Papilloma thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Papilloma thanh quản là một bệnh lý không phổ biến ở thanh quản. Tuy nhiên, đối với bệnh lý này, người bệnh không nên chủ quan. Nó có thể lây lan sang nhiều vị trí lân cận, đặc biệt là phổi và ảnh hưởng đến hô hấp. Vậy thì bệnh lý này có nguyên nhân từ đâu? Triệu chứng ra sao và cách điều trị thế nào? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.
1. Đôi nét tổng quan về bệnh papilloma thanh quản
Papilloma thanh quản, còn được gọi là u nhú đường hô hấp tái phát (RRP) hoặc u nhú thanh quản. Đây là một tình trạng y tế hiếm gặp, trong đó các khối u lành tính (u nhú) hình thành dọc theo đường hô hấp. Có hai biến thể dựa trên độ tuổi khởi phát: u nhú thanh quản ở trẻ vị thành niên và người lớn.
Các khối u xảy ra là do cơ thể nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV), xảy ở thanh quản. Các khối u có thể dẫn đến thu hẹp đường thở, có thể gây ra thay đổi giọng nói hoặc tắc nghẽn đường thở. Bệnh được chẩn đoán sơ bộ thông qua nội soi thanh quản gián tiếp. Thực hiện bằng cách quan sát các khối u trên thanh quản và có thể được xác định thông qua sinh thiết.
2. Tình hình dịch tễ của bệnh papilloma thanh quản
U nhú thanh quản là loại u lành tính phổ biến nhất ảnh hưởng đến thanh quản và đường hô hấp trên. Thoái hóa ác tính thành ung thư biểu mô tế bào vảy có thể xảy ra, nhưng rất hiếm. Tỷ lệ hiện mắc chung dao động từ 2 trên 100.000 người lớn đến 4,5 trên 100.000 trẻ em. Như vậy, hơn 10.000 người Mỹ bị u nhú đường hô hấp.
>> Xem thêm: Đau thành ngực: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Papilloma thanh quản tương tự như mụn cóc trên da (mụn cơm thông thường) và u nhú condyloma acuminatum, hoặc mụn cóc sinh dục. Nhiễm vi rút là phổ biến. Sử dụng các phương pháp phát hiện có độ nhạy cao như phản ứng chuỗi polymerase, ước tính nhiễm HPV từ 60 đến 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Một số người bị nhiễm bệnh phát triển biểu hiện lâm sàng của u nhú và một số người không bao giờ phát triển bệnh lâm sàng. Hiện nguyên nhân của vấn đề này vẫn chưa được xác định chắc chắn. Thực tế là một số cá nhân dường như nhạy cảm với vi rút và những người khác thì không. U nhú ở thanh quản (hoặc hô hấp) không được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính về tỷ lệ mắc RRP khởi phát ở trẻ vị thành niên là không chính xác. Nhưng dao động từ hai trường hợp trở xuống trên 100.000 trẻ em dưới 18 tuổi. Thậm chí, người ta còn biết ít hơn về tỷ lệ mắc bệnh ở người trưởng thành.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh u nhú thanh quản
Papilloma thanh quản do hai loại vi rút u nhú ở người (HPV) gây ra. Đó chính là HPV 6 và HPV 11. Có hơn 150 loại HPV, và chúng không có các triệu chứng giống nhau. Hầu hết những người bị nhiễm HPV không bao giờ phát triển bệnh liên quan.
Tuy nhiên, ở một số ít người tiếp xúc với vi rút HPV 6 hoặc 11, u nhú đường hô hấp và mụn cóc sinh dục có thể hình thành. Vi rút này được cho là lây lan qua quan hệ tình dục. Hoặc khi người mẹ bị mụn cóc sinh dục truyền vi rút HPV 6 hoặc 11 cho con mình trong khi sinh.
4. Triệu chứng của bệnh u nhú thanh quản là gì?
Thông thường, giọng nói của con người được tạo ra khi không khí từ phổi được đẩy qua hai cơ chuyên biệt cạnh nhau. Chúng được gọi là nếp gấp thanh quản chịu áp lực đủ để khiến chúng rung lên. Khàn tiếng là triệu chứng của bệnh papilloma thanh quản phổ biến nhất. Nó xảy ra khi u nhú thanh quản cản trở các rung động bình thường của các nếp gấp thanh quản. Cuối cùng, các khối u nhú thanh quản có thể chặn đường thở và gây khó thở.
Các triệu chứng của papilloma thanh quản có xu hướng nghiêm trọng hơn ở trẻ em so với người lớn. Do các khối u phát triển nhanh nên trẻ nhỏ mắc bệnh có thể cảm thấy khó thở khi ngủ hoặc khó nuốt. Một số trẻ sẽ thuyên giảm hoặc bệnh trở nên nhẹ hơn khi bắt đầu dậy thì. Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị khàn giọng, ho mãn tính hoặc khó thở. Do các triệu chứng giống nhau, u nhú thanh quản đôi khi bị chẩn đoán nhầm là hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính.
5. Chẩn đoán u nhú thanh quản như thế nào?
Bệnh có thể được chẩn đoán thông qua việc xem hình ảnh các tổn thương bằng thủ thuật soi thanh quản gián tiếp. Trong nội soi thanh quản gián tiếp, lưỡi được kéo về phía trước. Một gương soi thanh quản hoặc một ống soi cứng được đưa qua miệng để kiểm tra thanh quản.
>> Xem thêm: Hội chứng phổi do virus Hanta: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Một dạng khác của nội soi thanh quản gián tiếp là đưa một ống soi mềm, được gọi là ống soi hoặc ống nội soi. Ống được đưa qua mũi và vào cổ họng để khảo sát thanh quản từ trên cao. Thủ thuật này còn được gọi là nội soi thanh quản bằng ống soi mềm. Sự xuất hiện của u nhú được mô tả là nhiều và hiếm khi mọc đơn lẻ, màu trắng với kết cấu sần sùi tương tự như súp lơ. U nhú thường xuất hiện trong thanh quản. Đặc biệt là trên các nếp gấp thanh quản và trong không gian phía trên các nếp thanh âm.
Chỉ có thể chẩn đoán xác định u nhú thanh quản thông qua sinh thiết. Bao gồm xét nghiệm bằng kính hiển vi và xét nghiệm HPV trên một mẫu sinh thiết. Các mẫu sinh thiết được thu thập dưới gây mê toàn thân, qua nội soi thanh quản trực tiếp hoặc nội soi phế quản sợi quang.
6. Điều trị u nhú thanh quản như thế nào?
6.1. Những trường hợp thông thường
Một khi u nhú thanh quản phát triển sẽ không có cách chữa trị triệt để. Phẫu thuật là phương pháp chính để loại bỏ các khối u khỏi thanh quản hoặc đường thở. Bởi vì phẫu thuật theo cách truyền thống có thể gây ra các vấn đề do mô thanh quản bị sẹo. Thế nên nhiều bác sĩ phẫu thuật hiện nay sử dụng phương pháp phẫu thuật laser.
Các laser carbon dioxide (CO2) hoặc kali titanyl phosphate (KTP) thường được sử dụng cho phương pháp này. Các bác sĩ phẫu thuật cũng thường sử dụng một thiết bị gọi là microdebrider. Sử dụng lực hút để giữ khối u tại chỗ trong khi một lưỡi quay nhỏ bên trong loại bỏ khối u.
>> Xem thêm: Các cách chữa bệnh ho hiệu quả mà bạn nên biết
Một khi các khối u đã được loại bỏ, chúng vẫn có thể tái phát trở lại. Thông thường bệnh nhân phải phẫu thuật nhiều lần. Với một số bệnh nhân, phẫu thuật có thể được yêu cầu vài tuần một lần để giữ cho đường thở mở. Trong khi những người khác có thể chỉ cần phẫu thuật mỗi năm một lần. Hoặc thậm chí cần phẫu thuật ít thường xuyên hơn.
6.2. Những trường hợp nặng
Trong những trường hợp nặng nhất khi khối u phát triển mạnh, phẫu thuật cắt khí quản có thể được thực hiện. Mở khí quản là một thủ thuật phẫu thuật. Trong đó, các bác sĩ rạch một đường ở phía trước cổ của bệnh nhân. Một ống thở (ống khí quản) được đưa qua một lỗ mở vào khí quản. Thay vì thở bằng mũi và miệng, bệnh nhân sẽ thở bằng ống khí quản. Mặc dù ống khí quản giữ cho đường thở vẫn mở nhưng các bác sĩ cố gắng loại bỏ nó càng sớm càng tốt.
Một số bệnh nhân có thể được yêu cầu đặt ống khí quản vô thời hạn để giữ cho đường thở mở. Ống khí quản dẫn lại toàn bộ hoặc một phần không khí thở ra khỏi các nếp gấp thanh quản. Do đó, bệnh nhân có thể cảm thấy khó khăn khi sử dụng giọng nói của mình. Với sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân có thể học cách sử dụng giọng nói của mình thông qua van nói.
6.3. Điều trị không phẫu thuật
Trong những trường hợp papilloma thanh quản tái phát nhiều lần, các liệu pháp ngoài phẫu thuật có thể được sử dụng. Các phương pháp điều trị bằng thuốc có thể bao gồm thuốc kháng vi-rút như interferon và cidofovir. Chúng ngăn vi-rút tạo ra các bản sao của chính nó.
Thuốc Indole-3-carbinol, một hợp chất chống ung thư được tìm thấy trong các loại rau họ cải như bông cải xanh và cải bruxen. Hoặc Bevacizumab, nhắm mục tiêu vào sự phát triển mạch máu của u nhú. Cho đến nay, kết quả của các liệu pháp này và các liệu pháp không phẫu thuật khác vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.
7. Phòng bệnh như thế nào?
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả chưa được biết đến nhiều nếu người mẹ bị nhiễm HPV. Khả năng lây truyền thấp ngay cả từ người mẹ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, không nên chỉ định sinh mổ với mục đích ngăn ngừa việc lây truyền u nhú thanh quản khi sinh qua đường âm đạo. Ngoài ra, lựa chọn sinh mổ không đảm bảo chắc chắn rằng sự lây truyền không xảy ra.
Việc chủng ngừa bằng vắc-xin HPV có thể ngăn ngừa sự nhiễm vi rút HPV. Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh papilloma thanh quản. CDC hiện khuyến cáo rằng tất cả trẻ em (cả trẻ em trai và trẻ em gái) nên chủng ngừa HPV ở tuổi 9 đến 26. Hiện nay, hai loại văc xin phòng HPV phổ biến ở Việt Nam là Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Tuy nhiên, chỉ có Gardasil mới tiêm được cho cả trẻ trai và trẻ gái trong độ tuổi 9 – 26 tuổi.
8. Kết quả của sự hồi phục
Sự tiến triển của u nhú thanh quản rất khó dự đoán. Mức độ nghiêm trọng và tốc độ tiến triển của bệnh thay đổi giữa các cá nhân. Bệnh lý này thường kéo dài dai dẳng và các tổn thương có thể xuất hiện lại ngay cả sau khi điều trị. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh bao gồm: Kiểu gen HPV, tuổi khởi phát, các thủ thuật y tế điều trị trước đó.
>> Xem thêm: Những điều bạn cần biết về bệnh Sarcoidosis
Các yếu tố khác, mặc dù còn gây tranh cãi, chẳng hạn như hút thuốc hoặc sự hiện diện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Chúng cũng có thể đóng một vai trò nhất định trong sự tiến triển của bệnh.
Các u nhú có thể di chuyển qua thanh quản và lây nhiễm sang các vị trí ngoài thanh quản. Trong những trường hợp nặng hơn, phổi có thể bị nhiễm trùng do tắc nghẽn đường thở tiến triển. Mặc dù hiếm gặp (ít hơn 1% số người mắc u nhú thanh quản), sự chuyển đổi từ dạng lành tính sang dạng ác tính cũng được ghi nhận. Tử vong có thể xảy ra do những biến chứng nghiêm trọng này.
9. Lời kết
Các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng trên thế giới vẫn đang làm việc để khám phá thêm về bệnh papilloma thanh quản. Bệnh nhân và thành viên gia đình nên được giáo dục về nguyên nhân tự nhiên của tình trạng này. Cũng như tính chất mãn tính của nó. Đối với bệnh này, tốt hơn hết là chúng ta nên phòng bệnh bằng văc xin HPV để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh.
>> Tham khảo thêm: Viêm phổi do Legionella: Phòng ngừa thế nào là hiệu quả nhất?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2850851/
- https://www.nidcd.nih.gov/health/recurrent-respiratory-papillomatosis
- http://www.ucdvoice.org/laryngeal-papilloma-2/
- Carifi (2015), “Recurrent respiratory papillomatosis: current and future perspectives”, Therapeutics and Clinical Risk Management, 11, pp. 731 – 738