YouMed

Rò hậu môn: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

BS Huỳnh Quang Nghệ
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ
Chuyên khoa: Ngoại tiêu hóa

Rò hậu môn với chảy dịch vùng hậu môn là một trong những than phiền nhạy cảm và tế nhị của người bệnh với bác sĩ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ, bạn đọc sẽ biết thêm những chia sẻ tổng quan của bác sĩ về căn bệnh này cũng như các phương pháp điều trị.

Rò hậu môn là gì?

Rò hậu môn là một biểu hiện mạn tính từ một quá trình viêm nhiễm cấp tính vùng quanh hậu môn trực tràng tạo nên ổ áp xe (ổ mủ) cạnh hậu môn. Khi ổ áp xe vỡ hoặc được dẫn lưu ra ngoài, quá trình biểu mô hóa có thể tạo nên một đường kết nối giữa ổ áp xe với vùng da xung quanh hậu môn.1 2

Nếu ổ áp xe cạnh hậu môn không được điều trị tốt, quá trình lành thương không được tốt. Song song đó là hiện tượng nhiễm khuẩn lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu dần sẽ dẫn đến việc hình thành một đường rò dưới da thông nối từ ống hậu môn ra bề mặt da.3

Áp xe hậu môn và rò hậu môn
Áp xe hậu môn và rò hậu môn
Các đường rò hậu môn
Các đường rò hậu môn

Nguyên nhân gây ra rò hậu môn

Nguyên nhân gây ra lỗ rò hậu môn có thể chia thành hai nhóm lớn: Nhiễm khuẩn và những nguyên nhân khác.2 3 4

Nhiễm khuẩn

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất.

Rò hậu môn thường là hậu quả của nhiễm khuẩn tại các tuyến hậu môn ở vùng gian cơ thắt (cơ vùng hậu môn) khi mà vi khuẩn xâm nhập vào các tuyến này thông qua các khe hậu môn (gọi chung là nhiễm khuẩn khe tuyến).

Để giải thích cho hiện tượng này thì ống hậu môn được cấu tạo từ khe hậu môn, ống tuyến hậu môn và tuyến hậu môn. Phân và chất thải thường sẽ bám vào bề mặt khe hậu môn, vi khuẩn theo đó sẽ vào khe hậu môn và xâm nhập vào ống tuyến hậu môn rồi đến các tuyến hậu môn, tạo một ổ nhiễm nguyên phát. Từ ổ nhiễm nguyên phát này sẽ hình thành các đường rò (đường hầm) đi đến các vị trí khác xung quanh cơ thắt.

Những nguyên nhân khác

Bên cạnh nhiễm khuẩn thì rò hậu môn có thể xuất phát từ các bệnh lý khác như:

Triệu chứng của rò hậu môn

Rò hậu môn thường có các triệu chứng như sau: 1 2 3

  • Lỗ rò ngoài cạnh hậu môn chảy dịch mủ/máu/phân, có thể kèm mùi hôi.
  • Đau, sưng nề, viêm đỏ vùng da xung quanh hậu môn (nhất là khi đại tiện, khi ngồi hay khi vận động).
  • Sốt.

Rò hậu môn thường biểu hiện ra bên ngoài với một lỗ rò ngoài, chảy dịch mủ/máu kèm theo sưng nề và đau xung quanh hậu môn tái diễn lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu đường rò thông với ống hậu môn và trực tràng bằng lỗ rò trong, dịch phân có thể theo đó chảy ra ở lỗ rò ngoài. Trong giai đoạn viêm cấp tính hình thành ổ áp xe cạnh hậu môn, người bệnh có thể thấy đau đột ngột dữ dội vùng hậu môn, sưng nề, viêm đỏ vùng da xung quanh và sốt.4

Chẩn đoán rò hậu môn

Các phương pháp chẩn đoán rò hậu môn bao gồm:4

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ nhìn, sờ và khám vùng hậu môn môn trực tràng bằng tay:

  • Tìm vị trí lỗ rò ngoài.
  • Tìm vị trí lỗ rò trong theo định luật Goodsall.
  • Xác định đường rò nguyên phát.
  • Xác định các đường rò thứ phát.
  • Xác định các bệnh lý khác nghi ngờ có thể là nguyên nhân gây ra rò hậu môn.
Sờ trên bề mặt đánh giá đường rò
Sờ trên bề mặt đánh giá đường rò
Sờ đánh giá độ sâu đường rò lan lên
Sờ đánh giá độ sâu đường rò lan lên

Định luật Goodsall là định luật thường được dùng để hỗ trợ định vị lỗ rò trong và xác định đường rò nguyên phát, được phát biểu như sau:1

  • Tất cả các đường rò với lỗ rò ngoài cách rìa hậu môn ≤ 3 cm và ở mặt sau so với đường kẻ ngang hai gai hông thì đi vòng vào trong theo hướng đường giữa mặt sau.
  • Tất cả các đường rò với lỗ rò ngoài ở mặt trước so với đường ngang này thì đi vào ống hậu môn theo đường hướng tâm.
  • Lỗ rò ngoài cách rìa hậu môn > 3 cm thì có thể không tuân theo định luật Goodsall, chúng thường có lỗ rò trong ở đường giữa mặt sau.
  • Mặc dù định luật Goodsall thường được đề cập đến, nhưng không phải luôn luôn chính xác, chẳng hạn trong tình huống rò hậu môn thứ phát sau một bệnh lý khác như bệnh Crohn hay bệnh lý ác tính.
Mô tả định luật Goodsall
Mô tả định luật Goodsall

Các phương tiện hỗ trợ5

Soi hậu môn trực tràng

Các loại ống soi hậu môn trực tràng
Các loại ống soi hậu môn trực tràng
Tư thế sản phụ khoa thường dùng trong thăm khám và phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng
Tư thế sản phụ khoa thường dùng trong thăm khám và phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng

Siêu âm qua ngả nội soi hậu môn trực tràng

Đây thường là phương tiện đầu tiên được lựa chọn khi nghi ngờ rò hậu môn phức tạp hay tái phát. Có thể kết hợp với siêu âm mô mềm vùng da xung quanh hậu môn như là một khảo sát hỗ trợ hữu ích, đặc biệt với bệnh Crohn.

Siêu âm qua ngả nội soi hậu môn trực tràng cho thấy hình ảnh khí trong đường rò (mũi tên vàng)
Siêu âm qua ngả nội soi hậu môn trực tràng cho thấy hình ảnh khí trong đường rò (mũi tên vàng)
Siêu âm qua ngả nội soi hậu môn trực tràng cho thấy hình ảnh cơ thắt ngoài và cơ thắt trong (mũi tên đỏ)
Siêu âm qua ngả nội soi hậu môn trực tràng cho thấy hình ảnh cơ thắt ngoài và cơ thắt trong (mũi tên đỏ)

Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI)

MRI được xem là “tiêu chuẩn vàng” cực kỳ chính xác và nên được thực hiện với các trường hợp rò hậu môn tái phát hoặc nghi ngờ rò hậu môn phức tạp (qua thăm khám lâm sàng hay qua các phương tiện hình ảnh học khác). Tuy nhiên, MRI rất khó để tiếp cận, đắt tiền, chụp tốn nhiều thời gian hơn nên CT thường là phương tiện được lựa chọn thay thế.

Chụp đường rò có cản quang

Chụp đường rò sau khi tiêm thuốc cản quang tan trong nước trực tiếp vào đường rò. Hiện nay phương tiện này ít được dùng do cung cấp rất ít thông tin về giải phẫu của đường rò và đã bị thay thế bởi nhiều phương tiện khác hiện đại hơn (đã đề cập ở trên).

Chẩn đoán phân biệt2 3 4

Bệnh lý rò hậu môn cần được phân biệt với các bệnh lý khác như:

  • Áp xe hậu môn.
  • Nứt hậu môn.
  • Trĩ thuyên tắc.
  • Nang tổ lông.
  • Viêm tuyến mồ hôi mủ.
  • Nhọt mông (hậu bối).
  • Nhiễm HSV, HIV, lao, giang mai, nấm Actinomyces.
  • Bệnh Crohn.
  • Bệnh lý tân sinh tại vùng hậu môn trực tràng (bao gồm ung thư).

Phân loại rò hậu môn

Rò hậu môn có thể được phân loại dựa trên mối liên quan giữa đường rò và cơ thắt hậu môn:1 2

Dựa vào tính chất phức tạp của đường rò

Rò hậu môn được phân loại là phức tạp trong các tình huống sau:

  • Bất kỳ đường rò nào liên quan đến > 30% cơ thắt ngoài.
  • Rò trên cơ thắt.
  • Rò ngoài cơ thắt hay rò cao, gần đường lược.
  • Rò hình móng ngựa.
  • Rò hậu môn mặt trước ở nữ.
  • Rò hậu môn nhiều đường rò, nhiều ngóc ngách.
  • Rò hậu môn tái phát.
  • Rò liên quan đến bệnh viêm ruột mạn tính (IBD), bệnh truyền nhiễm (bao gồm lao và HIV).
  • Rò thứ phát sau xạ trị tại chỗ.
  • Bệnh nhân đã có tiền sử rối loạn đi tiêu.
  • Rò trực tràng âm đạo.
Phân loại rò hậu môn theo Parks và mối liên quan với cơ thắt
Phân loại rò hậu môn theo Parks và mối liên quan với cơ thắt

Rò hậu môn đa số là đơn giản (ít liên quan cơ thắt) không có những yếu tố trên và thường là:

  • Rò trên bề mặt/dưới niêm.
  • Rò gian cơ thắt hay rò xuyên cơ thắt thấp liên quan đến < 30% cơ thắt ngoài.

Điều trị rò hậu môn

Thuốc điều trị bệnh rò hậu môn

Hiện tại không có loại thuốc nào có thể dùng để điều trị dứt điểm rò hậu môn, vì vậy điều trị với phẫu thuật là cần thiết. Dùng thuốc kháng sinh đơn thuần là không đủ hiệu quả trong điều trị áp xe hay rò hậu môn. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh vẫn có thể cần thiết, là hỗ trợ cho phẫu thuật, đặc biệt là khi người bệnh đang có tình trạng nhiễm trùng cấp tính (áp xe, viêm mô tế bào lan tỏa).6 7

Thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm có thể được dùng sau mổ tùy thuộc vào mức độ của cuộc phẫu thuật và đánh giá của bác sĩ điều trị.

Kết hợp giữa phẫu thuật và thuốc là cần thiết trong một số tình huống như giai đoạn áp xe cấp tính, bệnh Crohn,… hoặc cần kết hợp điều trị đa mô thức với nhiều chuyên khoa trong rò hậu môn xuất phát từ bệnh lý ác tính (ung thư).

Phẫu thuật loại bỏ ổ nhiễm

Trong đại đa số trường hợp, phẫu thuật là phương pháp điều trị được lựa chọn:

  • Mục tiêu chính của cuộc phẫu thuật là nhằm bảo vệ chức năng cơ thắt hậu môn song song đó là cắt bỏ đường rò, loại bỏ ổ nhiễm và phòng ngừa tái phát.3 5
  • Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật hiện nay, điều này chứng tỏ chưa có phương pháp nào được cho là tối ưu cho tất cả các trường hợp. Rò hậu môn rất đa dạng, có thể từ đơn giản đến phức tạp với nhiều đường rò, nhiều ngóc ngách và liên quan nhiều đến cơ thắt. Vì vậy việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào mức độ phức tạp của đường rò và các tình huống cụ thể.5

Các phương pháp phẫu thuật rò hậu môn:5

  1. Cắt trọn đường rò.
  2. Cắt mở đường rò.
  3. Cột seton (dây thun).
  4. Chuyển vạt niêm mạc trực tràng.
  5. Phẫu thuật Hanley cổ điển hay cải biên.
  6. Bơm keo sinh học fibrin.
  7. Nút lỗ rò.
  8. Tế bào gốc từ mỡ tự thân.
  9. Kỹ thuật LIFT.
  10. Phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo trên dòng.
Mô tả phương pháp cắt mở đường rò
Mô tả phương pháp cắt mở đường rò
Mô tả phương pháp cột seton (dây thun) đường rò
Mô tả phương pháp cột seton (dây thun) đường rò

Chuẩn bị cho phẫu thuật rò hậu môn

Các xét nghiệm trước mổ

Thực tế không có xét nghiệm đặc hiệu nào trong chẩn đoán rò hậu môn. Với rò hậu môn thì thăm khám lâm sàng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong chẩn đoán. Tuy nhiên một số xét nghiệm tiền phẫu (trước mổ) sẽ được tiến hành nhằm đánh giá tổng quát trước khi phẫu thuật, tùy theo độ tuổi, cơ địa và bệnh nền của người bệnh. Trong giai đoạn áp xe cấp tính, xét nghiệm máu có thể cho thấy chỉ số bạch cầu (WBC) tăng cao, ưu thế bạch cầu đa nhân trung tính (%NEU) gợi ý đến tình trạng viêm cấp tính do nhiễm khuẩn.1 2

Chế độ ăn uống và thuốc đang dùng

Người bệnh thường sẽ được dặn dò về chế độ ăn với thức ăn lỏng trong khoảng 24h trước phẫu thuật và thụt tháo ruột vào sáng ngày phẫu thuật.1

Vô cảm trong phẫu thuật

Phương pháp vô cảm có thể là gây mê toàn thân, gây mê qua đường tĩnh mạch hay gây tê vùng.1 Lựa chọn phương pháp vô cảm tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ và tình trạng người bệnh. Đa số các cuộc phẫu thuật rò hậu môn được tiến hành với gây tê vùng (ở Việt Nam gây tê tủy sống thường được lựa chọn) với thuốc an thần đường tĩnh mạch hỗ trợ.

Tư thế phẫu thuật

Tư thế phẫu thuật phù hợp sẽ giúp bác sĩ đánh giá tốt đường rò. Với phẫu thuật rò hậu môn, người bệnh thường được đặt ở tư thế sản phụ khoa (cũng chính là tư thế sinh đẻ).

Phòng ngừa bệnh rò hậu môn tái phát sau phẫu thuật

Rò hậu môn có thể tái phát nếu chăm sóc không đúng cách, không tuân thủ điều trị và không duy trì một lối sống lành mạnh.6 7

Về chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật

  • Ngâm hậu môn với nước ấm khoảng 15 phút 3 lần/ngày và sau mỗi lần đi tiêu.
  • Dùng bông gạc hoặc khăn ướt để vệ sinh tốt hơn là giấy vệ sinh thông thường.
  • Vệ sinh và thay băng vết thương mỗi ngày theo hướng dẫn.
  • Tái khám định kỳ theo hẹn để được theo dõi và chăm sóc vết thương.
  • Nội soi hậu môn trực tràng có thể được thực hiện 3-6 tháng sau mổ để kiểm tra và đánh giá lại.

Về lâu dài

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ, uống ít nhất 2 lít nước/ngày.
  • Giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vùng hậu môn trực tràng.
  • Tăng cường vận động thể lực.
  • Duy trì lối sống xã hội lành mạnh.

Trên đây là những chia sẻ của bác sĩ về bệnh rò hậu môn về những điều bạn nên biết. Đại đa số các trường hợp rò hậu môn là lành tính. Nếu phát hiện có triệu chứng của bệnh, bạn đừng e ngại mà nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn về các phương pháp điều trị càng sớm càng tốt để tránh được những biến chứng và bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.

Câu hỏi thường gặp

Rò hậu môn có nguy hiểm không?

Trong đa số trường hợp, rò hậu môn bắt nguồn từ nhiễm khuẩn vùng khe tuyến hậu môn trực tràng, đây là một bệnh lý lành tính do vi khuẩn gây ra, có thể điều trị khỏi với phẫu thuật. Một số tình huống rò hậu môn xuất phát từ những bệnh lý phức tạp hơn (Crohn, IBD, lao, HIV, giang mai, Chlamydia trachomatis,…) đòi hỏi quá trình theo dõi và điều trị kéo dài, kể cả sau phẫu thuật để có thể điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh. Nặng nề nhất, trong bối cảnh rò hậu môn thứ phát từ một bệnh lý ác tính (thường từ đường tiêu hóa), nếu phát hiện muộn và can thiệp chậm trễ sẽ có tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong.

Nếu rò hậu môn không điều trị sẽ dẫn đến tình trạng hình thành ổ áp xe cạnh hậu môn tái diễn, lặp đi lặp lại nhiều lần, nặng nề hơn về lâu dài, có thể diễn tiến trở thành bệnh lý ác tính.4 Như vậy, rò hậu môn có thể có nguyên nhân từ bệnh lý ác tính và cũng có thể tiến triển thành bệnh lý ác tính nếu không tích cực điều trị.

Phẫu thuật rò hậu môn bao lâu thì lành?

Thông thường, người bệnh có thể được cho xuất viện cùng ngày sau khi đã được phẫu thuật rò hậu môn và vết thương thường lành sau khoảng 6 tuần.1 Tuy nhiên đối với các trường hợp rò hậu môn phức tạp, nằm viện lâu, cách chăm sóc vết thương và cơ địa người bệnh mà quá trình hồi phục có thể kéo dài hơn, bên cạnh đó là nguy cơ tái phát và các biến chứng sau phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật rò hậu môn có biến chứng gì không?

Cũng như tất cả các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật rò hậu môn cũng có những biến chứng nhất định. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên, tình trạng bệnh và chăm sóc sau mổ. Người bệnh sẽ được các bác sĩ điều trị tư vấn về các biến chứng này. Trong đó hai biến chứng cần được nhấn mạnh khi trong phẫu thuật rò hậu môn là nguy cơ tái phát và rối loạn đi tiêu.

Các biến chứng có thể có sau khi phẫu thuật rò hậu môn:1

  • Tái phát.
  • Rối loạn đi tiêu.
  • Bí tiểu.
  • Táo bón.
  • Chảy máu.
  • Nhiễm khuẩn.
  • Chậm lành vết thương.
  • Viêm hẹp hậu môn.

Rò hậu môn có chữa khỏi được không?

Rò hậu môn có thể được chữa khỏi nếu có phương pháp can thiệp phù hợp và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể, rò hậu môn vẫn có nguy cơ tái phát nhất là với những trường hợp rò hậu môn phức tạp, phương pháp điều trị chưa phù hợp, chăm sóc chưa đúng cách hay không tuân thủ điều trị:1 6 7

  • Phẫu thuật cắt mở đường rò: nguy cơ tái phát 0-18%, tần suất rối loạn đi tiêu 3-7%.
  • Cột seton (dây thun): nguy cơ tái phát 0-18%, tần suất rối loạn đi tiêu 0-17%.
  • Chuyển vạt niêm mạc trực tràng: nguy cơ tái phát 1-17%, tần suất rối loạn đi tiêu 6-8%.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Fistula-in-Ano. https://emedicine.medscape.com/article/190234-overview

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  2. Anal Fistulas and Fissureshttps://emedicine.medscape.com/article/776150-overview

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  3. The American Society of Colon and Rectal Surgeons Clinical Practice Guidelines for the Management of Anorectal Abscess, Fistula-in-Ano, and Rectovaginal Fistulahttps://journals.lww.com/dcrjournal/Fulltext/2022/08000/The_American_Society_of_Colon_and_Rectal_Surgeons.6.aspx

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  4. Japanese Practice Guidelines for Anal Disorders II. Anal fistulahttps://www.jstage.jst.go.jp/article/jarc/2/3/2_2018-009/_article

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  5. The treatment of anal fistula: second ACPGBI Position Statement – 2018https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/codi.14054

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  6. Abscess and Fistula Expanded Informationhttps://fascrs.org/patients/diseases-and-conditions/a-z/abscess-and-fistula-expanded-information

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  7. Abscess and Fistulahttps://fascrs.org/patients/diseases-and-conditions/a-z/abscess-and-fistula

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người