Sỏi thận: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Sỏi thận là một bệnh quen thuộc của đường tiết niệu. Cấu trúc của hệ tiết niệu bao gồm hai quả thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. “Sỏi thận” thực ra là một từ chung chung không thật sự chính xác được dùng để chỉ các sỏi của hệ tiết niệu. Có thể xuất hiện là bất kỳ vị trí nào trên đường tiểu. Hãy đọc bài viết này của bác sĩ Hồ Ngọc Lợi để hiểu hơn về nó nhé.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận (chính xác là sỏi đường tiết niệu) là tình trạng lắng đọng các tinh thể không hoà tan trong nước tạo ra một khối rắn gây ra tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn tại đường tiểu.
Thật ra, “viên sỏi thận” không phải là một khối đá như sỏi chúng ta nhặt ngoài tự nhiên. Thành phần “viên sỏi thận” bao gồm các tinh thể muối khoáng (chủ yếu là canxi), các vật lạ trong nước tiểu, xác tế bào chết và vi trùng. Sự liên kết của các phần tử trong cấu trúc sỏi có thể yếu, và có thể bị dòng nước tiểu phá vỡ.
Tuỳ theo vị trí xuất hiện của sỏi mà tạo thành:
- Sỏi bể thận.
- Sỏi niệu quản.
- Sỏi bàng quang.
- Sỏi niệu đạo.
Vị trí khác nhau có thể gây triệu chứng khác nhau một chút, do đó không phải bệnh “sỏi thận” nào cũng biểu hiện giống hệt nhau.
Nguyên nhân bị sỏi thận?
- Uống ít nước, nước tiểu thường xuyên bị cô đặc: Các tinh thể canxi, magie trong nước tiểu trở nên nhiều hơn và dễ kết hợp với các chất khác tạo thành sỏi.
- Một số bệnh lý và thuốc làm tăng canxi nước tiểu: U tuyến cận giáp, gãy xương lớn, bất động lâu và sử dụng thuốc corticoid.
- Bất thường cấu trúc đường tiểu: Làm sỏi dễ lắng động (hẹp khúc nối bể thận – niệu quản,…).
- Nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại: Nhiễm trùng tiểu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sỏi thận.
- Sử dụng thuốc và dinh dưỡng không phù hợp.
Xem thêm: Corticoid là gì? Hậu quả của việc lạm dụng Corticoid
Dấu hiệu của bệnh?
- Đau quặn hông lưng nhiều, có thể lan xuống khu vực dưới rốn, đùi.
- Buồn nôn và nôn.
- Bí tiểu.
- Tiểu dắt, són.
- Tiểu máu, tiểu đục.
- Sốt, lạnh run.
Sỏi thận có nguy hiểm không?
Tuỳ thuộc vào kích thước, bản chất và vị trí của sỏi mà có thể có những ảnh hưởng khác nhau. Nhìn chung các sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài theo dòng nước tiểu. Tuy nhiên, các sỏi kích thước lớn, cấu trúc phức tạp có thể gây tắc nghẽn, tổn thương niêm mạc đường tiểu. Do đó, gây nhiều biến chứng và có nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Nhiễm trùng đường tiểu, bản thân nhiễm trùng tiểu có thể gây ra nhiều biến chứng khác vô cùng đáng ngại. Vấn đề gây nên nhiễm trùng tiểu có thể mới là nguy hiểm thật sự chứ không phải là viên sỏi.
- Suy thận cấp: Tắc nghẽn hoặc tổn thương nhu mô thận sẽ dẫn đến tổn thương thận cấp tính.
- Suy thận mạn.
Xem thêm: Bệnh thận mạn tính và những điều bạn cần biết
Điều trị sỏi thận như thế nào?
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ về kích thước, cấu trúc sỏi và biểu hiện triệu chứng của bệnh nhân. Nhìn chung có nhiều phương pháp xử lý khác nhau:
1. Không can thiệp
Đây cũng là một cách nếu sỏi nhỏ (thường < 4mm), có cấu trúc trơn láng. Việc điều trị không cần thiết và thậm chí có hại. Điều chỉnh chế độ ăn uống có thể đem lại hiệu quả và an toàn hơn.
2. Điều trị nội khoa
Có thể phối hợp thuốc giảm đau, kháng viêm. Một số sỏi có thể cần làm loãng và làm kiềm nước tiểu.
3. Can thiệp ngoại khoa
Khi đánh giá cần can thiệp ngoại khoa để lấy sỏi, tuỳ từng cá nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn nhiều phương pháp khác nhau:
- Tán sỏi ngoài cơ thể.
- Nội soi tá sỏi qua da.
- Nội soi niệu quản ngược dòng.
- Nội soi lấy sỏi.
- Mổ mở lấy sỏi.
Mỗi phương pháp sẽ có chỉ định, chống chỉ định, ưu nhược điểm riêng. Không phải mọi trường hợp sỏi thận đều giống nhau. Hãy trao đổi và lắng nghe bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp cho mình nhé. Ví dụ:
Tán sỏi ngoài cơ thể
Phương pháp này có ưu điểm là nhẹ nhàng không xâm lấn, nhưng không áp dụng được cho bệnh nhân có sỏi kích thước quá lớn. Chống chỉ định cho người béo phì, phụ nữ mang thai, có nhiễm trùng tiết niệu, dị dạng đường tiểu kèm theo, …
Tán sỏi qua da
Đây là một phương pháp mới, thường được áp dụng cho các đối tượng sau đây:
- Có sỏi lớn hơn 2 cm, bao gồm cả sỏi san hô phức tạp.
- Bệnh nhân chống chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể hoặc thất bại sau tán sỏi ngoài cơ thể.
Ưu điểm của phương pháp này bao gồm:
- Thời gian nằm viện ngắn (3 – 4 ngày).
- Hồi phục sức khỏe và trở lại làm việc nhanh (7 – 10 ngày).
- Đặc biệt là khắc phục được tình trạng sót sỏi.
- Giảm tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ so với phương pháp mổ thường.
- Ít tổn hại đến thận.
Tán sỏi ngược dòng
Đối với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiếp cận sỏi bằng ống soi niệu quản. Sau đó, dùng laser hoặc khí nén nghiền nát sỏi rồi dùng bơm rửa hết sỏi ra ngoài.
Nhóm bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp này đa dạng hơn, bao gồm người có sỏi ở phần lớn các phần của thận và 1/3 trên niệu quản.
Cần làm gì để phòng ngừa sỏi thận?
Uống đủ nước
Nhu cầu nước của mỗi người thực ra rất khác nhau. Một vận động viên, một người lao động phổ thông hay dân văn phòng sẽ có nhu cầu nước không thể giống nhau. Mức khuyến cáo một cách tương là đối > 1.5 lít nước/ngày.
Hãy bổ sung thêm khi bạn là người vận động nhiều hay làm việc ngoài trời nắng. Nhu cầu nước cũng sẽ tăng khi nôn ói, tiêu chảy hoặc sốt.
Vận động thường xuyên
Bất động lâu ngày làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
Chế độ ăn phù hợp
- Không lạm dụng caffein.
- Hạn chế muối.
- Kiểm soát cân nặng.
- Hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, đặc biệt là da và nội tạng động vật.
- Đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường đường tiểu. Nhiễm trùng tăng nguy cơ tạo sỏi, và sỏi làm nặng hơn tình trạng nhiễm trùng.
Phòng ngừa tái phát
Tỷ lệ tái phát sỏi là khá cao đối với người đã từng bị. Hãy lưu ý phòng ngừa đặc biệt trên những đối tượng này. Theo dõi sát và tái khám cẩn thận.
Sỏi thận là vấn đề tiết niệu phổ biến. Hiệu quả nhất bao giờ cũng là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một chế độ ăn hợp lý, uống đủ nước, thường xuyên vận động thể dục thể thao có hiệu quả trong việc ngừa sỏi thận. Hãy đi khám với bác sĩ chuyên khoa nội Thận hoặc ngoại Tiết Niệu nếu bạn có bất thường gì về đường tiểu. Những biến chứng gây ra bởi sỏi không bao giờ được phép coi thường bạn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Kidney stones in adults: Diagnosis and acute management of suspected nephrolithiasishttps://www.uptodate.com/contents/kidney-stones-in-adults-diagnosis-and-acute-management-of-suspected-nephrolithiasis
Ngày tham khảo: 30/10/2019
- Tài liệu Tiết niệu học - Sỏi đường tiết niệu. Đại Học Y Dược TP. HCM.