Nguyên nhân sỏi túi mật và những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Sỏi túi mật là một bệnh lý ngoại khoa tiêu hóa thường gặp ở Việt Nam, chiếm tới khoảng 8 – 10% dân số. Nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm buộc người bệnh phải cắt bỏ túi mật. Vì vậy, hiểu rõ nguyên nhân sỏi túi mật sẽ giúp bạn bảo vệ túi mật của chính mình. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh lý này, cũng như những nguyên nhân sỏi túi mật giúp bạn nâng cao ý thức phòng bệnh từ sớm. Nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Hiểu đúng về bệnh sỏi túi mật
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân sỏi túi mật do đâu, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những vấn đề xung quanh sỏi túi mật. Trước hết, túi mật là một túi nhỏ nằm ngay dưới gan. Chức năng của nó là dự trữ mật do gan sản xuất. Trước bữa ăn, túi mật có thể chứa đầy mật và có kích thước bằng một quả lê nhỏ.
Khi ăn, thức ăn đến tá tràng sẽ kích thích túi mật co bóp. Điều này giúp tống một lượng mật cần thiết xuống tá tràng giúp tiêu hoá thức ăn. Nhờ mật mà chất béo được tiêu hóa qua đường ruột và hấp thu vào trong cơ thể. Mật cũng mang các chất thải như cholesterol và bilirubin được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ hoặc bị tiêu hủy.
Sỏi mật có thể có nhiều kích thước khác nhau. Thông thường, bệnh nhân không hề biết rằng có sỏi túi mật cho đến khi sỏi làm tắc mật và gây ra hàng loạt các triệu chứng. Bản chất khởi nguồn của sỏi túi mật là dịch mật đã kết tinh. Có hai loại sỏi mật chính là:
- Sỏi cholesterol: Loại sỏi này thường có màu vàng, được cấu tạo chủ yếu từ cholesterol. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật chủ yếu là sỏi cholesterol.
- Sỏi sắc tố mật: Có màu nâu sẫm hoặc đen hình thành khi mật chứa quá nhiều bilirubin.
Nguyên nhân sỏi túi mật
Nguyên nhân chính gây sỏi túi mật
Các chuyên gia không chắc chắn chính xác nguyên nhân sỏi túi mật là gì, nhưng bệnh lý này có thể hình thành khi:
- Mật chứa quá nhiều cholesterol: Thông thường, mật của bạn chứa đủ các chất giúp hòa tan cholesterol do gan bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, nếu gan của bạn bài tiết nhiều cholesterol hơn lượng mật có thể hòa tan. Hậu quả lượng cholesterol dư thừa có thể hình thành tinh thể và cuối cùng thành sỏi.
- Mật chứa quá nhiều bilirubin: Bilirubin là chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ. Ngoài ra, có một số tình trạng khác làm cho gan của bạn tạo ra quá nhiều bilirubin. Bao gồm: bệnh xơ gan, nhiễm trùng đường mật và một số rối loạn về máu. Bilirubin dư thừa góp phần hình thành sỏi mật.
- Túi mật không không thường xuyên được làm rỗng: Nếu túi mật của bạn không thường xuyên làm rỗng, mật có thể trở nên rất cô đặc. Điều này góp phần hình thành sỏi mật. Tình trạng này thường gặp ở người già, hoặc nhịn ăn kéo dài.
Xem thêm: Sỏi túi mật: Điều trị và chế độ ăn uống
Yếu tố tăng nguy cơ hình thành sỏi túi mật
Ngoài các nguyên nhân sỏi túi mật, vẫn có thể có các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật, bao gồm:
- Tình trạng béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ chính gây sỏi mật, đặc biệt là ở phụ nữ.
- Dư thừa Estrogen: Estrogen dư thừa do mang thai, sử dụng liệu pháp thay thế hormone, hoặc thuốc tránh thai có thể làm tăng mức cholesterol trong mật và giảm chuyển động của túi mật. Cả hai vấn đề này đều có thể dẫn đến sỏi mật.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi mật cao gấp đôi nam giới.
- Tuổi tác: Những người trên 60 tuổi dễ bị sỏi mật hơn những người trẻ tuổi.
- Thuốc giảm cholesterol: Thuốc làm giảm cholesterol trong máu có thể làm tăng lượng cholesterol tiết ra trong mật. Hậu quả làm tăng nguy cơ sỏi mật.
- Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường thường có hàm lượng axit béo cao, làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.
- Giảm cân nhanh chóng: Khi cơ thể chuyển hóa chất béo trong quá trình giảm cân nhanh chóng. Tình trạng này gan tiết thêm cholesterol vào mật, có thể gây ra sỏi mật.
- Nhịn ăn, ăn uống kém: Nhịn ăn làm giảm chuyển động của túi mật, mật bị cô đặc quá mức và có thể hình thành sỏi mật.
Sỏi túi mật khi nào đến gặp bác sĩ?
Ngoài việc biết được các nguyên nhân sỏi túi mật và các yếu tố nguy cơ của nó. Nhận biết được các dấu hiệu nghi ngờ sỏi mật cũng rất quan trọng. Đa số những đối tượng bị sỏi túi mật đều không hề biết có sỏi trong túi mật của mình. Những viên sỏi “thầm lặng” này không gây bất cứ triệu chứng gì. Và thường được tình cờ phát hiện khi siêu âm bụng trong quá trình thăm khám các vấn đề sức khỏe khác.
Các viên sỏi không gây triệu chứng này không gây ảnh hưởng đến chức năng của túi mật, gan hoặc tuyến tụy. Vì thế không cần điều trị trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, nếu sỏi mật rớt ra ngoài túi mật, nằm trong ống dẫn gây tắc nghẽn dịch mật, sẽ bắt đầu gây triệu chứng.
Các triệu chứng của sỏi túi mật
- Đau đột ngột và dữ dội ở phần trên bên phải bụng.
- Đau đột ngột và dữ dội ở giữa bụng, ngay dưới xương ức.
- Cơn đau lan theo hướng sau lưng (ở độ cao thận) hoặc cánh tay phải.
- Cơn đau do sỏi mật có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Cảm giác đau có thể dữ dội và dai dẳng (thường liên tưởng đến nhát dao chọc ngoáy) hoặc nhức nhối.
- Nôn ói.
Các biến chứng của viêm túi mật cấp
Ngoài ra, người bệnh cũng có những biến chứng của viêm túi mật cấp như:
- Đau hạ sườn phải, đau tăng lên khi hít sâu.
- Sốt, rét run.
- Có thể vàng da.
Khi nào nên đến bác sĩ?
Các triệu chứng của sỏi mật có thể giống với triệu chứng của các bệnh lí khác. Vì thế, khi có các dấu hiệu trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Với những trường hợp có các dấu hiệu của sỏi mật nghiêm trọng, bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để điều trị kịp thời, như:
- Đau bụng dữ dội đến mức bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một vị trí thoải mái.
- Vàng da, vàng mắt.
- Sốt cao kèm theo ớn lạnh.
Xem thêm: Vàng da ứ mật : Những điều bạn cần biết ở trẻ
Hi vọng bài viết trên đây của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân sỏi túi mật và các yếu tố nguy cơ của nó. Các dấu hiệu của đau do sỏi túi mật có thể nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gallstoneshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/symptoms-causes/syc-20354214
Ngày tham khảo: 19/09/2021
-
Gallstones (Cholelithiasis)https://www.webmd.com/digestive-disorders/gallstones
Ngày tham khảo: 19/09/2021
-
Everything you need to know about gallstoneshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/153981
Ngày tham khảo: 19/09/2021