Benda là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Benda là thuốc gì? Thuốc có công dụng gì? Hiệu quả điều trị mà thuốc mang đến như thế nào? Những điều cần chú ý trong quá trình dùng thuốc là gì? Hãy cùng Dược sĩ Trần Việt Linh tìm hiểu thêm thông tin về thuốc này nhé!
Tên thành phần hoạt chất: Mebendazole.
Thuốc có thành phần tương tự: Mebendazole 500, Fugacar 500…
Benda là thuốc gì?
Thuốc Benda là thuốc được sản xuất bởi công ty TNHH Thai Nakorn Patana Việt Nam. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén chứa 500 mg hoạt chất, trưng bày dưới dạng hộp 1 viên. Thuốc được biết đến với công dụng diệt một hoặc nhiều loại giun.
Thành phần của Benda
Mỗi viên thuốc Benda có chứa:1
- Mebendazole: 500 mg.
- Tá dược vừa đủ 1 viên nén.
Công dụng của thành phần có trong Benda
Mebendazole – Hoạt chất chính trong thuốc Benda được biết đến là một thuốc tẩy giun phổ rộng nhóm Benzimidazol. Có tác dụng tương tự với các thuốc khác như Albendazole, Flubendazole, Thiabendazole. Phổ điều trị của Mebendazole rộng, có tác dụng điều trị các giun đường ruột như: giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc,…2 3
Tác dụng của thuốc Benda
Thuốc Benda có công dụng dùng để điều trị nhiễm một hay nhiều các loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn, giun kim, giun xoắn,…1
Cách dùng và liều dùng của thuốc Benda
Cách dùng
Mebendazole được dùng bằng đường uống mà không liên quan đến bữa ăn. Bệnh nhân phải nhai hoàn toàn viên thuốc trước khi nuốt.
Liều dùng
Sử dụng một viên duy nhất một lần uống. Nếu sử dụng để điều trị giun kim thì uống lại 1 viên sau 7 ngày. Sau 6 tháng uống lại một liều để chống tái nhiễm.1
Liều dùng trên chỉ mang tính tham khảo. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị, bạn phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
Thuốc Benda có giá bao nhiêu?
Trên thị trường hiện nay thuốc Benda được bán với giá tham khảo là 17.000 VNĐ cho một hộp 1 viên. Giá bán có thể chênh lệch tùy vào chính sách bán hàng của mỗi nhà cung cấp khác nhau.
Tác dụng phụ của thuốc
Các tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng Mebendazole là chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, ù tai và tăng men gan. Ngoài ra các tác dụng không mong muốn thường gặp khác như sốt, đau đầu, chóng mặt, rụng tóc. Đa phần các tác dụng phụ này sẽ được phục hồi sau khi ngưng điều trị mà không cần can thiệp khác. Chỉ trừ trường hợp bị giảm bạch cầu và ảnh hưởng chức năng gan, cần phải can thiệp điều trị và ngưng sử dụng thuốc.2
Tác không mong muốn hiếm gặp như ảnh hưởng các yếu tố huyết cầu nói chung như giảm tiểu cầu, mất hoặc giảm bạch cầu hạt. Tuy nhiên tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người mà thuốc có thể gây ra những biểu hiện tác dụng phụ. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho bản thân, bạn cần thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ bạn gặp phải.2
Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể gây giảm hoặc tăng hiệu quả của thuốc Benda. Bạn cần chia sẻ với bác sĩ điều trị tất các các loại thuốc bạn đang sử dụng, để xem xét tính phù hợp trước khi dùng Benda. Một số thuốc gây tương tác với Benda như Cimetidine sẽ làm tăng tác dụng của Benda khi cùng điều trị. Dùng đồng thời Benda và Phenytoin hoặc Carbamazepin sẽ làm giảm nồng độ của Mebendazol trong huyết tương.1 3
Để an toàn cho bản thân và nâng cao hiệu quả điều trị. Bạn nên chia sẻ cho bác sĩ biết về các loại thuốc bạn đang sử dụng để bác sĩ có thể chọn lựa phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Chống chỉ định của thuốc
Những đối tượng sau không được sử dụng Benda:1
- Có tiền sử dị ứng với các hoạt chất thuộc nhóm Benzimidazol hoặc bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
- Bệnh nhân bị mắc bệnh về nhiễm độc tủy xương.
- Phụ nữ mang thai 03 tháng đầu.
Đối tượng đặc biệt khi sử dụng Benda
Mắc các bệnh lý về gan và máu
Đối với người bệnh có chức năng gan bất thường, nếu muốn sử dụng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cần phải cân nhắc giữa yếu tố có lợi và có hại trước khi sử dụng. Bởi vì, đặc tính của Mebendazol là chuyển hóa qua gan và đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc gan.3
Đối với bệnh nhân có bệnh lý về máu cũng cân nhắc và tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế trước khi sử dụng.
Phụ nữ có thai và cho con bú
Tuyệt đối không tự ý sử dụng Benda cho phụ nữ có thai. Trong trường hợp không còn cách nào khác bắt buộc phải dùng cần phải có chỉ định của chuyên gia y tế. Ngoài ra, sau khi sử dụng thuốc, ít nhất 1 tháng bệnh nhân không được mang thai.
Trong trường hợp đang sử dụng thuốc mà phát hiện mình có thai thì phải dừng thuốc ngay lập tức và đến gặp bác sĩ để thăm khám. Phải hiểu rõ rằng thuốc gây ảnh hưởng rất nặng nề lên thai nhi. Mức độ bài tiết của thuốc qua sữa còn chưa biết rõ. Do đó cần phải có chỉ định và hướng dẫn cụ thể cách dùng từ bác sĩ thì mới được cân nhắc sử dụng.3
Người lái xe hay vận hành máy móc
Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, nhức đầu có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của người bệnh. Nếu cảm thấy có biểu hiện trên, bệnh nhân nên ngừng lái xe hay vận hành máy.
Xử trí khi dùng quá liều Benda
Khi quá liều Benda, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu của rối loạn đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các dấu hiệu này sẽ biến mất sau vài giờ.1
Ngoài ra, khi sử dụng Mebendazole ở liều cao trong thời gian dài thì có thể xuất hiện nhiều phản ứng nghiêm trọng hơn. Ví dụ như suy giảm bạch cầu, suy giảm chức năng gan.2
Nếu người dùng có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ là do dùng quá liều thuốc, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức. Sau đó hãy nhanh chóng đi đến bệnh viện gần nhất và mang theo thuốc để bác sĩ có thể xử trí kịp thời.
Xử trí khi quên một liều Benda
Cách xử trí khi bạn bị quên liều thuốc như sau:
- Dùng ngay sau khi nhớ ra mình đã quên một liều.
- Nếu như liều đã quên gần kề với liều tiếp theo thì nên bỏ qua và dùng theo đúng lịch trình.
- Tuyệt đối không được dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên. Vì như vậy thuốc sẽ sử dụng quá liều và dẫn đến các tác hại như đã đề cập ở trên.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Benda
Trong trường hợp xảy ra bất kỳ tác tác dụng phụ nào, người dùng cần báo cho bác sĩ để can thiệp và được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng điều trị. Nếu trường hợp quá liều hoặc tác dụng phụ nặng phải đến trung tâm y tế gần nhất để được giúp đỡ kịp thời.
Để xa tầm tay trẻ em. Người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
Bảo quản thuốc Benda
Cách bảo quản thuốc như sau:
- Bảo quản trong bao bì kín, không sử dụng nếu bao bì bị rách để thuốc tiếp xúc với không khí.
- Thuốc được để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.
- Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về công dụng và các lưu ý khi dùng thuốc điều trị giun Benda. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bản thân, bạn nên thăm khám bác sĩ và các chuyên gia y tế trước khi xảy ra các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Hy vọng bài viết mang nhiều kiến thức bổ ích đến cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng Bendahttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/12/to-huong-dan-su-dung-thuoc-benda-500.pdf
Ngày tham khảo: 15/12/2022
-
Mebendazolehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557705/
Ngày tham khảo: 15/12/2022
-
Bộ Y Tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 933.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=933
Ngày tham khảo: 15/12/2022