YouMed

Nhận diện sớm các dấu hiệu của hội chứng cận ung

bác sĩ nguyền hồ thanh an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng quát

Ung thư là một nhóm bệnh lý nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong khá cao do thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người bệnh trải qua các biểu hiện đặc trưng, gợi ý sự tồn tại của một khối u ác tính trong cơ thể. Điều đó giúp cho việc chẩn đoán và điều trị được thực hiện sớm cũng như hiệu quả hơn. Vậy làm thế nào để nhận diện sớm các dấu hiệu của hội chứng cận ung? Chúng ta hãy tìm hiểu trong bài viết sau.

1. Hội chứng cận ung là gì?

Hội chứng cận ung thư là một tập hợp các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra ở những người có khối u ác tính (ung thư) trong cơ thể.

Chúng xuất hiện ở khoảng 20% người bị ung thư và xảy ra thường xuyên nhất ở những người độ tuổi trung niên bị ung thư vúbạch huyếtphổi hoặc buồng trứng. Nếu được nhận diện sớm, nó có thể giúp bác sĩ chủ động tìm kiếm và phát hiện khối u ác tính (ung thư) ở ngay những giai đoạn đầu tiên – khi chúng còn có thể được điều trị một cách hiệu quả.

Có thể chủ động điều trị nếu hội chứng được phát hiện sớm
Có thể chủ động điều trị nếu hội chứng được phát hiện sớm

2. Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tuổi.
  • Đã được chẩn đoán ung thư trước đó.
  • Tiền sử gia đình mắc một số bệnh ung thư.

Một số loại ung thư có khả năng cao hơn gây ra hội chứng cận ung. Chúng thường bao gồm:

  • Vú.
  • Dạ dày.
  • Huyết học (máu).
  • Hạch.
  • Phổi.
  • Buồng trứng.
  • Tụy.
  • Thận.

3. Hội chứng cận ung được tạo ra như thế nào?

Các bất thường trong hội chứng cận ung có thể được gây ra bởi hai nguyên nhân chính sau đây:

  • Thứ nhất: Một số khối u tiết ra các hóa chất có thể khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách bất thường, tạo ra những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cận ung thư. Nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn của các hệ cơ quan bị ảnh hưởng.
  • Thứ hai: Hệ thống miễn dịch cũng có thể tạo ra một chất đặc biệt (gọi là kháng thể) để giúp cơ thể nhận ra các tế bào khối u cần được tiêu diệt. Nhưng đôi khi, chúng không chỉ tấn công các tế bào khối u mà còn đồng thời tấn công luôn các mô khỏe mạnh. Điều này dẫn đến những dấu hiệu và triệu chứng không được mong đợi.

4. Hội chứng cận ung biểu hiện như thế nào?

Trong hơn một nửa các trường hợp, hội chứng cận ung xuất hiện trước khi người bệnh được chẩn đoán ung thư.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nó khác nhau tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng và thường được phân chia như sau:

  • Triệu chứng không đặc hiệu, ví dụ: sốt, ăn không ngon, chán ăn, sụt cân.
Sụt cân không mong muốn có thể là dấu hiệu gợi ý ung thư
Sụt cân không mong muốn có thể là dấu hiệu gợi ý ung thư
  • Xương, khớp: Có thể biểu hiện với các bệnh lý như viêm đa khớp dạng thấp, bệnh xương khớp phì đại.
  • Thận: Hạ kali máu, hạ natri máu, tăng natri máu, tăng phosphate máu và nhiễm kiềm hoặc nhiễm toan, hội chứng thận hư… có thể là một dấu hiệu của hội chứng cận ung.
  • Đường tiêu hóa: Tiêu chảy mất nước, kéo dài có thể dẫn đến lơ mơ và suy kiệt.
  • Huyết học: Thường thấy nhất là triệu chứng thiếu máu với da xanh xao, mệt mỏi. Ngoài ra cũng có thể gặp các bất thường khác như: tăng số lượng tiểu cầu, đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)…
  • Da: Ngứa.
Nốt sắc tố nhỏ ở da (có thể nhầm với nốt ruồi) cũng có thể là biểu hiện sớm hội chứng cận ung thư
Nốt sắc tố nhỏ ở da (có thể nhầm với nốt ruồi) cũng có thể là biểu hiện sớm hội chứng cận ung thư
  • Nội tiết: Ví dụ phổ biến nhất của rối loạn nội tiết liên quan đến hội chứng cận ung là hội chứng Cushing.
  • Thần kinh, cơ: Hiếm gặp.

5. Khi nào tôi nên đi khám?

Liên hệ với bác sĩ bất cứ khi nào bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng được đề cập ở trên mà không có nguyên nhân cụ thể gây ra chúng (ví dụ: sụt cân mặc dù vẫn ăn uống ngon miệng, nghỉ ngơi đầy đủ).

Đối với những người đã được điều trị khỏi ung thư trong vòng 5 năm qua, khi xuất hiện triệu chứng của hội chứng cận ung, chúng ta nên kiểm tra lại để xem bệnh có tái phát hay không.

>> Bệnh ung thư sau khi đã điều trị vẫn có khả năng tái phát. Xem thêm bài viết Ung thư vú tái phát có dấu hiệu gì?

6. Chẩn đoán

Khi nghi ngờ có dấu hiệu của hội chứng cận ung, người bệnh phải trải qua một quy trình chẩn đoán đầy đủ bao gồm:

  • Các xét nghiệm về máu, nước tiểu và dịch não tủy.
  • Thăm dò chức năng – nội soi phế quản, nội soi đường tiêu hóa rất hữu ích để phát hiện khối u của đường hô hấp và tiêu hóa. Nó cũng cho phép người kiểm tra lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học, nhằm mục đích phân biệt các tổn thương lành tính với ác tính.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường khá hữu ích. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và quét cộng hưởng từ (MRI) trên toàn bộ cơ thể cho phép phát hiện vị trí, sự xâm lấn của khối u và các vùng di căn của nó (nếu có). Xạ hình có thể hữu ích ở những bệnh nhân bị rối loạn nội tiết liên quan đến khối u sản xuất hormone.
Các phương pháp hình ảnh như CT, MRI giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị
Các phương pháp hình ảnh như CT, MRI giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị

7. Điều trị

Điều trị trong trường hợp người bệnh có hội chứng cận ung nhằm hai mục đích chính:

  • Giải quyết nguyên nhân. Mục tiêu chủ yếu của điều trị xoay quanh việc xử lý khối u ác tính, ví dụ như: phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị liệu (sử dụng một mình hoặc kết hợp).
  • Làm giảm triệu chứng. Ở những bệnh nhân có tự kháng thể rõ ràng trong huyết thanh, các phương pháp ức chế miễn dịch có thể được sử dụng, chẳng hạn như globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, steroid hoặc thuốc đè nén miễn dịch…

Ngoài ra, các can thiệp trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng cũng có thể hữu ích. 

Hội chứng cận ung là một tập hợp các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra ở những người có khối u ác tính. Chúng bao gồm các biểu hiện vô cùng đa dạng tùy theo hệ cơ quan bị ảnh hưởng và thường ít khi xuất hiện. Tuy nhiên, một khi được phát hiện, đây có thể là thông tin hữu ích giúp bác sĩ chủ động đi tìm và nhận diện được một khối u ác tính ở giai đoạn sớm hơn.  

Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người