YouMed

Răng thưa làm thế nào để khắc phục?

Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc
Tác giả: Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Răng thưa gây mất thẩm mĩ, mất tự tin khi cười, nói chuyện và giao tiếp hằng ngày. Không những thế còn ảnh hưởng cấu trúc xương hàm, gây mất cân đối khuôn mặt. Hãy cùng Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu cách để khắc phục tình trạng răng thưa thông qua bài viết dưới đây nhé!

Nhận biết răng thưa

Răng thưa là tình trạng răng mọc không sát khít nhau mà tạo khoảng trống giữa các răng. Không chỉ gây mất tự tin trong giao tiếp hằng ngày mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là do khoảng trống giữa các răng sẽ dễ mắc thức ăn, nếu không giữ gìn vệ sinh răng miệng sẽ dẫn đến sâu răng, hôi miệng,… Không những thế còn ảnh hưởng đến cấu trúc toàn bộ xương hàm, gây mất cân đối khuôn mặt.

Răng thưa ảnh hưởng tính thẩm mỹ, gây mất tự tin
Răng thưa ảnh hưởng tính thẩm mỹ, gây mất tự tin

Những nguyên nhân khiến răng thưa

Răng thưa gặp hầu hết ở răng sữa của trẻ nhỏ. Tuy nhiên sau khi thay răng vĩnh viễn sẽ khắc phục được tình trạng này của trẻ. Nếu sau khi thay răng mà vẫn không khắc phục được, thì có thể đến từ các nguyên nhân sau đây:

1. Chênh lệch kích thước giữa răng và xương hàm

Một số người có cung hàm quá lớn so với răng. Điều này có thể dẫn đến việc răng mọc cách xa nhau và gây thưa răng. Việc chênh lệch kích thước giữa răng và hàm có liên quan đến tính di truyền. Do đó các thành viên trong một gia đình có thể mắc phải tình trạng này.

2. Răng thưa do bệnh lí răng miệng

Các bệnh lý răng miệng như: sâu răng, viêm nướu, nha chu,… nếu không phát hiện và điều trị kịp thời dần dần răng bị hỏng, lung lay hoặc rụng, tạo khoảng trống giữa các răng. Khi đó những răng còn lại có xu hướng xê dịch về phía khoảng trống nơi răng mất để lại, dần dần các răng trở nên thưa.

3. Thói quen sinh hoạt

Đầu tiên phải kể đến việc vệ sinh răng miệng. Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ dẫn đến các bệnh lý răng miệng. Ngoài ra thói quen xỉa răng quá nhiều, xỉa răng không đúng cách, dùng bàn chải, chỉ nha khoa với lực mạnh, dần dần gây hở kẻ răng, hở chân răng.

Bên cạnh đó, một số trẻ em và cả người lớn có thói quen đẩy lưỡi khi nuốt thức ăn. Thói quen này có thể tạo áp lực lớn lên răng và khiến răng bị thưa.

Xỉa răng không đúng cách gây hở kẽ răng
Xỉa răng không đúng cách gây hở kẽ răng

Hậu quả khi răng bị thưa

Người xưa thường có câu “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Thật vậy, khi giao tiếp hằng ngày, răng miệng là một trong những nơi thường gây chú ý đối với người đối diện. Tình trạng răng thưa có thể gây mất thẩm mỹ khi nói chuyện, đặt biệt là khi cười. Không chỉ vậy về lâu dài còn dẫn đến nhiều tình trạng bệnh lý răng miệng.

1. Ảnh hưởng đến sự tự tin

Răng thưa gây mất tự tin, khiến bạn ngại cười, ngại giao tiếp với người khác. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống. Không những thế, tính thẩm mỹ của răng, cấu trúc của xương hàm tác động rất lớn đến thẩm mỹ của toàn khuôn mặt.

2. Gây ra nhiều bệnh lý răng miệng

Răng thưa mặc dù không được xem là bệnh lý, nhưng tình trạng này dần dần có thể gây ra nhiều bệnh lý răng miệng. Khoảng trống giữa các kẽ răng là nơi dễ nhét thức ăn, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng, viêm nướu, hôi miệng.

Không những thế, tình trạng răng xô lệch còn gây lệch khớp cắn, ảnh hưởng chức năng nhai. Tình trạng này dẫn đến khả năng nhai bị giảm, hàm phải hoạt động nhiều hơn, về lâu dài có thể gây đau đầu, đau xương hàm, và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn có nhu cầu khắc phục răng thưa để cải thiện tính thẩm mỹ, hoặc khi cấu trúc hàm, chức năng nhai nuốt, phát âm bị ảnh hưởng thì bạn nên đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất.

Những phương pháp khắc phục răng thưa

1. Trám răng

Trám răng là phương pháp dùng vật liệu có màu sắc tương đồng với răng để trám đầy vào vị trí thưa.

Ưu điểm

  • Thủ thuật nhanh chóng, giá thành không quá cao.
  • Không xâm lấn răng thật.

Nhược điểm

  • Không bền, phụ thuộc nhiều vào cách ăn uống và chăm sóc răng miệng.
  • Chỉ áp dụng với khoảng thưa nhỏ.
  • Tính thẩm mỹ không cao, dễ nhìn thấy bằng mắt thường, đổi màu theo thời gian.

2. Bọc răng

Với phương pháp này, nha sĩ sẽ tiến hành mài đi một phần răng thật, sau đó tạo hình thân răng bằng sứ to hơn để bọc lên. Từ đó cải thiện được khoảng thưa giữa các răng.

Ưu điểm

  • Tính thẩm mỹ cao, đồng thời khắc phục được tình trạng răng mẻ, răng xỉn màu.
  • Áp dụng được khoảng thưa lớn hơn so với phương pháp trám răng.
  • Thời gian thực hiện nhanh chóng.

Nhược điểm

  • Giá thành cao.
  • Răng sứ không bền vĩnh viễn.
  • Xâm lấn răng thật do phải mài cùi răng.
  • Chỉ áp dụng với khoảng thưa không quá lớn, và răng không quá xô lệch, khớp cắn còn chuẩn.

3. Niềng răng

Niềng răng là một phương pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng này. Nha sĩ sẽ dùng các dụng cụ chỉnh nha tạo một lực kéo để khoảng trống giữa các răng dần khép lại.

Niềng răng là phương pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng răng thưa
Niềng răng là phương pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng răng thưa

Ưu điểm

  • Hiệu quả vĩnh viễn sau khi hoàn thành điều trị.
  • Không xâm lấn răng thật.
  • Điều chỉnh được các khoảng thưa lớn và khớp cắn bị lệch.

Nhược điểm

  • Chi phí cao.
  • Thời gian điều trị lâu, thường từ 1- 2 năm.
  • Có thể gây kém thẩm mỹ trong quá trình niềng răng.

Hy vọng từ những thông tin về ưu nhược điểm của các phương pháp kể trên, sẽ giúp bạn tìm được phương pháp khắc phục răng thưa phù hợp. Hãy đến với nha sĩ, cơ sở nha khoa uy tín để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và an toàn bạn nhé!.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Răng thưa và cách khắc phụchttps://suckhoedoisong.vn/rang-thua-va-cach-khac-phuc-16922092717101583.htm

    Ngày tham khảo: 11/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người