Những nguyên nhân gây thở rít ở trẻ nhỏ.
Nội dung bài viết
1. Thở rít là gì?
Thở rít là một âm thanh có âm sắc cao, thường được nghe rõ nhất khi trẻ hít vào. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nghe thấy khi trẻ thở ra. Nguyên nhân gây ra bởi sự tắc nghẽn làm hẹp bên trong đường hô hấp trên của con bạn. Âm thanh của thở rít phụ thuộc vào vị trí tắc nghẽn ở đường hô hấp trên.
2. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây thở rít ở trẻ em. Trong đó, một số trường hợp là bệnh lí hay bất thường cấu trúc giải phẫu trong đường thở của trẻ. Đường hô hấp trên ở trẻ em ngắn và hẹp hơn so với người lớn. Do đó, nhiều khả năng dẫn đến các vấn đề với tắc nghẽn.
2.1 Nguyên nhân bẩm sinh
Mềm sụn thanh quản
Cấu trúc của thanh quản bị mềm và xẹp vào trong khi trẻ hít vào, gây tắc nghẽn đường thở một phần. Tình trạng này thường tự cải thiện khi con bạn được 18 tháng tuổi. Đây là nguyên nhân bẩm sinh phổ biến nhất của thở rít. Rất hiếm khi trẻ có chỉ định phẫu thuật. Ngoài thở rít, trẻ có thể bú giảm, ọc sữa, chậm tăng cân.
Hẹp hạ thanh môn
Phần thanh quản bên dưới dây thanh âm trở nên quá hẹp. Trẻ em bị hẹp hạ thanh môn thường không được chẩn đoán khi mới sinh. Thời điểm thường bắt đầu triệu chứng là một vài tháng sau sinh. Nhất là khi đường thở của trẻ bị kích thích do cảm lạnh hoặc nhiễm virus khác. Con bạn có thể hồi phục hoàn toàn mà không cần sự can thiệp của thuốc hay phẫu thuật. Hầu hết trẻ sẽ cần phẫu thuật nếu tắc nghẽn nghiêm trọng.
Bướu máu hạ thanh môn
Khi các mạch máu tăng sinh tạo thành bướu máu ở phần dưới hai dây thanh cũng sẽ gây tắc nghẽn đường thở. Bướu máu hạ thanh môn có thể phát triển nhanh chóng trong những tháng đầu đời của trẻ. Một số trẻ có thể cải thiện vấn đề này vì bướu máu sẽ bắt đầu nhỏ dần sau năm đầu tiên của trẻ.
Vòng mạch máu
Đây là tình trạng khí quản bị đè ép bởi một cấu trúc khác như động mạch hoặc tĩnh mạch tạo thành vòng xung quanh bên ngoài. Dị tật bẩm sinh này rất hiếm gặp nhưng có thể khiến trẻ nhưng thở bất cứ lúc nào. Phẫu thuật có thể được yêu cầu để giảm bớt tình trạng này.
2.2 Nguyên nhân nhiễm trùng
Viêm thanh khí phế quản.
Viêm thanh khí phế quản là một bệnh nhiễm trùng thường gây ra bởi virus. Hậu quả dẫn đến phù nề ở đường thở và gây ra các triệu chứng về hô hấp. Viêm thanh khí phế quản xuất hiện do nhiều loại virus khác nhau. Phổ biến nhất là virus parainfluenza. Độ tuổi thường gặp là từ 6 tháng đến 6 tuổi.
Viêm thanh thiệt.
Viêm thanh thiệt (nắp thanh môn) thường do vi khuẩn gây nhiễm trùng cấp tính đe dọa tính mạng. Bởi vì có sự tắc nghẽn do sưng và phù nề thanh thiệt. Nắp thanh môn là một cấu trúc sụn đàn hồi ở trong hầu họng. Chức năng là ngăn không cho thức ăn vào khí quản khi nuốt. Vì tình trạng sưng quá nhiều khiến quá trình hít vào lẫn thở ra đều gặp khó khăn. Viêm thanh thiệt thường do vi khuẩn Haemophi influenzae gây ra. Hiện nay, bệnh rất hiếm xảy ra vì trẻ được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Viêm phế quản.
Viêm phế quản gây kích thích đường thở làm tăng sản xuất chất nhầy. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc virus. Những tác nhân vật lý hoặc hóa học như khói bụi, chất gây dị ứng, thuốc lá… cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ.
Viêm amidan.
Amidan là cấu trúc tròn nhỏ, nằm ở vùng hầu họng. Amidan có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể của trẻ. Đó là giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách sản xuất kháng thể. Nếu amidan sưng to, trẻ có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như ngủ ngáy, khó nuốt… Lúc này, có thể trẻ cần phải phẫu thuật cắt bỏ amidan. Liệu cắt Amidan có đau không? Có cần nằm lại bệnh viện sau khi cắt amidan? cùng tìm hiểu nhé!
Áp xe ở thành sau họng.
Một ổ mủ tụ bao quanh bởi mô bị viêm sẽ tạo thành áp xe. Nếu áp xe đủ lớn, nó có thể thu hẹp đường thở nghiêm trọng. Áp xe ở thành sau họng thuộc nhóm bệnh nhiễm khuẩn vùng cổ sâu. Đây là một bệnh nặng, đe dọa đến tính mạng. Tuy là một trường hợp cấp cứu ít gặp nhưng tỷ lệ tử vong lại cao.
2.3 Nguyên nhân chấn thương
Các dị vật trong tai, mũi và đường hô hấp có thể khiến các triệu chứng hô hấp xảy ra. Những trường hợp cấp cứu thường xảy ra ở trẻ nhỏ trong độ tuổi biết đi. Trẻ chưa ý thức được những vật có thể ăn được nên tai nạn rất dễ xảy ra. Thông thường là đồ chơi, những hạt nhỏ như cúc áo, đinh … hay chất lỏng nào đó. Một nguyên nhân chấn thương khác có thể là gãy xương ở cổ.
3. Các triệu chứng kèm theo thở rít
Ngoài tiếng thở rít, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu khác gợi ý trẻ đang khó thở hoặc khó nuốt như:
- Thở nhanh
- Phập phồng cánh mũi. Hai bên cánh mũi của con bạn mở rộng và sau đó thu hẹp theo từng nhịp thở.
- Tiếng thở rên vào cuối thì thở ra.
- Khó nuốt
- Khàn tiếng
- Ho khan hoặc có đàm
- Sốt
- Đau họng
- Chảy nước miếng
4. Chẩn đoán
Thở rít thường được chẩn đoán chỉ cần dựa vào bệnh sử và quá trình thăm khám của Bác sĩ. Nếu con bạn có thở rít, bác sĩ của con bạn có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau đây để giúp xác định nguyên nhân:
- X – quang ngực và cổ.
- Nội soi phế quản. Thở rít do nguyên nhân bẩm sinh, mãn tính hoặc nghiêm trọng có thể cần quan sát hình ảnh trực tiếp của đường thở với ống soi phế quản. Thủ thuật này được gây tê và gây tê nên trẻ sẽ không thấy đau khi thực hiện.
- Xét nghiệm máu để tìm bằng chứng nhiễm trùng.
5. Điều trị
Điều trị cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của thở rít.
Các thể nhẹ của viêm thanh khí phế quản có thể chăm sóc tại nhà. Nếu nghiêm trọng hơn, trẻ cần nhập viện để dùng thuốc giúp giảm phù nề đường thở.
Trong trường hợp con bạn bị nhiễm vi khuẩn, thuốc kháng sinh có thể được Bác sĩ chỉ định. Nếu mức độ nặng, trẻ cần phải ở lại bệnh viện. Ngoài truyền dịch và thuốc, trẻ có thể cần được hỗ trợ oxy vì khó thở.
Khi thở rít được gây ra bởi một khối u, hẹp khí quản hoặc dị vật bị kẹt trong đường thở, con bạn có thể cần phẫu thuật.
6. Chăm sóc con bạn như thế nào?
Sử dụng máy làm ẩm phun sương (máy xông hơi) để thêm độ ẩm cho không khí theo chỉ dẫn của Bác sĩ.
Giữ con bạn tránh những chất kích thích như khói bụi, thuốc lá hay bất kì chất dị ứng nào khác. Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ, bạn cũng nên chú ý đến vật dụng có nguy cơ gây dị vật đường thở.
Ngoài việc cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn, bạn cũng nên tham khảo ý kiến Bác sĩ về những vấn đề sau:
- Trẻ cần phải làm xét nghiệm gì và khi nào bạn sẽ nghe kết quả kiểm tra của trẻ.
- Sẽ mất thời gian bao lâu để con bạn hồi phục.
- Cách chăm sóc con tại nhà. Những thói quen và hoạt động nào cần phải tránh hay hạn chế.
- Những triệu chứng bạn nên theo dõi và cách xử trí nếu chúng xảy ra.
Ở trẻ em, mềm sụn thanh quản là nguyên nhân phổ biến nhất của thở rít mãn tính. Trong khi đó, viêm thanh khí phế quản thường gây thở rít cấp tính. Việc theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, tím tái rất quan trọng để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.