Trào ngược dạ dày thực quản: Nên và không nên ăn gì?
Nội dung bài viết
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị. Bên cạnh việc dùng thuốc, điều chỉnh lối sống và ăn uống là rất cần thiết. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu những loại thực phẩm nên và không nên ăn để giúp hỗ trợ điều trị bệnh nhé.
Tại sao bị trào ngược dạ dày thực quản?
Trào ngược là hiện tượng mà axit dịch vị từ dạ dày trở ngược lên thực quản. Thực quản là một ống nối từ miệng xuống đến dạ dày. Bình thường, giữa thực quản và dạ dày sẽ có một “người gác cổng” gọi là cơ vòng thực quản. Khi thức ăn xuống đến dạ dày, “người gác cổng” sẽ khép cánh cổng lại, giúp thức ăn giữ lại dạ dày mà không bị trào ngược trở lên lại thực quản.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cơ này hoạt động yếu đi, dẫn đến việc axit trong dạ dày liên tục trào ngược trở lên hầu họng, thực quản, dẫn đến các biến chứng của bệnh như viêm loét ống thực quản, viêm họng, thậm chí tiến triển ung thư nếu không được điều trị.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng hay lứa tuổi nào. Những đối tượng có nguy cơ cao bị trào ngược bao gồm: thừa cân, béo phì, phụ nữ có thai, nghiện bia rượu, thuốc lá,…
Các dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Một trong những dấu hiệu thường thấy nhất của bệnh trào ngược là ợ nóng, ợ hơi liên tục. Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, thường gặp phải sau khi ăn no và nặng hơn khi nằm hoặc cúi người xuống.
Ngoài ra, người bị trào ngược còn có các triệu chứng sau:
- Ợ chua: cảm giác ợ lên kèm theo vị chua trong miệng.
- Buồn nôn, nôn trớ sau ăn hoặc sáng sớm khi ngủ dậy.
- Tiết nhiều nước bọt.
- Đắng miệng.
- Đau tức ngực.
- Khó nuốt.
- Đau họng, khàn giọng, ho: Trào ngược đôi khi chỉ diễn ra âm thầm với triệu chứng đau họng, khản giọng, ho khan kéo dài khiến nhiều người không nghĩ nguyên nhân lại xuất phát từ hệ tiêu hóa.
- Sâu răng: axit từ dạ dày trào ngược trở lên miệng phá hủy men răng, gây sâu răng ở những người bị trào ngược.
Xem thêm: Những điều cần lưu ý trước và sau khi nội soi.
4 loại thực phẩm nên ăn
Những thứ mà bạn ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong hiện tượng trào ngược. Để hạn chế các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hãy xây dựng một bữa ăn với các thực phẩm có hàm lượng acid thấp.
1. Chuối, dưa hấu, dưa bở
Trong khi hầu hết các loại trái cây thường có hàm lượng axit cao, những thứ này thì không. Các loại quả này không chỉ giúp cung cấp hàm lượng vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mà còn cải thiện tình trạng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng do bệnh trào ngược dạ dày gây ra.
2. Bánh mì, cơm
Bánh mì có khả năng “hút” bớt lượng axit dư thừa có trong dạ dày nên có thể giúp giảm nhanh hiện tượng ợ nóng, đau rát. Ngoài ra, người bị trào ngược có thể ăn sáng với ngũ cốc bột yến mạch giúp trung hòa dịch axit dư thừa trong dạ dày sau một đêm. Đặc biệt với những người thường bị đau họng, ho khan do trào ngược vào sáng sớm.
3. Gừng
Gừng là một trong những thực phẩm rất tốt cho bệnh trào ngược axit dạ dày. Do gừng có tác dụng chống viêm tự nhiên, giúp vết thương nhanh liền.
4. Lòng trắng trứng
Đối với những người bị trào ngược dạ dày thực quản thì lòng trắng trứng là nguồn cung cấp protein rất tốt. Hãy bỏ qua lòng đỏ vì lòng đỏ giàu chất béo và làm triệu chứng trào ngược trầm trọng hơn.
Và điều quan trọng là bạn nên chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá no một lần. Và sau khi ăn cần phải ngồi thẳng lưng, không được nằm ngay.
6 loại thực phẩm người bệnh không nên ăn
Có những loại thức ăn là nguyên nhân gây ra trào ngược. Để kiểm soát triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, bạn cũng cần biết những loại thực phẩm nên tránh sau đây.
1. Đồ ăn nhiều chất béo/Đồ rán chiên
Dầu mỡ chiên và đồ ăn nhiều chất béo có thể khiến cơ vòng thực quản không co lại như bình thường, làm cho thức ăn và dịch vị từ dạ dày trào ngược trở lên. Những loại thực phẩm này còn làm bạn bị đầy bụng, tiêu hóa chậm chạp. Từ đó, làm nặng thêm tình trạng trào ngược. Những đồ ăn giàu chất béo có thể kể đến bao gồm: bánh snack, khoai tây chiên, thịt mỡ, thịt xông khói,…
2. Đồ ăn cay nóng
Thực phẩm có tính cay nóng làm tăng ợ hơi, ợ nóng. Chúng bao gồm hành, tỏi, ớt. Tuy nhiên, sẽ thật khó chịu nếu không có chút gia vị này trong bữa ăn. Vậy nên việc bạn cần làm là kiểm soát việc ăn gia vị với một lượng vừa phải. Đừng nên thử sức với món mỳ cay cấp độ 7 khi bạn đang bị trào ngược ợ nóng nhé.
3. Cà chua và các trái cây họ cam, quýt
Rau quả là loại thực phẩm lành mạnh không thể thiếu. Tuy nhiên, có một số loại trái cây lại đặc biệt không tốt cho những người bị trào ngược. Đó là những loại trái cây có tính axit. Cách để nhận biết loại quả nào có tính axit đó là vị chua của nó. Ví dụ: cam, nho, chanh, quýt, dứa (thơm), cà chua,… là những loại quả có hàm lượng axit cao.
4. Sô-cô-la
Sô-cô-la được chứng minh tốt cho tim mạch và tâm trạng. Tuy nhiên, chất methyl xanthine có trong sô-cô-la lại có thể làm cơ vòng thực quản giãn và tăng trào ngược.
5. Bạc hà
Sing-gum bạc hà hoặc đồ ăn có gia vị bạc hà có thể làm bạn tăng ợ nóng, trào ngược.
6. Cà phê, đồ uống có gas
Đây là những loại đồ uống mà người bị trào ngược dạ dày thực quản cần phải hạn chế vì tính kích thích trào ngược của chúng.
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản, cũng như những thực phẩm nên và không nên ăn để tránh tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Xem thêm: Những điều cần chuẩn bị trước khi đi khám Trào ngược dạ dày – thực quản
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.