Vàng da ở người lớn: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Nội dung bài viết
Vàng da là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều loại bệnh lý khác nhau ở người lớn. Tình trạng này thường gây nhiều lo lắng cho người bệnh. Vàng da có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như ung thư hay nhiễm trùng đường mật. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này ở người lớn, những nguyên nhân thường gặp ở bài viết dưới đây.
1. Vàng da là gì?
Vàng da là tình trạng làn da và/ hoặc kết mạc mắt (tròng trắng mắt) chuyển màu vàng. Hiện tượng này xảy ra khi tồn tại quá nhiều chất Bilirubin trong máu.
- Bilirubin được tạo ra từ đâu?
Bilirubin được tạo ra từ các hồng cầu bị vỡ để được thay thế bởi những hồng cầu mới, khi lưu chuyển trong máu, qua gan và các tế bào gan, men gan đã làm biến đổi cấu trúc của bilirubin để tạo nên dạng hòa tan trong nước gọi là bilirubin liên hợp.
Các tế bào gan phân phối bilirubin liên hợp vào các ống mật nhỏ khiến bilirubin trở thành một phần của dịch mật, mạng lưới ống dẫn mật lại hợp lại thành ống mật chủ để tới tá tràng. Cuối cùng, bilirubin sẽ có trong phân và làm cho phân có màu vàng nâu. Vì vậy bất cứ rối loạn nào làm bilirubin tích tụ trong máu thì đều có thể gây ra vàng da.
Có thể bạn quan tâm:
Vàng da ở trẻ sơ sinh là một trong những triệu chứng khiến cho cha mẹ vô cùng lo lắng. Một số trẻ có thể tự khỏi, nhưng cũng có trường hợp khiến não trẻ bị tổn thương dẫn đến tử vong. Vậy nên cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ khám ngay để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất sau này của trẻ. Để nắm được thông tin cần thiết, hãy tham khảo bài viết: Nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh của bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
2. Bệnh lý gây vàng da?
Vàng da có thể xảy ra trong nhiều bệnh lý khác nhau như các bệnh lý về gan, túi mật, tuyến tụy hoặc các bất thường về hồng cầu trong máu.
Gan là một trong những cơ quan nội tạng lớn của cơ thể nằm ở phần bụng bên phải. Túi mật là nơi dự trữ dịch mật, chất dịch giúp hỗ trợ tiêu hóa được gan tiết ra. Khi bạn ăn thức ăn chứa chất béo, túi mật sẽ co bóp để mật đi theo ống mật vào ruột giúp tiêu hóa chất chéo.
Những bệnh lý về gan, túi mật, tuyến tụy thường gây vàng da như:
- Sỏi túi mật: bệnh lý do mật ở dạng dịch tạo sỏi gây ra, thông thường sỏi sẽ hình thành ở túi mật không gây ảnh hưởng gì, tuy nhiên nếu sỏi mật thoát ra khỏi túi mật và kẹt ở ống mật chủ sẽ làm dịch mật không thể vào ruột và thẩm thấu vào máu gây bệnh.
- Nhiễm trùng đường mật: do các bệnh lý xơ gan tiên phát hay viêm đường mật xơ hóa và một số thuốc làm giảm dòng chảy của dịch mật, đào thải bilirubin gây vàng da.
- Nghiện rượu.
- Ngộ độc thuốc: Một số thuốc cũng có thể gây vàng da ứ mật hoặc vàng da do viêm gan.
- Ung thư.
Ngoài ra, vàng da cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật khi bạn có những bệnh lý về máu hoặc mắc hội chứng Gilbert.
Hội chứng Gilbert khá thường gặp, là bệnh lý mang tính di truyền. Bệnh nhân thường có vàng da khi căng thẳng, nhiễm trùng hoặc khi uống thuốc. Giới nữ mắc hội chứng Gilbert thường vàng da trong thời kỳ mang thai.
3. Xét nghiệm chẩn đoán vàng da
Khám thực thể cần khám toàn diện, tuy nhiên chú ý khám bụng. U ổ bụng gợi ý vàng da do ung thư thâm nhiễm gan do di căn. Gan cứng sẽ nghĩ nhiều đến xơ gan, gan cứng kèm nhiều nốt thì gợi ý ung thư gan.
Thông thường bác sĩ cần thực hiện một xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ chất bilirubin. Bên cạnh đó các xét nghiệm chuyên biệt cũng sẽ được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh này.
Tùy thuộc vào độ tuổi, triệu chứng và tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân mà các xét nghiệm có thể được lựa chọn phù hợp như:
- Xét nghiệm máy;
- Siêu âm bụng – cung cấp những hình ảnh về các cơ quan trong ổ bụng;
- Chụp cắt lớp vi tính – phương tiện chẩn đoán hình ảnh dùng tia X;
- Chụp cộng hưởng từ đường mật;
- Sinh thiết gan – thông qua sinh thiết mẫu mô lấy từ gan sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán bệnh lý.
4. Phương pháp điều trị vàng da
Tùy theo từng nguyên nhân sẽ có các chỉ định điều trị khác nhau. Khi được điều trị đúng, kịp thời, bệnh và triệu chứng cũng thuyên giảm theo. Việc điều trị nguyên nhân gây nên vàng da cũng tùy theo từng bệnh, có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) nhưng trong một số bệnh cần phải can thiệp bằng ngoại khoa (phẫu thuật) mới có thể giải quyết được căn nguyên gây vàng da (sỏi, u mật, tụy).
Nếu nguyên nhân gây vàng da là sỏi túi mật, có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt túi mật. Đôi khi sỏi túi mật mật có thể được lấy nhờ Nội soi mật tụy ngược dòng ERCP. Nội soi mật tụy ngược dòng ERCP là một thủ thuật dùng ống mềm đi từ miệng, dưới sự hỗ trợ của X Quang để tiếp cận là lấy đi sỏi ở đường mật.
Còn đối với hội chứng Gilbert thì việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lý này
Bên cạnh đó các biện pháp điều trị tại nhà mà bác sĩ có thể chỉ định như:
- Nghỉ ngơi thư giãn.
- Hạn chế rượu.
- Ngừng các loại thuốc nghi ngờ ngộ độc.
5. Khi nghi bị vàng da nên làm gì?
Khi nghi bị vàng da cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám ở cơ sở y tế có đủ điều kiện với lý do là nếu nhẹ sẽ rất khó đánh giá, bởi vì, người Việt thuộc loại “da vàng”.
Ngoài khám lâm sàng người bệnh còn được tiến hành các loại xét nghiệm máu về sắc tố mật, men gan và các kỹ thuật lâm sàng khác như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (Computed Tomography: CT), chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging: MRI), chụp đường mật ngược dòng… mới có thể xác định được nguyên nhân để có chỉ định điều trị đúng, kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản về vàng da. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về tình trạng này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Patient education: Jaundice in adults (The Basics) - Written by the doctors and editors at UpToDate - retrieved from UpToDate on: Nov 28, 2019.