Partamol tab. 500mg: Thuốc giúp giảm đau, hạ sốt hiệu quả
Nội dung bài viết
Partamol tab là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh liý nào? Các đối tượng nào không nên sử dụng thuốc? Những tác dụng ngoại ý có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh sau khi dùng thuốc là gì? Hãy cùng YouMed theo dõi vấn đề được phân tích trong bài viết dưới đây nhé!
Partamol tab. là thuốc gì?
Partamol tab là thuốc được sản xuất từ công ty TNHH Stada, Việt Nam.
Đây là thuốc không kê đơn và được dùng để điều trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm, sốt. Ngoài ra, thuốc cũng có thể giúp giảm đau đầu, đau họng, các trường hợp đau nhức xương khớp. Hoặc giúp giảm đau bụng kinh và các trường hợp bệnh lý thường gặp.
Công dụng của thuốc Partamol tab. là gì?
Thuốc Partamol tab giúp giảm đau, hạ sốt.
Ngoài ra, thuốc còn làm thuyên giảm các cơn đau do:
- Bị cảm cúm, nhức đầu.
- Các trường hợp đau họng.
- Mắc tình trạng đau nhức cơ xương.
- Phái nữ đến ngày hành kinh, trường hợp quá đau do hành kinh có thể sử dụng thuốc để giúp thuyên giảm.
- Điều trị đau răng.
Liều dùng thuốc Partamol tab.
Tùy vào từng đối tượng và độ tuổi nhất định mà chỉ định liều thuốc Partamol tab tương ứng khác nhau.
Đối tượng là người lớn và trẻ em >12 tuổi:
- Cho bệnh nhân dùng liều 500 – 1000 mg (1 – 2 viên) x 4 – 6 lần/ ngày khi cần thiết.
- Lưu ý, không được > 4 g/ ngày (nghĩa là không dùng quá 8 viên/ ngày).
Với trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 12 tuổi:
- Cho trẻ dùng liều 250 – 500 mg (1/2 – 1 viên) mỗi lần.
- Lưu ý, cho trẻ sử dụng tối đa 4 lần/ ngày.
Một số điểm cần lưu ý:
Không được dùng thuốc Partamol tab để giảm đau > 10 ngày đối với người lớn và 5 ngày đối với trẻ nhỏ.
Trường hợp bị sốt quá cao > 39.5ºC, sốt kéo dài > 3 ngày hoặc tái phát tình trạng sốt thì không được tự ý sử dụng thuốc Partamol tab để điều trị.
Trường hợp cần điều trị cụ thể trên từng đối tượng để đảm bảo hiệu quả tối ưu và tiện theo dõi thì nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cách dùng thuốc Partamol tab.
Thuốc Partamol tab được bào chế dưới dạng viên nén và dùng bằng đường uống.
Dùng thuốc với một cốc nước (dung tích khoảng 150 – 200 ml).
Nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Trường hợp dùng quá liều thuốc Partamol tab:
- Tình trạng quá liều có thể do dùng liều đơn gây độc hoặc có thể do dùng liều cao.
- Triệu chứng quá liều paracetamol nguy hiểm nhất thậm chí gây tử vong là hoại tử tế bào gan phụ thuộc vào liều.
Cách xử trí khi dùng quá liều:
- Sử dụng N-acetylcystein để giải độc.
- Trường hợp ngộ độc vừa xảy ra thì có thể dùng than hoạt có thể làm giảm hấp thụ paracetamol.
- Lưu ý nên điều trị sớm nhất có thể. Tập trung điều trị triệu chứng.
Tác dụng phụ của thuốc Partamol tab.
Khi sử dụng thuốc, có thể xảy ra một số tác dụng phụ khi dùng sai cách hoặc do cơ địa nhạy cảm như sau:
Thường xảy ra nhất sau khi dùng thuốc là tình trạng nổi ban da.
Thỉnh thoảng xảy ra các phản ứng dị ứng với các triệu chứng như nổi mề đay, nổi ban đỏ. Tuy nhiên, đối khi triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn và có sốt kèm theo và tổn thương niêm mạc.
Một số triệu chứng khác nhưng ít gặp:
- Nổi ban.
- Buồn nôn, nôn.
- Rối loạn tạo máu như giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu; thiếu máu.
- Gây độc tính trên thận khi dùng dài ngày.
Lưu ý một số phản ứng dưới đây mặc dù hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm:
- Phản ứng quá mẫn.
- Hội chứng Stevens-Johnson.
- Các trường hợp xuất hiện hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Lyell.
- Mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Partamol tab.
Cần chú ý đến hướng dẫn sử dụng thuốc, bao gồm các trường hợp chỉ định và các lưu ý quan trọng như sau:
Chống chỉ định
- Đối tượng suy gan.
- Các trường hợp quá mẫn với paracetamol hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần tá dược nào có trong công thức thuốc.
- Ngoải ra, không nên sử dụng thuốc Partamol tab trên bệnh nhân bị thiếu hụt men glucose – 6 – phosphat dehydrogenase.
Các lưu ý khác
Không dùng thuốc cho trẻ < 6 tuổi.
Chú ý với bệnh nhân thiếu G6PD gây tan máu, suy dinh dưỡng, bệnh nhân chán ăn thì không nên dùng thuốc.
Cần thận trọng khi dùng thuốc Partamol tab cho các đối tượng.
- Bị suy gan, thận.
- Nghiện rượu.
- Suy dinh dưỡng mạn tính.
- Hoặc bị mất nước.
Thuốc có thể được sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú. Nhưng cần cân nhắc khi dùng thuốc trên phụ nữ mang thai.
Tương tác thuốc
- Thuốc chống đông máu.
- Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
- Các thuốc chống co giật như carbamazepin, phenytoin, barbiturat.
- Probenecid.
- Isoniazid và các thuốc kháng lao: vì làm tăng độc tính của thuốc.
- Cholestyramin.
- Metoclopramid hoặc domperidon.
Cách bảo quản
- Để thuốc Partamol tab ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Nhiệt độ bảo quản < 30oC và nên tránh ánh sáng.
- Nên để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
Giá thuốc Partamol tab. bao nhiêu tiền?
Trên thị trường hiện nay, thuốc Partamol tab có giá tham khảo khoảng 45.000 VNĐ. (Có thể thay đổi tuỳ thời điểm).
Hy vọng thông qua bài viết này, đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về thuốc giảm đau hạ sốt Partamol tab. Người bệnh cần lưu ý tuân theo liều lượng chỉ định, tránh trường hợp quá liều dẫn đến tá dụng phụ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ngoài ra, hãy thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường hoặc tình trạng bệnh trở nặng để được hỗ trợ và xử trí kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Partamol Tab.https://drugbank.vn/thuoc/Partamol-Tab-&VD-23978-15
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Paracetamolhttps://www.mims.com/vietnam/drug/info/paracetamol?mtype=generic
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Paracetamol poisoninghttps://www.rch.org.au/clinicalguide/guideline_index/Paracetamol_poisoning/
Ngày tham khảo: 24/05/2021