YouMed

Rối loạn giải thể nhân cách là gì?

bác sĩ lê hoàng ngọc trâm
Tác giả: Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm
Chuyên khoa: Tâm thần

`Một số người mắc rối loạn giải thể nhân cách trải qua những giai đoạn cảm thấy bị ngắt kết nối hoặc tách rời khỏi cơ thể và suy nghĩ của bản thân. Rối loạn đôi khi được mô tả là cảm giác như bạn đang quan sát chính mình từ bên ngoài cơ thể hoặc giống như đang trong một giấc mơ. Chính vì những đặc điểm kỳ lạ này mà đôi khi người ta cho rằng mình mắc phải những vấn đề liên quan đến tâm linh. Vậy rối loạn giải thể nhân cách là gì?

1. Giải thể nhân cách là gì?

Đây là rối loạn mà trong đó người bệnh trải qua giai đoạn cảm thấy như bản thân bị ngắt kết nối hoặc tách rời khỏi cơ thể và suy nghĩ của chính mình. Đôi khi, nó được mô tả là cảm giác như bạn đang quan sát chính mình từ bên ngoài cơ thể hoặc giống như đang trong một giấc mơ.

Tuy nhiên, những người mắc chứng rối loạn này vẫn nhận ra rằng mọi thứ không như chúng xuất hiện. Họ biết rằng đang có điều kỳ lạ gì đó diễn ra và điều mình đang trải qua không phải thực. Một đợt cảm thấy mất kết nối với thực tại có thể kéo dài vài phút, rất hiếm khi kéo dài trong nhiều năm. Giải thể nhân cách cũng có thể là một triệu chứng của các rối loạn khác. Nó bao gồm lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn nhân cách, động kinh và một số bệnh não khác.

Đôi khi, người bệnh cảm thấy như đứng bên ngoài cơ thể và quan sát chính mình
Đôi khi, người bệnh cảm thấy như đứng bên ngoài cơ thể và quan sát chính mình

Rối loạn giải thể nhân cách là một phân nhóm nhỏ thuộc rối loạn phân ly. Rối loạn phân ly là các tình trạng tâm thần liên quan đến sự gián đoạn hoặc phá vỡ trí nhớ, ý thức, nhận thức, nhận dạng, nhận thức. Khi một hoặc nhiều chức năng này bị gián đoạn, các triệu chứng có thể xảy ra. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến chức năng chung của một người.

2. Triệu chứng của giải thể nhân cách là gì?

Điểm chính trong triệu chứng của rối loạn giải thể nhân cách là nhận thức lệch lạc về cơ thể. Người đó có thể cảm thấy như mình là robot hoặc đang trong giấc mơ. Một số người có thể sợ rằng họ đang phát điên và có thể trở nên trầm cảm, lo âu hoặc hoảng loạn. Bạn có thể trải qua những cảm giác như:

  • Cảm giác như ở bên ngoài cơ thể, đôi khi như thể bạn nhìn xuống chính mình từ trên cao.
  • Cảm thấy tách rời khỏi bản thân, như thể bản thân không tồn tại thật sự. Thấy mình như đang trong giấc mơ, cảm giác mơ hồ về thực tại.
  • Tê liệt trong tâm trí hoặc cơ thể của bạn, như thể các giác quan bị tắt, không cảm nhận được điều gì.
  • Cảm giác như bạn không thể kiểm soát những gì mình làm hoặc nói. Cơ thể và trí óc dường như bị mất kết nối.
  • Cảm giác như các bộ phận của cơ thể không đúng kích cỡ hoặc biến dạng.
  • Không thể kết nối cảm xúc với ký ức.
Cảm giác mọi thứ xung quanh mơ hồ, như trong giấc mơ
Cảm giác mọi thứ xung quanh mơ hồ, như trong giấc mơ

Đối với một số người, các triệu chứng nhẹ và kéo dài chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đối với những người khác, các triệu chứng có thể là mãn tính (liên tục) và kéo dài hoặc tái phát trong nhiều năm. Nó dẫn đến các vấn đề về chức năng hằng ngày hoặc thậm chí là mất chức năng.

3. Nguyên nhân của rối loạn này là gì?

Nguyên nhân chính xác của rối loạn này hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Các triệu chứng của rối loạn có thể liên quan đến những sang chấn thời thơ ấu hoặc sự kiện khác gây ra căng thẳng hay chấn thương tinh thần nghiêm trọng. Tuy nhiên, có một số người cùng trải qua những sang chấn trong quá khứ nhưng sau đó họ lại không bị. Điều này có thể là do yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Tình trạng căng thẳng và sợ hãi tăng cao có thể kích hoạt các giai đoạn giải thể nhân cách. Một số rối loạn trầm cảm, lo âu nặng hoặc kéo dài cũng có thể góp phần cho tình trạng này. Một số người sau khi sử dụng các chất kích thích cũng báo cáo họ gặp tình trạng giải thể nhân cách.

4. Điều trị rối loạn giải thể nhân cách

Hầu hết những người mắc chứng rối loạn giải thể nhân cách tìm cách điều trị vì các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng. Rất hiếm khi họ tìm đến trị liệu do các triệu chứng giải thể nhân cách. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng sẽ biến mất theo thời gian. Điều trị thường chỉ cần thiết khi rối loạn kéo dài hoặc tái phát. Hoặc nếu các triệu chứng đặc biệt gây khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Mục tiêu của điều trị là để giải quyết tất cả các căng thẳng hay những yếu tố kích gợi sự khởi phát một cơn giải thể nhân cách. Phương pháp điều trị tốt nhất phụ thuộc vào từng cá nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tâm lý trị liệu thường là lựa chọn điều trị cho chứng rối loạn này. Các phương pháp điều trị rối loạn cá nhân hóa có thể bao gồm:

Tâm lý trị liệu

Phương pháp này sử dụng các kỹ thuật tâm lý được thiết kế để giúp một người nhận biết về bản thân họ rõ hơn. Chúng giúp họ có thể nhận biết suy nghĩ và cảm xúc của mình về xung đột tâm lý. Những tình huống hay sang chấn có thể dẫn đến trải nghiệm giải thể nhân cách.

Tâm lý trị liệu là một trong các phương pháp điều trị rối loạn giải thể nhân cách
Tâm lý trị liệu là một trong các phương pháp điều trị rối loạn giải thể nhân cách

Điều trị bằng thuốc

Thuốc thường không được sử dụng để điều trị rối loạn giải thể nhân cách. Tuy nhiên, nếu một người mắc chứng rối loạn này mà cũng bị trầm cảm hoặc lo âu thì sẽ được dùng thuốc để điều trị các tình trạng trên.

>> Xem thêm bài viết: Thuốc điều trị trầm cảm: Những thông tin cơ bản dành cho bạn.

Điều trị bằng phương pháp thôi miên lâm sàng

Đây là một kỹ thuật điều trị sử dụng thư giãn, tập trung và chú ý mạnh mẽ để đạt được trạng thái ý thức hoặc thức tỉnh nhận thức. Nó giúp người bệnh khám phá những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức ẩn giấu trong vô thức của họ.

Phương pháp thôi miên
Phương pháp thôi miên

5. Một số cách giúp bạn vượt qua cơn giải thể nhân cách

Thừa nhận và chấp nhận cảm giác của chứng giải thể nhân cách

Cảm giác của giải thể nhân cách thường không nguy hiểm và sẽ dần mất đi. Bạn hãy tự nhắc mình rằng cảm giác này rất khó chịu nhưng chỉ là tạm thời. Điều này sẽ khiến chứng bệnh ít ảnh hưởng tới bạn hơn. Hãy tự nói với bản thân rằng: “Tôi cảm thấy thật kỳ cục lúc này, nhưng tôi vẫn ổn, nó sẽ qua mau thôi”.

Tập trung vào môi trường xung quanh ngay lúc đó

Để ý xem bạn đang nhìn thấy những thứ gì xung quanh, đang nghe thấy những âm thanh gì. Sử dụng một đồ vật ở gần đó, ví dụ như bút để viết ra những gì bạn đang cảm thấy, nghe thấy. Điều này sẽ khiến tâm trí tập trung vào thực tại và làm giảm cảm giác bị tách rời.

Nói chuyện với mọi người xung quanh

Bắt đầu một cuộc trò chuyện, hoặc quay lại với cuộc trò chuyện hiện tại. Việc này sẽ đưa bạn trở lại với thực tại. Nếu đang ở một mình, hãy nhắn tin hoặc gọi điện cho ai đó để nói chuyện.

Xem xét các tình huống đưa bạn vào trạng thái này

Như đã nói ở trên, tình trạng này thường sẽ có yếu tố khởi phát. Điều quan trọng là bạn nhận biết được khi nào nó sắp khởi phát. Ví dụ khi nghĩ về một sang chấn trong quá khứ hay khi lo lắng cực độ. Trong những lúc ra khỏi trạng thái này, hãy liệt kê tất cả những gì bạn cảm thấy trước khi rối loạn khởi phát. Điều này giúp bạn nhận diện được sớm hơn.

Rối loạn giải thể nhân cách tuy không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng mang lại rất nhiều phiền toái cho người mắc phải. Phục hồi  là điều hoàn toàn có thể đối với nhiều bệnh nhân. Các triệu chứng liên quan đến rối loạn này thường tự hết. Hoặc sau khi được điều trị, người bệnh sẽ đối phó với căng thẳng hoặc sang chấn gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không điều trị, rối loạn có thể sẽ xuất hiện nhiều đợt hơn. Qua bài viết trên, mong rằng bạn có cái nhìn đúng đắn hơn với rối loạn này.

Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.webmd.com/mental-health/depersonalization-disorder-mental-health#1-2

https://www.healthline.com/health/depersonalization-disorder#treatment

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depersonalization-derealization-disorder/symptoms-causes/syc-20352911

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người