YouMed

Ung thư họng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

thạc sĩ, bác sĩ mai quang hoàn
Tác giả: ThS.BS Mai Quang Hoàn
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Ung thư họng là một trong những ung thư phổ biến nhất vùng đầu mặt cổ. Bệnh thường gặp ở nam giới. Đặc biệt là ở những người hút thuốc lá và sử dụng bia rượu. Tỉ lệ tử vong phụ thuộc nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Do đó việc hiểu biết và phát hiện sớm sẽ đem lại kết quả tốt cho người bệnh. Vậy hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về ung thư vùng họng qua bài viết của ThS.BS Mai Quang Hoàn nhé.

Sơ lược về ung thư họng

Ung thư họng đề cập đến các khối u hình thành và phát triển trong hầu họng, bắt đầu ở sau mũi và kết thúc  miệng thực quản. Ung thư thanh quản (hộp nói) cũng được xem là một nhóm trong ung thư họng. Một dạng ung thư vòm họng khác là ung thư amidan, ảnh hưởng đến amidan.

Hầu hết các ung thư vùng họng là ung thư biểu mô tế bào vảy, sắp xếp nhiều lớp lót ở vùng hầu họng.

Giải phẫu vùng họng

Về cấu trúc, họng có dạng hình ống với thành bên, sau đóng kính và mở về phía trước, được chia làm 3 phần gồm: họng mũi, họng miệng và hạ họng.

  • Họng mũi (tị hầu): là đoạn cao nhất của họng, nằm ngay sau cửa mũi sau, phía trên tiếp xúc với nền sọ. Phía dưới nối liền với họng miệng và được ngăn cách bởi khẩu cái mềm.
  • Họng miệng (khẩu hầu): là cấu trúc mở và hốc miệng, nằm ở giữa họng mũi và hạ họng, phía trước được giới hạn bởi cung khẩu cái hầu, đáy lưỡi và một phần amidan. Phía dưới ngăn cách với hạ họng bởi đường ngang tưởng tượng qua xương móng.
  • Hạ họng (hạ hầu): là vị trí thấp nhất của họng liên tục với thực quản phía dưới (miệng thực quản). Phía trước hạ họng tiếp xúc với thanh quản.

Hình ảnh giải phẫu vùng mũi họng
Hình ảnh giải phẫu vùng mũi họng

Yếu tố nguy cơ gây ung thư họng

Ung thư họng xảy ra khi các tế bào vùng họng bị đột biến. Những đột biến này khiến các tế bào phát triển không kiểm soát và tiếp tục sống sau khi các tế bào khỏe mạnh thường chết. Các tế bào tích lũy có thể tạo thành một khối u trong cổ họng.

Không rõ nguyên nhân gây đột biến gây ung thư vòm họng. Nhưng các bác sĩ đã xác định các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ, bao gồm:

1. Yếu tố ngoại tại

  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá hoặc thuốc lá không khói đều có nguy cơ mắc ung thư họng.
  • Sử dụng đồ uống cồn: Uống thường xuyên hoặc nghiện rượu nặng khiến bạn có nguy cơ bị ung thư họng. Khi kết hợp cả rượu và thuốc lá sẽ làm tăng đang kể nguy cơ mắc ung thư họng.
  • Papillomavirus ở người (HPV): HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể khiến làm tăng nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ, đặc biệt là ung thư họng. Những người ung thư họng bị có HPV dương tính sẽ có tiên lượng kém hơn những người HPV âm tính.
  • Tiếp xúc nghề nghiệp: Công nhân trong một số ngành công nghiệp như gỗ, kim loại, da, dệt may và công nhân dầu khí tiếp xúc với một số hóa chất, bụi hoặc khói tại nơi làm việc có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư họng.
  • Ăn kiêng: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nghèo nàn với ít trái cây và rau quả có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư họng.
  • Virus Epstein-Barr (EBV): EBV là bênh lý nhiễm khuẩn tăng bạch cầu đơn nhân kéo dài. Nhiễm virus có thể nằm lại trong vùng hầu họng và hệ thống miễn dịch mà không gây triệu chứng. Virus Epstein-Barr có liên quan đến nguy cơ ung thư họng.
  • Hội chứng Plummer-Vinson: Là một hội chứng hiếm gặp có thể xảy ra ở những người bị thiếu sắt mãn tính, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.

2. Yếu tố nội tại

  • Giới tính: Đàn ông có nhiều khả năng phát triển ung thư họng hơn phụ nữ.
  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư họng tăng theo tuổi. Hầu hết bệnh nhân đều trên 55 tuổi khi chẩn đoán.
  • Dân tộc: Những người có nguồn gốc Trung Quốc hoặc Đông Nam Á có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng. Đông Nam Á là vùng mắc ung thư họng phổ biến nhất thế giới.

Các loại ung thư họng

Ung thư họng là một thuật ngữ chung áp dụng cho ung thư phát triển trong hầu – họng hoặc trong thanh quản (hộp nói). Do họng và thanh quản được gắn kết chặt chẽ với nhau. Các ung thư vùng thanh quản cũng được xếp như một phần của ung thư họng

Mặc dù hầu hết các bệnh ung thư họng liên quan đến cùng loại tế bào (biểu mô vảy lát tầng không sừng hóa chiếm 95% các trường hợp), các thuật ngữ cụ thể được sử dụng để phân biệt vị trí bắt nguồn của ung thư:

  • Bắt đầu trong họng mũi – phần họng ngay sau mũi là ung thư mũi họng (ung thư vòm mũi họng).
  • Nguồn gốc phía sau hốc miệng bao gồm ung thư amidan gọi là ung thư họng miệng.
  • Ung thư hạ họng (ung thư thanh quản) là ung thư tại vùng họng – thanh quản.
  • Ung thư thanh môn là ung thư của 2 dây thanh âm.
  • Xuất phát từ vùng trên của thanh môn, bao gồm ung thư của nắp thanh thiệt là ung thư thượng thanh môn.
  • Bắt đầu ở phần dưới của dây thanh âm là ung thư hạ thanh môn. Đây là một trong các vị trí có tiên lượng xấu nhất của ung thư họng.

Dịch tễ về ung thư họng

Ung thư vòm mũi họng: là ung thư phổ biến nhất trong các ung thư vùng đầu cổ. Tuy vẫn chưa có một thống kê đầy đủ, chính xác. Nhưng theo thống kê của Bệnh viện K-Hà Nội (1998):

  • Ung thư vòm họng đứng hàng thứ 4, 5 sau ung thư phổi, tử cung buồng trứng, vú, ung thư gan và là bệnh đứng đầu trong cácung thư vùng đầu, cổ với tỷ lệ: 9-10 bệnh nhân/100.000 dân/năm.
  • Giới tính hay gặp ở nam giới, tỷ lệ nam/nữ: 2-3/1.
  • Tuổi: bệnh thường xuất hiện từ 20 tới 65 tuổi, sau 65 tuổi tỷ lệ bệnh giảm dần.

Ung thư hạ họng: là ung thư đứng thứ 3 sau ung thư vòm mũi họng và ung thư mũi xoang. Hay gặp nhất từ độ tuổi 50-65 (chiếm khoảng 75%) còn trước 50 và sau 65 tuổi chiếm khoảng 25%. Xuất độ nam nhiều hơn nữ.

Ung thư họng miệng: ít gặp hơn 2 loại trên, vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ tại Việt Nam.

Các triệu chứng của ung thư họng

Tùy thuộc vào vị trí xuất phát của khối u mà sẽ xuất hiện các triệu chứng liên quan.

1. Các triệu chứng của ung thư vùng họng mũi

Ung thư vùng họng mũi (ung thư vòm mũi họng) có biểu hiện:

  • Đau hoặc là tê vùng da mặt.
  • Nghẹt mũi kéo dài.
  • Chảy máu mũi tái diễn.
  • Triệu chứng của viêm mũi họng mạn.
  • Đau tai, viêm tai giữa kéo dài hoặc cảm giác đầy trong tai.
  • Đau đầu.
  • Sức nhìn bị ảnh hưởng (nhìn mờ, mù…).
  • Giảm sức nghe, ù tai.

2. Các triệu chứng của ung thư vùng họng miệng

Biểu hiện của ung thư vùng họng miệng (ung thư khẩu hầu):

  • Viêm họng mạn tính.
  • Khó nhai, khó nuốt, nuốt đau, nuốt vướng.
  • Đau tai kéo dài (đau dây thần kinh Jacobson).
  • Xuất hiện các khối vùng cổ không đau (hạch cổ).
  • Khàn giọng, thay đổi giọng nói.
  • Viêm khớp nhai.

3. Các triệu chứng của ung thư vùng hạ họng

Biểu hiện của ung thư vùng hạ họng (họng thanh quản):

  • Viêm họng mạn tính.
  • Đau tai kéo dài (đau dây thần kinh Jacobson).
  • Xuất hiện các khối vùng cổ không đau (hạch cổ).
  • Nuốt khó, nuốt đau, nuốt vướng.
  • Khàn giọng, thay đổi giọng nói.
  • Khó thở tăng dần.

Làm thế nào để chẩn đoán ung thư họng

Bệnh nhân đến khám sẽ được bác sĩ hỏi về bệnh sử đầy đủ gồm triệu chứng, tiền căn gia đình, thói quen sinh hoạt và các điều trị trước đây. Bác sĩ sẽ đánh giá và phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ (ví dụ hạch cổ to) để chẩn đoán bệnh sớm. Các phương tiện hỗ trợ đánh giá ung thư  họng gồm:

Nội soi

Bác sĩ dùng dụng cụ nôi soi (một ống camera nhỏ dài) để kiểm tra các cấu trúc bên trong mũi, họng và thanh quản. Đây là phương pháp đơn giản và nhanh chóng để đánh giá vùng họng và các vùng liên quan trước khi tiến hành các xét nghiệm chuyên biệt hơn.

Sinh thiết

Với y cụ chuyên biệt, bác sĩ sẽ lấy một phần mô nghi ngờ làm giải phẫu bệnh lý. Đây là cách duy nhất để giúp chẩn đoán xác định bệnh. Bệnh nhân có thể được sinh thiết qua nội soi hoặc sinh thiết kim nhỏ (FNA).

Hình ảnh học

Những xét nghiệm hình ảnh cho phép bác sĩ xác định xem có khối u hay không, cũng như kích thước, vị trí và mức độ của khối u. Các xét nghiệm này cũng có thể phát hiện sự lây lan của ung thư vào các cấu trúc gần đó. Những lựa chọn gồm:

  • X-quang ngực.
  • CT-Scan.
  • MRI.
  • PET-CT.
  • X-quang cản quang barium đường tiêu hóa trên.
  • Panorex.

Các giai đoạn của ung thư họng

Phân giai đoạn ung thư giúp bác sĩ đánh giá được tiến triển của bệnh, mức độ di căn đến hạch hoặc di căn xa. Đây là bước quan trọng để lên kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh:

Ung thư họng miệng

Giai đoạn 0 Còn gọi là “ung thư tại chỗ”. Các tế bào “bất thường” vẫn chưa phá vỡ lớp màng đáy.
Giai đoạn 1 Khối u đã phá vỡ lớp màng đáy và có kích thước dưới 2 cm.
Giai đoạn 2 Khối u đã lớn hơn 2 cm nhưng dưới 4 cm.
Giai đoạn 3 Khi khối u có một trong các đặc điểm như sau:

  • Khối u lớn hơn 4 cm.
  • Khối u lan đến vùng thượng thanh môn.
  • Di căn hạch đến một cổ cùng bên với khối u và hạch có kích thước dưới 3 cm.
Giai đoạn 4a Khi khối u có một trong các đặc điểm sau:

  • Ung thư lan đến các cơ quan như thanh quản, cơ nội tại lưỡi, sàn miệng, khớp hàm. Có hoặc không hạch cổ cùng bên dưới 3 cm.
  • Di căn một hoặc nhiều hạch cổ cùng bên hoặc đối bên hoặc cả 2 bên có kích thước hơn 3 cm nhưng dưới 6 cm.
Giai đoạn 4b
  • Khối u họng mũi lan rộng đến các tạng nguy hiểm như sàn sọ, động mạch cảnh và đến nhóm cơ nhai có hoặc không có di căn hạch.
  • Hạch di căn lớn hơn 6 cm.
Giai đoạn 4c Ung thư di căn đến các cơ quan xa (xương, phổi, gan, hạch trung thất…).

Giai đoạn ung thư họng miệng

Ung thư họng mũi (vòm mũi họng)

Giai đoạn 0 Còn gọi là “ung thư tại chỗ”. Các tế bào “bất thường” vẫn chưa phá vỡ lớp màng đáy.
 Giai đoạn 1 Ung thư giới hạn trong vùng mũi họng, hoặc đã lan xuống vùng họng miệng và/hoặc vào hốc mũi.
 Giai đoạn 2 Ung thư giai đoạn 1 và một trong các đặc điểm sau:

  • Cho di căn một hạch cùng bên có kích thước dưới 6 cm.
  • Di căn đến một hạch sau hầu có kích thước dưới 6 cm.

Hoặc ung thư đã lan đến các mô lân cận (khoang quanh hầu) có hoặc chưa có di căn hạch.

Giai đoạn 3 Khi khối u có một trong các đặc điểm sau:

  • Ung thư lan đến nền sọ và vùng hốc mũi và xoang cạnh mũi, có hoặc không có di căn hạch và không hạch nào vượt quá 6 cm.
  • Cho di căn hạch cổ 2 bên nhưng không hạch nào lớn hơn 6 cm đường kính. Khối u có thể còn giới hạn trong vùng họng mũi, có thể lan đến vùng hốc mũi và các xoang hoặc lan và các khoang cạnh hầu.
Giai đoạn 4a Khối u xâm lấn vào trong sọ hoặc các dây thần kinh, lan rộng xuống hạ họng, hốc mắt hoặc nhóm cơ nhai. Có thể có di căn hạch hoặc không nhưng không có hạch lớn hơn 6 cm.
 Giai đoạn 4b Di căn một hoặc nhiều hạch lớn hơn 6 cm hoặc cho di căn đến nhóm hạch thượng đòn.
 Giai đoạn 4c Ung thư di căn đến các cơ quan xa (xương, phổi, gan, hạch trung thất…).

Ung thư vùng hạ họng

Giai đoạn 0 Còn gọi là “ung thư tại chỗ”. Các tế bào “bất thường” vẫn chưa phá vỡ lớp màng đáy.
Giai đoạn 1 Khối u có kích thước dưới 2 cm và chỉ giới hạn tại chỗ, tại vùng.
Giai đoạn 2 Khối u có một trong các đặc điểm sau:

  • Kích thước lớn hơn 2 cm nhưng dưới 4 cm và dây thanh vẫn hoạt động bình thường
  • Khối u xâm lớn hơn một tiểu đơn vị vùng hạ họng hoặc lan đến mô quanh hạ họng.
Giai đoạn 3 Khối u có một trong các đặc điểm sau:

  • Ung thư lớn hơn 4 cm đường kính.
  • Gây liệt dây thanh.
  • Lan đến thực quản.
  • Di căn đến một hạch cùng bên có đường kính dưới 3 cm.
Giai đoạn 4a Khối u có một trong các đặc điểm sau:

  • Ung thư lan đến sụn giáp, tuyến giáp và xương móng hoặc đến mô mỡ/cơ trước thanh quản. Có hoặc không có di căn hạch cùng bên dưới 3 cm.
  • Di căn một hoặc nhiều hạch cổ cùng bên hoặc đối bên hoặc cả 2 bên có kích thước hơn 3 cm nhưng dưới 6 cm.
Giai đoạn 4b Khối u có một trong các đặc điểm sau:

  • Xâm lấn đến cột sống, động mạch cảnh hoặc lan rộng đến trung thất.
  • Di căn đến hạch và kích thước hạch lớn hơn 6 cm.
Giai đoạn 4c Ung thư di căn đến các cơ quan xa (xương, phổi, gan, hạch trung thất…).

Điều trị ung thư họng

Điều trị ung thư họng phụ thuộc vào vị trí của khối u (họng mũi, họng miệng hay hạ họng), kích thước của khối u và mức độ/sự lan rộng của khối u đến các mô/cấu trúc gần đó. Sau đây là tổng quan ngắn gọn về các lựa chọn điều trị cho các khối u ở các phần khác nhau của hầu họng:

1. Vùng họng mũi (tị hầu)

Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư họng mũi là xạ trị đến khối u và hạch bạch huyết. Xạ trị có thể được sử dụng cho các hạch bạch huyết như một biện pháp phòng ngừa, ngay cả khi không phát hiện ung thư ở đó. Những ca khối u đã tiến triển, sự kết hợp giữa hóa trị và xạ trị được xem là phương pháp điều trị chính.

Phẫu thuật nạo hạch cổ để loại bỏ hạch và các cấu trúc liên quan. Phẫu thuật nội soi cắt khối u có thể là một lựa chọn cho một số bệnh nhân kém đáp ứng với xạ trị.

2. Vùng họng miệng (khẩu hầu) và hạ họng (họng thanh quản)

Điều trị chính cho ung thư vùng họng miệng và hạ họng cũng là xạ trị khối u và hạch bạch huyết. Phẫu thuật sau xạ trị là một lựa chọn khác có thể được xem xét trong một số trường hợp. Trường hợp bệnh tiến triển xa hơn, phương pháp điều trị chính thường là hóa trị và xạ trị kết hợp, xạ trị nhắm trúng đích hoặc phẫu thuật sau đó là hóa trị.

Đối với bệnh di căn, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị liệu, hoặc điều trị giảm nhẹ nhằm làm giảm các triệu chứng.

Biện pháp phòng ngừa

Không có cách nào được chứng minh để ngăn ngừa ung thư họng xảy ra. Nhưng để giảm nguy cơ ung thư vòm họng, bạn có thể:

  • Ngừng hút thuốc hoặc không bắt đầu hút thuốc. Nếu hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Nếu không hút thuốc, đừng bắt đầu. Ngừng hút thuốc có thể rất khó khăn, vì vậy hãy nhờ giúp đỡ. Bác sĩ có thể thảo luận về lợi ích và rủi ro của nhiều chiến lược cai thuốc lá, chẳng hạn như thuốc, sản phẩm thay thế nicotine và tư vấn.
  • Uống rượu chỉ trong chừng mực, nếu có. Nếu chọn uống rượu, hãy điều độ. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, điều đó có nghĩa là tối đa một ly uống mỗi ngày đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ trái cây và rau quả. Các vitamin và chất chống oxy hóa trong trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư vòm họng. Ăn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc.
  • Bảo vệ bản thân khỏi HPV. Một số bệnh ung thư vòm họng được cho là do nhiễm trùng papillomavirus ở người (HPV) gây ra qua đường tình dục. Có thể giảm nguy cơ nhiễm virut HPV bằng cách giới hạn số lượng bạn tình và sử dụng bao cao su mỗi khi có quan hệ tình dục. Cũng xem xét vắc-xin HPV, có sẵn cho bé trai, bé gái và phụ nữ và nam giới trẻ tuổi.
ngưng rượu và thuốc lá
Hãy ngưng rượu và thuốc lá

Tiên lượng

Ung thư họng có xu hướng phát triển âm thầm với các triệu chứng ung thư thường không rõ ràng cho đến khi bệnh ung thư đã khá tiến triển. Bệnh nếu sớm được phát hiện sẽ có tiên lượng tốt. Tiên lượng sẽ xấu hơn nếu đã xuất hiện hạch di căn.

Trong hầu hết các trường hợp, tỷ lệ sống 5 năm là từ 15% đến 70%.

Hơn nữa, các yếu tố bệnh học liên quan đến ung thư họng (chủ yếu là hút thuốc và rượu) làm cho khả năng sống sót của bệnh nhân giảm xuống ngay cả với ung thư vòm họng được chữa khỏi hoặc kiểm soát.

Ung thư họng có xu hướng phát triển âm thầm với các triệu chứng ung thư thường không rõ ràng cho đến khi bệnh ung thư đã khá tiến triển. Bệnh nếu sớm được phát hiện sẽ có tiên lượng tốt. Hơn thế một chế độ sống lành mạnh với những biện pháp phòng tránh có thể giúp bạn hạn chế khả năng mắc. Hãy liên hệ với Bác sĩ ngay nếu bạn đang có những triệu chứng nghi ngờ và cần tư vấn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Jonas T. Johnson , Clark A. Rosen (2014), Bailey's Head and Neck Surgery - Otolaryngology 5th 2013 -  Volume 2 chapter 120 – 121 – 122 - 123 – 124.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người