Rau sam: vị thuốc quý với nhiều công dụng bất ngờ
Nội dung bài viết
Rau sam là một loại rau mọc hoang khá phổ biến trong dân gian, thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình. Ngoài làm thức ăn, rau này còn được xem là một vị thuốc quý hỗ trợ chữa nhiều bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là một trong những cây thuốc được sử dụng nhiều nhất. Bài viết sẽ giúp các bạn biết thêm công dụng, đặc tính của vị thuốc quý này.
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển
Rau sam hay còn gọi là mã xỉ hiện, có tên khoa học là Portulaca oleracae L., thuộc họ Rau sam Portulacaceae.
Đây là một loại cỏ sống hàng năm, có nhiều cành mẫm, nhẵn. Thân có màu đỏ nhạt, dài 10 – 30cm. Lá hình bầu dục dài, phía đáy lá hơi thót lại, không cuống. Phiến lá dày, mặt bóng, dài 2cm, rộng 8 – 14mm. Những lá phía trên họp thành một thứ tổng bao quanh các hoa. Hoa mọc ở đầu cành, màu vàng, không có cuống. Quả nang hình cầu, mở bằng 1 nắp. Trong có chứa nhiều hạt màu đen bóng.
Cách trồng rau sam? Cây thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt của nước ta. Toàn cây được phơi khô dùng làm thuốc.
Thành phần trong loại dược liệu này
Những nghiên cứu gần đây cho thấy trong rau có chứa trên 44 hợp chất bao gồm flavonoid, alkaloid, terenoid, acid hữu cơ, vitamin, khoáng chất và các hợp chất khác. Trong đó, flavonoid là hợp chất chiếm ưu thế và có nhiều tác dụng sinh học.
Tác dụng của rau sam
Y học cổ truyền Trung Quốc xem cây rau này là “vị thuốc trường thọ” và được sử dụng để chữa nhiều bệnh.
Theo các tài liệu cổ, rau này có vị chua, tính lạnh, giúp thanh nhiệt giải độc.
Khi phơi khô,nó được dùng để trị sốt, kiết lỵ, tiêu chảy, tiêu ra máu, giun sán, chàm, mụn nhọt, ho lâu ngày. Liều thường dùng là 9 – 15g.
Bằng chứng khoa học về công dụng của rau sam
Rau sam đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người. Tuy nhiên các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh:
Tác dụng của cây rau sam trong bảo vệ hệ thần kinh
Tác dụng bảo vệ thần kinh của rau sam đã được nghiên cứu và báo cáo. Các thành phần trong rau sam có thể khử các gốc tự do, giảm quá trình chết các tế bào thần kinh, giảm thiếu hụt dopamine ở vùng vân của chuột. Kết quả cho thấy rằng, rau sam có thể bảo vệ thần kinh và hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson.
Ngoài ra, dược liệu này còn có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương do thiếu oxy, ức chế enzyme acetyl cholinesterase (thường gặp trong bệnh Alzheimer – sa sút trí tuệ). Do đó, rau sam có thể xem là vị thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer.
Công dụng rau sam điều trị đái tháo đường
Những nghiên cứu trên động vật cho thấy rau sam có tác dụng làm giảm cân nặng, giảm các axit béo tự do trong máu, tăng nồng độ insulin trong máu, giảm tình trạng đề kháng insulin và giảm các biến chứng mạch máu của bệnh đái tháo đường type 2.
Một nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường, cho thấy hạt rau sam có thể giúp hỗ trợ điều trị đái tháo đường type 2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng bột hạt rau sam, 5g x 2 lần/ngày, giúp cải thiện rối loạn lipid máu, giảm tăng men gan, giảm đường huyết đói, đường huyết sau ăn và cân nặng của bệnh nhân.
Công dụng của rau sam về chống oxy hóa
Tác dụng chống oxy hóa của rau sam từ các thành phần chứa trong dược liệu, như gallotannin, omega-3, axit ascorbic, 𝛼-tocopherol, kaempferol, quercetin và apigenin. Các chất này giúp điều chỉnh hoạt động chống oxy hóa của các enzyme. Do đó, làm giảm tổn thương bởi các chất oxy hóa gây ra cho cơ thể.
Tác dụng rau sam chống ung thư
Kết quả các nghiên cứu trên tế bào và trên chuột cho thấy, các hợp chất như polysacarit, cerebroside, homoisoflavonoid, và alkaloid có trong rau sam, có tác dụng gây độc tế bào ung thư, điều hòa miễn dịch của cơ thể. Do đó, rau sam có tiềm năng trong hỗ trợ điều trị ung thư.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy rau sam có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, bảo vệ dạ dày, chống loét dạ dày do tác nhân axit, bảo vệ gan, hỗ trợ điều trị hen suyễn, chữa lành vết thương ngoài da.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm Khổ qua: Thuốc đắng dã tật, Actiso: “Thần dược” mát gan.
Lưu ý, kiêng kỵ
Bạn cần lưu ý một số điều sau trong cách chế biến và sử dụng loại dược liệu này:
- Không nấu quá chín, đung sôi quá lâu.
- Không sử dụng cho phụ nữ có thai.
- Người bệnh có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng, cần phối hợp với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ khi sử dụng loại rau này.
- Người có tiền sử sạn thận nên thận trọng dùng loại dược liệu này.
Rau sam được ví von như “vị thuốc trường thọ”, “thần dược mọc hoang”. Rau sam được sử dụng rất nhiều trong đời sống như một món ăn quen thuộc nhưng tác dụng tuyệt vời của vị thuốc quý này thì lại ít người biết. Bài viết đã tóm tắt một số công dụng, đặc tính của vị thuốc rau sam. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập II. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
- Iranshahy M et al. (2017). Một đánh giá về cách sử dụng truyền thống, hóa dược và dược lý của Portulaca oleraceaiêu. J Ethnopharmacol, tr. 158-172.
- Zhou YX et al. (2015). “Portulaca oleracea: a review of phytochemistry and pharmacological effects”, Biomed Res Int, 2015:925631.
- I.Sayed M.I et al. (2011). “Effects of Portulaca oleracea L. seeds in treatment of type 2 diabetes mellitus patients as adjunctive and alternative therapy”. J Ethnopharmacol, 137(1), tr. 643-651.
- Abdel Moneim AE et al. (2013). “The neuroprotective effects of purslane (Portulaca oleracea) on rotenone-induced biochemical changes and apoptosis in brain of rat”. CNS Neurol Disord Drug Targets, 12(6):830-41.
- Rahimi VB và cộng sự (2019). “Một dược xét về rau sam : Tập trung vào chống viêm, Chống oxy hóa, miễn dịch-Modulatory và hoạt động chống ung thư”. J Pharmacopuncture , 22 (1), tr. 7-15.
- Sumathi T et al. (2016). “Ảnh hưởng của bảo vệ thần kinh Portulaca oleraceae Extract Ethanolic cải thiện tình trạng methylmercury Induced Cognitive loạn và oxy hóa Căng thẳng trong tiểu não và Cortex của Rat Brain”. Biol vết Elem Res , 172 (1), tr. 155-165.
- Khazdair MR và cộng sự (2019). Tác dụng chống hen suyễn của Portulaca Oleracea và các thành phần của nó, một phê bình đánh giá. J Pharmacopinating , 22 (3), tr. 122-130.