Hen suyễn ở trẻ: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa
Nội dung bài viết
Hen suyễn ở trẻ là gì? Dấu hiệu khi trẻ có bệnh như thế nào? Nguyên nhân nào gây hen suyễn ở trẻ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau của Bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Hen suyễn ở trẻ em là gì?
Hen suyễn ở trẻ em là tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khi trong lồng ngực kèm theo tăng đáp ứng đường thở và tắc nghẽn luồng thở không cố định. Sự hạn chế luồng không khí trong bệnh hen suyễn do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm:1
- Co thắt phế quản. Co thắt phế quản cấp tính là do kết quả của việc giải phóng các chất trung gian phụ thuộc IgE từ tế bào mast bao gồm histamine, tryptase, leukotrienes và prostaglandin trực tiếp làm co thắt cơ trơn đường thở.
- Phù nề đường thở. Khi bệnh thường xuyên tái phát sẽ làm tình trạng viêm tiến triển hơn, thay đổi cấu trúc bao gồm phì đại và tăng sản cơ trơn đường thở.
- Thay đổi cấu trúc vĩnh viễn tại đường thở. Những thay đổi cấu trúc này có thể bao gồm sự dày lên của màng đáy, xơ hóa dưới biểu mô, phì đại và tăng sản cơ trơn đường dẫn khí, tăng sinh và giãn mạch máu, tăng sản và tăng tiết tuyến nhầy.
Vào năm 2020, 42,7% trẻ em dưới 18 tuổi mắc bệnh hen suyễn có một hoặc nhiều cơn hen suyễn trong vòng một năm qua. Trong khi đó, khoảng 52,9% trẻ em dưới 5 tuổi có cơn hen suyễn cấp tính trở lại.2
Theo thống kê, các cơn hen suyễn ở trẻ em đã giảm từ năm 2001 đến năm 2020. Mặc dù bệnh hen suyễn có thể kiểm soát được nhưng ước tính có 50% trẻ em mắc bệnh hen suyễn không kiểm soát được.2
Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ em là gì?
Trẻ em có các triệu chứng khác nhau trong các đợt hen suyễn khác nhau. Các dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ em bao gồm:3
- Ho dai dẳng (có thể là triệu chứng duy nhất).
- Những cơn ho xảy ra thường xuyên, đặc biệt là khi chơi hoặc tập thể dục gắng sức, thường vào ban đêm, hoặc trong không khí lạnh, hoặc cò sự thay đổi cảm xúc.
- Ho nghiêm trọng hơn sau khi bị nhiễm virus.
- Hạn chế vận động gắng sức.
- Khó ngủ vì ho hoặc khó th
- Thở nhanh.
- Tức ngực hoặc đau.
- Khò khè, tiếng rít khi hít vào hoặc thở ra.
- Rút lõm ngực.
- Cảm thấy mệt mỏi, lừ đừ.
- Ở trẻ sơ sinh, khi có dấu hiệu suyễn, trẻ có dấu hiệu bỏ bú hoặc bú kém.
Nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ em
Những nguyên nhân có thể gây hen suyễn ở trẻ em bao gồm:3
- Tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
- Tiền căn gia đình có người bị dị ứng.
- Ba mẹ bị hen có thể di truyền cho con.
- Nhiễm virus như cảm lạnh thông thường.
- Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, chẳng hạn như khói thuốc lá.
- Dị ứng với mạt bụi, lông thú cưng, phấn hoa hoặc nấm mốc.
- Hoạt động thể chất gắng sức.
- Thời tiết thay đổi hoặc không khí lạnh.
Hen suyễn ở trẻ có thể gây biến chứng gì?
Bệnh hen suyễn có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm:3
- Các cơn hen nặng cần điều trị khẩn cấp.
- Suy hô hấp.
- Thay đổi chức năng phổi vĩnh viễn.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
- Khó ngủ và mệt mỏi.
- Cản trở hoạt động vui chơi, thể thao hoặc các hoạt động khác.
Cách chẩn đoán hen suyễn ở trẻ
Bệnh hen suyễn đôi khi có thể khó chẩn đoán. Để xác định bệnh hen suyễn ở trẻ em, cần theo dõi các triệu chứng, tần suất cũng như tiền sử bệnh. Khi cần thiết, trẻ em cần các xét nghiệm để loại trừ các tình trạng khác và để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.3
Xét nghiệm chức năng phổi3
Xét nghiệm chức năng phổi còn được gọi là đo phế dung ký. Đo phế dung ký nhằm đo lượng không khí mà trẻ có thể thở ra và nhanh như thế nào. Trẻ em có thể được kiểm tra chức năng phổi khi nghỉ ngơi, sau khi tập thể dục và sau khi uống thuốc hen suyễn.
Đo độ oxit nitric trong hơi thở3
Nếu chẩn đoán hen suyễn không chắc chắn sau khi kiểm tra chức năng phổi, trẻ em có thể cần được đo mức độ oxit nitric trong mẫu hơi thở. Ngoài ra, xét nghiệm oxit nitric cũng có thể giúp xác định liệu thuốc steroid có thể kiểm soát bệnh hen suyễn hay không.
Tuy nhiên, những xét nghiệm hen suyễn này không chính xác trước 5 tuổi. Đối với trẻ nhỏ hơn, bác sĩ sẽ theo dõi các triệu chứng kết hợp với việc điều trị thử. Song song đó, trẻ em theo dõi hen suyễn cũng cần xét nghiệm dị ứng.
Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ loại trừ các nguyên nhân khác gây triệu chứng giống như hen suyễn bao gồm:3
- Viêm mũi.
- Viêm xoang.
- Trào ngược axit hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Dị vật đường thở.
- Rối loạn nhịp thở.
- Nhiễm trùng đường hô hấp như viêm tiểu phế quản và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Trẻ bị hen suyễn có chữa được không?
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hen suyễn. Điều trị ban đầu tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn của con bạn. Mục tiêu của điều trị hen suyễn là kiểm soát các triệu chứng:3
- Tối thiểu hoặc không có triệu chứng.
- Ít hoặc không có cơn hen tái phát.
- Không có giới hạn về hoạt động thể chất hoặc tập thể dục.
- Sử dụng tối thiểu thuốc xịt cắt cơn nhanh, chẳng hạn như albuterol (ProAir HFA, Ventolin HFA,…).
- Ít hoặc không có tác dụng phụ từ thuốc.
- Điều trị bệnh hen suyễn bao gồm cả việc ngăn ngừa các triệu chứng và điều trị cơn hen suyễn đang diễn ra. Loại thuốc phù hợp cho con bạn phụ thuộc vào một số điều, bao gồm: tuổi, triệu chứng, các tác nhân gây hen suyễn.
Đối với trẻ em dưới 3 tuổi có các triệu chứng hen suyễn nhẹ, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp chờ xem theo dõi biểu hiện của trẻ. Điều này là do tác dụng lâu dài của thuốc hen suyễn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không rõ ràng.
Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi bị thở khò khè thường xuyên hoặc nghiêm trọng, bác sĩ có thể điều trị thử xem liệu thuốc có cải thiện triệu chứng hay không.
Sau thời gian điều trị, nếu các triệu chứng của bé được kiểm soát hoàn toàn, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc trị hen suyễn. Điều này được gọi là điều trị xuống bậc. Nếu bệnh hen suyễn của bé không được kiểm soát tốt, bác sĩ có thể tăng, thay đổi hoặc thêm thuốc. Điều này được gọi là điều trị tăng bậc.
Cách chăm sóc trẻ bị hen suyễn
Khi chăm sóc trẻ mắc hen suyễn, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:3
- Nhận biết các dấu hiệu của cơn hen suyễn và biết phải làm gì khi xảy ra.
- Kiểm soát các yếu tố gây khởi phát cơn hen ở trẻ.
- Theo dõi việc dùng thuốc của trẻ.
Phòng ngừa hen suyễn ở trẻ nhỏ như thế nào?
Có thể thực hiện một số cách sau để giúp phòng ngừa mắc hen suyễn, cũng như phòng ngừa cơn hen suyễn bùng phát cho trẻ:3
- Phòng tránh sự tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn sẽ làm giảm nguy cơ lên cơn hen suyễn.
- Giữ không khí trong nhà sạch sẽ.
- Hạn chế tiếp xúc lông và da của thú cưng. Nếu con bạn bị dị ứng với vẩy da, tốt nhất bạn nên tránh vật nuôi có lông. Nếu bạn nuôi thú cưng, việc thường xuyên tắm rửa hoặc chải lông cho chúng cũng có thể làm giảm lượng lông trên da. Giữ vật nuôi ra khỏi phòng của trẻ em.
- Tránh tiếp xúc với phấn hoa trong không khí từ cây cối, cỏ và cỏ dại bay vào trong nhà.
- Tránh tiếp xúc với bụi trong không khí. Vệ sinh nhà cửa ít nhất một lần một tuần để loại bỏ bụi và chất gây dị ứng.
- Giảm tiếp xúc với không khí lạnh, giữ ấm cơ thể.
Hen suyễn của trẻ là bệnh lý với biển hiện thay đổi do sự tắc nghẽn không cố định tại đường thở của trẻ. Bệnh có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ. Phụ huynh cần hiểu rõ về bệnh để có cách chăm sóc trẻ tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Expert Panel Report 3: Guidelines for the Diagnosis and Management of Asthma - Section 2 Definition, Pathophysiology and Pathogenesis of Asthma, and Natural History of Asthmahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK7223/
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Asthma Factshttps://aafa.org/asthma/asthma-facts/
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Childhood asthmahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/childhood-asthma/symptoms-causes/syc-20351507
Ngày tham khảo: 28/05/2023