Quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra như thế nào?
Nội dung bài viết
Quá trình chuyển dạ và sinh nở ở thai phụ nghe tuy đơn giản nhưng khá phức tạp. Đây là một trong những khó khăn sau cùng mà thai phụ cần phải vượt qua để sinh em bé. Không ít các mẹ bầu đã gặp phải những khó khăn trong giai đoạn chuyển dạ. Vì vậy, chị em hãy đọc qua bài viết sau đây để giảm bớt phần nào sự bỡ ngỡ. Cũng như tự tin để vượt cạn thành công.
1. Quá trình chuyển dạ là gì?
Quá trình chuyển dạ sinh là một quá trình sinh lý bình thường. Đây là quá trình có tác dụng làm cho em bé cùng các phần phụ của thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của thai phụ.
Chuyển dạ có sự phối hợp giữa các cơn gò tử cung cùng với sự xóa mở cổ tử cung. Kết quả sau cùng là thai nhi và nhau thai sẽ được sổ ra ngoài.Thời gian của những giai đoạn chuyển dạ sinh nở thay đổi tùy theo từng người. Đồng thời, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Độ mạnh của cơn gò.
- Ống sinh dục của người mẹ.
- Diện tích tiểu khung chậu.
- Kích thước đầu thai nhi.
- Số lượng thai nhi.
Thời gian chuyển dạ của mẹ bầu sinh con so thường kéo dài hơn mẹ bầu sinh con rạ. Nguyên nhân là vì cổ tử cung xóa mở chậm hơn. Đồng thời, tầng sinh môn còn khá rắn chắc trong lần sinh đầu tiên. Thời gian trung bình của chuyển dạ con so là 18 đến 24 giờ. Trong khi con rạ chỉ từ 16 đến 18 giờ.
2. Quá trình đó diễn ra như thế nào?
Quá trình chuyển dạ sinh nở diễn ra theo các giai đoạn sau đây:
2.1. Giai đoạn I
Đây là giai đoạn mà cổ tử cung sẽ xóa mở. Giai đoạn này được tính từ khi có cơn gò tử cung đầu tiên cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn.
2.2. Giai đoạn II
Đây là giai đoạn sổ thai ra khỏi tử cung. Giai đoạn này được xác định tử khi cổ tử cung mở hoàn toàn đến khi thai nhi được sổ hết ra ngoài. Kết quả của giai đoạn này nhờ vào áp lực trong buồng tử cung do những cơn gò. Đồng thời còn kết hợp với động tác rặn của mẹ bầu.
2.3. Giai đoạn III
Đây chính là giai đoạn sổ nhau và cầm máu. Giai đoạn này bắt đầu từ lúc thai nhi được sổ đến khi các phần phụ được sổ ra ngoài hoàn toàn. Ngay sau giai đoạn này, tử cung sẽ co hồi lại một cách nhanh chóng.
3. Những gì sẽ xảy ra trong quá trình chuyển dạ?
Trong giai đoạn chuyển dạ, cổ tử cung sẽ mềm dần ra, mở ra hoặc giãn rộng ra. Khi người mẹ sắp sinh, em bé sẽ di chuyển từ tử cung vào âm đạo. Lúc ấy, mẹ bầu sẽ có thể cảm thấy như muốn đi đại tiện.
>>> Xem thêm: Bị cảm khi mang thai và những hướng xử trí phù hợp.
Chuyển dạ thường tự bắt đầu từ tuần 38 đến 42 của thai kỳ. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp giục sinh. Để cổ tử cung trở nên mềm, các bác sĩ sẽ đặt vào âm đạo một ống mỏng thông qua cổ tử cung. Thuốc để khởi phát các cơn co thắt sẽ được tiêm tĩnh mạch. Đôi khi, chuyển dạ cũng được kích thích theo những cách khác.
Các bác sĩ chỉ kích thích chuyển dạ trước tuần 38 nếu có nguyên nhân bất thường. Thông thường, điều này đồng nghĩa là việc chờ đợi đến đủ tháng có thể gây nguy hiểm cho mẹ hoặc thai nhi.
4. Những gì sẽ xảy ra trong quá trình sinh nở?
Trong quá trình sinh nở, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ hỗ trợ người mẹ sinh em bé. Khi em bé sinh ra qua đường âm đạo của thai phụ thì được gọi là thường. Hoặc sinh ngả âm đạo. Nếu các bác sĩ phẫu thuật để đưa em bé ra khỏi bụng người mẹ, đó được gọi là sinh mổ.
Trong quá trình sinh thường, cổ tử cung sẽ mở rộng hết cỡ. Thai phụ sẽ rặn mạnh để đưa em bé ra ngoài. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ cho mẹ bầu biết khi nào bạn nên bắt đầu rặn.
Trong đa số các trường hợp, người mẹ nên nằm tư thế sản khoa trong quá trình sinh nở. Hầu hết các thai phụ có thể tự rặn em bé ra mà không có sự cản trở nào. Nhưng đôi khi, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ hỗ trợ đưa em bé ra ngoài bằng cách sử dụng dụng cụ kéo thai.
>>> Tham khảo thêm: Những điều cần lưu ý trong thời gian mang thai.
5. Những dấu hiệu giúp bạn nhận biết quá trình chuyển dạ
5.1. Ra nhớt hồng âm đạo
Trong suốt quá trình mang thai, luôn có một nút nhầy vững chắc tại chỗ nối cổ tử cung và âm đạo. Nút nhầy này có tác dụng bảo vệ cho thai nhi. Nó chống sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh vào buồng ối.
Vì thế, khi cổ tử cung bắt đầu xóa mở, nút nhầy sẽ thoát ra bên ngoài âm đạo. Nó như một chất nhầy nhớt và có màu hồng. Đây là dấu hiệu báo cho người mẹ biết bắt đầu vào giai đoạn chuyển dạ.
5.2. Những cơn gò tử cung xuất hiện càng dài và dày
Khi bước vào tuần từ 38 đến 42 của thai kỳ, các cơn gò tử cung sẽ trở nên rõ ràng hơn. Cơn gò sẽ tăng dần về cường độ và tần số. Trong cơn gò, mẹ bầu sẽ cảm thấy đau trằn bụng và căng cứng khắp bụng. Đây là động lực chính cho thời kỳ chuyển dạ xuất hiện nhằm đưa thai nhi ra khỏi bụng mẹ.
5.3. Hiện tượng chảy nước ối
Kết hợp với hiện tượng chảy nước ối là sự thành lập đầu ối. Đây cũng chính là hai yếu tố báo hiệu quá trình chuyển dạ bắt đầu. Khi áp lực trong buồng tử cung tăng cao, đầu thai sẽ dần di chuyển xuống gần âm đạo.
Đầu ối căng phồng và rất dễ vỡ. Khi màng ối vỡ, nước ối sẽ chảy ra ngoài. Song song với hiện tượng vỡ màng ối, chảy nước ối là cơn gò tử cung xuất hiện nhiều hơn. Tất cả đều tạo sự thuận lợi nhất để tống thai ra ngoài.
>>> Xem thêm bài viết: Dịch màu nâu nhạt khi mang thai có cần lo lắng?
Trong một số trường hợp khi thai đã quá ngày hoặc thai già tháng, các bác sĩ sẽ chủ động bấm ối. Thủ thuật này có tác dụng giúp khởi phát cơn gò tử cung mạnh và dài. Mục đích cuối cùng là đưa thai nhi ra ngoài.
6. Quá trình chuyển dạ và sinh nở có đau không?
Quá trình chuyển dạ và sinh nở thông thường sẽ đau theo nhiều mức độ. Cơn đau là do những cơn co thắt tử cung. Sau đó là đau do âm đạo bị căng khi rặn em bé ra. Mức độ đau không giống nhau giữa người này với người khác.
Đa số mẹ bầu chọn theo cách sinh qua ngả âm đạo. Cách sinh này rất bình thường, gần với sinh lý nhất. Đồng thời không có sự can thiệp của dao kéo phẫu thuật cũng như thuốc tê, thuốc mê. Chính vì vậy, cách sinh ngả âm đạo có những ưu điểm sau:
- Không phải chịu đau sau mổ.
- Không bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc tê, thuốc mê.
- Thời gian nằm viện ngắn (tối đa là 3 ngày).
- Tử cung co hồi tốt do quá trình sinh nở gần với sinh lý bình thường.
- Chức năng tiết sữa nhanh hơn so với sinh mổ.
- Viện phí thấp hơn so với sinh mổ.
- Tránh được những tai biến y khoa nhất định của phương pháp mổ lấy thai.
Tuy nhiên, hiện nay, với sự tiến bộ của y học thì phương pháp sinh thường không đau đã ra đời. Chính nhờ kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng đã giúp mẹ bầu không phải chịu đau đớn trong suốt thời gian sinh nở.
>>> Tham khảo thêm bài viết cùng chủ đề: Mang thai tuần 42: Chờ đợi giây phút chuyển dạ
7. Những điều bạn cần làm sau khi sinh em bé
Sau khi sinh em bé xong, mẹ bầu sẽ được nằm nghỉ tại phòng sinh khoảng 2 giờ để các bác sĩ theo dõi:
- Mạch, huyết áp, nhiệt độ.
- Sự co hồi tử cung.
- Tình trạng xuất huyết âm đạo.
- Tổng trạng của người mẹ.
- Trong trường hợp sinh mổ, các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng vết mổ.
Sau đó, các bác sĩ sẽ cho em bé nằm gần mẹ. Đồng thời hướng dẫn mẹ cách cho em bé bú để tận dụng nguồn sữa non giàu kháng thể. Nếu tình trạng sản phụ sau sinh ổn thì các bác sĩ sẽ cho xuất viện. Thông thường, thời gian nằm viện là 3 ngày đối với sinh thường và 5 ngày đối với sinh mổ.
Quá trình chuyển dạ sinh nở là một quá trình có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với những ai làm cha mẹ. Chính vì vậy, tốt hơn hết là mẹ bầu nên sinh tại bệnh viện để các nhân viên y tế theo dõi sát. Đồng thời xử trí những tình huống khẩn cấp một cách kịp thời. Mục đích là để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.