Nôn (ói): Nguyên nhân thường hay gặp ở trẻ nhỏ
Nội dung bài viết
Nôn hay ói là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em. Nôn có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là các bệnh đường tiêu hóa. Đôi khi cảm lạnh thông thường vẫn có thể gây nôn ở trẻ em. Ngoài ra, các bệnh nghiêm trọng mà bạn cần theo dõi sát khi trẻ nôn như viêm ruột thừa hoặc viêm màng não. Vậy những nguyên nhân khiến trẻ thường hay nôn (ói) là gì? Cách chăm sóc trẻ như thế nào? Cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh tìm hiểu qua bài viết sau.
Mức độ nặng của nôn
Nôn là sự làm trống thức ăn có trong trong dạ dày. Đây được xem như là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi cần tống xuất những gì khiến trẻ khó chịu. Mức độ có thể dựa vào số lần:
- Nhẹ: 1-2 lần/ngày.
- Trung bình: 3-7 lần/ngày.
- Nặng: Nôn tất cả mọi thứ hoặc ít nhất trên 8 lần/ngày.
Mức độ nghiêm trọng còn liên quan nhiều hơn đến việc thời gian trẻ nôn kéo dài bao lâu. Khi bệnh ở giai đoạn đầu, trẻ có thể nôn tất cả mọi thứ. Điều này rất thường gặp. Tình trạng như vậy có thể kéo dài trong 3 hoặc 4 giờ. Cha mẹ thường lo lắng khi gặp phải vấn đề này.
Tuy nhiên, sau đó trẻ thường có xu hướng giảm số lần nôn hơn. Điều quan trọng mà bạn cần chú ý đến nguy hiểm chính của nôn là dấu hiệu mất nước.
Cách nhận biết dấu hiệu mất nước tại nhà
Tình trạng mất nước xảy ra khi cơ thể đã mất quá nhiều chất lỏng. Có thể do trẻ nôn hết tất cả mọi thứ hay tiêu lỏng nhiều lần. Dưới đây là những biểu hiện mất nước mà bạn cần chú ý khi chăm sóc trẻ:
- Lượng nước tiểu giảm. Trẻ không đi tiểu trong hơn 12 giờ hoặc với lượng rất ít. Màu sắc của nước tiểu vàng sậm giống nước trà đặc. Đây là một trong những triệu chứng xảy ra sớm khi trẻ bắt đầu mất nước.
- Môi khô nứt, giảm tiết nước bọt. Mắt trũng sâu vào trong.
- Trẻ có vẻ bứt rứt, lừ đừ, mệt mỏi hoặc biểu hiện đang ốm nặng. Nếu con bạn tỉnh táo, vui vẻ và tinh nghịch, trẻ không có biểu hiện mất nước. Đối với trẻ lớn, nếu bị mất nước nghiêm trọng, trẻ có thể bị chóng mặt. Nhất là khi thay đổi tư thế hoặc không thể đi lại.
Nguyên nhân
Nhiễm trùng tiêu hóa được xem là một trong những nguyên nhân chính. Có thể là do trẻ nhiễm virus như Rotavirus hoặc vi trùng. Bệnh bắt đầu với triệu chứng nôn. Tiêu phân vàng lỏng theo sau trong vòng 12 đến 24 giờ. Đa số có thể tự cải thiện với thuốc điều trị hỗ trợ và chăm sóc vệ sinh an toàn cho trẻ.
Ngộ độc thực phẩm có thể gây nôn và tiêu chảy nhanh chóng trong vài giờ sau khi ăn thực phẩm không được chế biến an toàn. Nguyên nhân là do độc tố từ vi trùng phát triển ở trong thực phẩm bảo quản quá lâu.
Ho nhiều cũng có thể khiến con bạn nôn. Đó là phản xạ hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân nghiêm trọng khác. Trong trường hợp trẻ chỉ nôn mà không kèm tiêu chảy, triệu chứng có thể hết trong khoảng 24 giờ sau đó. Nếu trẻ vẫn còn nôn kéo dài hơn 24 giờ, đó có thể liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Ví dụ như viêm màng não, viêm ruột thừa hoặc nhiễm trùng đường tiểu.
Cách chăm sóc trẻ
Dinh dưỡng
Cung cấp thêm nước cho trẻ trong 8 giờ: Bạn nên cho trẻ uống với số lượng nhỏ thường xuyên. Ngoài nước lọc, bạn có thể cho trẻ uống thêm ORS. Nếu trẻ vẫn còn nôn, tạm thời cho trẻ nghỉ 5 phút. Sau đó, đút muỗng chậm với lượng ít từ từ. Nếu sau 4 giờ, trẻ không nôn thêm, bạn có thể tăng số lượng nước cho trẻ uống. Sau 8 giờ mà trẻ hết nôn, có thể cho trẻ ăn uống trở lại bình thường.
Nếu trẻ nôn quá 12 giờ, bạn nên ngừng cho trẻ uống nước. Thay vào đó, bạn nên chuyển sang cho trẻ uống dung dịch ORS.
Ngưng cho trẻ ăn thực phẩm đặc. Tránh tất cả các loại thực phẩm đặc ở trẻ đang nôn nhiều. Sau 8 giờ mà trẻ không nôn thêm, bạn có thể dần dần cho trẻ ăn trở lại với số lượng ít. Bạn có thể bắt đầu với những món ăn giàu tinh bột giúp trẻ dễ tiêu hóa. Ví dụ như ngũ cốc, cháo hay bánh mì. Nếu trẻ cải thiện tốt, bạn có thể cho trẻ quay trở lại chế độ ăn bình thường trong 24 đến 48 giờ sau đó.
Thuốc
Ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn và không cần thiết cho trẻ. Tốt nhất chỉ nên uống thuốc theo toa của Bác sĩ. Vì trẻ đang nôn nên việc uống thuốc cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Sốt nhẹ không cần điều trị bằng bất kỳ loại thuốc nào. Đối với trẻ sốt cao, bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt bằng cách nhét hậu môn.
Nghỉ ngơi
Bạn hãy cho trẻ đi ngủ trong vài giờ. Bởi vì giấc ngủ thường làm trống dạ dày và giảm số lần trẻ nôn.
Giữ vệ sinh
Quan trọng là bạn cần rửa tay cẩn thận sau khi tiếp xúc với chất nôn hoặc thay tã cho trẻ. Nếu trẻ lớn, bạn nên dạy trẻ rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh.
Khi nào bạn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ?
Nôn do bệnh lí nhiễm siêu vi thường cải thiện sau 12 đến 24 giờ. Trẻ có thể vẫn còn nôn 1-2 lần/ngày và buồn nôn đến 3 ngày. Triệu chứng tiêu phân lỏng cũng dừng sau khi trẻ hết nôn. Đây là diễn tiến hoàn toàn bình thường.
Đối với nôn kèm theo tiêu chảy, nếu con bạn vẫn không thể giảm các triệu chứng này dù bạn đã làm theo hướng dẫn trên, hãy đưa trẻ đến khám Bác sĩ. Bởi vì trẻ đang có nguy cơ mất nước nếu không điều trị kịp thời. Trong thời gian bệnh, trẻ nên nghỉ ngơi ở nhà. Ngoài việc cần chăm sóc và theo dõi sát, đó cũng là cách giảm lây bệnh cho những trẻ khác ở trường. Con bạn có thể trở lại trường học sau khi hết nôn và sốt.
Đưa trẻ đến khám Bác sĩ nếu có những vấn đề sau:
- Nôn ra nước hay chất lỏng trong hơn 8 giờ, nôn ra máu.
- Nôn vẫn còn sau hơn 24 giờ.
- Có dấu hiệu mất nước.
- Tiêu chảy nhiều hơn hoặc có máu trong phân.
- Đau bụng xuất hiện và không có xu hướng giảm.
- Bạn cần được tư vấn về những lo lắng liên quan đến sức khỏe của trẻ.
Chính bạn là người hiểu rõ con mình nhất. Vì vậy, hãy tin vào bản năng làm cha mẹ của bạn nếu con bạn có vẻ không ổn. Những dấu hiệu quan trọng ở trẻ cần theo dõi sát bởi cha mẹ và điều trị an toàn bởi Bác sĩ sẽ giúp trẻ tránh những biến chứng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.