YouMed

Nhau cài răng lược: Định nghĩa, nguyên nhân, thông tin xử trí

Sinh viên NGUYỄN HOÀNG YẾN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến
Chuyên khoa: Đa khoa

Nhau thai là một thể phát triển bên trong tử cung trong thời kỳ mang thai. Nhiệm vụ của nó là cung cấp máu, oxy và dinh dưỡng để em bé phát triển. Nhau thai kết nối với em bé thông qua dây rốn. Trong thai kỳ, nhau thai gắn vào thành tử cung và sẽ bong ra sau khi đứa bé ra đời. Tuy nhiên, vì một vài lý do nào đó, một phần hoặc toàn bộ bánh nhau dính chặt vào thành tử cung. Nếu cố tách bánh nhau ra sẽ gây chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng người mẹ. Tình trạng này được gọi là nhau cài răng lược.

1. Tổng quan

Nhau cài răng lược (NCRL) là tình trạng bám bất thường của nhau thai. Trong đó, các gai nhau bám chặt vào sâu bên trong thành tử cung. Tùy thuộc vào mức độ xâm nhập của gai nhau, có thể chia làm 3 thể:

  • Accreta: Gai nhau bám trực tiếp lên bề mặt cơ tử cung, chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 80%.
  • Increta: Gai nhau xâm nhập sâu vào cơ của tử cung, chiếm 15%.
  • Percreta: Gai nhau  xuyên qua cơ tử cung và có thể xâm lấn các cơ quan lân cận (ví dụ: bàng quang), chiếm 5%.
Các loại gai nhau bám bất thường
Các loại gai nhau bám bất thường

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa kỳ (ACOG), tần suất xuất hiện NCRL ngày càng tăng lên theo thời gian. Bằng chứng là vào năm 1970, tần suất xuất hiện là 1/2.510 ca sinh. Đến năm 2002, tần suất là 1/533 ca. Đặc biệt, vào năm 2016, một thống kê tại Mỹ cho thấy tần suất NCRL là 1/272 ca. Tỉ lệ tăng ngày càng cao của NCRL trong suốt 4 thập kỷ qua có liên quan đến nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là tăng tần suất sinh mổ. Tỉ lệ sinh mổ càng cao thì số ca gặp NCRL cũng tăng theo. 

2. Làm sao để phát hiện nhau cài răng lược?

Phụ nữ có NCRL thường không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong thai kỳ. Thông thường, chúng sẽ được phát hiện qua siêu âm khi bạn khám thai trước sinh.

Tuy nhiên, NCRL vẫn có thể gây chảy máu âm đạo trong 3 tháng cuối thai kỳ. Mức độ chảy máu có thể nhẹ hoặc chảy ồ ạt. Trong trường hợp này, hãy đến cơ sở sản phụ khoa uy tín gần nhà nhất để được xử trí kịp thời. Nếu không, tính mạng của mẹ và con sẽ bị đe dọa khi lượng máu mất quá nhiều.

3. Nguyên nhân gây ra nhau cài răng lược?

Nguyên nhân gây ra NCRL vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc NCRL nhiều hơn, bao gồm:

  • Sinh mổ: Phụ nữ đã từng sinh mổ sẽ tăng nguy cơ mắc NCRL trong lần mang thai tiếp theo. Điều này có nghĩa là sinh mổ càng nhiều thì nguy cơ càng cao. Theo ACOG, ước tính rằng những phụ nữ đã từng sinh mổ tối thiểu một lần, chiếm 60% các ca có NCRL.
  • Có phẫu thuật liên quan đến tử cung trước đó như: Từng nạo lòng tử cung, cắt u xơ tử cung… cũng gây tăng nguy cơ NCRL.
  • Nhau thai nằm ở vị trí bất thường: Khi bánh nhau nằm ở vị trí che một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung – nhau tiền đạo, nguy cơ NCRL là 3%. Trường hợp phụ nữ đã từng được chẩn đoán nhau tiền đạo và sinh mổ trong lần mang thai trước, tỉ lệ NCRL càng tăng cao.
  • Tuổi mẹ: NCRL phổ biến hơn ở phụ nữ trên 35 tuổi.
  • Sinh con nhiều lần: Nguy cơ NCRL càng tăng khi số lần sinh con càng nhiều.
Phụ nữ từng sinh mổ có nguy cơ mắc nhau cài răng lược cao hơn
Phụ nữ từng sinh mổ có nguy cơ mắc nhau cài răng lược cao hơn

Tuy nhiên, trong ít trường hợp, người mẹ vẫn có thể có NCRL mặc dù không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào như: sinh mổ, tiền sử có phẫu thuật liên quan đến tử cung…

4. Hậu quả của nhau cài răng lược

NCRL có thể gây ra:

  • Chảy máu âm đạo nặng: NCRL có nguy cơ gây chảy máu âm đạo nghiêm trọng sau khi sinh. Chảy máu quá nhiều có thể đe dọa tính mạng người mẹ nếu không được xử trí kịp thời. Ngoài ra, tình trạng này còn làm ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể, suy thận, suy hô hấp, thậm chí gây tử vong cho mẹ.
  • Sinh non: NCRL khi đã xác định trước sinh sẽ được lên kế hoạch chấm dứt thai kỳ sớm hơn, thường khoảng trước một tháng so với ngày dự sinh. Tuy nhiên, trường hợp có chảy máu âm đạo nhiều trong quá trình mang thai sẽ cần mổ cấp cứu đứa bé ra sớm hơn dự định. Mặc dù lúc này trẻ chưa được phát triển toàn diện trong bụng mẹ.  

5. Nhau cài răng lược được chẩn đoán như thế nào?

Phương thức chẩn đoán chính NCRL là siêu âm, bao gồm siêu âm bụng và qua ngã âm đạo. Đa số NCRL được phát hiện vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, một vài trường hợp vẫn có thể phát hiện sớm trong 3 tháng đầu.

Siêu âm giúp chẩn đoán nhau cài răng lược
Siêu âm giúp chẩn đoán nhau cài răng lược

Phụ nữ đặc biệt có các yếu tố của NCRL, chẳng hạn như sinh mổ trước đó, có nhau tiền đạo… tốt nhất nên đến các cơ sở sản phụ khoa uy tín, tuyến đầu. Bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn cao sẽ giúp kiểm tra, phát hiện kịp thời NCRL.

Trong một vài trường hợp, ngoài siêu âm, bác sĩ có thể đề nghị thêm MRI. Phương tiện này giúp đánh giá mức độ xâm lấn của gai nhau lên thành tử cung và cơ quan lân cận.

6. Xử lý nhau cài răng lược như thế nào?

NCRL sẽ được chấm dứt thai kỳ qua sinh mổ vào thời điểm phù hợp, thường vào khoảng một tháng trước ngày dự sinh. Vì sinh ngã âm đạo sẽ gây chảy máu trầm trọng, khó cầm được, đe dọa tính mạng người mẹ và em bé.

Trường hợp NCRL gây chảy máu nghiêm trọng trong quá trình mang thai, bác sĩ sẽ cân nhắc yêu cầu mổ lấy thai cấp cứu để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ cân nhắc mổ lấy thai
Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ cân nhắc mổ lấy thai

Việc mổ lấy thai do NCRL đều phải được thực hiện tại các cơ sở sản phụ khoa uy tín. Nơi có đầy đủ ngân hàng máu, thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ phẫu thuật viên có kinh nghiệm để cuộc phẫu thuật mang lại kết quả tốt nhất, giảm tỉ lệ tai biến không mong muốn.

Ngoài ra, tùy thuộc vào nhu cầu của người mẹ muốn tiếp tục có con, mức độ chảy máu trước sinh và trong cuộc mổ, mức độ xâm lấn của gai nhau lên tử cung… bác sĩ sẽ tư vấn cho người mẹ và người thân trong việc quyết định cắt tử cung. Điều này được thực hiện trong cuộc mổ ngay sau khi đưa em bé ra ngoài.

7. Có cách nào phòng ngừa hay không?

Phụ nữ không có cách nào ngăn ngừa NCRL. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm tỉ lệ mắc bằng cách quản lý tốt các yếu tố nguy cơ.

Như đã đề cập, tỉ lệ NCRL tăng dần theo số lần sinh mổ, phẫu thuật trên tử cung, tuổi mẹ và số lần sinh con. Vì thế, thai phụ nên có kế hoạch sinh sản phù hợp, khám thai định kỳ đều đặn. Đặc biệt, chỉ nên sinh mổ khi được chỉ định bởi bác sĩ Sản khoa. Tỉ lệ sinh mổ càng thấp, tỉ lệ NCRL và các tai biến trong sinh mổ càng ít.

>> Việc khám thai theo đúng lịch sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát tốt hơn sức khỏe bản thân và cả thai nhi. Đọc thêm: Các mốc khám thai mẹ bầu cần nhớ!

8. Người mẹ nên làm gì để giảm lo lắng?

Người mẹ có thể lo lắng về tình trạng của mình, điều này sẽ ảnh hưởng đến em bé và khả năng mang thai sau này. Để giảm bớt nỗi lo, người mẹ nên:

Tìm hiểu thông tin về NCRL

Thu thập thông tin về tình trạng của mình có thể giúp giảm bớt lo lắng. Ngoài ra, hãy ghi lại các câu hỏi mà bạn băn khoăn như: khả năng phục hồi, khả năng mang thai sau này, nên tránh điều gì trong lúc mang thai… và hỏi bác sĩ Sản khoa đang phụ trách chăm sóc cho bạn. Bác sĩ sẽ tư vấn dựa trên hoàn cảnh cá nhân, tiên lượng mức độ NCRL của bạn.

Mẹ nên tìm hiểu thông tin về nhau cài răng lược
Mẹ nên tìm hiểu thông tin về nhau cài răng lược

Chuẩn bị tâm lý cho việc sinh mổ

Đây là chỉ định bắt buộc trong NCRL để đảm bảo khả năng cầm máu tốt khi đưa em bé ra ngoài. Trong lúc này, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng sức khỏe của bạn và em bé quan trọng hơn lựa chọn phương pháp sinh nở.

Tham vấn cùng bác sĩ trong việc cắt tử cung

Sau phẫu thuật cắt tử cung, bạn sẽ không còn có chu kỳ kinh nguyệt hoặc có thể mang thai. Nếu bạn vẫn còn mong muốn có con, hãy hỏi bác sĩ về tình trạng của bạn. Bác sĩ sẽ cân nhắc để đảm bảo an toàn cho bạn khi phẫu thuật giữ lại tử cung.

Hãy nghỉ ngơi và giữ tinh thần thoải mái

Dành thời gian cho các hoạt động nhẹ nhàng giúp bạn thư giãn. Chẳng hạn như đọc sách về chăm trẻ sơ sinh hoặc nghe nhạc, mua nhu yếu phẩm cần thiết cho em bé. Chúng có thể giúp bạn bình tĩnh và giảm căng thẳng rất nhiều.

Hãy duy trì tinh thần vui vẻ, thoải mái
Hãy duy trì tinh thần vui vẻ, thoải mái

Điều quan trọng

Trong trường hợp bạn đến bệnh viện thăm khám khi có dấu hiệu đau bụng, ra máu âm đạo, hoặc bất kỳ lý do gì, hãy thông báo cho người thân biết. Hãy chắc chắn rằng có ít nhất một người bên cạnh bạn khi ở bệnh viện. Vì nếu cần, đặc biệt trong trường hợp cấp bách, bác sĩ sẽ cần trao đổi với người thân trước khi xử lý một tình huống sản khoa nào đó.

NCRL có thể ảnh hưởng xấu tới mẹ và con nếu không được quản lý chặt chẽ. Để giảm thiểu tình trạng này và các nguy cơ tiềm tàng khác, hãy khám thai càng sớm càng tốt ngay khi biết mình có thai. Trong quá trình mang thai, luôn khám sức khỏe định kỳ theo lịch của bác sĩ. Tùy thuộc vào nguy cơ nhiều hay ít của người mẹ, lịch khám sức khỏe sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, hãy để ý đến những thay đổi bất thường khi mang thai. Dù chỉ là nhẹ nhất (như ra máu âm đạo ít) cũng cần được đến cơ sở sản phụ khoa để kiểm tra.

Sinh viên Nguyễn Hoàng Yến

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • ACOG (2012), “Placenta Accreta Spectrum”, đăng nhập 03/04/2020 tại website https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/obstetric-care-consensus/articles/2018/12/placenta-accreta-spectrum
  • Mayoclinic (2019), “Placenta Accreta”, đăng nhập 03/04/2020 tại website https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/placenta-accreta/symptoms-causes/syc-20376431
  • Erica Cirino (2016), “Pregnancy Complications: Placenta Accreta”, đăng nhập 03/04/2020 tại website https://www.healthline.com/health/pregnancy/preterm-labor-delivery-placenta-accreta
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người