YouMed

Những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm mà bạn nên biết

bác sĩ nguyệt thanh
Tác giả: Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh
Chuyên khoa: Đa khoa

Hàng năm, ước tính cứ 6 người Mỹ (hay 48 triệu người) thì có 1 người mắc ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt có tới, 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người chết vì các bệnh do thực phẩm. Vì vậy, ngộ độc thực phẩm là một bệnh phổ biến mà mỗi chúng ta cần quan tâm. Bài viết sau của Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh sẽ cung cấp những kiến thức về ngộ độc thực phẩm để giúp bạn phòng tránh và có cách xử trí tốt hơn để tránh những biến chứng mà nó gây ra.

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các nguyên nhân gây ra bệnh do thực phẩm bao gồm: vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng.

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm

Các triệu chứng thường gặp:

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm đa dạng, thay đổi từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào nguồn nhiễm bệnh. Hầu hết các loại ngộ độc thực phẩm gây ra một hoặc nhiều dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Buồn nôn.
  • Nôn ói.
  • Tiêu chảy phân nước hoặc phân có lẫn máu.
  • Đau bụng và chuột rút.
  • Sốt.

Bạn có thể có triệu chứng trong vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Hoặc triệu chứng có thể bắt đầu vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau đó. Bệnh do ngộ độc thực phẩm thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

Tiêu chảy là dấu hiệu đặc trưng khi bị ngộ độc thực phẩm
Tiêu chảy là một trong những dấu hiệu đặc trưng khi bị ngộ độc thực phẩm

Các triệu chứng cần đến khám bác sĩ:

Nắm vững những nguyên tắc cơ bản về cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm để biết cách xử trí kịp thời Khi có các triệu chứng sau, cần gọi ngay 115 hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất:

  • Thường xuyên bị nôn mửa.
  • Nôn hoặc đi cầu có máu.
  • Tiêu chảy kéo dài hơn ba ngày.
  • Đau bụng quá mức hoặc đau quặn bụng dữ dội.
  • Sốt cao hơn 38 độ C (nhiệt độ đo ở miệng).
  • Các triệu chứng của mất nước: khát nước quá mức, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Các triệu chứng thần kinh như: nhìn mờ, yếu cơ và ngứa ran ở cánh tay.

Xem thêm về cách xử trí ngay các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm qua bài viết: https://youmed.vn/tin-tuc/ngo-doc-thuc-pham/

Những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Rửa sạch – nguyên tắc cơ bản trong những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm:

Rửa tay và rửa các bề mặt trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm. Hướng dẫn cụ thể như sau:

Rửa tay đúng cách:

6 bước rửa tay đúng cách
Rửa tay đúng cách để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm

Rửa tay đúng cách là cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm hiệu quả. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, bạn không những phòng ngộ độc thực phẩm mà còn phòng nhiều bệnh khác. Các bước rửa tay đúng cách như sau:

  • Dùng xà phòng và nước thường, chà mu bàn tay, kẽ ngón tay và dưới móng tay. Thực hiện trong ít nhất 20 giây.
  • Rửa sạch tay lại bằng nước. Sau đó, lau khô tay bằng khăn sạch.
  • Rửa tay thường xuyên là một cách quan trọng tránh ngộ độc thực phẩm. Bạn có thể xem thêm các thời điểm cần rửa tay tại đây

Rửa sạch bề mặt và đồ dùng sau mỗi lần sử dụng:

  • Rửa thớt, bát đĩa, đồ dùng và mặt bàn bằng nước nóng, xà phòng. Đặc biệt là sau mỗi lần chạm vào thịt sống. Thường xuyên giặt khăn lau bát đĩa bằng nước nóng.
  • Rửa trái cây và rau quả trước dưới vòi nước chảy, không được dùng xà phòng hay các chất tẩy trắng. Cắt bỏ bất kỳ chỗ nào bị hư hại hoặc bầm tím. Sau đó, lau khô bằng khăn giấy hay vải sạch.
  • Không rửa thịt, gia cầm, trứng hoặc hải sản để tránh lây lan vi trùng có hại xung quanh bếp của bạn.
  • Sản phẩm được dán nhãn là “đã được làm sạch” không cần phải rửa lại.

Phân loại và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm tránh nhiễm khuẩn chéo

  • Khi đi chợ, bạn để riêng thực phẩm sống và các thực phẩm đã nấu chín.
  • Dùng nước xà phòng nóng để rửa kỹ các đĩa, dụng cụ và thớt đã chạm vào thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng hoặc bột mì.
  • Tại nhà, đặt thịt, gia cầm và hải sản sống trong hộp đựng hoặc túi nhựa kín, không bị rò rỉ. Hãy đông lạnh chúng nếu bạn không sử dụng chúng trong vòng vài ngày. Đối với trứng, để ở ngăn chính chứ không để ở cửa tủ.
  • Khi chế biến, sử dụng các vật dụng riêng cho đồ vật sống và chín. Làm sạch bằng xà phòng và nước ấm nếu đã đụng vào thức phẩm sống.

Nấu ăn ở nhiệt độ thích hợp

Một trong những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm đơn giản nhưng hiệu quả khác là nấu chín thức ăn. Nhiệt độ thích hợp đủ cao có thể tiêu diệt vi trùng.

nấu chín thực phẩm tránh ngộ độc thực phẩm
Chế biến thực phẩm kỹ và nấu chín thức ăn để hạn chế gia tăng ngộ độc thực phẩm

Sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo thực phẩm của bạn an toàn để sử dụng. Đặt nhiệt kế để đo nhiệt độ thực phẩm ở phần dày nhất của thực phẩm, đảm bảo không chạm vào xương, mỡ hoặc ruột.

Giữ thức ăn luôn nóng (60˚C trở lên) sau khi nấu:

Nếu bạn không sử dụng thức ăn ngay sau khi nấu, tránh để thực phẩm ở nhiệt độ từ 4°C – 60°C. Đây là khoảng nhiệt độ vi trùng phát triển nhanh chóng. Bạn có thể giữ ấm thức ăn bằng mâm đĩa, khay hâm nóng hay nồi nấu chậm.

Nấu kỹ thực phẩm trong lò vi sóng (74˚C trở lên):

Đọc hướng dẫn về nhiệt độ và thời gian lưu thực phẩm trong lò vi sóng để đảm bảo thực phẩm được chín kỹ và đều.

Đọc kỹ hướng dẫn xem sản phẩm có cho phép được khuấy trong lúc đun hay làm chín không.

Làm lạnh và rã đông thực phẩm đúng cách

  • Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm sinh sôi nhanh nhất từ 4°C đến 60°C.
  • Tủ lạnh của bạn nên được đặt ở 4° C trở xuống và tủ đông của bạn ở -17°C trở xuống.
  • Không bao giờ để thực phẩm dễ hỏng bên ngoài quá 2 giờ. Nếu thực phẩm đặt ở nhiệt độ trên 32°C (như xe hơi nóng hoặc ngoài trời), hãy cho vào tủ lạnh ngay trong vòng 1 giờ.

Cách an toàn nhất để rã đông hoặc ướp thịt, gia cầm và hải sản là rã đông trong tủ lạnh.

Biết khi nào nên vứt bỏ thực phẩm đúng cách để bảo vệ sức khỏe chính mình.

Nói chung, ngộ độc thực phẩm có thể gây ra nhiều tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm lại bằng những việc làm hết sức đơn giản. Các bạn có thể xem thêm các bài viết khác trên trang YouMed để có thêm được nhiều tin tức y tế chính thống nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Food poisoninghttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-poisoning/symptoms-causes/syc-20356230

    Ngày tham khảo: 25/02/2021

  2. Food poisoninghttps://www.nhs.uk/conditions/food-poisoning/

    Ngày tham khảo: 25/02/2021

  3. 5 thời điểm phải vệ sinh và quy trình rửa tay thường quyhttps://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/5-thoi-iem-phai-ve-sinh-va-quy-trinh-rua-tay-thuong-quy

    Ngày tham khảo: 25/02/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người