YouMed

Sỏi túi mật: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

BS Huỳnh Quang Nghệ
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ
Chuyên khoa: Ngoại tiêu hóa

Sỏi mật là một bệnh lý thường gặp và có thể gây đau bụng khiến người bệnh dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như viêm loét dạ dày tá tràng dẫn đến thói quen tự mua thuốc và điều trị tại nhà khi chưa được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác. Các vị trí khác nhau của sỏi mật (sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, sỏi đường mật trong gan) có liên quan đến cơ chế hình thành khác nhau và các bệnh lý khác nhau. Chính vì vậy phương pháp điều trị cho từng tình huống cũng có sự khác biệt. Qua bài viết này, Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ muốn chia sẻ những kiến thức tổng quan cho bạn đọc về sỏi mật, trong đó chủ yếu tập trung vào chẩn đoán và điều trị sỏi túi mật.

Sỏi mật là gì?

Sỏi mật (hay sạn mật) là sự hiện diện của sỏi (một cấu trúc được cô đặc từ dịch mật, có hoặc không có sự tham gia của vi khuẩn) trong đường mật, thường xuất hiện ở túi mật, ống mật chủ hoặc ít gặp hơn là đường mật trong gan.1 2

Túi mật sau khi được cắt ra từ người bệnh cho thấy lòng túi mật có sỏi
Túi mật sau khi được cắt ra từ người bệnh cho thấy lòng túi mật có sỏi

Túi mật và cơ chế hình thành các loại sỏi mật

Về túi mật

Túi mật là một cấu trúc túi có hình dạng giống quả lê nằm bên dưới gan. Gan là cơ quan sản xuất dịch mật để tiêu hóa thức ăn và túi mật có chức năng dự trữ lại dịch mật. Các ống mật trong gan tập hợp lại tạo thành ống gan chung, và túi mật sẽ hợp với ống gan chung tạo thành ống mật chủ giúp đổ dịch mật từ gan xuống ruột non. Vậy bên cạnh dịch mật đổ trực tiếp từ gan, ruột non sẽ nhận thêm một lượng mật từ túi mật đẩy ra khi túi mật co bóp, đặc biệt khi ăn chất béo hay thức ăn nhiều dầu mỡ.2 3

Về cơ chế hình thành các loại sỏi mật

Về cấu tạo, có 2 loại sỏi mật thường gặp là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố. Về vị trí, có thể chia thành 3 vị trí hình thành sỏi:1

Sỏi túi mật

Khi dịch mật cô đặc bên trong túi mật, một số thành phần trong dịch mật (cholesterol, bilirubin, lecithin và muối mật) bị mất cân bằng hay hiện diện ở nồng độ cao vượt quá khả năng có thể hòa tan được, các thành phần này sẽ ở kết tinh lại ở dạng hạt tinh thể, dần dần tạo thành những cặn lắng dạng bùn (sỏi bùn hay bùn mật). Theo thời gian, những tinh thể và cặn lắng kết dính lại ngày càng nhiều tạo thành sỏi. Nhìn chung, sỏi mật có thể hình thành nếu dịch mật có nhiều cholesterol, nhiều bilirubin hoặc quá ít lecithin hay muối mật. Sỏi ở túi mật đa số là sỏi cholesterol, ít gặp hơn là sỏi sắc tố đen.

  • Sỏi cholesterol: Thường có màu vàng xanh, thành phần chủ yếu là các tinh thể cholesterol. Loại sỏi này thường hình thành ở túi mật và liên quan đến các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,….Ở Hoa Kỳ, hơn 80% trường hợp là sỏi cholesterol.
  • Sỏi sắc tố đen: Trường hợp người bệnh có bệnh lý huyết học hoặc xơ gan kèm theo. Bilirubin trong dịch mật sẽ tăng lên và kết hợp với canxi để tạo thành tinh thể và cuối cùng là hình thành sỏi. Lúc này sỏi thường có màu đen và hình thành chủ yếu ở túi mật.

Sỏi ống mật chủ:

Sỏi ống mật chủ có thể là nguyên phát (hình thành tại ống mật chủ) hoặc thứ phát (sỏi từ rơi ra khỏi túi mật và kẹt lại ở ống mật chủ).

  • Sỏi sắc tố nâu: Thường có màu nâu, hình thành trực tiếp tại ống mật. Người bệnh có các bệnh lý gây tắc nghẽn và viêm hẹp đường mật (thường do sán lá hay giun đũa) với sự hiện diện của vi khuẩn trong dịch mật, các vi khuẩn này cũng tham gia vào quá trình tạo sỏi, lúc này sỏi thường có màu nâu và hình thành chủ yếu ở các ống mật (gồm cả ống mật chủ và ống mật trong gan) nơi bị tắc nghẽn và viêm nhiễm do vi khuẩn. Sỏi sắc tố nâu thì ít gặp ở Hoa Kỳ nhưng lại rất hay gặp ở khu vực Đông Nam Á (gồm cả Việt Nam).
  • Sỏi cholesterol và sỏi sắc tố đen: Thường là thứ phát do sỏi từ túi mật rơi xuống.

Sỏi đường mật trong gan:

  • Sỏi nguyên phát từ đường mật trong gan cũng có cơ chế hình thành tương tự  như sỏi ống mật chủ nguyên phát, chủ yếu liên quan đến tắc nghẽn và viêm hẹp đường mật.
Cây đường mật và các vị trí sỏi mật
Cây đường mật và các vị trí sỏi mật

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh sỏi mật

Các loại sỏi khác nhau với các thành phần và cơ chế hình thành khác nhau thì sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau chẳng hạn như:1 2 4

Các yếu tố nguy cơ của sỏi cholesterol

  • Nữ giới.
  • ≥40 tuổi.
  • Mang thai nhiều lần.
  • Bệnh lý rối loạn chuyển hóa: Béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…
  • Chủng tộc Âu Mỹ.
  • Các yếu tố gia đình và di truyền.
  • Một số loại thuốc: Estrogen, thuốc tránh thai, clofibrate, somatostatin,…

Các yếu tố nguy cơ của sỏi sắc tố

  • Bệnh lý huyết học gây tan máu (tán huyết) mạn tính: Bệnh lý hồng cầu (hình liềm, hình bầu dục hay hình bia), beta – thalassemia,…
  • Các nguyên nhân gây viêm hẹp đường mật: nang ống mật chủ, sán lá gan, giun chui ống mật, sau phẫu thuật ổ bụng có liên quan đến đường mật,…

Các yếu tố nguy cơ khác:

  • Các nguyên nhân từ đường tiêu hóa: Bệnh Crohn (bệnh viêm ruột từng vùng), bệnh lý hồi tràng (đoạn cuối ruột non) hay phẫu thuật cắt đoạn hồi tràng, sụt cân đột ngột do chế độ ăn kiêng giảm cân không đúng cách hay trải qua phẫu thuật nối vị tràng (nối tắt dạ dày-ruột).
  • Bỏng nặng, chấn thương nặng, chấn thương tủy sống đoạn cao, yếu liệt, người bệnh nằm ở phòng ICU (hồi sức tích cực), nhịn ăn đường miệng với nuôi ăn đường tĩnh mạch hoàn toàn,…

Triệu chứng của bệnh sỏi mật

Sỏi mật có thể hình thành một cách chậm rãi và âm thầm, người bệnh có thể không có triệu chứng gì trong nhiều năm. Các triệu chứng và biến chứng của bệnh sỏi mật là hậu quả do sỏi gây tắc nghẽn tại túi mật hoặc ở vị trí khác (ống mật trong gan hay ống mật chủ).1 3 Các triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi mật:1 2 4

  • Cơn đau quặn mật ở thượng vị và vùng hạ sườn phải.
  • Vàng da, ngứa, tiểu vàng sậm, tiêu phân bạc màu.
  • Sốt.
  • Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi.
  • Buồn nôn, nôn.

Đặc điểm của cơn đau quặn mật1 2 3

  • Cơn đau quặn mật xuất hiện khi sỏi gây tắc nghẽn tại ống túi mật hay cổ túi mật khi túi mật co bóp (hoặc gây tắc nghẽn tại ống mật chủ nếu sỏi kẹt tại đây). Các cơn đau có thể xuất hiện rời rạc và không thể dự báo trước.
  • Người bệnh thường có cảm giác đau bụng quặn cơn ở thượng vị, quanh rốn hay vùng hạ sườn phải và có thể lan đến vai phải. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn, nhất là bữa ăn nhiều dầu mỡ. Cảm giác đau tăng dần trong khoảng 10 – 20 phút và có thể kéo dài từ 1 – 5 tiếng cho đến khi túi mật giảm co bóp, khi đó sỏi rời khỏi vị trí tắc nghẽn và rơi lại vào trong lòng túi mật. Trong đa số trường hợp, cơn đau kéo dài trong khoảng 30 – 90 phút sau đó tự giới hạn.
  • Cơn đau thường không giảm kể cả khi người bệnh nôn, dùng thuốc kháng axit, trung tiện, đại tiện hay thay đổi tư thế. Các triệu chứng khác như vã mồ hôi, buồn nôn hay nôn có thể xuất hiện trong cơn đau.
Mô tả hướng vị trí cơn đau quặn mật
Mô tả hướng vị trí cơn đau quặn mật

Dấu hiệu của bệnh sỏi mật

Việc phân biệt giữa cơn đau quặn mật thông thường với sỏi mật có kèm theo những biến chứng khác hoặc phân biệt với những bệnh lý khác có thể gặp khó khăn nếu chỉ dựa vào các triệu chứng than phiền từ phía người bệnh. Lúc này bác sĩ có thể thực hiện một số kỹ thuật thăm khám để hỗ trợ trong công tác chẩn đoán. Chẳng hạn như:1

  • Ấn đau khu trú vùng bụng ¼ trên phải. Thường kèm theo phản ứng dội và dấu hiệu đề kháng thành bụng gợi ý đến viêm túi mật cấp.
  • Dấu hiệu Murphy: Ấn vào điểm Murphy (điểm túi mật) ở vùng bụng ¼ trên phải khi người bệnh hít sâu. Người bệnh sẽ có cảm giác đau đột ngột đến mức nín thở. Dấu hiệu Murphy (+) gợi ý mạnh đến viêm túi mật cấp.
  • Vàng da niêm và ngứa: Bác sĩ thăm khám ghi nhận tình trạng da và niêm mạc (thường quan sát ở mắt) nhuộm một màu vàng gợi ý đến có tình trạng tắc nghẽn tại ống mật chủ.
  • Tam chứng Charcot: Người bệnh hội tụ đủ các triệu chứng đau bụng vùng ¼ trên phải – sốt – vàng da gợi ý mạnh đến tình trạng viêm đường mật cấp.

Các biến chứng của bệnh sỏi mật

Nếu sỏi gây tắc nghẽn tại túi mật kéo dài, người bệnh sẽ thấy đau tăng nhiều hơn về cường độ và thời gian. Lúc này, tình trạng tắc nghẽn gây viêm nhiễm, phù nề có thể dẫn đến các biến chứng của bệnh. Hoặc trong trường hợp khác, khi sỏi gây tắc nghẽn tại những vị trí khác sẽ gây thêm những biến chứng khác:1 4

Các biến chứng tại túi mật

Các biến chứng khác

  • Viêm đường mật cấp.
  • Viêm tụy cấp.
  • Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
  • Rò túi mật – đường mật (hội chứng Mirizzi).
  • Rò túi mật – tá tràng.
  • Tắc ruột do sỏi mật.

Nếu không can thiệp điều trị kịp thời, các biến chứng này có thể gây tử vong.

Chẩn đoán sỏi mật như thế nào?

Hình ảnh học

Siêu âm ổ bụng

Siêu âm ổ bụng thường là phương tiện đầu tiên được lựa chọn trong khảo sảo bệnh lý túi mật và đường mật do đơn giản, dễ thực hiện, chi phí rẻ và đặc biệt là khả năng phát hiện sỏi tốt (nhất là với sỏi kích thước ≥ 2 mm). Tuy nhiên siêu âm cũng thường dễ bỏ sót sỏi ở ống mật chủ (nhất là đoạn cuối).1

Siêu âm cũng giúp phát hiện và chẩn đoán biến chứng viêm túi mật cấp với một số dấu hiệu như:1 5

  • Dày thành túi mật ≥ 4 mm.
  • Túi mật căng to ≥ 8 cm theo chiều dài, ≥ 4 cm theo chiều ngang.
  • Tụ dịch hay thâm nhiễm mỡ quanh túi mật.
  • Sỏi kẹt cổ túi mật, sỏi bùn tròng lòng túi mật.
  • Dấu hiệu Murphy trên siêu âm.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng

CT cũng có thể khảo sát được sỏi túi mật với các đặc điểm tương tự trên siêu âm nhưng rõ nét và chính xác hơn. Ngoài ra ưu điểm của CT so với siêu âm là có thể khảo sát thêm được sỏi ở ống mật chủ (nhất là đoạn cuối) đồng thời có thể khảo sát cùng lúc tất cả cơ quan trong ổ bụng giúp cho chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.1 5

Chụp cộng hưởng từ (MRI) đường mật (hay MRCP)

Khả năng dựng hình, khảo sát bệnh lý đường mật trong và ngoài gan của MRCP thì tốt và chính xác hơn so với CT. Tuy nhiên, đây là một phương tiện đắt tiền, thời gian thực hiện lâu hơn và khó tiếp cận.1 5

Xạ hình gan mật (với đồng vị 99m Tc hay HIDA)

Xạ hình gan mật là phương tiện được dùng trong chẩn đoán tình trạng tắc nghẽn tại ống túi mật hay co thắt túi mật bất thường với các đồng vị phóng xạ không gây hại được tiêm vào máu người bệnh qua đường tĩnh mạch.1 4

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Người bệnh trước hết được thực hiện nội soi dạ dày tá tràng từ đường miệng. Sau đó, chất cản quang sẽ được bơm vào đường mật từ tá tràng và hình ảnh đường mật sẽ được chụp lại trên nền X quang. ERCP đồng thời là phương tiện chẩn đoán và điều trị nếu có tình trạng tắc nghẽn tại ống mật chủ khi phối hợp với cắt cơ vòng Oddi và các dụng cụ lấy sỏi nội soi.1 4

Chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC)

Đây là một thủ thuật bơm thuốc cản quang qua một kim luồn đặc biệt được đặt từ ngoài da xuyên qua gan để vào đường mật trong gan. Hình ảnh đường mật cũng sẽ được chụp lại trên nền X – quang.1 4

X – quang bụng đứng không sửa soạn

Sỏi chứa canxi hay hình ảnh túi mật bị canxi hóa có thể phát hiện qua X – quang. Một số dấu hiệu khác như hơi trong đường mật có thể gợi ý đến biến chứng viêm đường mật hay rò mật – ruột. Tuy nhiên, X – quang bụng đứng không phải là phương tiện được lựa chọn trong chẩn đoán sỏi túi mật, vai trò chính của X – quang là để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác gây đau bụng cấp như thủng loét dạ dày tá tràng, tắc ruột,…1

Kết quả siêu âm và CT bụng điển hình của một trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi
Kết quả siêu âm và CT bụng điển hình của một trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi

Xét nghiệm sinh hóa máu

  • Một số xét nghiệm có thể được thực hiện như:1 4
    • Tổng phân tích tế bào máu.
    • Chức năng gan: AST (SGOT), ALT (SGPT), TQ (INR), TCK, Albumin, Bilirubin toàn phần, Bilirubin trực tiếp, ALP.
    • Men tụy: Amylase, Lipase.
  • Với bệnh lý sỏi mật chưa biến chứng hay cơn đau quặn mật đơn thuần, đa số các xét nghiệm sẽ cho kết quả trong giới hạn bình thường. Khi các kết quả xét nghiệm có bất thường là dấu hiệu gợi ý đến sỏi túi mật có biến chứng. Các xét nghiệm trên có thể được thực hiện lặp đi lặp lại sau vài ngày giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá đáp ứng của quá trình điều trị. Khi bệnh nhân có chỉ định can thiệp ngoại khoa, một số xét nghiệm tiền phẫu nhằm đánh giá tổng quan về thể trạng người bệnh trước mổ cũng sẽ được các bác sĩ chỉ định bổ sung.
 Kết quả CT bụng và xét nghiệm máu của một trường hợp sỏi ống mật chủ gây biến chứng viêm tụy cấp với số lượng bạch cầu tăng, bất thường chức năng gan và tăng men tụy
Kết quả CT bụng và xét nghiệm máu của một trường hợp sỏi ống mật chủ gây biến chứng viêm tụy cấp với số lượng bạch cầu tăng, bất thường chức năng gan và tăng men tụy

Chẩn đoán phân biệt

  • Sỏi túi mật có thể phát hiện tình cờ cùng những bệnh lý khác. Chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích,… Nên các triệu chứng tương tự và trùng lấp giữa các bệnh lý này như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu,…có thể gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị:1 4

Các bệnh lý trong ổ bụng:

Các bệnh lý ngoài ổ bụng:

Phương pháp điều trị sỏi túi mật

Chiến lược điều trị sỏi mật tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất sỏi và vị trí sỏi gây tắc nghẽn, người bệnh có hay không có triệu chứng và biến chứng, mức độ nặng của bệnh, thể trạng người bệnh,…1 3 Như đã đề cập ở phần mở đầu, bài viết này chủ yếu nhấn chia sẻ về các phương pháp điều trị sỏi túi mật.

Với sỏi túi mật không triệu chứng

Các lựa chọn điều trị cho sỏi túi mật không triệu chứng bao gồm:1 2 3 4

Theo dõi đơn thuần kết hợp với điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng

Các phương pháp điều trị không mổ

  • Phương pháp này gồm: Thuốc tan sỏi và tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng siêu âm.
  • Các phương pháp này chỉ hiệu quả khi thỏa các điều kiện sỏi túi mật với thành phần chính là cholesterol, kích thước nhỏ < 1 cm và chức năng túi mật còn tốt. Với thuốc tan sỏi, liệu trình điều trị có thể kéo dài hơn 6 – 18 tháng và tỷ lệ thành công tương đối thấp (bé hơn 50%). Các triệu chứng và biến chứng của sỏi vẫn có thể xuất hiện cho đến khi hết sỏi hoàn toàn. Theo các nghiên cứu khả năng tái phát trong vòng 5 năm sau khi hết sỏi vẫn ở mức cao lên đến 50%.1

Phẫu thuật

Với sỏi túi mật không triệu chứng, các chỉ định phẫu thuật rất hạn chế. Ngoài ra còn không được ủng hộ do nguy cơ tai biến từ phẫu thuật là cao hơn so với khả năng sỏi gây nên những cơn đau quặn mật trong tương lai. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt túi mật dự phòng cho người mang sỏi không triệu chứng có thể được chỉ định trong những tình huống đặc biệt:1

  • Nguy cơ ung thư hóa cao:
    • Sỏi kích thước lớn ≥ 2 cm.
    • Túi mật không còn chức năng (xơ teo) hoặc canxi hóa nặng (túi mật sứ).
  • Khó phát hiện tình trạng đau bụng hoặc khó chẩn đoán phân biệt với các bệnh ký khác:
    • Chấn thương tủy sống hoặc bệnh lý thần kinh cảm giác ảnh hưởng đến vùng bụng.
    • Cơn đau cấp tính của bệnh lý hồng cầu.
  • Bệnh lý nền kèm theo có khả năng làm nặng thêm các biến chứng của sỏi chẳng hạn như:
    • Xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
    • Bệnh lý tim mạch, đái tháo đường.
    • Người chuẩn bị ghép tạng.

Với sỏi túi mật có triệu chứng

Can thiệp ngoại khoa thường là phương pháp điều trị được chỉ định cho sỏi túi mật có triệu chứng. Gồm các phương pháp sau:1 3

Phẫu thuật cắt túi mật (nội soi hay mổ mở):

Tùy tình huống và thể trạng người bệnh mà các bác sĩ có thể tư vấn về phẫu thuật cắt túi mật mổ mở hay mổ nội soi.3 Một số trường hợp mổ mở được ưu tiên hơn do người bệnh không thích hợp để mổ nội soi như có nhiều bệnh nền kèm theo, có các biến chứng nặng, sỏi ở nhiều vị trí trên đường mật cần phối hợp nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau,…

Những ưu điểm của phẫu thuật nội soi so với mổ mở bao gồm:3

  • Ít đau hơn và khả năng hồi phục tốt hơn.
  • Rút ngắn thời gian nằm viện.
  • Có thể trở lại sinh hoạt và làm việc sớm.
  • Sẹo mổ nhỏ.
  • Dẫn lưu túi mật

Tình huống túi mật viêm hoại tử nặng kèm nhiễm trùng huyết, thể trạng người bệnh không phù hợp, việc thực hiện phẫu thuật cắt túi mật có thể làm nặng nề thêm tình trạng bệnh. Lúc này, bác sĩ có thể dùng một kim luồn đặc biệt đâm xuyên từ ngoài da vào bụng đến túi mật dưới hướng dẫn của các phương tiện hình ảnh học để định hướng dẫn lưu túi mật. Thủ thuật này thường giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Phẫu thuật cắt túi mật có thể tiến hành một thời gian sau đó khi thể trạng người bệnh đã ổn định.1

Một số lưu ý sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi, nếu khả năng hồi phục tốt, người bệnh có thể xuất viện trong cùng ngày mổ hoặc sang ngày hôm sau. Với phẫu thuật cắt túi mật mổ mở, thời gian theo dõi sau mổ thường từ 3 – 4 ngày. Người bệnh có thể quay trở lại làm việc, vận động thể lực sau 1 – 2 tuần nếu mổ nội soi hoặc 1 tháng với mổ mở.3 4 Trong trường hợp người bệnh có biến chứng hoặc thể trạng bệnh nặng, thời gian theo dõi và hồi phục sau mổ sẽ kéo dài hơn.

Sau khi cắt túi mật, cơ thể chỉ mất đi một “kho dự trữ”. Dịch mật vẫn có thể đổ trực tiếp từ gan xuống ruột non và vì thế hoạt động tiêu hóa vẫn diễn ra một cách bình thường. Túi mật sau khi được cắt ra sẽ gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh lý để đánh giá về mô học (lành tính hay ác tính).3 4

Minh họa phẫu thuật cắt túi mật nội soi và mổ mở
Minh họa phẫu thuật cắt túi mật nội soi và mổ mở

Cách trị sỏi túi mật tại nhà

Người bệnh không nên tự ý điều trị sỏi túi mật tại nhà khi chưa được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán do các triệu chứng của bệnh dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác dẫn đến chậm trễ trong chiến lược điều trị. Khi người bệnh đã được chẩn đoán đầy đủ và đủ điều kiện để điều trị tại nhà, bác sĩ có thể tư vấn các phương pháp sau:1 2 3 4

Điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng

  • Tăng cường vận động thể lực ít nhất 2 – 3 tiếng/tuần.
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế các loại thức ăn nhiều tinh bột, nhiều dầu mỡ.
  • Kiểm soát cân nặng, giảm cân đúng cách.

Dùng thuốc tan sỏi

Thuốc tan sỏi (Actigall hay Chenix): Bản chất là axit mật được trích xuất từ mật gấu (Ursodeoxycholic acid) và mật ngỗng (Chenodeoxycholic acid). Tuy nhiên, các loại thuốc này thường chỉ dùng cho sỏi cholesterol kích thước nhỏ. Liệu trình điều trị kéo dài nhiều tháng và nguy cơ tái phát cao và vẫn có khả năng có biến chứng nếu sỏi chưa tan hết.

Khi nào nên phẫu thuật?

Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn về phương pháp điều trị sau khi được thăm khám và chẩn đoán đầy đủ. Trong đa số tình huống sỏi túi mật gây đau hoặc có biến chứng khác, các bác sĩ sẽ đề nghị can thiệp phẫu thuật nếu không có chống chỉ định.3

Các biện pháp phòng ngừa sỏi mật

Các nguyên tắc về phòng ngừa sỏi mật dựa trên cơ chế hình thành sỏi và yếu tố nguy cơ của bệnh, bao gồm:

  • Điều chỉnh lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực.
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế các loại thức ăn nhiều tinh bột, nhiều dầu mỡ.
  • Kiểm soát cân nặng, giảm cân đúng cách.
  • Xổ giun định kỳ.
  • Thăm khám và tuân thủ điều trị các bệnh lý nền là yếu tố nguy cơ tạo sỏi.
  • Không tự ý dùng các loại thuốc điều trị không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Bệnh lý sỏi mật rất đa dạng, không chỉ có sỏi túi mật, sỏi mật có thể ở các vị trí khác như ống mật chủ hay đường mật trong gan vì vậy các chiến lược điều trị cũng khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc sẽ có cái nhìn bao quát hơn về bệnh lý sỏi mật, các phương pháp chẩn đoán và điều trị sỏi túi mật, cách dự phòng bệnh lý này và một số dấu hiệu gợi ý người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm khi có chỉ định.

Câu hỏi thường gặp

Uống gì để tan sỏi mật?

Một số loại thuốc tan sỏi được nghiên cứu có thể có hiệu quả làm tan sỏi mật khi dùng liên tục trong thời gian dài bản chất là các axit mật trích xuất từ mật gấu (Ursodeoxycholic acid) hay mật ngỗng (Chenodeoxycholic acid).

Tuy nhiên, bệnh lý sỏi mật rất đa dạng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà phương pháp điều trị có thể khác nhau. Các loại thuốc tan sỏi hiện chỉ áp dụng cho trường hợp sỏi túi mật nhỏ, bản chất là cholesterol, liệu trình điều trị kéo dài, người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát và biến chứng. Với sỏi sắc tố hay sỏi mật ở các vị trí khác (như ống mật chủ hay đường mật trong gan) đòi hỏi một chiến lược điều trị khác.

Mổ nội soi sỏi túi mật giá bao nhiêu?

Chi phí phẫu thuật nội soi cắt túi mật đơn thuần tại các bệnh viện công lập theo ban hành của Bộ Y Tế khoảng từ 3 – 4 triệu.7 Tuy nhiên, đây chỉ là chi phí phẫu thuật, chưa bao gồm các chi phí khác như công thăm khám, các xét nghiệm chẩn đoán, chi phí về giường phòng, có hay không thực hiện các thủ thuật/phẫu thuật khác kèm theo,… Nhìn chung, tổng chi phí phải trả thường dao động từ 5 – 8 triệu hoặc 10 – 15 triệu nếu người bệnh lựa chọn mổ dịch vụ hoặc mổ tại các bệnh viên tư nhân. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế (thông thường hoặc tư nhân) có thể sử dụng để miễn giảm một số chi phí tùy vào loại đối tượng đăng ký bảo hiểm hay hợp đồng bảo hiểm. Để biết được con số gần chính xác nhất người bệnh có thể liên hệ đến bác sĩ hay bệnh viện đăng ký để được hướng dẫn cụ thể.

Bị sỏi mật có nên mang thai không?

Chức năng và hoạt động của túi mật có thể bị ảnh hưởng bởi thai kỳ và ngược lại, các triệu chứng và biến chứng của bệnh sỏi mật trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi:6

  • Phụ nữ thường bị sỏi mật hơn nam giới (nhất là sỏi cholesterol túi mật), thai phụ càng dễ bị hơn do estrogen được sản xuất ra nhiều hơn trong thai kỳ
  • Các biến chứng của sỏi mật trong thai kỳ (chủ yếu là do tình trạng nhiễm trùng) có thể gây sinh non, suy thai, sẩy thai, thai lưu,…

Sỏi mật không phải là một chống chỉ định của việc mang thai. Nếu người bệnh đã biết sỏi mật và có kế hoạch sinh con hoặc tình cờ phát hiện sỏi mật trong thai kỳ, nếu có bất kỳ lo lắng về việc mang thai nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn về các phương pháp theo dõi, lựa chọn can thiệp điều trị khi có chỉ định.

Nếu sỏi mật không triệu chứng phát hiện trong thai kỳ, đa số trường hợp có thể theo dõi. Tuy nhiên khi có chỉ định can thiệp phẫu thuật từ phía bác sĩ, thai phụ thường vẫn có thể được tiến hành phẫu thuật an toàn với sự hợp tác điều trị giữa bác sĩ ngoại, bác sĩ sản và các chuyên khoa khác có liên quan.

Đau sỏi mật nên làm gì?

Người bệnh khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý sỏi mật như cơn đau quặn mật nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Tình huống sỏi mật không triệu chứng phát hiện tình cờ khi thăm khám vì một bệnh lý khác hay qua khám sức khỏe định kỳ, người bệnh cũng có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn về vấn đề theo dõi hoặc điều trị dự phòng khi có chỉ định.

Một số dấu hiệu nghi ngờ sỏi mật có biến chứng mà người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay:1 4

  • Đau bụng kéo dài hơn 5 tiếng.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Sốt có hay không kèm lạnh run.
  • Vàng da, tiểu vàng sậm, tiêu phân bạc màu.

Sỏi mật có nguy hiểm không?

Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh lý sỏi mật là cơn đau quặn mật. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể tự giới hạn, tuy nhiên nếu tình trạng tắc nghẽn đường mật kéo dài, người bệnh không được thăm khám và can thiệp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng có thể tử vong.1 4

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Douglas M Heuman, MD, FACP, FACG, AGAF. Gallstones (Cholelithiasis)https://emedicine.medscape.com/article/175667-overview

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  2. Patricia Lynne Turner, MD, FACS. Kathleen Heneghan, RN, MSN. Mark Malangoni, MD, FACS. Cholecystectomy – Surgical Removal of the Gallbladder (2009)http://www.drrozario.com/files/cholecystectomy.pdf

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  3. Zahir Soonawalla, Clinical Lead, Hepatobiliary and Pancreatic Servicehttps://www.ouh.nhs.uk/patient-guide/leaflets/files/52403Pcholecystectomy.pdf

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  4. National Digestive Diseases Information Clearinghouse. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. Gallstones. NIH Publication No. 13–2897. September 2013.https://www.niddk.nih.gov/-/media/Files/Digestive-Diseases/Gallstones_508.pdf

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  5. Tokyo Guidelines 2018: diagnostic criteria and severity grading of acute cholecystitis (with videos). Journal of hepato-biliary-pancreatic sciences, 25(1), 41–54.https://doi.org/10.1002/jhbp.515

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  6. Pregnancy and Gallbladder: Is It Affected?https://www.healthline.com/health/pregnancy/gallbladder

    Ngày tham khảo: 07/10/2022

  7. Bộ Y Tế. Thông Tư 39/2018/TT-BYT Thống Nhất Giá Khám Chữa Bệnh Bảo Hiểm Y Tế Giữa Bệnh Viện Cùng Hạng.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người