Nguyên nhân nước tiểu đục khi mang thai và cách điều trị
Nội dung bài viết
Một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất là đi tiểu thường xuyên. So với trước khi mang thai, màu và độ trong của nước tiểu có thể thay đổi rất nhiều. Đôi khi, mẹ bầu xuất hiện nước tiểu đục. Có nhiều lý do khiến nước tiểu đục. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ chia sẻ về nguyên nhân gây nước tiểu đục và một số biện pháp điều trị. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Nguyên nhân nước tiểu đục khi mang thai
Những nguyên nhân làm nước tiểu đục khi mang thai mà bạn cần lưu ý là:
1. Mất nước
Khi cơ thể mất nước, nước tiểu sẽ cô đặc và sẫm màu hơn, đôi khi có màu đục.1 Có nhiều lý do gây mất nước ở phụ nữ mang thai như là nôn mửa do ốm nghén, hoặc do quá nóng. Đồng thời, ngay cả khi không từ những lý do trên, mẹ bầu cần nhiều nước hơn để cung cấp cho thai, nguồn nước nuôi dưỡng nhau thai, nước ối và em bé. Do vậy, mẹ bầu nên uống 10 cốc nước mỗi ngày để tránh tình trạng mất nước trong thai kỳ.
2. Tiền sản giật
Tiền sản giật thường xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này thường gây rối loạn đến gan, thận và gây tăng huyết áp. Nguyên nhân này có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nếu tình trạng diễn tiến nặng dần sẽ làm nước tiểu có protein. Do vậy, nó gây tiểu đục ở thai phụ. Đồng thời, bạn cũng có thể thấy lượng nước tiểu giảm. Tiền sản giật có thể đe dọa tính mạng của mẹ và bé.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nước tiểu có màu đục là do các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng, trong đó có nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn xâm nhập vào thận, niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo.
Trong thời kỳ mang thai, thai phụ có nguy cơ nhiễm trùng tiểu chuyển thành nhiễm trùng thận. Đồng thời, nguy cơ nhiễm trùng này còn tăng nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân.2
4. Các bệnh nhiễm trùng khác
Khi mang thai, nhiễm trùng nấm men vùng âm đạo khá phổ biến. Nấm men làm tiết dịch quá mức là, nước tiểu đục khi mang thai. Mặt khác, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như nhiễm chlamydia và bệnh lậu cũng gây tiểu đục. Những bệnh nhiễm trùng này cảnh báo nguy cơ chuyển dạ sinh non.
5. Sỏi thận
Nước tiểu đục khi mang thai có thể xuất phát từ bệnh sỏi thận. Sỏi thận là mảnh vật chất hình thành từ canxi, oxalat và photpho ngay tại thận. Thai phụ có nguy cơ bị sỏi thận khi thường xuyên bị mất nước, bị nhiễm trùng tiểu hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.
Tuy trường hợp sỏi thận khi mang thai khá hiếm gặp nhưng thai phụ vẫn cần nên lưu ý.3
Cách xác định nước tiểu đục khi mang thai có phải do bệnh lý
Để biết chính xác nước tiểu đục khi mang thai có phải do bệnh lý nào đó hay không, thai phụ cần được xét nghiệm nước tiểu. Đây là xét nghiệm có thể thực hiện khi mẹ bầu khám thai định kỳ. Để xét nghiệm có kết quả chính xác, các mẫu nước tiểu cần được lấy đúng quy cách, không bị nhiễm bẩn. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp định danh vi khuẩn cũng như các chất khác có trong nước tiểu. Sau đó, bác sĩ sẽ kết hợp kết quả xét nghiệm với các triệu chứng khác để đưa ra chẩn đoán cụ thể.
Việc lưu ý những dấu hiệu sau sẽ giúp mẹ bầu phần nào phát hiện bệnh lý hoặc rối loạn:
- Mất nước: khát nước, thường xuyên mệt mỏi, lú lẫn, chóng mặt, da và môi khô,…
- Tiền sản giật: tăng huyết áp, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, khó thở, phù và tăng cân.
- Nhiễm trùng tiểu: nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi, đau vùng chậu, cơn co thắt Braxton-Hicks.
- Nhiễm nấm men: ngứa âm đạo hoặc âm hộ, dịch tiết có mùi pho-mát, rát bỏng khi tiểu, đau khi quan hệ tình dục.
- Bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục: đau khi đi tiểu, dịch tiết có mùi hôi, âm đạo ra máu, đau bụng dưới.
- Sỏi thận: tiểu đau, tiểu máu, đau bụng dữ dội hoặc đau lưng dưới, buồn nôn, nôn.
Điều trị tình trạng nước tiểu đục khi mang thai
Đa số những nguyên nhân gây đục nước tiểu khi mang thai đều có thể đều trị được. Tùy theo lý do cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp:
1. Mất nước
Nếu gặp phải tình trạng mất nước không quá nặng, thai phụ cần chú ý uống thêm nước tại nhà.
Nếu mất nước nghiêm trọng hơn, bạn phải nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch.1
2. Tiền sản giật
Đây là tình trạng đặc biệt cần lưu tâm đối với mẹ và bé. Bác sĩ cần theo dõi tình trạng của thai phụ và từ đó đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp. Ví dụ: dùng thuốc huyết áp, corticosteroid hoặc thuốc chống co giật.4
3. Nhiễm trùng tiểu
Khi gặp phải nguyên nhân này, phụ nữ mang thai cần điều trị kháng sinh. Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp bác sĩ lựa chọn loại thuốc phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn.5 Đồng thời, các mẹ bầu nên uống thêm nước để đẩy lùi tình trạng nước tiểu đục khi mang thai.
4. Nhiễm nấm men
Tình trạng này có thể được điều trị bằng cách dùng kem bôi ngoài da. Nếu nhiễm trùng không thuyên giảm, người mẹ cần được bác sĩ theo dõi, kê đơn thuốc uống.
5. Bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục
Đối với những bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia,… cần được kê đơn thuốc kháng sinh.
6. Sỏi thận
Trường hợp sỏi nhỏ có thể biến mất theo thời gian. Mẹ bầu cũng có thể được chỉ định thuốc giảm đau để giảm cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, truyền dịch để giảm mất nước cũng là biện pháp được cân nhắc. Đối với sỏi thận có kích thước lớn, thai phụ có thể cần phẫu thuật hoặc điều trị bằng phương pháp chuyên biệt.
Hy vọng bài viết trên đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc, đặc biệt là những mẹ bầu. Khi gặp tình trạng nước tiểu đục khi mang thai, chị em phụ nữ cần hết sức lưu ý. Đây có thể là dấu hiệu của những bệnh lý cần được điều trị ngay. Các mẹ bầu cần nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hợp lý nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Adult Dehydrationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK555956/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Urinary tract infections in pregnancy: old and new unresolved diagnostic and therapeutic problemshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4379362/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Renal stones in pregnancyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4934980/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
What are the treatments for preeclampsia, eclampsia, & HELLP syndrome?https://www.nichd.nih.gov/health/topics/preeclampsia/conditioninfo/treatments
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Urinary Tract Infectionhttps://www.cdc.gov/antibiotic-use/uti.html
Ngày tham khảo: 09/03/2023