Dấu hiệu và tầm soát ung thư đại trực tràng
Nội dung bài viết
Ung thư đại trực tràng đang là loại ung thư ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, người bị ung thư đại trực tràng vẫn có cơ hội sống khỏe trong trường hợp phát hiện ra bệnh sớm. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về các dấu hiệu và tầm soát ung thư đại trực tràng qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang nhé!
Đại tràng và trực tràng nằm ở đâu trên cơ thể?
Đại tràng còn có tên khác là ruột già. Là một đoạn ruột nằm ở phần gần cuối trong ống tiêu hóa. Có chức năng hình thành và thải loại phân ra khỏi cơ thể.
Trực tràng chính là đoạn ruột tiếp theo của ruột già, nối ruột già với hậu môn, là những bộ phận vô cùng cần thiết trong quá trình đại tiện.
Dấu hiệu nào báo trước ung thư đại trực tràng?
1. Rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài
Mặc dù u chỉ nằm ở phần cuối của ống tiêu hóa nhưng nó cũng tác động đến những phần còn lại của hệ tiêu hóa. Người bệnh thường có cảm giác khó chịu vùng bụng, đầy bụng. Khi ăn thức ăn vào thì họ cảm thấy khó tiêu, đôi khi thấy chán ăn, không còn cảm giác ngon miệng. Những rối loạn này làm cho cơ thể suy nhược và sụt cân.
2. Sụt cân quá mức
Bạn cần chú ý nếu cân nặng bỗng nhiên giảm sút đột ngột trong khi bạn lại không ăn kiêng hay làm việc quá sức. Đó có thể là dấu hiệu của một khối u của đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
3. Bất thường trong việc đại tiện
Đại tràng và trực tràng là 2 bộ phận quan trọng để thực hiện chức năng đại tiện. Vì vậy, dấu hiệu thường thấy trong ung thư đại trực tràng là thay đổi thói quen đại tiện, táo bón, tiêu chảy thất thường. Người bệnh có cảm giác mót đi cầu, phân có thể lẫn dịch nhày, máu, hoặc phân bị dẹt. Sau khi đi xong vẫn muốn mót rặn.
4. Phân nhỏ, dẹt bất thường
Ruột của con người giống như một cái khuôn để tạo phân. Khi có khối u bất thường làm hẹp lòng ruột dẫn đến thay đổi hình dạng của phân. Cụ thể là phân có khả năng bị ép dẹt lại do phải đi qua một chỗ hẹp tạo nên bởi khối u.
5. Phân có lẫn máu
Máu có thể chảy ra từng giọt khi đi cầu hoặc máu lẫn trong phân. Tuy nhiên thì cần chú ý bệnh trĩ hoặc có vết nứt ở vùng hậu môn cũng làm cho người bệnh đi cầu ra máu.
6. Suy nhược cơ thể
Hầu như gặp trong tất cả các loại ung thư nhưng lại không đặc trưng nên rất dễ bị bỏ qua. Tình trạng này có thể là do máu theo phân đi ra ngoài cơ thể, làm cho người bệnh bị thiếu máu.
Một khi ung thư đã tiến triển thì có khi còn sờ được khối u trên bụng, da có thể vàng đi, bụng lớn dần…
Làm gì để xác định có ung thư đại trực tràng hay không?
Những dấu hiệu trên chỉ gợi ý về khả năng mắc ung thư đại trực tràng, không thể chắc chắn 100% có bệnh hay không. Do đó để xác định bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm.
Xét nghiệm CEA:
CEA là một chất do khối u tiết ra, do đó có thể dùng để tầm soát ung thư. CEA thường tăng cao trong các loại ung thư đường tiêu hóa, nhất là ung thư đại trực tràng.
Tuy nhiên, nồng độ CEA còn tăng trong các bệnh lý lành tính khác hoặc ở những người hút thuốc lá. Không phải tất cả những trường hợp ung thư đại trực tràng đều có tăng CEA.
Xét nghiệm tìm máu trong phân:
Máu trong phân không phải lúc nào cũng nhìn được bằng mắt thường. Vì vậy có những xét nghiệm có thể giúp phát hiện ra những trường hợp máu “ẩn” này.
Nội soi đại trực tràng:
Bác sĩ có thể dùng ống soi có gắn camera nhỏ đưa vào trong lòng ruột qua đường hậu môn. Để quan sát được những gì có bên trong đại tràng và trực tràng, giúp xác định chắc chắn có khối u hay không.
Dùng tia X và chất cản quang: Để tái hiện hình ảnh khung đại tràng
Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI):
Giúp xác định vị trí, kích thước khối u, khối u có di căn nơi khác hay chưa
Lấy một mẫu mô của khối u để xét nghiệm lành tính hay ác tính:
Quá trình lấy mẫu mô có thể được bác sĩ thực hiện khi nội soi đại trực tràng hay trong phòng mổ.
Biết được dấu hiệu và tầm soát ung thư đại trực tràng sẽ giúp phát hiện sớm ung thư. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên đến bệnh viện để khám tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.
Ung thư hiện đang là nhóm bệnh gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Mức độ ác tính của ung thư tùy thuộc vị trí và mức độ biệt hóa của tế bào. Cùng Youmed tìm hiểu về bệnh U thần kinh nội tiết nhé!
>>Xem thêm: U thần kinh nội tiết: Nhóm ung thư dễ bỏ sót