Nổi mề đay có được tắm không?
Nội dung bài viết
Triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng nổi mề đay là ngứa ngáy, khó chịu. Nhưng theo dân gian thì mề đay có tính hàn nên cần kiêng nước. Do vậy chắc hẳn có rất nhiều bạn có nhu cầu được tắm sạch sẽ còn đang lăn tăn bị nổi mề đay có nên kiêng nước không. Vậy hãy cùng tìm hiểu nổi mề đay có được tắm không qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo.
Mề đay là gì?
Mề đay (hay mày đay) là một hiện tượng phản ứng viêm da, do sự tác động của chất trung gian hóa học là histamin. Đó là khi trên da xuất hiện các vết phù nề đỏ với triệu chứng điển hình là những cơn ngứa không dứt, càng gãi càng ngứa, những nốt sần ban đầu chỉ xuất hiện ở vị trí rồi sau dần lan ra các vị trí khác thành cả đám rộng, sẽ tự nổi và hoàn toàn biết mất trong một hoặc vài giờ nhưng tối đa không quá 24 giờ.
Thường có hai loại là cấp tính và mạn tính có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Mề đay cấp tính thường tái diễn tần suất dưới 2 lần/tuần còn mề đay mạn tính với triệu chứng kéo dài trên 6 tuần và trên 2 lần/tuần.
Nổi mề đay có được tắm không?
Theo quan niệm dân gian, người bị nổi mề đay phải kiêng nước để tránh nặng thêm. Tuy nhiên quan điểm này không đúng hoàn toàn vì nước có ảnh hưởng hay không còn tùy vào nguyên nhân nổi mề đay. Nếu bệnh nhân nổi mề đay do dị ứng thời tiết lạnh hoặc do nước lạnh thì có thể tắm bằng nước ấm và ngược lại. Nhưng không cần phải kiêng tuyệt đối.
Còn với trường hợp mề đay do dị ứng thức ăn, phấn hoa, lông động vật, hóa chất,… thì thậm chí còn nên tắm rửa hàng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh này.
Tắm khi bị nổi mề đay để loại bỏ mồ hôi và các tế bào chết trên da gây bít tắc lỗ chân lông nhất là vào mùa hè. Các tuyến bã nhờn không được làm sạch có nguy cơ làm tăng hoạt động của vi khuẩn. Hơn nữa không tắm khiến người bệnh gãi nhiều vì ngứa, khiến da tổn thương làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó kiêng nước tuyệt đối không những không giúp giảm mề đay mà còn khiến tình trạng nặng hơn.
Một lợi ích của việc vệ sinh cơ thể nữa là tạo điều kiện cấp ẩm cho làn da. Việc này giúp giảm tình trạng khô ráp, kích ứng và giảm ngứa cho vùng da bị mề đay. Vậy nên khuyến cáo tốt nhất bạn nên duy trì tắm rửa 1 lần/ngày bằng nước ấm.
Nổi mề đay tắm với lá gì nhanh khỏi bệnh?
Kinh giới1
Các dược liệu họ Lamiaceae như kinh giới đặc trưng bởi tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm của tinh dầu. Lá chứa nhiều hoạt chất như menthol racemic, d-limonene,… có tính khử trùng tự nhiên. Đây là cách trị nổi mề đay tại nhà hiệu quả và phổ biến. Các dược liệu này có tính ấm, vị cay, chứa nhiều hoạt chất gây tê và làm dịu da, rất phù hợp với những người bị mẩn ngứa do nổi mề đay.
Cách tiến hành: Lấy lá đun sôi với 1 – 2 lít nước. Tắm hoặc ngâm vùng da mề đay với hỗn hợp này trong vòng 15 – 20 phút rồi tắm sạch lại. Bạn cũng có thể sử dụng loại kinh giới phơi khô để bảo quản được lâu hơn nhưng phải đảm bảo lá mua phải rõ nguồn gốc.
Tía tô2
Cũng như kinh giới, tía tô cũng có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm được dùng để giảm ngứa. Phương pháp tắm với lá tía tô an toàn, lành tính và áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên không nên áp dụng với các trường hợp da bị trầy xước da, mưng mủ hoặc chảy máu,… Tía tô cũng giống các lá dược liệu khác cho tác dụng khá chậm nên cần kiên trì thực hiện.
Cách tiến hành: Rửa sạch lá tía tô rõ nguồn gốc để loại bỏ đất cát, tạp chất nếu có. Đun lá dược liệu với khoảng 1 – 2 lít nước rồi để nguội. Sử dụng nước trên để tắm mà không cần loại bỏ bã.
Lá khế chua
Lá khế chua từ lâu thường được dùng để trị bệnh ngoài da như dị ứng, viêm da cơ địa và đặc biệt là chứng nổi mề đay. Trong lá khế chua có hàm lượng chất oxy hóa cao có tác dụng thúc đẩy tái tạo tế bào. Đồng thời lá khế cũng có tác động giải độc, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại gây dị ứng nổi mề đay.
Cách tiến hành: Rửa sạch lá khế chua để loại rạp chất. Đun sôi với nửa thìa cà phê muối trong 1 – 2 lít nước. Pha thêm nước để nước đạt nhiệt độ ấm phù hợp và tắm. Ngoài ra bạn có thể giã nhuyễn lá khế sau đó đắp trực tiếp lên vùng da cần điều trị. Sau 15 phút rửa lại bằng nước sạch sẽ thấy được hiệu quả.
Rau sam
Theo y học cổ truyền thì rau sam có vị chua, tính hàn có tác dụng tiêu viêm, giải độc. Còn theo y học hiện đại, chúng chứa nhiều vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm và nhiều chất chống oxy hóa có tính kháng khuẩn, kháng viêm. Vì vậy rau sam thường được dùng để điều trị ngứa ngáy, dị ứng nổi mề đay.
Cách tiến hành: Rửa sạch dược liệu và đun sôi với 1 – 2 lít nước. Để nước giảm đến nhiệt độ ấm và sử dụng.
Lưu ý khi tắm cho người bị nổi mề đay
Làn da của người bị nổi mề đay nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn người bình thường. Vì vậy, người bị nổi mề đay khi tắm cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tắm bằng nước ấm để tránh gây kích ứng da. Bởi nước nóng sẽ khiến da khô, mất cân bằng pH tự nhiên và làm tăng cảm giác ngứa ngáy. Trong khi nước quá lạnh khiến da dễ sốc nhiệt gây hại cho sức khỏe và giảm sức đề kháng.
- Không chà xát quá mạnh để tránh da bị trầy xước, dễ gây nhiễm trùng và để lại sẹo.
- Không tắm quá lâu, chỉ nên tắm từ 5 – 10 phút với tần suất 1 lần/ngày. Vì tắm quá lâu sẽ khiến da giảm cấp ẩm dẫn đến khô tăng cảm giác ngứa ngáy.
- Lựa chọn sữa tắm có nguồn gốc tự nhiên, lành tính và ít hóa chất. Bạn cũng có thể tắm với các loại dược liệu đã giới thiệu ở trên để giảm triệu chứng bệnh.
- Sau khi tắm bạn có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm chăm sóc da.
Bài viết trên đã giải đáp cho bạn thắc mắc nổi mề đay có được tắm không cũng như giới thiệu các loại dược liệu dùng thay sữa tắm. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi cơn ngứa ngáy, khó chịu do mề đay.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tác dụng chữa bệnh của cây kinh giớihttps://suckhoedoisong.vn/tac-dung-chua-benh-cua-cay-kinh-gioi-169211027225825575.htm
Ngày tham khảo: 31/12/2022
-
Tía tô - Vị thuốc trừ lạnh, giải độchttps://suckhoedoisong.vn/tia-to-vi-thuoc-tru-lanh-giai-doc-169211109185932912.htm
Ngày tham khảo: 31/12/2022