Niềng răng mặt lưỡi: Những điều bạn cần biết khi lựa chọn
Nội dung bài viết
Niềng răng mặt lưỡi là khí cụ chỉnh nha đặc biệt. Hiện nay phương pháp này đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng. Đồng thời cũng nhận được nhiều phản ánh tích cực sau khi chỉnh nha bằng kỹ thuật này. Hãy cùng bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu chi tiết hơn về kỹ thuật niềng răng bằng mắc cài mặt lưỡi qua bài viết dưới đây nhé!
Niềng răng mặt lưỡi là gì?
Niềng răng mặt lưỡi hay chính xác là niềng răng mắc cài mặt lưỡi hay còn gọi là niềng răng mặt trong. Đây là một loại khí cụ chỉnh nha đặc biệt được nhiều người tin dùng hiện nay. Nó được cấu tạo bởi hệ thống mắc cài gắn vào mặt trong của hàm răng.
Điều khác biệt lớn nhất của khí cụ này so với các loại trước đó là các mắc cài được chế tạo riêng cho từng chiếc răng. Vì vậy tính thẩm mỹ cũng như tính chính xác rất cao. Ngoài ra việc giấu đi hàng mắc cài vào trong giúp người niềng yên tâm, tự tin hơn khi giao tiếp.
Sự đổi mới trong cấu tạo của khí cụ này giúp khách hàng có được kết quả chỉnh nha tối ưu và rút ngắn thời gian điều trị. Bên cạnh đó, mắc cài mặt trong được thiết kế mỏng, giúp giảm bớt khó chịu và cộm cấn cho khách hàng.
Xem thêm: Niềng răng mắc cài trong suốt: Tìm hiểu trước khi lựa chọn
Đối tượng nên dùng niềng răng mặt lưỡi
Mắc cài mặt lưỡi có thể áp dụng ở nhiều độ tuổi. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho các tình trạng răng như: răng hô, răng móm, răng thưa, răng lệch lạc.
Răng hô – Đối tượng nên sử dụng niềng răng mặt lưỡi
Răng hô còn gọi là răng vẩu, là một dạng khớp cắn bị sai lệch khá phổ biến. Sự sai lệch tương quan giữa hai hàm có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Khi nhìn nghiêng khuôn miệng sẽ thấy hàm bị nhô ra gây mất cân đối. Người răng hô cũng có thể dùng niềng răng mắc cài kim loại mặt trong để khắc phục tình trạng này.
Răng móm
Răng móm là một tình trạng khớp cắn bị ngược. Bình thường khi khép miệng lại thì cung răng hàm trên sẽ phủ ngoài cung răng hàm dưới. Nhưng ở những người bị móm thì khớp cắn có dạng ngược lại. Niềng răng mặt lưỡi giúp nắn chỉnh hai hàm trên dưới đều và đúng khớp cắn, cải thiện tình trạng răng móm.
Răng thưa
Đây là tình trạng răng mọc cách xa nhau ở trên cung hàm. Hàm răng không khít gây khó khăn trong ăn nhai và nhất là giảm tính thẩm mỹ. Niềng răng mặt trong sẽ giúp can thiệp và kéo các răng xa cách sát lại gần nhau đảm bảo thẩm mỹ, khớp cắn và chức năng ăn nhai.
Xem thêm: Cải thiện răng thưa: Các phương pháp thông dụng nhất
Răng lệch lạc
Răng lệch lạc là tình trạng răng mọc chen chúc nhau làm sai lệch khớp cắn. Răng mọc lệch lạc có thể khắc phục nhờ niềng răng mặt lưỡi để kéo những răng mọc lộn xộn về đúng vị trí.
Xem thêm: Răng mọc lệch ở trẻ: Nguyên nhân và cách giải quyết
Đối tượng không nên niềng răng mắc cài mặt lưỡi
Hầu hết các trường hợp bị khiếm khuyết về răng như răng hô, móm, thưa, lệch lạc đều có thể chỉnh nha bằng phương pháp niềng răng mặt lưỡi. Tuy nhiên, một số trường hợp sau đây bạn nên cân nhắc khi lựa chọn.
Răng và xương hàm quá yếu
Khi niềng răng, chắc chắn sẽ diễn ra quá trình siết và nắn chỉnh răng. Điều này đòi hỏi răng và xương hàm phải khỏe mạnh để đảm bảo quá trình chỉnh nha liên tục và hiệu quả. Trong trường hợp răng và xương hàm quá yếu do nhiều nguyên nhân. Chúng có thể là do các bệnh lý về răng như viêm nha chu, viêm tủy răng. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc việc chỉnh nha cho bạn.
Bọc sứ hoặc trồng răng giả nhiều
Người bọc răng sứ quá nhiều, răng không đủ cứng chắc để chịu đựng lực kéo răng từ mặt trong. Vì trong quá trình bọc sứ, thân răng bị mài nhỏ để bọc mão sứ vào.
Trường hợp trồng răng giả quá nhiều, độ cứng chắc giữa chân răng và nướu cũng không còn nguyên vẹn. Vì không thể thiết kế các dây chằng nha chu để kéo chỉnh răng ở những chiếc răng giả.
Xem thêm: Làm răng sứ: Tất tần tật những điều cần biết
Người tiểu đường, mắc các bệnh về máu
Người mắc các bệnh lý về máu chẳng hạn như máu khó đông không nên chỉnh nha. Vì quá trình thực hiện cần phải nhổ răng. Do đó nếu có chứng máu khó đông thì rất nguy hiểm.
Người bị tiểu đường cũng rất khó lành vết thương nếu có trong quá trình chỉnh nha. Vì vậy những trường hợp cần báo cho nha sĩ trước để thận trọng nếu vẫn quyết định làm.
Ưu và nhược điểm của niềng răng mặt lưỡi
Ưu điểm của kỹ thuật niềng răng mặt lưỡi
Ưu điểm lớn nhất của niềng răng mắc cài mặt trong chính là yếu tố thẩm mỹ cao vì không thấy mắc cài bên ngoài. Thêm vào đó, lực di chuyển răng của kỹ thuật này rất nhẹ nhàng, không gây ra ma sát nên bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong quá trình điều trị. Cụ thể các ưu điểm là:
Tính thẩm mỹ cao
Mắc cài mặt lưỡi được bố trí ở mặt trong răng nên người đối diện không thể nhận biết là bạn đang trong quá trình niềng răng. Do đó, bạn có thể thoải mái và tự nhiên giao tiếp với mọi người.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đầu, kỹ thuật này cũng gây một số tổn thương vì bệnh nhân có thể chưa quen. Nhưng do mắc cài được bố trí bên trong răng, nên các tổn thương sẽ không bị lộ ra ngoài và vẫn giữ được tính thẩm mỹ.
Hạn chế tổn thương môi má
Nhiều trường hợp niềng răng bị chấn thương môi má do vận động mạnh, chơi thể thao dùng mắc cài mặt ngoài. Vì vậy, sử dụng mắc cài mặt lưỡi, chúng ta sẽ không cần quá lo lắng về vấn đề này nữa.
Nhược điểm của mắc cài mặt lưỡi
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì khí cụ này cũng có một số hạn chế như:
- Thời gian điều trị lâu hơn.
- Thao tác gắn mắc cài đòi hỏi kỹ thuật của người chuyên môn cao hơn những khí cụ khác.
- Bất tiện khi vệ sinh răng miệng, dẫn đến một số vấn đề răng miệng khác như sâu răng,…
- Thời gian đầu có thể gây ra một vài tổn thương bên trong do bệnh nhân chưa quen.
Xem thêm: Người niềng răng ăn gì và không nên ăn gì?
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến việc niềng răng mặt lưỡi. Hi vọng qua bài viết trên bạn đã có thể cân nhắc cho mình khi lựa chọn các kỹ thuật niềng răng. Bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để được tư vấn cụ thể hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Lingual Braces: The Upside and Downside of Braces on the Back Sidehttps://www.healthline.com/health/lingual-braces-2
Ngày tham khảo: 29/07/2021
-
What Are Lingual Braces?https://www.colgate.com/en-us/oral-health/adult-orthodontics/what-are-lingual-braces
Ngày tham khảo: 29/07/2021