dương vật bị cong vẹo, bị rút ngắn. Đồng thời dương vật cũng bị đau khi cương cứng và khó thực hiện chức năng quan hệ tình dục. Đây là một trong những căn bệnh ảnh hưởng rất nặng đến đời sống chăn gối của vợ chồng.
Nguyên nhân gây bệnh Peyronie vẫn chưa được biết rõ một cách chính xác. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng một số đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn những người khác bao gồm:
- Chấn thương dương vật (chấn thương khi quan hệ tình dục, tình dục mạnh bạo).
- Độ tuổi từ 41 đến 60 tuổi.
- Tăng huyết áp và việc uống thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Cơ thể thiếu hụt vitamin E.
- Rối loạn quá trình tổng hợp sợi collagen.
- Di truyền.
- Mặc quần lót quá chật, mặc sớm trong giai đoạn trưởng thành, định hình dương vật.
- Gãy dương vật.
- Nghiện rượu.
- Dùng thuốc kháng viêm kéo dài
- Đái tháo đường.
- Bị bệnh co thắt Dupuytren ở bàn tay hoặc bệnh Edderhose ở bàn chân.
- Mắc các bệnh như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì,…
2. Bệnh Peyronie có nguy hiểm hay không?
Bệnh Peyronie tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đời sống tình dục. Tiến sĩ Noelle Robertson cho rằng: “Peyronie là bệnh làm cho cả hai phái đều khổ sở. Nó tác động rất xấu đến chất lượng cuộc sống vợ chồng. Bên cạnh tác động tiêu cực đến hoạt động quan hệ cùng sự thỏa mãn, bệnh còn ảnh hưởng đến tâm lý, sự tự trọng và vẻ nam tính”.
Một số tác động tiêu cực của bệnh Peyronie bao gồm:
- Gây lo âu, mất ngủ, trầm cảm.
- Làm nam giới giảm tự tin trong quan hệ tình dục.
- Suy giảm sự mạnh mẽ, nam tính.
- Nghiêm trọng hơn là có ý nghĩ tiêu cực như tệ nạn xã hội, tự sát.
- Dễ rơi vào tình trạng lạm dụng rượu, ma túy.
- Hậu quả nặng nhất là vô sinh, yếu sinh lý.
Vì vậy, lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa là nên khám bệnh sớm nhất có thể. Nam giới bị bệnh Peyronie nên khi khám ngay ở các bệnh viện có chuyên ngành Nam khoa. Mục đích là để phát hiện và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng không mong muốn.
3. Làm sao để biết mình bị bệnh?
Một số dấu hiệu nghi ngờ gợi ý cho bạn bao gồm:
- Sờ và nhận thấy rõ rệt các mô sẹo dưới dương vật. Đa số các trường hợp là sờ thấy cục u có độ phẳng.
- Rối loạn chức năng cương cứng của dương vật.
- Chiều dài của dương vật bị rút ngắn
- Biểu hiện rõ nhất là dương vật bị cong khi cương cứng.
- Không thể đưa hoàn toàn dương vật vào trong âm vật. Điều đó làm giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục.
- Có cảm giác đau khi cương cứng dương vật.
Vậy khi nào cần đến gặp bác sĩ? Những trường hợp chúng ta nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa bao gồm:
- Đau nhiều ở dương vật khi cương cứng.
- Có các biến chứng như lo âu, mất ngủ, trầm cảm.
- Dương vật cong thấy rõ, không thể đưa vào cơ quan sinh dục nữ khi quan hệ.
- Rối loạn chức năng cương dương như khó cương cứng, thời gian cương cứng không đủ lâu,…
4. Điều trị bệnh có tốn tiền không?
Theo thống kê chung, mỗi năm, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận điều trị cho khoảng 20 đến 30 trường hợp mắc bệnh Peyronie. Hầu hết người bệnh là Việt kiều bởi vì chi phí phẫu thuật ở Mỹ rất tốn kém. Trong khi ở Việt Nam, mỗi người chỉ cần chi ra từ 3-5 triệu đồng là đã được điều trị nội khoa hiệu quả.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh nặng, chi phí có thể cao hơn. Việc mổ ghép da đùi vào khu vực da bao trắng bị xơ sẽ giúp người bệnh hồi phục và sớm ra viện. Vì thế nên chi phí cũng không quá cao, tầm 20 triệu trở lại. Vì vậy, có thể nói điều trị bệnh Peyronie tiết kiệm hơn so với điều trị ở nước ngoài.
5. Duy trì thói quen gì để giảm nguy cơ mắc bệnh?
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh Peyronie, chúng ta nên duy trì những thói quen tốt sau đây:
- Có đời sống tình dục lành mạnh, hạn chế quan hệ mạnh bạo.
- Không nên mặc quần lót quá chật.
- Hạn chế mặc quần lót khi ngủ.
- Bảo vệ dương vật tránh những chấn thương, va chạm.
- Ăn uống đầy đủ, tăng cường các chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, chất selen,…
Trên đây là những thông tin mang tính chất lời khuyên tích cực của các chuyên gia y tế. Hy vọng những quý ông, những chàng trai sẽ hạn chế mắc bệnh Peyronie, cũng như biết được bệnh sớm để điều trị hiệu quả. Mến chúc các bạn nam sẽ luôn mạnh mẽ và đầy nam tính trong đôi mắt của phái đẹp.
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.