YouMed

Sốc nhiệt và các tổn thương do nhiệt độ cao

Bác sĩ NGUYỄN ĐOÀN TRỌNG NHÂN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Chuyên khoa: Đa khoa

Nhiệt độ cao có thể gây ra: phù nhiệt, ban nhiệt, chuột rút do nhiệt, quá tải nhiệt và cuối cùng là sốc nhiệt. Vấn đề này trên thực tế không thường gặp ở các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, khi nhiệt độ toàn cầu đang tăng dần, băng dần tan chảy dẫn đến mối lo ngại về nhiệt độ cao sẽ gây hại đến con người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nói về các tổn thương do nhiệt độ cao gây ra và cách nhận biết, phòng tránh sốc nhiệt.

1. Thông tin chung về tổn thương do nhiệt độ cao gây ra

Các trường hợp cấp cứu về nhiệt được biểu hiện dưới các rối loạn liên tục từ nhẹ đến nặng như chuột rút do nhiệt đến stress nhiệt (quá tải nhiệt). Khi nghiêm trọng sẽ dẫn đến đột quỵ do nhiệt (hay còn gọi là sốc nhiệt).

Tỷ lệ các trường hợp cấp cứu thường liên quan đến nắng nóng thay đổi theo thời tiết. Mặc dù các yếu tố khác có thể cũng có ảnh hưởng lớn.

Sốc nhiệt. Hình minh hoạ.

Trong các đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong do sốc nhiệt tăng đột biến.

Thích nghi sinh lý và thích nghi văn hóa giúp bảo vệ cho những người sống ở vùng có khí hậu ấm áp khỏi bị sốc nhiệt. Điều này cũng giải thích phần nào cho việc ít gặp sốc nhiệt ở các nước nhiệt đới, mà Việt Nam là một ví dụ điển hình.

  • Từ năm 1999 đến năm 2010, có 8081 trường hợp tử vong do nắng nóng ở Hoa Kỳ.
  • Đợt nắng nóng trong mùa hè năm 2003 được ước tính đã khiến 14.800 người chết ở Pháp.
  • Trong đợt nắng nóng ở Nga vào tháng 7 / tháng 8 năm 2010, có ước tính có khoảng 15.000 người chết, với số bệnh tăng thêm do cháy rừng và thương tật do khói.

Từ đó, có thể thấy, sốc nhiệt chủ yếu gặp ở những quốc gia có khí hậu lạnh. Chủ yếu vì họ không thích nghi tốt với nhiệt độ cao như chúng ta.

2. Nhiệt độ cao và sự thay đổi sinh lý của cơ thể

Được điều khiển bởi một cấu trúc ở não – vùng dưới đồi, nhiệt độ cơ thể được điều chỉnh thông qua sự cân bằng tinh tế của quá trình sản sinh, tích tụ và tản nhiệt.

nhiệt độ cao
Vùng dưới đồi. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet.

Nhiệt được tạo ra bên trong cơ thể bởi sự trao đổi chất của tế bào và hoạt động cơ học của cơ xương.

Nhiệt tích tụ bên ngoài cơ thể từ bức xạ từ mặt trời và khi tiếp xúc với các vật nóng. Cũng như nhiệt sẽ được cơ thể hấp thụ khi nhiệt độ môi trường tăng cao hơn nhiệt độ cơ thể, bạn sẽ cảm thấy ấm, nóng. Ngược lại, khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ cơ thể, thì cơ thể sẽ bị mất nhiệt, người ta sẽ cảm thấy mát, lạnh.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức mà vùng dưới đồi quy định, hệ thống thần kinh tự chủ sẽ được kích thích làm cơ thể ta tiết mồ hôi và giãn mạch da (đỏ da).

Có một số cơ chế để cơ thể tản nhiệt ra môi trường, bao gồm:

  • Bức xạ (truyền nhiệt bằng sóng điện từ từ vật ấm hơn sang vật lạnh hơn).
  • Dẫn (trao đổi nhiệt giữa hai bề mặt tiếp xúc trực tiếp).
  • Đối lưu (truyền nhiệt bằng không khí hoặc chất lỏng di chuyển trên bề mặt của một vật thể).
  • Bay hơi (mất nhiệt do nước hoặc mồ hôi bốc hơi).

Sự bay hơi là cơ chế chính của sự giải  nhiệt cơ thể trong môi trường nóng, nhưng điều này trở nên vô hiệu ở độ ẩm tương đối 75%. Bức xạ và bay hơi làm tiêu tán hầu hết nhiệt cơ thể ở nhiệt độ môi trường thấp hơn (<35 ° C [<95 ° F]).

Ảnh hưởng của gió đến sự mất nhiệt phụ thuộc vào vận tốc gió. Gió di chuyển nhiệt ra khỏi da bằng cách đối lưu, nhưng trên 32,2 ° C (90 ° F) và độ ẩm 35%, đối lưu không loại bỏ nhiệt tốt. Đây là lý do tại sao chỉ sử dụng quạt không hiệu quả trong việc ngăn ngừa đột quỵ nhiệt trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm môi trường cao. Điều này lý giải tại sao sử dụng quạt ở các nước nhiệt đới như nước ta thường không tạo được sự thoải mái.

Khi nhiệt độ môi trường tăng lên> 35 ° C (> 95 ° F), cơ thể có thể không còn tỏa nhiệt ra môi trường và cơ thể lúc này trở nên phụ thuộc vào bay hơi để truyền nhiệt.

Đối với môi trường khí hậu ở Việt Nam

Là khu vực nóng ẩm, khi độ ẩm tăng lên, khả năng tổn thất nhiệt do bay hơi giảm. Sự kết hợp giữa nhiệt độ cao và độ ẩm cao về cơ bản ngăn chặn hai cơ chế sinh lý chính mà cơ thể sử dụng để tản nhiệt. Nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ oxy và tốc độ trao đổi chất, dẫn đến tăng nhịp thở và tim sẽ đập nhanh hơn.

Nhiệt độ cơ thể thông thường

Như đã nói, nó được kiểm soát bởi vùng dưới đồi. Cơ thể con người sẽ tự thích nghi để duy trì nhiệt độ lõi từ 36 ° C đến 38 ° C (96,8 ° F và 100,4 ° F). Cơ chế điều chỉnh nhiệt tự nhiên được coi là thất bại khi cơ thể có nhiệt độ lõi <35 ° C (<95 ° F) và> 40 ° C (> 104 ° F) . Tuy nhiên, cơ thể có thể duy trì nhiệt độ lõi từ 40 ° C đến 42 ° C ( 104,0 ° F đến 107,6 ° F) trong thời gian ngắn mà không gây hại gì.

Phản ứng sinh lý đối với stress nhiệt của chúng ta bao gồm bốn cơ chế chính:

  • Giãn nở các mạch máu, đặc biệt là ở da.
  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Giảm sinh nhiệt.
  • Hành vi kiểm soát nhiệt.

Xem thêm: Kiệt sức do nhiệt: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến các tổn thương do nhiệt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Độ ẩm cao.
  • Thiếu gió hoặc gió để làm mát cơ thể (Khi điều kiện môi trường xung quanh cao hơn nhiệt độ cơ thể, luồng không khí nóng có thể làm tăng nhiệt).
  • Mất nước.
  • Thiếu sự thích nghi (trẻ em, người xứ lạnh).
  • Tuổi trên 60 tuổi.
  • Thiết bị bảo hộ, bao gồm cả mặt nạ thở hoặc quần áo thoáng khí, mặt nạ phòng độc, và quần áo chống hóa chất.
  • Tiền sử bị các tổn thương do nhiệt gây ra.
  • Tiền sử bệnh gần đây không liên quan đến nhiệt (đặc biệt là nôn mửa hoặc tiêu chảy).
  • Một số điều kiện sức khoẻ hoặc sử dụng một số loại thuốc.
  • Công việc đòi hỏi về thể chất cao.
  • Việc sử dụng rượu gần đây (trong vòng 24 giờ trước đó).

4. Các dạng tổn thương do nhiệt độ cao gây ra

Phạm vi bài viết chỉ bao gồm các tổn thương do nhiệt độ môi trường tăng cao gây ra. Do đó, sẽ không bao gồm các tổn thương cục bộ, khu trú như bỏng.

Thông thường, các bác sĩ ở trung tâm cấp cứu sẽ chia các tổn thương do nhiệt thành 2 nhóm:

  • Tổn thương nhỏ: Phù nhiệt, nổi ban nhiệt, quá tải nhiệt, chuột rút do nhiệt.
  • Tổn thương lớn: Đột quỵ do nhiệt (sốc nhiệt).

Phù do nhiệt độ cao

Phù do nhiệt là một quá trình tự giới hạn biểu hiện bằng sưng nhẹ bàn chân, mắt cá chân và bàn tay xuất hiện trong vài ngày đầu tiên tiếp xúc với môi trường nóng.

Phù do nhiệt là do sự giãn mạch ở da và sự tích tụ dịch ở tư thế đứng do phụ thuộc vào trọng lực. Sự gia tăng bài tiết các hormon giữ nước của cơ thể để phản ứng với cái nóng góp phần gây ra phù nề nhẹ.

Nói chung, phù nhiệt được tìm thấy ở những người cao tuổi không vận động thể chất sau một thời gian ngồi trên xe hoặc máy bay. Đôi khi, phù nhiệt xuất hiện sau khi đứng lâu.

Phù nhẹ và không làm suy giảm hoặc cản trở các hoạt động bình thường. Rất hiếm khi phù nhiều ở mắt cá chân có thể được bắt gặp. Nhưng chưa ghi nhận phù lan tiến triển đến vùng xương trước trong lịch sử.

Nổi ban do nhiệt độ cao

Rôm sảy là phát ban sẩn ngứa, dát sần và ban đỏ.

nhiệt độ cao
Hình minh hoạ nổi ban do nhiệt. Nguồn: Internet.

các khu vực thường bị nổi ban là các vùng được bao trùm bởi quần áo của cơ thể. Còn được gọi là phát ban nhiệt. Đây là tình trạng viêm cấp tính của các ống dẫn mồ hôi do tắc nghẽn các lỗ chân lông.

Các ống dẫn mồ hôi trở nên giãn ra và cuối cùng bị vỡ, tạo ra các mụn nước bề ngoài của da trên nền ban đỏ.

Điều trị

  • Ngứa là đặc điểm lâm sàng chủ yếu trong giai đoạn này và có thể được điều trị thành công bằng thuốc kháng histamine.
  • Mặc quần áo sạch, nhẹ, rộng rãi và tránh các tình trạng tiết mồ hôi có thể ngăn ngừa chứng ngứa do nhiệt.
  • Kem dưỡng da calamine, steroid tại chỗ và vitamin C dạng uống có thể có lợi. Clorhexidine ở dạng kem bôi hoặc dung dịch làm sạch axit salicylic có thể giúp giảm nhẹ.

Biến chứng

Khi tiếp xúc với nhiệt lâu dài hoặc lặp đi lặp lại, một nút keratin sẽ lấp đầy ống dẫn mồ hôi, gây tắc nghẽn. Khi ống dẫn bị vỡ lần thứ hai, mụn nước kết quả sẽ được đẩy sâu hơn vào lớp hạ bì. Mụn nước này có hình dạng là các sẩn trắng và không ngứa.

Đây được gọi là giai đoạn sâu của bệnh gai nhiệt (mụn thịt) và có thể dễ dàng tiến triển thành viêm da mãn tính. Bội nhiễm vi trùng Staphylococcus aureus hoặc S. aureus kháng methicillin là một biến chứng thường gặp. Tẩy các tổn thương này bằng cách thoa axit salicylic 1% lên vùng bị ảnh hưởng ba lần một ngày.

Chuột rút do nhiệt độ cao:

Chuột rút do nhiệt là những cơn co thắt gây đau đớn, không tự chủ, co thắt của các cơ, thường là ở bắp chân. Đôi khi chuột rút ở đùi và vai. Những cơn chuột rút này thường xảy ra ở những người đổ mồ hôi nhiều và uống nước tinh khiết (không có hoặc có ít vi khoáng chất).

Chuột rút nhiệt đôi khi có thể xảy ra khi tập thể dục hoặc phổ biến hơn là trong thời gian nghỉ ngơi sau vài giờ hoạt động thể chất mạnh. Những ngư

ời mới bắt đầu lao động chân tay trong môi trường nóng có nguy cơ bị chuột rút do nóng.

Mặc dù chuột rút do nhiệt thường nhẹ, tự hết, nhưng cơn đau liên quan đến chúng có thể dữ dội và cần nhập cấp cứu.

Điều trị:

  • Bù nước, điện giải.
  • Kéo căng cơ vùng bị chuột rút.
  • Làm mát cơ thể.

Quá tải do nhiệt độ cao:

Quá tải nhiệt – căng thẳng nhiệt là một phần của quá trình bệnh lý của nhiệt độ cao gây ra. Tuy nhiên, nó nhẹ hơn đột quỵ nhiệt – sốc nhiệt. Căng thẳng nhiệt có thể là kết quả của việc cạn kiệt nước hoặc natri, nhưng thường là sự kết hợp của cả hai.

  • Tình trạng cạn kiệt nước có xu hướng xảy ra ở người cao tuổi và những người làm việc trong môi trường nóng mà không được thay nước đầy đủ.
  • Tình trạng cạn kiệt natri có xu hướng xảy ra ở những người không thích nghi với việc thay thế lượng chất lỏng bị mất bằng một lượng lớn dung dịch ít hoặc không có muối.

Căng thẳng nhiệt có thể xuất hiện với các triệu chứng bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Khó chịu.
  • Chóng mặt.
  • Chuột rút cơ.
  • Các dấu hiệu của mất nước, chẳng hạn như nhịp tim nhanh và hạ huyết áp thế hoặc gần ngất.

Điều trị:

  • Bù dịch, điện giải theo kết quả xét nghiệm.
  • Làm mát nhanh chóng trong 30 phút.

5. Sốc nhiệt

Đặc điểm cơ bản của đột quỵ nhiệt là tăng thân nhiệt (> 40 ° C [> 104 ° F]) và tình trạng tâm thần kinh bị thay đổi.

Mặc dù những bệnh nhân có biểu hiện đột quỵ do nhiệt có thể không có mồ hôi. Tuy nhiên có mồ hôi vẫn được coi là một tiêu chuẩn chẩn đoán vì mồ hôi có ở hơn một nửa số bệnh nhân bị say nóng.

Thần kinh trung ương đặc biệt dễ bị tổn thương khi bị sốc nhiệt. Tiểu não rất nhạy cảm với nhiệt và mất cân bằng tiểu não có thể là một biểu hiện sớm.

nhiệt độ cao
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet.

Hầu như bất kỳ bất thường thần kinh nào cũng có thể xuất hiện trong đột quỵ do nhiệt, bao gồm:

  • Cáu kỉnh.
  • Lú lẫn.
  • Hành vi kỳ lạ.
  • Thích chiến đấu.
  • Ảo giác.
  • Suy nhược.
  • Liệt nửa người.
  • Trạng thái động kinh.
  • Hôn mê.
  • Hiện tượng co giật xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là trong quá trình làm mát.

Điều trị

  • Làm mát ngay lập tức và hỗ trợ chức năng các cơ quan là mục tiêu điều trị cho cả hai. Làm lạnh chậm làm tăng tỷ lệ tử vong.
  • Bù nước, điện giải tích cực.
  • Đôi khi cần sử dụng các thuốc tăng sức co bóp tim (dopamin, dobutamin).

6. Kết luận

Có nhiều loại tổn thương do nhiệt có thể bắt gặp. Ở các nước vùng nhiệt đới như nước ta, hầu hết các trường hợp tổn thương nhiệt thường nhẹ như phù hoặc nổi ban, đặc biệt là ở trẻ em, người già.

Những tổn thương nặng hơn có thể bắt gặp như quá tải nhiệt hoặc đột quỵ nhiệt có thể cần được cấp cứu nhưng hiếm khi nguy hiểm tính mạng. Cũng như các tổn thương này thường gặp ở những người lao động thể chất và uống lượng lớn nước ít muối, điện giải.

Phòng ngừa và sơ cứu các tổn thương do nhiệt thường chỉ cần đồ bảo hộ. Thức uống giải khát là có thể là các loại thức uống đóng chai bù điện giải có trên thị trường hiện tại. Sốc nhiệt – đột quỵ nhiệt là tổn thương nhiệt nặng nề, có thể dẫn đến tử vong nếu không làm mát kịp thời cho bệnh nhân.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Chapter 21, Heat Emergencies, Tintinalli’s Emergency Medicine A Comprehensive Study Guide, Ninth Edition.

  2. Mining Product: Heat Stress: A Series of Fact Sheets for Promoting Safe Work in Hot Mining Settingshttps://www.cdc.gov/niosh/mining/works/coversheet1943.html

    Ngày tham khảo: 23/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người