YouMed

Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt có thể có thai được không?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng kinh nguyệt bất thường. Các phương pháp điều trị kinh nguyệt không đều thường khác nhau tùy vào nguyên nhân. Đặc biệt là vấn đề “Rối loạn kinh nguyệt có thai được không?” được rất nhiều người quan tâm. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhiều thông tin bổ ích liên quan đến câu hỏi này ở dưới đây nhé.

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Hầu hết phụ nữ có thời gian hành kinh kéo dài từ bốn đến bảy ngày. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường xuất hiện khoảng 28 ngày một lần. Nhưng chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể dao động từ 21 đến 35 ngày.

Rối loạn kinh nguyệt bao gồm các vấn đề dưới đây:

  • Kinh nguyệt lần này xảy ra sớm hơn (trước 21 ngày) hoặc muộn hơn (sau 35 ngày) so với lần cuối.
  • Không có kinh nguyệt 3 chu kỳ liên tiếp.
  • Kinh nguyệt ra nhiều hoặc ít hơn bình thường.
  • Khoảng thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
  • Có các triệu chứng kèm theo lúc hành kinh: Đau, chuột rút, buồn nôn hoặc nôn.
  • Chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh, sau khi mãn kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Rối loạn kinh nguyệt có ảnh hưởng đến vấn đề mang thai không?
Rối loạn kinh nguyệt có ảnh hưởng đến vấn đề mang thai không?

Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Trước khi trả lời câu hỏi “Rối loạn kinh nguyệt có thai được không?“, hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt bất thường, từ mức độ ảnh hưởng nhẹ đến nghiêm trọng.

Stress

Thay đổi cân nặng đột ngột (tăng hoặc giảm cân), ăn kiêng, chế độ sinh hoạt hay thói quen tập thể dục, môi trường sống và làm việc, bệnh tật hoặc bất cứ vấn đề nào khác có thể tạo stress cho cơ thể phụ nữ đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Tuổi

Tuổi dậy thì và tuổi mãn kinh là hai giai đoạn thường có sự xuất hiện của tình trạng kinh nguyệt không đều. Sau khoảng thời gian thay đổi tính chất kinh nguyệt, chu kỳ của các bé gái sẽ dần ổn định. Đối với phụ nữ mãn kinh, việc rụng trứng sẽ ngưng hoàn toàn và sẽ không hành kinh về sau.

Thuốc hoặc dụng cụ tránh thai

Hầu hết các loại thuốc tránh thai đều có hormone estrogen và progesterol giúp ngăn buồng trứng thực hiện chức năng rụng trứng. Việc tiếp tục hoặc ngưng thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Một số phụ nữ có kinh nguyệt không đều hoặc có thể bị trễ đến sáu tháng sau khi ngừng thuốc tránh thai. Đây là một cân nhắc quan trọng khi bạn đang có kế hoạch thụ thai và mang thai. Ngoài ra, nhưng hormone này cũng có trong dụng cụ cấy ghép, thuốc tiêm dưới da hoặc đặt vòng tránh thai. 

Dùng thuốc tránh thai không đúng hướng dẫn có thể gây chảy máu âm đạo bất thường
Dùng thuốc tránh thai không đúng hướng dẫn có thể gây chảy máu âm đạo bất thường

Polyp hoặc u xơ tử cung

Polyp tử cung là những khối u nhỏ lành tính (không phải ung thư) xuất hiện trong lớp niêm mạc tử cung. U xơ tử cung là những khối u bám vào lớp cơ tử cung. Những khối u này thường lành tính. Nhưng chúng có thể gây chảy máu nhiều và đau trong giai đoạn hành kinh.

Lạc nội mạc tử cung

Các mô trong niêm mạc tử cung sẽ bong tróc hàng tháng. Chúng sẽ được đưa ra ngoài cơ thể cùng với kinh nguyệt. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô nội mạc tử cung bắt đầu phát triển bên ngoài tử cung. Thông thường, vị trí thường gặp là ở buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.

Đôi khi các mô này có thể phát triển trong đường tiêu hóa. Lạc nội mạc tử cung có thể gây chảy máu âm đạo bất thường. Bên cạnh những triệu chứng khác như chuột rút hoặc đau bụng kinh, đau khi quan hệ tình dục.

Bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của nữ giới. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào âm đạo qua đường tình dục. Sau đó lây lan đến tử cung và buồng trứng. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập thông qua các thủ thuật phụ khoa hoặc lúc chuyển dạ.

Các triệu chứng có thể xuất hiện như tiết nhiều dịch âm đạo kèm mùi khó chịu, kinh nguyệt không đều, đau vùng bụng dưới, sốt, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Trong hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), buồng trứng tạo ra một lượng lớn nội tiết tố androgen (nội tiết tố nam). Các u nang chứa đầy chất lỏng có thể hình thành trong buồng trứng. Sự thay đổi nội tiết tố có thể ngăn cản trứng trưởng thành. Do đó, quá trình rụng trứng có thể không diễn ra ổn định.

Đôi khi một phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang sẽ có kinh nguyệt không đều hoặc ngừng hành kinh hoàn toàn. Ngoài ra, tình trạng này còn liên quan đến béo phì, vô sinh và rậm lông (mọc nhiều lông và nổi mụn).

Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt như ung thư cổ tử cung, thai ngoài tử cung, sẩy thai, thuốc (kháng viêm hoặc thuốc điều trị bệnh lí chống đông máu), bệnh lý gây rối loạn đông máu, đái tháo đường, cường giáp hoặc suy giáp, hoặc rối loạn tuyến yên ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố.

Béo phì là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kinh nguyệt
Béo phì là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt có thể có thai không?

Câu hỏi “Rối loạn kinh nguyệt có thai được không?” Sẽ có nhiều đáp án tùy thuộc nhiều yếu tố. Bạn có khả năng mang thai khi cơ thể đến giai đoạn rụng trứng. Nhưng nếu kinh nguyệt không đều, cơ hội mang thai của bạn có thể ít hơn so với phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện bằng cách quan hệ tình dục thường xuyên.

Nếu bạn có một bệnh lý tiềm ẩn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, điều trị tình trạng đó có thể làm tăng cơ hội mang thai. Những bệnh lí có thể gặp như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang…

Giảm cân hoặc tăng cân cũng có thể hữu ích. Theo một nghiên cứu, chỉ cần giảm 5 đến 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp điều chỉnh quá trình rụng trứng ở những phụ nữ thừa cân.

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém. Đó là rối loạn kinh nguyệt có thể ảnh thưởng đến kết cục thai kỳ. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều của bạn. Vì thế, bạn nên thảo luận với bác sĩ về những rủi ro có thể xảy ra.

Rối loạn kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai
Rối loạn kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai

Cách khắc phục

Nếu bất kỳ tính chất nào của chu kỳ kinh nguyệt của bạn đã thay đổi, bạn nên ghi chép chính xác thời điểm bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt. Bao gồm cả lượng máu kinh và những triệu chứng đi kèm.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt:

  • Cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục điều độ và tránh vận động quá sức. Ngoài ra, bổ sung các thực phẩm đủ chất dinh dưỡng là một việc rất quan trọng. Tránh sử dụng quá nhiều các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia… Nếu bạn phải giảm cân, hãy lên kế hoạch thay đổi dần dần thay vì chuyển sang chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nghỉ ngơi đầy đủ, tránh stress.
  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc tránh thai.
  • Thay băng vệ sinh mỗi bốn đến sáu giờ để tránh nhiễm trùng.
  • Khám phụ khoa định kì để tầm soát các bệnh lý liên quan đến chảy máu âm đạo.

Phần lớn phụ nữ bị kinh nguyệt không đều là do vấn đề rụng trứng. “Rối loạn kinh nguyệt có thai được không?” là thắc mắc và lo lắng của nhiều phụ nữ khi gặp phải tình trạng này. Mặc dù việc rụng trứng không thường xuyên có thể khiến bạn khó mang thai hơn, nhưng bác sĩ có thể giúp tăng khả năng thụ thai của bạn. Bằng cách điều trị nguyên nhân cơ bản gây rối loạn kinh nguyệt và theo dõi sự thụ thai. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14633-abnormal-menstruation-periods
  2. https://www.nichd.nih.gov/health/topics/menstruation/conditioninfo/causes
  3. https://www.healthline.com/health/pregnancy/irregular-periods-and-pregnancy#treatment

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người