Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Nội dung bài viết
Sau chín tháng mòn mỏi đợi mong, thì cuối cùng cũng đến lúc bé yêu của bạn chào đời. Bạn sẽ được nâng niu, ẵm bồng thiên thần bé nhỏ của mình trong vòng tay. Hạnh phúc ngập tràn cả gia đình, nhưng cũng vô cùng lạ lẫm với cách chăm sóc bé. Sau đây, bác sĩ YouMed sẽ đưa ra các vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và cách để giải quyết chúng.
1. Giữ ấm
Chăm sóc trẻ sơ sinh cần chú ý phải giữ ấm cơ thể trẻ. Nếu để trẻ bị rét, hạ thân nhiệt trong thời gian dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công trẻ và gây ra nhiều bệnh lý.
Nếu không có vấn đề gì xảy ra với mẹ và trẻ sau khi sinh thì tốt nhất hãy để trẻ được nằm chung với mẹ, điều này vừa giúp kết nối tình mẫu tử, vừa giúp truyền hơi ấm từ mẹ sang con và mẹ có thể quan sát con mọi lúc, kịp thời xử lý khi có vấn đề không mong muốn xảy ra.
2. Cho bú
Khi còn trong bụng mẹ, trẻ được cung cấp chất dinh dưỡng liên tục từ máu mẹ qua nhau thai, chính vì thế khi chào đời trẻ dễ bị đói, rét nên cần phải có đủ năng lượng để sưởi ấm cơ thể và chống đỡ với thời tiết bên ngoài.
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi cần phải nhớ rằng trẻ có nhu cầu ăn rất cao, cần được bú mẹ càng sớm càng tốt ngay khi chào đời. Vì thế, mẹ phải đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay khi bé cần chứ không nên tuân theo một giờ giấc nhất định nào.
Sữa non là thức ăn chính và tốt nhất cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này. Chính vì vậy, mẹ không nên vắt sữa non bỏ đi mà hãy tận dụng triệt để chúng. Trẻ sơ sinh chưa đầy tháng nếu được bú sữa non ngay sau khi sinh thì tỷ lệ bị viêm phổi và tiêu chảy sẽ rất thấp.
>> Trẻ càng lớn thì thường bị đói giữa các bữa ăn. Một bữa ăn nhẹ lành mạnh có thể cung cấp cho trẻ năng lượng và giúp chúng có được các chất dinh dưỡng cần thiết hàng ngày.
3. Một số bất thường ở trẻ
Một số biểu hiện sinh lý bình thường cũng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh chưa chưa đầy tháng như: đi ngoài phân su, phân có màu xanh thẫm hoặc không mùi, đặc quánh… Tuy nhiên, nếu quá 2 ngày mà không thấy trẻ đi ngoài phân su, trẻ bị giảm cân hay vàng da, thường xuyên bị sặc khi bú, khó thở, tím tái, cứng hàm, khóc nhiều, ngủ li bì,.. Đây là những biểu hiện không bình thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra tình trạng sức khỏe để có hướng xử lý kịp thời.
Trong trường hợp đầu của trẻ có bướu huyết thanh thì cần theo dõi chứ không nên chọc hút vì có thể bị khiến trẻ bị nhiễm khuẩn gây nguy hiểm.
4. Các vấn đề thường gặp ở trẻ và cách giải quyết
a. Giấc ngủ của trẻ
Hiểu được cơ bản kiến thức về giấc ngủ của bé sẽ giúp các bà mẹ đỡ bỡ ngỡ. Đồng thời, mẹ sẽ có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau cuộc vượt cạn nặng nề.
Từ lúc mới sinh đến 2 tuổi, hầu hết các em bé ngủ nhiều hơn thức. Trong những tháng đầu đời, các bé sẽ ngủ từ 16 đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng không liên tục mà ngắt quãng bởi những lần thức dậy để bú. Lý do là dạ dày bé nhỏ của bé không thể chứa được nhiều thức ăn, nên sau hai đến ba tiếng bú no bụng và chìm vào giấc ngủ, bé lại thức dậy để đòi măm bữa kế.
Nếu em bé của bạn ngủ nhiều hơn ba tiếng mỗi giấc, bạn cũng không cần phải lo lắng mà đánh thức bé dậy. Các chuyên gia cho rằng một em bé sinh đủ tháng, khỏe mạnh thì không cần phải đánh thức trẻ để cho bú. Ngược lại, nếu bé của bạn thức giấc thường xuyên, cũng hãy an tâm rằng điều này chỉ là tạm thời. Từ 3 tháng tuổi, khi dạ dày bé đã lớn hơn và chứa được nhiều thức ăn hơn, giấc ngủ của bé cũng sẽ dài hơn.
Thiết lập thói quen ngủ tốt cho bé
Bé có thể thức vào ban đêm rồi ngủ vào ban ngày. Trong vài tuần đầu tiên, rất khó để mẹ có thể thay đổi thói quen này của bé. Nhưng bạn có thể khuyến khích thiết lập thói quen ngủ của bé bằng các cách sau:
-
Giúp bé phân biệt sự khác nhau giữa ngày và đêm. Vào ban ngày, khi bé tỉnh thức, hãy làm vệ sinh, thay đồ cho bé, giúp bé hiểu rằng đây là khởi đầu của một ngày mới. Hãy để bé nghe được âm thanh của cuộc sống như tiếng nói chuyện, tiếng nhạc, tiếng máy giặt…
-
Trò chuyện, chơi đùa, tương tác nhiều với bé.
-
Tránh để phòng bé vào ban ngày tối như vào ban đêm.
-
Cho bé tắm mát, matxa, thay đồ sạch sẽ. Cho bé nghe nhạc dịu nhẹ là những cách thiết lập thói quen đi ngủ của bé, giúp bé nhận thức sự kết thúc của một ngày.
-
Tránh nói chuyện, tương tác khi cho bé bú đêm.
-
Giữ ánh sáng và âm thanh dịu nhẹ.
-
Tập bé tự ngủ. Bạn có thể bế bé để ru ngủ, nhưng hãy đặt bé xuống giường khi bé đã buồn ngủ. Để bé ngủ trên tay mẹ sẽ hình thành thói quen phải bế ru mới ngủ.
-
Cho bé bú khi bé tỉnh táo, tránh vừa bú vừa ngủ vì điều này dần hình thành thói quen không tốt: phải bú mới chịu ngủ.
Trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời, bé thường không thể thức nhiều hơn hai tiếng mỗi lần. Nếu thức dài hơn thời gian trên, bé có thể quá mệt và quấy khóc. Vì vậy, mẹ hãy học cách nhận dạng những dấu hiệu buồn ngủ của bé để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngủ của bé. Một số dấu hiệu buồn ngủ của bé gồm:
- Dụi mắt, dụi tai
- Khó chịu, rên rỉ hoặc khóc
- Mất hứng thú với đồ chơi hoặc sự vật xung quanh
- Trở nên lặng lẽ, im lặng
Giữ an toàn cho bé khi ngủ
Các chuyên gia khuyên rằng nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Nằm xấp khi ngủ có nguy cơ gây tắt nghẽn đường thở, gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, hãy cẩn thận với những thứ đặt trong nôi (như gấu bông, đồ chơi, chăn bông, gối ôm, gối chặn …) bởi chúng đều có thể làm cản trở đường thở của bé. Khi bé thức, bạn có thể cho bé tập thể dục bằng cách nằm xấp để tăng cường khả năng kiểm soát đầu và thân trên, giảm thiểu nguy cơ ngộp thở khi ngủ.
Không mặc quá nhiều lớp hay ủ ấm bé quá mức. Trên thực tế, quá nóng có thể gia tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Theo các tài liệu y học trên thế giới, mức nhiệt độ phòng thích hợp cho bé ở khoảng 26 đến 28 độ C
b. Trẻ khóc
Khóc là cách để bé giao tiếp với người lớn. Tuy nhiên, việc trẻ sơ sinh quấy khóc lại là cả một vấn đề khiến bố mẹ và người thân đau đầu.
Các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc và cách dỗ trẻ nín khóc:
-
Bé khóc vì đói
Khóc là biểu hiện phổ biến nhất của trẻ khi đói. Mẹ hãy cẩn thận nhất biết các dấu hiệu đòi ăn của trẻ. Hãy dỗ dành một chút cho trẻ bình tĩnh lại, sau đó cho bé bú mẹ hay sữa công thức để thõa mạn cơn đói.
-
Bé muốn được dỗ dành
Hãy ôm bé lên, lắc lư nhẹ nhàng, đi bộ trong nhà và hát cho bé nghe. Cần tránh nơi có nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn.
-
Bé cần được nghỉ ngơi
Tiếng động quá ồn ào hay bé chưa được ngủ trong nhiều giờ có thể là nguyên nhân làm trẻ quấy khóc. Lúc này, hãy ru bé ngủ ở nơi yên tĩnh.
-
Bé khó chịu khi tả ướt
Khi tả ướt hay bẩn, một số trẻ cảm thấy khó chịu. Để việc thay tã dễ dàng hơn khi trẻ khóc, hãy đánh lạc hướng trẻ bằng các bài hát hay trò chơi. Dùng nước sạch lau rửa cho bé và bôi phấn chống hăm.
-
Bé không được khỏe
Khi bé có dấu hiệu quấy khóc lạ thường như khóc nhiều hơn, dai dẳng thì có thể trẻ đang bị ốm. Mẹ cần đo nhiệt độ và đưa trẻ đến bác sĩ khi cảm thấy trẻ có dấu hiệu bất thường.
c. Bé ợ hơi sau khi bú
Bé sơ sinh thường bú nhiều cử trong ngày. Trong quá trình bú bé cũng có thể nuốt vào một lượng không khí đáng ngại. Nếu không được ợ ra, không khí tồn đọng có thể gây đầy bụng, khó chịu. Và có thể là nguyên nhân gây ra trào ngược, nôn trớ ở trẻ sơ sinh. Mẹ cần lưu ý đến tư thế bế bé, cách xoa hoặc vỗ lưng để hỗ trợ bé đẩy hơi ra khỏi bụng.
- Đặt một chiếc khăn sạch rồi bế bé lên, đầu dựa lên vai. Dùng tay xoa vùng lưng bé theo hình tròn hoặc mẹ chụm bàn tay lại vỗ lựng nhẹ nhàng cho trẻ theo hướng từ dưới lên.
- Sau khi thực hiện các động tác trên mà bé vẫn khó chịu, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn về tình trạng sức khỏe của trẻ.
5. Các điều cần tránh để bé có được sức khỏe tốt nhất.
a. Sử dụng tã quấn quá kín
Sử dụng tã quấn quá kín sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của da. Vì được bao bọc quá kín nên những chất thải tiết ra từ cơ thể trẻ cùng với mồ hôi sẽ không thoát được ra ngoài. Trong những chất thải đó có chứa rất nhiều CO2, đây là những chất không có lợi cho sự phát triển da của trẻ.
Ngoài ra, da của trẻ sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Trẻ sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, nguy hiểm hơn là gây ảnh hưởng đến tính mạng.
b. Tránh dùng chất tẩy và nước giặt để giặt quần áo cho trẻ
Trong chất tẩy và các loại nước giặt đều chứa nhiều sulfonate alkyl benzen và nhiều chất hóa học khác. Những chất này đều có tác dụng gây ức chế mạnh mẽ. Nếu giặt không sạch rất có thể sẽ khiến da của trẻ bị nhiễm độc và dị ứng. Chính vì vậy, không nên dùng các chất này để giặt quần áo cho trẻ.
c. Không nên để trẻ mặc quần áo mới chưa qua giặt
Quần áo trẻ em mới mua phải được giặt sạch rồi mới cho trẻ mặc để bảo vệ trẻ khỏi dị ứng da và tổn thương vì chất vải mới. Đối với những loại quần áo bông, nên mua cỡ lớn hơn vì rất có thể sau khi giặt, quần áo sẽ co lại và nhỏ hơn so với ban đầu.
d. Không nên tắm quá kỹ cho trẻ
Da của trẻ rất nhạy cảm và mỏng. Dưới da có rất nhiều mạch máu, nếu tắm cho trẻ quá kỹ bằng xà phòng chứa nhiều kiềm mạnh sẽ khiến da mẩn đỏ và giảm chức năng bảo vệ
Tóm lại, sau khi cất tiếng khóc chào đời, trẻ sơ sinh sẽ thoát khỏi sự bao bọc trong cơ thể người mẹ và phải tự thích nghi với môi trường bên ngoài. Để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện thì việc chăm sóc trẻ sơ sinh rất quan trọng. Ở trên đây là các vấn đề thường gặp mà các bậc cha mẹ cần lưu ý để bé sơ sinh đáng yêu được khỏe mạnh.
>> Tất cả trẻ sinh ra đều có hệ miễn dịch chống lại bệnh tật. Cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm, nhưng chúng có thể nhanh chóng tiến triển thành tình trạng nặng hơn.
Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.