YouMed

Nhiễm khuẩn âm đạo: Những tác hại khôn lường

Bác sĩ LỮ THỊ HỒNG VÂN
Tác giả: Bác sĩ Lữ Thị Hồng Vân
Chuyên khoa: Lão khoa, Tim mạch

Mọi nữ giới đều có thể bị nhiễm khuẩn âm đạo. Bệnh tác động đến đời sống và sinh hoạt của người phụ nữ, để lại nhiều di chứng và biến chứng ảnh hưởng khả năng sinh sản cũng như các vấn đề sức khoẻ lâu dài. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó thường gặp nhất là viêm âm đạo do vi khuẩn. Tình trạng này còn làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

1. Nhiễm khuẩn âm đạo là gì?

Nhiễm khuẩn âm đạo là tình trạng mất cân bằng giữa các vi khuẩn thường trú trong âm đạo hoặc có sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài vào. Việc này làm mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo. Bệnh thường gặp nhất ở nữ giới độ tuổi từ 15 đến 45.

2. Vì sao bạn mắc nhiễm khuẩn âm đạo?

2.1. Thông tin chung về hệ khuẩn âm đạo

Bình thường, trong âm đạo của người phụ nữ có các vi khuẩn thường trú. Các vi khuẩn này tồn tại trong mối quan hệ cộng sinh giữa vật chủ là môi trường âm đạo và bản thân chúng là các ký sinh vật.

Mối quan hệ cộng sinh mật thiết giữa âm đạo và cộng đoàn vi khuẩn tạo nên một môi trường cân bằng. Âm đạo cung cấp dưỡng chất cho vi sinh vật, đảm bảo sự phát triển của chúng. Ngược lại, các vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ vật chủ bằng cách ngăn ngừa sự trú đóng của những vi khuẩn gây bệnh.

Trong âm đạo nữ giới có vi khuẩn thường trú
Trong âm đạo nữ giới có vi khuẩn thường trú

Các tác động bởi hành vi của con người như: dùng kháng sinh, dùng thuốc tránh thai nội tiết, thói quen hoạt động tình dục với nhiều bạn tình, thói quen thụt rửa âm đạo… sẽ bị ảnh hưởng khả năng bảo vệ của vi sinh vật. Việc này làm mất cân bằng của hệ vi khuẩn thường trú, dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo.

2.2. Các nguyên nhân thường gặp 

  • Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
  • Thụt rửa âm đạo.
  • Dùng dụng cụ tránh thai.
  • Sử dụng các thuốc đặt âm đạo dài ngày.
  • Dùng thuốc kháng sinh lâu dài.
  • Suy giảm miễn dịch hay rối loạn miễn dịch.

3. Các triệu chứng phổ biến của bệnh 

  • Ngứa âm đạo, đỏ và sưng tấy nhẹ.
  • Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ.
  • Ra huyết trắng nhiều hơn bình thường.
  • Ra dịch màu vàng hôi, mùi hôi có thể nặng hơn sau quan hệ.
  • Cảm thấy nóng rát khi đi tiểu.
Bệnh gây ngứa ngáy
Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu cho chị em phụ nữ

4. Tác hại của nhiễm khuẩn âm đạo đối với phụ nữ mang thai

  • Phụ nữ mang thai có sự thay đổi lớn về nội tiết tố trong cơ thể. Việc này gây bất lợi cho hệ vi khuẩn thường trú. Vì thế, họ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn âm đạo cao hơn so với người không mang thai.
  • Phụ nữ mang thai bị mắc bệnh có nhiều khả năng sinh non hoặc sinh con nhẹ cân hơn so với người không mắc bệnh.

>> Bạn có thể quan tâm: Chăm sóc trẻ sinh non: Cần lưu ý những gì?

5. Điều trị như thế nào?

  • Nhiễm khuẩn âm đạo có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng nặng thì bạn phải cần điều trị.
  • Bệnh chủ yếu được điều trị bằng các thuốc kháng sinh hoặc thuốc bổ trợ làm cân bằng môi trường vi sinh vật trong môi trường âm đạo.
  • Bạn cần lưu ý là bệnh này vẫn có thể tái phát bình thường sau khi điều trị. Vì thế, sau điều trị, bạn vẫn phải dùng các biện pháp phòng ngừa để tránh bị tái phát.
  • Nếu bạn mắc bệnh mà vẫn cố chấp không muốn điều trị thì có thể dẫn đến những tác hại khôn lường. Việc này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: bệnh lậu, bệnh nhiễm chlamydia… Các vi khuẩn này gây ra tình trạng viêm vùng chậu khiến bạn tăng nguy cơ vô sinh.
Bạn cần phối hợp điều trị với bác sĩ
Bạn cần phối hợp điều trị với bác sĩ

6. Các biện pháp phòng ngừa

  • Quan hệ tình dục an toàn, nên dùng bao cao su và hạn chế số bạn tình.
  • Không thụt rửa âm đạo.
  • Khi đi vệ sinh, lưu ý lau từ trước ra sau để tránh lây lan vi khuẩn từ phân vào âm đạo.
  • Tránh dùng thuốc kháng sinh dài ngày. Dùng thuốc phải theo toa của bác sĩ.
  • Khám phụ khoa định kỳ.

Nhiễm khuẩn âm đạo là một tình trạng phổ biến. Bệnh gây nhiều phiền hà cho phụ nữ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc phòng ngừa hết sức dễ dàng nên bạn cần thực hiện ngay bây giờ. Khi bạn có các triệu chứng của viêm nhiễm âm đạo, hãy đến khám bác sĩ ngay để không xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ Lữ Thị Hồng Vân

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • CDC, “Bacterial vaginosis”, đăng nhập 1-10-2018, tại website: https://www.cdc.gov
  • uptodate, “Patient education: Bacterial vaginosis”, đăng nhập 18-7-2019, tại website: https://www.uptodate.com
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người