Những điều bạn cần biết về bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Nội dung bài viết
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một bệnh viêm mạn tính của thực quản được mô tả lần đầu tiên cách đây không lâu. Bệnh được kích hoạt bởi các chất gây dị ứng và gây khó khăn khi nuốt ở người lớn. Đầu tiên, đây được coi là bệnh hiếm gặp nhưng tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Hãy cùng Youmed tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan trong bài viết sau đây nhé!
1. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là bệnh gì?
Bạch cầu ái toan (eosinophil ) là một thành phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chúng thường có mặt trong niêm mạc đường tiêu hóa và giúp loại bỏ những tác nhân gây hại cho cơ thể.
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một bệnh hệ thống miễn dịch mãn tính. Khi đó bạch cầu ái toan tích tụ trong lớp niêm mạc của thực quản. Sự tích tụ này, là phản ứng với thức ăn, chất gây dị ứng hoặc acid trào ngược có thể gây viêm hoặc tổn thương mô thực quản. Mô thực quản bị tổn thương có thể dẫn đến khó nuốt hoặc khiến thức ăn bị mắc nghẹn khi bạn nuốt.
Có thể nói, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là bệnh hiếm và khá mới. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan được xác định từ đầu những năm 1990. Nhưng hiện nay bệnh ngày càng phổ biến. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành và có thể sẽ dẫn đến những sửa đổi trong chẩn đoán và điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
Xem thêm: “Hiểu về cơ quan thực quản của cơ thể“
2. Nguyên nhân của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là gì?
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về nguyên nhân chính xác của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.Họ nghĩ rằng đó là một hệ thống miễn dịch/phản ứng dị ứng với thực phẩm hoặc các chất trong môi trường của bạn. Như mạt bụi, lông động vật, phấn hoa và nấm mốc. Một số gen nhất định cũng có thể đóng một vai trò trong cơ chế bệnh sinh.
Vì vậy, trong viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, bạn có phản ứng dị ứng với một chất bên ngoài. Phản ứng có thể xảy ra như sau:
Phản ứng của thực quản: Lớp niêm mạc của thực quản phản ứng với các chất gây dị ứng
Sự nhân lên của bạch cầu ái toan: Các bạch cầu ái toan nhân lên trong thực quản của bạn và tạo ra một loại protein gây viêm.
Tổn thương thực quản: Tình trạng viêm có thể dẫn đến sẹo, hẹp và hình thành các mô xơ quá mức trong niêm mạc thực quản của bạn.
Khó nuốt và nuốt nghẹn: Bạn có thể gặp khó khăn khi nuốt (chứng khó nuốt) hoặc thức ăn bị mắc kẹt khi bạn nuốt
Các triệu chứng khác: Bạn có thể có các triệu chứng khác, chẳng hạn như đau ngực hoặc đau dạ dày.
Đã có sự gia tăng đáng kể số người được chẩn đoán mắc bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan trong thập kỷ qua. Lúc đầu, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng điều này là do sự phát triển của khoa học kĩ thuật. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu cho rằng căn bệnh này ngày càng trở nên phổ biến, song song với sự gia tăng của bệnh hen suyễn và dị ứng.
Xem thêm “Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?“
3. Các yếu tố nguy cơ bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Các yếu tố nguy cơ sau có thể liên quan đến viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan:
Khí hậu
Những người sống ở vùng khí hậu lạnh hoặc khô có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh này cao hơn những người ở vùng khí hậu khác.
Mùa
Mùa xuân đến mùa thu có thể là yếu tố nguy cơ. Có thể là do mức độ phấn hoa và các chất gây dị ứng khác cao hơn và mọi người có nhiều khả năng ở ngoài trời hơn.
Giới tính
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan thường gặp ở nam hơn nữ.
Lịch sử gia đình
Các bác sĩ cho rằng có thể viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có tính chất gia đình. Nếu các thành viên trong gia đình bạn bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, bạn có nhiều nguy cơ bị bệnh hơn.
Dị ứng và hen suyễn
Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm hoặc môi trường, hen suyễn, viêm da dị ứng hoặc bệnh hô hấp mãn tính, bạn có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
Tuổi tác
Ban đầu, bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan được cho là một căn bệnh thời thơ ấu. Nhưng bây giờ nó được biết là phổ biến ở cả người lớn. Các triệu chứng hơi khác nhau giữa trẻ em và người lớn.
4. Triệu chứng của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là gì?
Các triệu chứng của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có thể phụ thuộc vào độ tuổi của bạn. Đó là:
Ở trẻ em
- Khó khăn khi bú ở trẻ sơ sinh
- Khó khăn khi ăn, ở trẻ em
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Rối loạn nuốt
- Thức ăn mắc kẹt trong thực quản sau khi nuốt
- Không đáp ứng với thuốc trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Không phát triển (tăng trưởng kém, suy dinh dưỡng và giảm cân)
Người lớn:
Khó nuốt, rối loạn nuốt
- Thức ăn mắc kẹt trong thực quản sau khi nuốt
- Đau ngực, thường ở vị trí giữa ngực và không đáp ứng với thuốc kháng axit
- Trào ngược những thức ăn không tiêu
5. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn biết đấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau ngực, và có thể ngu hiểm đến tính mạng như nhồi máu cơ tim cấp.
Vì vậy, hãy tới bệnh viện ngay lập tức nếu bạn bị đau ngực, đặc biệt nếu bạn cũng bị khó thở hoặc đau lan lên hàm hoặc cánh tay. Đây có thể là các triệu chứng của cơn đau tim.
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan nghiêm trọng hoặc thường xuyên. Hoặc nếu bạn phải dùng đến thuốc cho triệu chứng ợ nóng hơn hai lần một tuần, hãy tới gặp bác sĩ của bạn.
6. Biến chứng của bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Ở một số người, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe sau:
Tạo sẹo và chít hẹp thực quản
Điều này khiến bạn khó nuốt và nhiều khả năng bạn sẽ bị nghẹn thức ăn.
Tổn thương thực quản
Do thực quản bị viêm nên nội soi có thể gây thủng hoặc rách mô lót thực quản. Rách cũng có thể xảy ra liên quan đến tình trạng nôn ọe mà một số người gặp phải khi thức ăn mắc kẹt trong thực quản.
Suy dinh dưỡng
Giảm thức ăn đưa vào cơ thể lâu ngày, sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng thể teo đét. Người bệnh có thể sẽ ở trong tình trạng suy kiệt toàn thân.
7. Chẩn đoán bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan như thế nào?
Bác sĩ sẽ xem xét cả các triệu chứng và kết quả xét nghiệm của bạn để chẩn đoán viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Điều này sẽ bao gồm việc xác định xem bạn có bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay không.
Các xét nghiệm để chẩn đoán viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan bao gồm:
Nội soi
Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi có chứa một máy camera nhỏ và nhẹ. Và đưa nó qua miệng của bạn xuống thực quản. Bác sĩ sẽ kiểm tra niêm mạc thực quản của bạn xem có bị viêm và sưng tấy, các vòng ngang, rãnh dọc, hẹp (khe hẹp) và các đốm trắng hay không. Tuy nhiên, một số người bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan nhưng quan sát thực quản thấy bình thường.
Sinh thiết
Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết thực quản của bạn. Sinh thiết bao gồm việc lấy một chút mô nhỏ. Bác sĩ có thể sẽ lấy nhiều mẫu từ thực quản của bạn và sau đó kiểm tra mô dưới kính hiển vi để tìm bạch cầu ái toan.
Xét nghiệm máu
Bạn có thể được làm xét nghiệm máu để tìm số lượng bạch cầu ái toan cao hơn bình thường hoặc tổng mức immunoglobulin E, cho thấy có dị ứng.
8. Điều trị bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan được coi là một bệnh tái phát mạn tính. Có nghĩa là hầu hết bạn sẽ cần điều trị liên tục để kiểm soát các triệu chứng của mình. Điều trị sẽ bao gồm một hoặc nhiều biện pháp sau đây:
Liệu pháp ăn kiêng
Tùy thuộc vào phản ứng của bạn với các xét nghiệm dị ứng thực phẩm, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn ngừng ăn một số loại thực phẩm. Chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa hoặc lúa mì, để giảm các triệu chứng và giảm viêm. Một chế độ ăn hạn chế hơn đôi khi được yêu cầu.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Trước tiên, bác sĩ của bạn có thể sẽ kê đơn thuốc ngăn chặn axit dạ dày như PPI. Phương pháp điều trị này dễ sử dụng nhất, nhưng hầu hết các triệu chứng của mọi người không cải thiện.
Thuốc steroid
Nếu bạn không đáp ứng với PPI, bác sĩ có thể sẽ kê toa một loại steroid tại chỗ, chẳng hạn như fluticasone hoặc budesonide. Thuốc dưới dạng một chất lỏng được nuốt để điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Loại steroid này không được hấp thụ vào máu, vì vậy bạn ít có khả năng bị các tác dụng phụ điển hình thường liên quan đến steroid.
Nong thực quản
Nếu bạn bị hẹp thực quản nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên bạn nên nong thực quản để giúp nuốt dễ dàng hơn. Nong thực quản có thể bằng thuốc giãn thực quản hoặc bằng bóng.
9. Chế độ sinh hoạt tại nhà
Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng, thay đổi lối sống có thể giúp giảm tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng này.
Duy trì cân nặng hợp lý
Cân nặng dư thừa gây áp lực lên bụng, đẩy dạ dày lên và khiến axit trào ngược lên thực quản. Nếu cân nặng của bạn ở mức hợp li, hãy cố gắng duy trì nó. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy cố gắng giảm cân từ từ – không quá 0,5 – 1 kg/tuần. Bạn có thể trao đỏi với bác sĩ trong việc đưa ra chiến lược giảm cân phù hợp với bạn.
Tránh thức ăn và đồ uống gây ợ nóng
Những thực phẩm nhiều chất béo hoặc chiên, nước sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và caffeine, có thể làm cho chứng ợ nóng trầm trọng hơn. Hãy cố gắng tránh các loại thực phẩm mà bạn biết sẽ gây ra chứng ợ nóng.
Xem thêm: “Trào ngược dạ dày thực quản: Nên và không nên ăn gì?“
Nằm đầu cao
Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng vào ban đêm hoặc trong khi ngủ, hãy cố gắng nằm đầu cao trong khi nằm nhé.
Tóm lại, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một căn bệnh khá mới và tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Đi khám bác sĩ sớm, tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát được căn bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.