YouMed

Sâu răng ở trẻ em: Những điều cha mẹ nên biết!

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt
Khi xã hội ngày càng phát triển, sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ đối với trẻ càng nhiều. Cùng với sự tiến bộ của điều trị và phòng ngừa, vấn đề sâu răng ở trẻ em ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đây vẫn là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ nhỏ. Sâu răng ở trẻ nhỏ là dạng sâu răng trầm trọng; đặc thù khởi phát ngay sau khi răng mọc; tiến triển nhanh và gây thiệt hại lâu dài. Do đó, cha mẹ nên cần hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa để giúp trẻ tránh được vấn đề sâu răng trầm trọng
.Sâu răng ở trẻ em

1. Sâu răng là gì?

Sâu răng bao gồm các quá trình khử khoáng lặp đi lặp lại do các chất acid hữu cơ tạo ra từ vi khuẩn. Kế tiếp là quá trình tái khoáng bởi các thành phần trong nước bọt (hoặc do các yếu tố điều trị). Nhưng đặc thù của bệnh là sư chiếm ưu thế của giai đoạn khử khoáng.

Sâu răng là một bệnh đa yếu tố tương tác lẫn nhau. Trong đó bao gồm 4 yếu tố chính:

1.1.  Mảng bám răng (mảng bám vi khuẩn)

Mảng bám chứa vi khuẩn có khả năng tồn tại trong môi trường acid; và cũng đồng thời tạo ra môi trường acid. Trong đó, Mutans streptocacci (MS) được xem là vi khuẩn quan trọng nhất cho sự khởi phát và tiến triển của bệnh sâu răng. Khi lỗ sâu đã hình thành, có sự gia tăng của Lactobacilli. Trong quá trình sâu răng. khi pH trong mảng bám giảm dưới mức tới hạn (khoảng 5,5); acid bắt đầu làm mất khoáng mô răng. Hiện tượng này kéo dài 20 phút hoặc hơn tùy vào sự hiện diện của chất đường.

Có mối liên quan nhân quả và sự lây truyền vi khuẩn gây sâu răng giữa mẹ (hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp) và trẻ. Sự lây truyền càng sớm nguy cơ sâu răng càng cao. Và không chỉ với mức MS cao trong nước bọt, những yếu tố khác ( như tình trạng vệ sinh răng miệng , bệnh nha chu, thói quen ăn vặt) và tình trạng kinh tế-xã hội của người mẹ cũng liên quan đến khả năng đóng khúm MS trên răng của trẻ.

Vi khuẩn cũng lây truyền theo chiều ngang (giữa các anh chị em hoặc giữa các trẻ cùng độ tuổi trong một trung tâm nuôi dưỡng…). Cần biết là MS không chỉ hiện diện trên mặt răng, mà còn trên những bề mặt khác như lưng lưỡi (giai đoạn trước mọc răng).

1.2.  Đường

Vi khuẩn lên men đường và kết thúc quá trình thủy phân glucose với sự tạo thành các acid. Đường mía (sucrose) là loại đườmg lên men liên quan đến quá trình này nhất. Nhưng chú ý là vi khuẩn có khả năng lên men tất cả các loại đường. Mặc dù loại đường nào vi khuẩn cũng lên men tao ra acid. Nhưng vi khuẩn lên men glucose sẽ tạo ra acid lactic hơn là tạo ra các chất trung gian khác có tính acid yếu.

1.3.  Ký chủ

Sâu răng thường khởi phát trên men, nhưng cũng có thể trên ngà hoặc trên xê-măng. Với khả năng làm sajch chất đường và trung hòa acid trong mảng bám, nước bọt giúp làm chậm quá trình sâu răng; và là yếu tố then chốt cho quá trình tái khoáng.

1.4.  Thời gian

Các acid, được tao ra liên tục, phá hủy tinh thể men và hình thành lỗ sâu. Quá trình tạo lỗ diễn ra từ vài tháng đến vài năm. Để có sự cân bằng giữa hai hiện tượng mất-tái khoáng, phải có đủ thời gian dể quá trình tái khoáng xảy ra. Nhưng nếu phản ứng khử khoáng xảy ra nhiều lần; hoặc vì suy giảm lưu lượng nước bọt, sự mất khoáng sẽ dẫn đến mất chất thật sự (lỗ sâu).

2. Các dạng sâu răng đặc thù ở trẻ nhỏ

Một vài dạng sâu răng đặc thù ở trẻ nhỏ gồm:

2.1.  Sâu răng ở trẻ nhỏ (early childhood caries – Ecc)

Sâu răng ở trẻ em

Là sâu răng (hoặc mất răng, trám răng do sâu răng) ở trẻ dưới 71 tháng tuổi, ngay cả trường hợp sang thương chưa tạo lỗ.

Sâu răng được xếp vào dạng trầm trọng S-ECC khi:
  • Trẻ dưới 3 tuổi: có bất kỳ sang thương sâu răng mặt láng.
  • Từ 3-5 tuổi:

có bất kỳ lỗ sâu nào, mất răng (do sâu răng) ;

hoặc có trám mặt láng của răng cửa sữa;

hoặc SMT mặt răng >= 4 (3 tuổi), SMT mặt răng >= 5 (4 tuổi), SMT mặt răng >= 6 (5 tuổi)

(SMT mặt răng: số mặt răng có sâu, mất, trám)

Hậu quả:
  • Nguy cơ sâu răng cao trên răng sữa, răng vĩnh viễn.
  • Khả năng nhập viên hoặc cấp cứu.
  • Tăng chi phí điều trị và mất thời gian.
  • Ảnh hưởng sức khỏc chung (chiều cao, cân nặng).
  • Mất giờ học hoặc sinh hoạt.
  • Giảm khả năng học.
  • Giảm chất lượng cuộc sống do răng miệng.

2.2. Sâu răng tràn lan (rampant dental caries)

Dạng sâu răng xuất hiện đột ngọt, nhanh, lan rộng và không kiểm soát được. Hậu quả là sớm ảnh hưởng đến tủy và xuất hiện trên cả những răng thường được xem là miễn nhiễm với sâu răng.

Phân biệt với tình trạng sâu răng tương tự nhưng do sự bỏ lửng và thiếu chăm sóc răng miệng trong nhiều năm. Khi trẻ có nhiều sâu răng cần chú ý, trẻ có thể có mức độ nhạy cảm cao với sâu răng. Hoặc do trẻ có vệ sinh răng miệng quá kém.

Rối loạn cảm xúc cũng là một yếu tố gây bệnh trong một số trường hợp. Trên trẻ em cũng như người lớn, sâu răng lan nhanh thường đi kèm với những vấn để như: sự ức chế cảm xúc, sợ hãi, không hài lòng, chấn thương tinh thần trong trường học, căng thẳng và lo lắng kéo dài.. Mà lứa tuổi thanh thiếu niên là giai doạn có nhiều biến động khó kiểm soát vì vậy tỉ lệ sâu răng lan nhanh cao.

Rối loạn xúc cảm có thể làm chế dộ ăn thay đổi bất thường như :dùng quá nhiều chất ngọt hoặc thói quen ăn vặt; và lại có ảnh hưởng thêm trên tình trạng sâu răng. Ngoài ra, còn có sự giảm tiết đáng kể của nước bọt do các ảnh hưởng tâm lý kể trên. Thực tế có nhiều dạng căng thẳng tâm lý ở trẻ em, người lớn cũng như nhiều loại thuốc sử dụng (như thuốc trấn an, an thẩn) trong những trường hợp tương tự làm giảm sự tiết nước bọt và giảm quá trình tái khoáng hoá.

3.2. Sâu răng do bú bình

Sâu răng do bú bình (baby bottle tooth decay- BBTD) là dạng sâu răng đầu tiên ở trẻ do nuôi dưỡng, bắt đầu trước 20 tháng tuổi. Có tầm quan trọng vì việc điều trị cần các biện pháp kìm giữ mạnh mẽ, thuốc an thần hoac gây mê toàn thân do trẻ còn quá nhỏ để hợp tác với nha sĩ. Vì vậy việc dự phòng sâu răng mang ý nghĩa cao nhằm bảo đảm và duy trì sức khỏe răng miệng cho trẻ.

Sâu răng ở trẻ em
Bú bình là nguyên nhân chủ yếu gây sâu răng ở trẻ nhỏ

3.3. Sâu răng một bên

Chấn thương tại chỗ có thể gây thiểu sản men răng tại vị trí đó. Ví dụ: chấn thương do đặt ống nội khí quản lúc mới sinh hoặc nhiễm trùng. Có thể thấy các trường hợp như khiếm khuyết ở răng cối nhỏ do nhiễm trùng ở vùng chẻ răng cối sữa; hoặc lún răng cối sữa do chấn thương; khiếm khuyết răng cửa trong khe hở hàm ếch.

3.4. Sâu răng do các vật được làm ngọt để dỗ trẻ.

Trường hợp này xảy ra khi người nuôi dưỡng dùng một lớp chất ngọt bao quanh các núm vú giả cho trẻ ngậm.

Dạng sâu răng này lan rộng, liên quan đến tất cả các răng cối sữa thứ 2 và răng nanh. Do tính chất mềm, lớn và lan rộng của vật ngậm; đồng thời tính dính của lớp chất ngọt bao phủ.

Sâu răng lan nhanh tất cả các răng. Vì thói quen này của trẻ thường được duy trì dến 2 hoặc 3 tuổi nên sẽ phá hủy toàn bộ thân răng.

3.5. Sâu răng do dỗ bằng cách cho bú thường xuyên.

Nguyên nhân:

Do thường xuyên cho bú, ngậm các vật làm ngọt, bú bình. Dạng sâu răng hơi thay đổi tùy theo từng cách thức ru trẻ; do kích thước và độ cứng của vú giả; vật ngậm và giai đoạn mọc răng.

Dấu chứng lâm sàng dầu tiên:

Thường là một khuyết nhám ở vùng giữa bờ cắn răng cửa giữa trên. Sau đó đến các răng cửa bên. Ở mặt khẩu cái hầu như men răng bị phá hủy toàn bộ, nhưng không thấy tổn thương mặt ngoài, trừ bờ căn. Ở răng cối sữa thứ nhất, mặt nhai bị mất khoáng hoặc có sang thương.

Răng cối sữa thứ hai và các răng nanh hầu như không bị ảnh hưởng, ngay cả khi việc cho bú kéo dài đến nhiều năm sau. Vì số lần bú sẽ giảm khi trẻ được 18 tháng. Trong giai đoạn này, việc cho trẻ bú không còn mang tính cách dinh dưỡng; thành phần sữa mẹ thay đổi; chế độ ăn thay đổi với thức ăn cứng. Những yếu tố này có thể có tính bảo vệ hoặc ngược lại gây ra sâu răng về sau.

Ngoài thành phần lactose có tính gây sâu răng, sữa cũng chứa các thành phần chống sâu răng như: calcium, phosphate… góp phần tái khoáng hóa men, phosphoproteines (casein) tạo lớp bảo vệ trên mặt men. Tính gây sâu răng hoặc không gây sâu răng phụ thuộc vào cách sử dụng và xử lý trước khi sử dụng sữa.

Sirô vitamin C cũng được xem là một trong những loại chất ngọt gây sâu răng. Siro có vitamin C có đường, pH acid cho trẻ em nhằm thay thế cho sữa giữa các bữa bú chính. Trong những năm thập niên 80, đã có các dạng không dường. Tuy nhiên, dù các quảng cáo cho biết có thêm các chất chống sâu răng (ví dụ Anticay, có các chất thêm vào như là calcium – sucrose phosphat) nhưng phụ huynh cũng có khuynh hướng dùng các loại sữa chưa chế biến rẻ tiền hơn.

4. Phòng ngừa sâu răng

Sâu răng là một bệnh có thể phòng ngừa. Đánh giá sớm nguy cơ sâu răng ở trẻ có nguy cơ cao giúp chúng ta có thể sớm lên kế hoạch phòng ngừa.Các biện pháp mà phụ huynh có thể thay đổi để phòng ngừa sâu răng cho trẻ gồm:

4.1. Thay đổi chế độ ăn, uống

Là yếu tố quan trọng nhất để xác định yếu tố nguy cơ. Nhiều thức ăn, không gây sâu răng, nhưng lại có đường và tinh bột lên men. Cha mẹ cần phải nắm rõ một số vấn đế sau:

  • Số lần ăn quan trọng hơn số lượng.
  • Phải tránh cho trẻ ăn vặt hay thường xuyên uống nước ngọt. Vì không chỉ gây sâu răng mà còn gây mòn ngót.
  • Nên cho trẻ ăn ngọt chỉ trong bữa ăn.
  • Nhiều thức ăn dán nhãn “KHÔNG ĐƯỜNG” vẫn chứa đường thiên nhiên. Do đó cần lưu ý khi sử dụng cho trẻ.

4.2. Loại trừ mảng bám

  • Chải răng

Phụ huynh làm sạch răng cho trẻ ngay khi các răng sữa đầu tiên mọc với gạc, vải mềm, bàn chải nhỏ có lông thật mềm… Nên giúp trẻ chải răng đến 6 tuổi là lúc trẻ có thể tự mình làm sạch mång bám. Lý tưởng, nên chải răng ngày 2 lần và phải chải răng trước khi ngủ. Kỹ thuật chải răng đơn giản, có hiệu quả và dễ thực hiện vì thích hợp một cách tự nhiên với trẻ là kỹ thuật chải tới-lui theo chiều ngang (horizontal scrubbing method). Kỹ thuật này ít phụ thuộc vào tuổi của trẻ và phụ huynh cũng có thể thực hiện cho trẻ.

Chú ý là chỉ chải răng (cơ học) thì chưa đủ để làm sạch mảng bám. Phải khuyến khích trẻ có thói quen chải răng tốt, như một phần của việc giữ vệ sinh chung.

>>> Xem thêm Bài viết Hướng dẫn Chải răng đúng cách

Sâu răng ở trẻ em
Trẻ dưới 6 tuổi nên được bố mẹ hỗ trợ chải răng
  • Dùng chỉ nha khoa

Vào khoảng tuổi mẫu giáo và giai đoạn đầu bộ răng hỗn hợp, khi mặt bên các răng cối sữa tiếp xúc nhau, làm tăng nguy cơ sâu răng. Phụ huynh phải thực hiện biện pháp này, nhất là khi phát hiện có dấu hiệu mất khoáng. Khi trẻ lớn hơn, cần phải dạy cho trẻ hoàn thiện kỹ thuật sử dụng chỉ nha khoa bằng tay và dễ hơn là với các dụng cụ giữ chi bán trên thị trường.

>>> Xem thêm Ngăn ngừa mảng bám và vôi răng

Hướng dẫn phòng ngừa cho bà mẹ và người nuôi dưỡng:
  • Vệ sinh răng miệng: chải răng và dùng chi nha khoa
  • Chế độ ăn: loại thực phẩm có khả năng gây sâu răng, tần suất ăn uống chất bột đường và cả phản ứng khử/tái khoáng.
  • Fluor: sử dụng kem đánh răng có fluor đã được công nhận, súc miệng với NaF 0,05%.
  • Trám răng: nhằm giảm nguồn lây nhiễm MS cho cả anh chị em hoặc trẻ sống chung.
  • Làm chậm sự tạo khúm vi khuẩn: tránh các thói quen hoặc hành vi liên quan đến việc tiếp xúc với nước bọt như bú mớm, dùng chung hoặc tiếp xúc bằng miệng những vật có thể lây truyền vi khuẩn như chén, muỗng, đũa, ngay cả đồ chơi của trẻ….nhằm làm chậm tiến trình tạo khúm trên trẻ.
  • Khuyến khích dùng kẹo nhai có Xylitol (Xylitol chewing gum):giúp giảm khả năng lây truyền vi khuẩn mẹ-con.
  • Ngưng cho trẻ bú bình khi trẻ 1 tuổi. Nếu trẻ ngủ thiếp lúc đang bú, nên làm sạch răng.
  • Lý tưởng là áp dụng các biện pháp này cho bà mẹ vào giai đoạn trước khi sinh.
Hướng dẫn phòng ngừa cho trẻ:
  • Vệ sinh răng miệng: ngay khi mọc răng đầu tiên với gạc, bàn chải lông mềm.
  • Trẻ lớn hơn nên chải răng với kem có fluor/2 lần/ngày. Dùng một lớp kem mỏng cho trẻ dưới 2 tuổi và cỡ hạt đậu cho trẻ 2-5 tuổi.
  • Dùng chỉ nha khoa nếu chải răng không đủ làm sạch.
  • Chế độ ăn: cách ăn uống có nguy cơ sâu răng cao được hình thành sớm, vào khoảng 12 tháng tuổi, và duy trì trong suốt thời kỳ mầm non. Thường xuyên cho bú bình vào ban đêm. thường xuyên dỗ trẻ bằng cách cho bú mẹ, thường sử dụng loại ly để bú (no-spill cup) là các yếu tố có thể liên quan đến sâu răng sớm ở trẻ nhỏ.
  • Tương tự, nguy cơ sâu răng tăng lên khi trẻ thường ăn vặt, uống các loại nước có đường (ví dụ, nước ép trái cây, sữa, sữa chế biến, nước xô-đa).
  • Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ 1-6 tuổi nên uống ít hơn 4-6 ounces/ngày (khoảng 120-180ml hoặc 1/2-3/4 ly) các loại nước trái cây. Và bằng loại ly thông thường (không dùng bình, ly có vòi để bú) và trong bữa ăn.
  • Fluor: chải răng với kem ngày 2 lần. Sử dụng fluor tại chỗ tại phòng nha kết hợp dùng fluor tại nhà cho trẻ có nguy cơ sâu răng cao.
  • Chỉ bổ sung fluor khi trẻ sống trong vùng có nguồn nước uống chứa ít fluor. Cẩn thận khi sử dụng các loại chế phẩm có fluor.
Việc quan tâm và thực hiện phòng ngừa sâu răng sớm cho trẻ rất quan trọng. Điều này giúp ngăn ngừa trẻ mắc các tình trạng sâu răng ở trẻ em. Từ đó trẻ sẽ có cơ hội phát triển khỏe mạnh hơn trong tương lai. Do đó, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm và chăm sóc trẻ một cách đúng đắn.
Bác sĩ TRƯƠNG MỸ LINH

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ Ts.Bs Trần Thúy Nga,”Nha khoa trẻ em”, “Sâu răng ở trẻ em”, Nhà xuất bản y học, tr128-147

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người