Răng lung lay ở người lớn: Nguyên nhân, cách điều trị và ngăn ngừa
Nội dung bài viết
Khi nói đến sự phát triển và tăng trưởng của trẻ em, răng sữa lung lay là trường hợp bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn là một người trưởng thành và vì lý do nào đó răng lung lay là răng vĩnh viễn, thì bạn nên tham khảo ý kiến nha sĩ. Nếu không thể giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt, răng của bạn có thể bị rụng hoàn toàn.
Thật không may, không giống như răng sữa, cơ thể của bạn không tự động thay thế răng vĩnh viễn mới khác khi răng vĩnh viễn cũ mất đi.
Răng lung lay có phải là trường hợp cần lo lắng?
Sự lung lay của răng vĩnh viễn ở người lớn không điển hình và là một nguyên nhân đáng lo ngại. Điều này là do răng vĩnh viễn là những răng không thể thay thế một cách tự nhiên. Khi một chiếc răng vĩnh viễn bị mất dây chằng và xương nâng đỡ, nó sẽ lung lay từ từ nhưng chắc chắn sẽ tách ra khỏi xương và nướu trừ khi bạn làm điều gì đó giúp ngăn chặn điều này.
Răng lung lay có xu hướng rơi ra chỉ với một chút chạm nhẹ. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn ăn nhai. Điều này có thể làm chúng lung lay nhiều hơn. Nếu bạn đang mắc các triệu chứng khác ngoài răng lung lay thì đó là dấu hiệu của một bệnh lý có từ trước. Hãy đến nha sĩ thăm khám ngay để xác định đúng nguyên nhân. Hiểu được nguyên nhân khiến răng lung lay có thể giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bạn.
Nguyên nhân của răng lung lay ở người lớn
Hiện tượng người lớn bị lung lay răng do vô số nguyên nhân. Mặc dù một số lý do là vô hại và cuối cùng có thể được khắc phục bằng các cách chăm sóc răng miệng như :đánh răng, súc miệng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Nhưng có một số bệnh hoặc tình trạng lung lay răng cần sự can thiệp của nha sĩ để phục hồi tình trạng răng.
Nếu không, bạn sẽ phải nhổ chiếc răng đó và thay thế bằng cầu hoặc cấy ghép nha khoa.
Sau đây là một số yếu tố quan trọng thường khiến người lớn bị lung lay răng.
1. Bệnh nha chu
Viêm nha chu là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng răng lung lay ở người lớn. Nó thường trầm trọng hơn do mảng bám; hoặc màng bao gồm các mảnh thức ăn và vi khuẩn trên bề mặt men răng và nướu.
Bệnh viêm nướu ở giai đoạn đầu, cần được điều trị kịp thời để tránh tình trạng nghiêm trọng hơn gọi là viêm nha chu. Viêm nha chu có thể khiến nướu bị kéo ra khỏi răng, tạo ra các túi cho vi khuẩn phát triển và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng này dẫn đến mất mô liên kết và xương; đến mức khiến răng trở nên lung lay.
Các dấu hiệu của bệnh nha chu bao gồm các triệu chứng sau:
- Nướu viêm đỏ;
- Tụt nướu;
- Tiêu xương ổ;
- Chảy máu nướu;
- Nướu sưng đau.
2. Bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu không được kiểm soát dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, do đó phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Việc kiểm soát lượng đường trong máu có thể cần thời gian dài trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng như các khía cạnh sức khỏe khác.
Đảm bảo rằng phải thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu; kiểm soát sao cho không được quá cao hoặc quá thấp. Vì bạn có thể gặp vấn đề với sức khỏe răng miệng và các bệnh lý khác. Tuân thủ các phương pháp kiểm soát bệnh tiểu đường thích hợp như: dùng insulin và theo dõi lượng đường trong máu của bạn.
Xem thêm: Bệnh tiểu đường và những biến chứng bạn cần chú ý!
3. Mang thai
Mức progesterone và estrogen của phụ nữ được tăng lên khi mang thai. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng xấu đến các mô chuyên biệt như nha chu cũng như các mô và xương bao quanh và nâng đỡ răng.
Các mô miệng nâng đỡ răng bao gồm: nướu, dây chằng nướu, xương ổ răng và xi măng. Khi mang thai, nướu răng sẽ nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương và nhiễm trùng; có thể gây ra tình trạng răng lung lay. Tuy nhiên, những vấn đề này có xu hướng giảm dần sau khi sinh.
4. Chấn thương
Một trường hợp khác khiến răng lung lay là do chấn thương vùng mặt hoặc chấn thương răng. Nếu bạn bị tai nạn xe hơi hoặc bị chấn thương thể thao như trong bóng đá, những tác động đáng kể đến mặt hoặc miệng có thể làm nới lỏng các dây chằng nha chu và làm răng vĩnh viễn rơi khỏi ổ xương của bạn.
Áp lực và tác động có thể làm tổn thương các mô và dây chằng đến mức chúng hoại tử và làm mất đi sự nâng đỡ cho răng. Ngoài tai nạn ô tô, một cú va quệt đơn giản cũng có thể dẫn đến răng bị lung lay miễn là lực tác động lên miệng.
5. Nghiến răng
Nghiến răng là khi hai hàm của bạn vô tình nghiến hoặc siết chặt răng vào nhau, dẫn đến men răng và thân răng bị hư hại. Áp lực thêm này lên răng cũng có thể dẫn đến việc răng bị lung lay và làm hỏng mô răng nâng đỡ lân cận. Đau hàm, đau mặt và đau đầu là những triệu chứng đáng chú ý của chứng nghiến răng khi ngủ.
Nghiến răng một cách vô thức cũng có thể xảy ra khi bạn đang thức. Tham khảo ý kiến nha sĩ của bạn về cách khắc phục vấn đề này. Đôi khi, bạn có thể được hướng dẫn sử dụng một máng bảo vệ miệng đeo khi ngủ để kiểm soát các triệu chứng của bệnh nghiến răng.
6. Loãng xương
Loãng xương là một căn bệnh làm cho xương của bạn trở nên xốp hoặc có nhiều lỗ, khiến chúng dễ gãy hơn. Đương nhiên, chứng rối loạn xương này thường dẫn đến gãy xương ngay cả khi bạn bị thương nhẹ. Căn bệnh này ảnh hưởng phần lớn đến cổ tay, hông và cột sống.
Tuy nhiên, nó cũng có thể gây hại cho xương hàm của bạn, nơi giữ răng vào vị trí thông qua ổ răng. Nếu mật độ xương của hai hàm đã giảm đáng kể, phần nâng đỡ răng của bạn có thể bị lỏng và răng có thể bị rơi ra ngoài.
Xem thêm: Chảy máu chân răng – Dấu hiệu sức khỏe không nên xem thường
Điều trị răng lung lay ở người trưởng thành
Điều trị răng lung lay ở người lớn bắt đầu ngay sau khi nha sĩ xác định được nguyên nhân. Hãy đến khám tại phòng nha để biết chính xác lý do khiến răng bạn bị lung lay. Trao đổi với nha sĩ về phương pháp điều trị nha khoa phù hợp nhất cho vấn đề của bạn. Hầu hết đều là điều trị phòng ngừa nhằm ngăn chặn bất kỳ tình trạng tiềm ẩn nào đang khiến tình trạng răng lung lay của bạn tiến triển thêm.
1. Cạo vôi răng và xử lý mặt chân răng
Nếu bạn bị viêm nha chu, nha sĩ sẽ áp dụng phương pháp làm sạch sâu để giải quyết tất cả các vấn đề và triệu chứng của tình trạng này. Cạo vôi răng là cách được sử dụng để loại bỏ vi khuẩn và cao răng. Xử lý mặt chân răng là làm nhẵn bề mặt chân răng để giúp nướu gắn lại với răng của bạn. Sử dụng những phương pháp này thực sự giúp đảo ngược sự tiến triển của bệnh nướu răng.
2. Nước súc miệng và thuốc
Một phương pháp kác để đối phó với tình trạng răng lung lay do bệnh nha chu gây ra là súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn và uống một số loại thuốc kháng sinh để làm giảm tình trạng nhiễm trùng. Điều này cũng hỗ trợ quá trình điều trị viêm nha chu như cạo vôi, xử lý mặt chân răng
3. Phẫu thuật
Bạn có thể phẫu thuật loại bỏ các mô xương và nướu bị tổn thương hoặc bị viêm trongmiệng. Sau đó, cơ thể có thể tự chữa lành, sản xuất lại xương và nướu. Nếu không, bạn có thể phải ghép xương và ghép nướu.
- Phẫu thuật vạt:
Nha sĩ cũng có thể rạch trên nướu của bạn để lật mô nướu ra. Điều này cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn với các vùng nhiễm bệnh của răng bị bệnh để phục vụ cho việc cạo vôi và xử lý mặt chân răng. Sau đó, nướu sẽ được khâu lại vào vị trí ban đầu sau khi làm sạch. Đây là một phương pháp điều trị bệnh nha chu, ngăn ngừa mất răng hiệu quả.
- Ghép xương:
Khi thiếu xương, bạn có thể dùng phương pháp ghép xương để làm dày thể tích xương lên. Nó liên quan đến việc phẫu thuật ghép các mảnh/ bột xương vào các vùng răng bị tiêu xương. Cơ thể bạn sẽ lắng động canxi vào đó, củng cố thêm vào vị trí khi lành lại. Ghép xương cũng hữu ích cho các thủ tục cấy ghép răng.
- Ghép mô mềm:
Ghép mô mềm cũng được thực hiện giống như ghép xương. Nướu được đưa vào những vùng thiếu nướu để hỗ trợ quá trình lành thương sau khi xử lý mặt chân răng. Bất kỳ trường hợp mất nướu hoặc răng nào bạn đã trải qua do viêm nướu và viêm nha chu vẫn có thể được giảm bớt hoặc cố định bằng ghép cũng như cạo vôi răng và phẫu thuật. Tuy nhiên, nó chỉ có thể hiệu quả ở một mức độ nhất định.
- Nẹp:
Nếu chiếc răng lung lay của bạn chưa rơi ra, bạn có thể cứu nó bằng cách nhờ nha sĩ đặt một chiếc nẹp vào đó. Nó liên quan đến việc sử dụng một miếng kim loại hoặc sợi tổng hợp để liên kết răng lung lay với răng lân cận. Điều này giúp hỗ trợ gia cố cho răng lung lay; giữ cho nó không di chuyển và rơi ra.
- Điều chỉnh khớp cắn
Bạn cũng có thể định hình lại khớp cắn bằng cách mài bớt một lượng nhỏ men răng. Khi đó, áp lực lên chiếc răng lung lay sẽ được giảm bớt, cho phép dây chằng hỗ trợ của nó lành lại khi bị xô đẩy. Đây cũng là một lựa chọn cho những ai bị nghiến răng hoặc siết chặt răng không tự chủ.
- Máng bảo vệ (Máng nhai)
Một cách khác để kiểm soát thiệt hại do nghiến răng là sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng. Thay vào đó, quá trình mài sẽ diễn ra trên các thiết bị có thể thay thế này, hấp thụ tất cả áp lực và tác động đó để răng của bạn và mô nha chu được bảo vệ.
Chúng cũng hỗ trợ chữa lành miệng sau phẫu thuật. Bộ phận bảo vệ đóng vai trò như một rào cản giữa răng hàm dưới và hàm trên. Máng bảo vệ miệng cũng có thể được sử dụng để bảo vệ răng khỏi những chấn thương trong thể thao.
Cách ngăn ngừa răng lung lay ở người lớn
Cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng răng lung lay đó là phải phòng ngừa và điều trị nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Đừng để bệnh nha chu hoặc chứng nghiến răng của bạn vẫn tồn tại khi muốn bảo tồn răng lung lay. Vì răng lung lay cuối cùng sẽ nhanh chóng rơi ra khi bạn không giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt. Điều trị có thể cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn. Việc duy trì đúng cách để tránh nguy cơ cũng có thể thúc đẩy quá trình chữa lành và củng cố răng khi bị xô đẩy.
Mặc dù việc ngăn ngừa răng lung lay nói dễ hơn làm, nhưng vẫn có những cách để bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là những biện pháp bạn có thể làm để đảm bảo có sức khỏe nướu tốt hơn và răng được nâng đỡ vững chắc hơn khi hoạt động chức năng:
- Bỏ thuốc lá.
- Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần.
- Theo dõi và kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn.
- Đánh răng cẩn thận hai lần một ngày.
- Mang máng nhai để ngăn ngừa chứng nghiến răng khi ngủ.
- Tìm hiểu về các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến răng.
- Đeo miếng bảo vệ miệng tùy chỉnh khi chơi thể thao.
- Thường xuyên đến nha sĩ của bạn để kiểm tra và làm sạch răng.
- Uống các chất bổ sung sức khỏe do bác sĩ kê đơn như khoáng chất và vitamin để giúp ngăn ngừa loãng xương.
Răng lung lay là điều đáng báo động. Tuy nhiên, nha sĩ có thể giúp bạn bảo tồn răng, khôi phục nụ cười và nâng đỡ răng vững chắc bằng cách tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng lung lay; sau đó khắc phục tình trạng hoặc sử dụng cấy ghép hoặc cầu răng để điều trị.
Tuy nhiên, ngay cả khi mất răng có thể điều chỉnh nhờ chỉnh nha nhưng điều quan trọng nhất là phải điều trị nguyên nhân chính gây mất răng. Bạn cũng nên thực hiện các bước cần thiết để ngăn việc răng tăng lung lay trong quá trình điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Loose tooth causes, prevention and treatmentshttps://www.thantakit.com/loose-tooth-causes-prevention-and-treatments/
Ngày tham khảo: 25/02/2020
-
Loose teeth in Adults: What you should knowhttps://www.healthline.com/health/loose-tooth
Ngày tham khảo: 25/02/2020