YouMed

Nhiễm Clostridium difficile: nguy hiểm hay không?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Clostridium difficile hay còn được gọi là C. difficile hay C. diff là một loại vi khuẩn gây ra các triệu chứng từ nhẹ như tiêu chảy đến đe doạ tính mạng như viêm đại tràng. C. difficile thường gây bệnh ở người cao tuổi đang điều trị bệnh và thường sau khi sử dụng kháng sinh. Những năm gần đây, nhiễm C. difficile đang dần trở nên phổ biến và khó điều trị hơn. Cùng bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu ngay nhé!

Một số người có sẵn vi khuẩn C. difficile trong đường ruột nhưng không bao giờ bị bệnh. Những triệu chứng thường xuất hiện trong 5 đến 10 ngày sau khi sử dụng kháng sinh. Đôi khi triệu chứng nhiễm Clostridium difficile xuất hiện rất sớm từ ngày đầu tiên sử dụng kháng sinh hay có khi đến 2 tháng sau mới xuất hiện.

Nhiễm C. difficile nhẹ đến trung bình

Những triệu chứng thường thấy nhất là:

  • Tiêu chảy từ 3 lần/ngày trong 2 ngày hay nhiều hơn
  • Đau quặn bụng.

Nhiễm C. difficile nặng

Những người nhiễm Clostridium difficile nặng thường dễ bị mất nước và cần nhập viện. C. difficile làm ruột già bị viêm và đôi khi hình thành các mảng mô tạo mủ và rất dễ chảy máu. Các triệu chứng bao gồm:

Nhiễm Clostridium difficile còn có thể gây viêm ruột nặng, phình đại tràng nhiễm độc và nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng nguy hiểm và cần can thiệp y tế sớm.

Đau bụng có thể gặp trong nhiễm C. difficile từ nhẹ đến nặng
Đau bụng có thể gặp trong nhiễm C. difficile từ nhẹ đến nặng

Khi nào bạn nên đi khám?

Một số người có thể tiêu phân lỏng ngay sau khi sử dụng kháng sinh do nhiễm C. difficile. Cần đi khám nếu xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Tiêu phân lỏng từ 3 lần/ngày trở lên.
  • Những triệu chứng kéo dài trên 2 ngày.
  • Sốt.
  • Đau quặn bụng hay đau bụng dữ dội.
  • Có máu trong phân.

C. difficile lây truyền qua đường nào?

Vi khuẩn C. difficile có thể được tìm thấy trong đất, không khí, nước, phân của con người và động vật hay các thực phẩm chế biến từ động vật. Một số ít người mang vi khuẩn này trong đường ruột nhưng không có triệu chứng gì.

Các bào tử của C. difficile được truyền qua phân và lây sang thực phẩm, bề mặt các đồ vật khi người bị nhiễm không rửa tay kỹ. Những bào tử này có thể tồn tại trong nhiều tuần hay nhiều tháng. Nếu bạn chạm vào về mặt bị nhiễm bào tử, bạn có thể vô tình nuốt phải vi khuẩn C. difficile.

Sau khi nhiễm, C. difficile tạo ra các độc chất tấn công niêm mạc ruột. Các độc chất này phá huỷ tế bào, tạo ra các mảng tế bào viêm, phân huỷ các mảnh vụn tế bào bên trong ruột gây tiêu chảy.

Những ai dễ bị nhiễm C. difficile?

Sử dụng kháng sinh hoặc một số loại thuốc khác

Đường ruột chứa khoảng 100 triệu triệu vi khuẩn và khoảng 2000 loại. Phần lớn trong số đó bảo vệ bạn khỏi nhiễm những loại vi khuẩn có hại. Sau khi sử dụng, kháng sinh ngoại trừ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, nó còn tác động lên một số loại vi khuẩn có lợi. Trong trường hợp không đủ lợi khuẩn, C. difficile có thể bùng phát nhanh chóng. Những nhóm kháng sinh thường gây nhiễm C. difficile gồm:

Nhiều nhóm kháng sinh có thể gây nhiễm C. difficile
Nhiều nhóm kháng sinh có thể gây nhiễm C. difficile

Tiềm ẩn từ trong các cơ sở y tế

Đa số trường hợp Nhiễm Clostridium difficile xảy ra ở những người đang ở bệnh viện hoặc vừa xuất viện gần đây. Cơ sở y tế thường là nơi vi khuẩn C. difficile dễ lây lan do tiếp xúc trực tiếp. Các con đường lây lan thường gặp bao gồm thông qua chạm tay, tiếp xúc thành giường, bàn, bồn rửa, kẹp nhiệt hay thậm chí điện thoại.

Đang mắc bệnh nghiêm trọng hoặc vừa trải qua phẫu thuật

Nếu bạn đang mắc bệnh nặng như viêm ruột, ung thư đại tràng, suy giảm miễn dịch (chẳng hạn sau khi hoá trị), bạn dễ nhiễm C. difficile. Ngoài ra nguy cơ nhiễm C. difficile cũng tăng lên nếu bạn vừa phẫu thuật vùng bụng.

Những yếu tố nguy cơ khác

Phụ nữ thường dễ nhiễm C.difficile hơn nam giới. Tuổi cũng là một yếu tố nguy cơ. Những người lớn hơn 65 tuổi có nguy cơ nhiễm gấp 10 lần những người trẻ hơn. Ngoài ra, bệnh nhân từng nhiễm C. difficile trước đây cũng tăng nguy cơ tái nhiễm.

Nhiễm C. difficile có thể gây những biến chứng gì?

Mất nước

Tiêu chảy nhiều có thể dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Tình trạng này có thể gây ra tụt huyết áp và rối loạn các chức năng của cơ thể.

Suy thận

Trong một số trường hợp, tình trạng mất nước diễn ra nhanh đến nỗi chức năng thận suy giảm nhanh chóng gây suy thận cấp.

Phình đại tràng nhiễm độc

Khi này đại tràng không thể thải khí và phân gây ra tình trạng giãn to. Phình đại tràng nhiễm độc hiếm khi xảy ra nhưng nếu không được điều trị, đại tràng có thể vỡ làm vi khuẩn tràn vào khoang bụng. Phình hay vỡ đại tràng cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp và có thể đe dọa tính mạng.

Thủng ruột

Biến chứng này cũng hiếm khi xảy ra. Thủng ruột thường do tổn thương nghiêm trọng niêm mạc ruột hay sau khi phình đại tràng nhiễm độc. Biến chứng thủng ruột khiến vi khuẩn tràn vào khoang bụng gây viêm phúc mạc.

Tử vong

Thậm chí nhiễm C. difficile mức độ nhẹ đến vừa cũng có thể diễn tiến nhanh chóng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Lời khuyên của bác sĩ trong phòng ngừa nhiễm C. difficile?

Để tránh lây lan C. difficile, các bệnh viện cần tuân theo các khuyến cáo trong điều trị các bệnh nhiễm trùng. Các phương pháp bạn có thể thực hiện nhằm tránh lây nhiễm gồm:

Tránh sử dụng kháng sinh nếu không cần thiết

Kháng sinh thỉnh thoảng được kê cho những bệnh do virus mặc dù nó không có ích trong những trường hợp này. Nên chỉ theo dõi và tái khám nếu bệnh nhẹ. Nếu cần sử dụng kháng sinh, bạn nên đi khám để bác sĩ có thể kê kháng sinh phù hợp.

Rửa thay thường xuyên

Các nhân viên y tế nên rửa tay trước và sau khi thăm khám bệnh nhân. Nên rửa tay với nước và xà phòng hơn là sử dụng nước rửa tay nhanh vì chúng không hiệu quả trong việc tiêu diệt các bào tử C. difficile. Người nhà bệnh nhân cũng nên rửa thay thường xuyên trước và sau khi thăm bệnh nhân.

Tiếp xúc cẩn thận

Những người nhập viện vì nhiễm C. difficile cần ở phòng riêng biệt hay chung phòng với những bệnh nhân mắc bệnh tương tự. Nhân viên bệnh viện và người thân bệnh nhân nên mang găng tay và đồ bảo hộ khi tiếp xúc.

Dọn dẹp và vệ sinh kỹ càng

Ở các cơ sở y tế, cần sát khuẩn cẩn thận tất cả bề mặt bằng thuốc tẩy chứa chlorine. Các bào tử của C. difficile có thể sống sót dù lau rửa bằng những chất không chứa thành phần tẩy rửa.

Rửa tay thường xuyên giúp phòng bệnh
Rửa tay thường xuyên giúp phòng nhiễm C. difficile

Chẩn đoán nhiễm C. difficile cần làm gì?

Bác sĩ sẽ nghi ngờ nhiễm Clostridium difficile ở những người bị tiêu chảy và có yếu tố nguy cơ. Khi đó, bác sĩ sẽ đề nghị những xét nghiệm như:

Xét nghiệm phân

Những độc chất do C. difficile tạo ra có thể tìm thấy trong mẫu phân. Có thể phương pháp xét nghiệm như:

  • PCR: phương pháp này rất nhạy và có độ chính xác cao trong phát hiện gen B của C. difficile trong mẫu phân.
  • GDH/EIA: giúp loại trừ C. difficile trong mẫu phân.
  • Phương pháp ELISA: có kết quả nhanh chóng nhưng kém nhạy và có thể âm giả. Vì thế thường không sử dụng xét nghiệm này một mình trong chẩn đoán.

Xét nghiệm tìm C. difficile thường không cần thiết nếu bạn không bị tiêu chảy. Những xét nghiệm này cũng không giúp theo dõi điều trị.

Nội soi đại tràng

Trong một số ít trường hợp, nhằm chẩn đoán nhiễm C. difficile hay chẩn đoán phân biệt những nguyên nhân khác, bác sĩ có thể nội soi đại tràng. Một ống mềm có camera ở một đầu được đưa vào đại tràng để quan sát khu vực viêm và giả mạc.

Hình ảnh học

Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị biến chứng do nhiễm Clostridium difficile, bác sĩ có thể đề nghị X-quang bụng hay CT-scan để quan sát đại tràng. Hình ảnh học giúp phát hiện biến chứng như dày thành đại tràng, phình đại tràng hay thủng ruột.

Hình ảnh biến chứng phình đại tràng nhiễm độc
Hình ảnh biến chứng phình đại tràng nhiễm độc

Điều trị nhiễm C. difficile như thế nào?

Bước đầu trong điều trị nhiễm Clostridium difficile là ngưng sử dụng loại kháng sinh nghi ngờ gây bệnh nếu có thể. Tuỳ thuộc vào mức độ nặng tình trạng nhiễm trùng, có thể sử dụng những phương pháp điều trị như:

Kháng sinh

Thông thường, có thể điều trị nhiễm C. difficile bằng cách sử dụng một nhóm kháng sinh khác. Những loại kháng sinh này ngăn C.difficile phát triển giúp giảm tiêu chảy và ngăn ngừa các biến chứng. Bác sĩ có thể sẽ kê Vancomycin hay fidaxomicin.

Phẫu thuật

Cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị nhiễm trùng ở những bệnh nhân đau dữ dội, suy chức năng các cơ quan, phình đại tràng nhiễm độc hay viêm phúc mạc.

Hiện nay nhiễm C. difficile ngày càng phổ biến, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như sử dụng kháng sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Do đó khi xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Hy vọng  viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về nhiễm C. difficile.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. C. difficile infectionhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/c-difficile/symptoms-causes/syc-20351691

    Ngày tham khảo: 28/08/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người