YouMed

Viêm đại tràng vi thể: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Viêm đại tràng vi thể là tình trạng viêm của ruột già (đại tràng) gây tiêu chảy dai dẳng. Bệnh được đặt tên dựa trên thực tế vì cần phải kiểm tra mô đại tràng dưới kính hiển vi để xác định được bệnh. Vì hình ảnh nội soi đại tràng có thể bình thường nên cần thiết để soi dưới kính hiển vi. Để biết thêm những thông tin cơ bản về căn bệnh này, cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu ngay nhé!

Tổng quan về bệnh viêm đại tràng vi thể

Bệnh viêm đại tràng vi thể có nhiều loại khác nhau, bao gồm:

  • Viêm đại tràng collagen: Có một lớp protein dày (collagen) phát triển trong mô đại tràng.
  • Viêm đại tràng lympho: Các tế bào bạch cầu (tế bào lympho) gia tăng trong mô đại tràng.
  • Viêm đại tràng vi thể không hoàn toàn: Bao gồm cả hai loại viêm đại tràng lympho và viêm đại tràng collagen.

Các nhà nghiên cứu tin rằng viêm đại tràng collagen và viêm đại tràng lympho có thể là các giai đoạn khác nhau của cùng một tình trạng bệnh. Triệu chứng, xét nghiệm và điều trị là giống nhau cho tất cả các loại viêm đại tràng vi thể.

Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng vi thể

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm đại tràng vi thể, bao gồm:

  • Tiêu chảy mạn tính.
  • Đau bụng, đầy hơi.
  • Sụt cân.
  • Buồn nôn.
  • Đi tiêu không tự chủ.
  • Mất nước.

Các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng vi thể có thể xuất hiện và mất đi thường xuyên. Đôi khi các triệu chứng có thể tự hết mà không cần điều trị.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài hơn một vài ngày, hãy đến khám bác sĩ để có thể chẩn đoán và điều trị đúng tình trạng bệnh của bạn. Từ đó, khả năng điều trị thành công sẽ cao hơn và chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện.

Nguyên nhân nào gây nên bệnh viêm đại tràng vi thể?

Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm đại tràng vi thể. Các nhà nghiên cứu tin rằng những nguyên nhân sau có thể gây bệnh, bao gồm:

  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây kích ứng niêm mạch đại tràng.
  • Vi khuẩn: Có những vi khuẩn có thể sản sinh độc tố gây kích ứng niêm mạc.
  • Virus: có thể gây ra tình trạng viêm tại đại tràng.
  • Bệnh lý miễn dịch: Có liên quan đến bệnh viêm đại tràng vi thể, chẳng hạn như bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh celiac hoặc bệnh vảy nến. Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công những mô khỏe mạnh.
  • Axit mật: Axit mật không được hấp thu đúng cách và gây kích ứng cho niêm mạc đại tràng.

Yếu tố nguy cơ nào khiến bệnh nhân dễ mắc bệnh viêm đại tràng vi thể?

Viêm đại tràng vi thể thường gặp ở những người cao tuổi
Viêm đại tràng vi thể thường gặp ở những người cao tuổi

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm đại tràng vi thể, bao gồm:

  • Tuổi tác: Viêm đại tràng vi thể thường gặp nhất ở những người từ 50 đến 70 tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới có nhiều khả năng bị viêm đại tràng vi thể hơn nam giới. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa liệu pháp hóc-môn sau mãn kinh và bệnh viêm đại tràng vi thể.
  • Bệnh lý miễn dịch: Bệnh nhân bị viêm đại tràng vi thể đôi khi cũng mắc bệnh lý về miễn dịch. Chẳng hạn như bệnh celiac, bệnh lý tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type 1 hoặc bệnh vẩy nến.
  • Di truyền: Các nhà nghiên cứu cho rằng có sự liên quan giữa bệnh viêm đại tràng vi thể với gia đình có tiền căn bị hội chứng ruột kích thích.

Hút thuốc lá: Các nghiên cứu gần đây chỉ ra mối liên quan giữa hút thuốc lá và viêm đại tràng vi thể, đặc biệt là những người từ 16 đến 44 tuổi.

Một số thuốc có nguy cơ gây viêm đại tràng vi thể

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ gây viêm đại tràng vi thể. Nhưng không phải tất cả các nghiên cứu đều được chấp thuận

Các loại thuốc có thể liên quan với bệnh, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB) và naproxen sodium (Aleve).
  • Thuốc ức chế bơm proton. Bao gồm: Lansoprazole (Prevacid), esomeprazole (Nexium), pantoprazole (Protonix), rabeprazole (Aciphex), omeprazole (Prilosec) và dexlansoprazole (Dexilant).
  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, ví dụ: sertraline (Zoloft).
  • Acarbose (Precose).
  • Flutamide.
  • Ranitidine.
  • Carbamazepine (Carbatrol, Tegretol).
  • Clozapine (Clozaril, Fazaclo).
  • Entacapone (Comtan).
  • Paroxetine (Paxil, Pexeva).
  • Simvastatin (Zocor).
  • Topiramate.

Biến chứng của bệnh viêm đại tràng vi thể

Hầu hết mọi người đều được điều trị thành công bệnh viêm đại tràng vi thể. Bệnh này không làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Làm sao để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng vi thể?

Khai thác bệnh sử và khám thực thể đầy đủ có thể giúp xác định được các tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh celiac, có thể góp phần gây nên triệu chứng tiêu chảy của bạn.

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về những loại thuốc mà bạn đang dùng. Đặc biệt là aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB), naproxen natri (Aleve). Ngoài ra còn có thuốc ức chế bơm proton và thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin. Các loại thuốc trên đều có nguy cơ gây bệnh viêm đại tràng vi thể. Chính vì thế, việc cho bác sĩ biết những loại thuốc bạn đang dùng có thể giúp ích trong việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh và làm tăng khả năng điều trị thành công.

Xét nghiệm

Để giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm đại tràng vi thể, bạn có thể làm một hoặc nhiều các xét nghiệm sau:

  • Nội soi đại tràng: Xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ đại tràng của bạn thông qua một ống mỏng, dễ uốn, được chiếu sáng (ống nội soi đại tràng) với một camera gắn kèm. Camera sẽ gửi hình ảnh của trực tràng và toàn bộ đại tràng đến màn hình bên ngoài, cho phép bác sĩ kiểm tra niêm mạc ruột. Bác sĩ có thể đưa dụng cụ qua ống nội soi để lấy mẫu mô (Sinh thiết)
  • Soi hậu môn và tràng Sigma: Xét nghiệm này tương tự như nội soi đại tràng, nhưng thay vì xem toàn bộ đại tràng, soi hậu môn và tràng Sigma cho phép bác sĩ quan sát bên trong trực tràng và hầu hết đại tràng Sigma – khoảng 61cm của ruột già.

Bởi vì các vấn đề đường ruột có thể bình thường trên nội soi, chẩn đoán xác định viêm đại tràng vi thể đòi hỏi một mẫu mô đại tràng (sinh thiết) thu được trong lúc nội soi hoặc soi hậu môn và tràng Sigma. Trong hai loại viêm đại tràng vi thể, các tế bào trong mô đại tràng có hình dạng khác biệt dưới kính hiển vi, vì vậy chẩn đoán có thể được xác định.

Xét nghiệm bổ sung

Ngoài nội soi đại tràng hoặc soi hậu môn và tràng Sigma, bạn có thể làm một hoặc nhiều xét nghiệm sau để loại trừ các nguyên nhân gây ra triệu chứng của bạn. Bao gồm:

  • Phân tích mẫu phân: Xét nghiệm giúp loại trừ nhiễm trùng là nguyên nhân gây tiêu chảy dai dẳng.
  • Xét nghiệm máu: Giúp tìm dấu hiệu thiếu máu hoặc nhiễm trùng.

Nội soi đường tiêu hóa trên và sinh thiết: Giúp loại trừ bệnh celiac. Bác sĩ sẽ dùng một ống dài, mỏng và gắn kèm với camera ở đầu ống để kiểm tra phần trên đường tiêu hóa. Họ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) để phân tích tại phòng xét nghiệm.

Điều trị bệnh viêm đại tràng vi thể như thế nào?

Viêm đại tràng vi thể có thể tự khỏi. Nhưng nếu triệu chứng kéo dài hoặc nặng, bạn có thể cần điều trị để làm giảm nhẹ chúng. Bác sĩ thường sẽ tiếp cận từng bước, bắt đầu với các phương pháp điều trị đơn giản nhất và dễ dung nạp nhất.

Ăn kiêng và ngừng sử dụng thuốc.

Điều trị thường bắt đầu bằng thay đổi chế độ ăn và ngưng sử dụng thuốc. Điều đó có thể giúp làm giảm triệu chứng tiêu chảy dai dẳng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn:

  • Ăn một chế độ ít chất béo và ít chất xơ: Thực phẩm chứa ít chất béo và ít chất xơ có thể giúp giảm tiêu chảy.
  • Ngừng sử dụng sản phẩm sữa, gluten hoặc cả hai: Những thực phẩm này có thể làm triệu chứng của bạn tệ hơn.
  • Tránh sử dụng caffein và đường.
  • Ngưng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn: Bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác để điều trị bệnh lý nền của bạn.

Bệnh viêm đại tràng vi thể có thể tự khỏi

Bệnh viêm đại tràng vi thể có thể tự khỏi

1. Sử dụng thuốc

Nếu các dấu hiệu và triệu chứng tồn tại dai dẳng, bác sĩ của bạn có thể kê đơn cho bạn:

Thuốc chống tiêu chảy: Chẳng hạn như loperamide (Imodium) hoặc bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol).

Thuốc Steroid: Chẳng hạn như budesonide (Entocort EC).

Thuốc ngăn chặn acid mật: Chẳng hạn như cholestyramine/aspartame hoặc cholestyramine (Prevalite), hoặc colestipol (Colestid).

Thuốc kháng viêm: Ví dụ như mesalamine (Delzicol, Apriso) có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm tại đại tràng.

Các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Giúp giảm tình trạng viêm ở đại tràng. Ví dụ như: mercaptopurine (Purinethol) và azathioprine (Azasan, Imuran).

Thuốc ức chế TNF: Chẳng hạn như infliximab (Remicade) và adalimumab (Humira). Thuốc có thể làm giảm tình trạng viêm bằng cách trung hòa một protein của hệ thống miễn dịch, được gọi là yếu tố hoại tử khối u (TNF).

2. Phẫu thuật

Khi các triệu chứng viêm đại tràng vi thể nghiêm trọng và điều trị thuốc không có hiệu quả, bác sĩ của bạn có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ tất cả hoặc một phần đại tràng của bạn. Hiếm khi phải phẫu thuật để điều trị bệnh viêm đại tràng vi thể.

Lối sống cho người mắc bệnh viêm đại tràng vi thể

Thay đổi chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm triệu chứng tiêu chảy mà bạn gặp phải vì bệnh viêm đại tràng vi thể. Bạn có thể thử các cách sau đây:

Uống nước đúng cách: Nước là tốt nhất, nhưng những loại dịch có bổ sung natri và kali (Điện giải) cũng có thể giúp ích. Hãy thử uống nước canh hoặc uống nước ép trái cây đã được pha loãng. Tránh sử dụng đồ uống có chứa nhiều đường, sorbitol hoặc chứa rượu, caffeine. Chẳng hạn như coffee, trà và nước ngọt có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bạn.

Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa: Chúng bao gồm táo, chuối, dưa và gạo. Tránh ăn các thực phẩm giàu chất xơ như đậu và các loại hạt, và chỉ ăn các loại rau đã được nấu chín.

Ăn nhiều bữa nhỏ: Khoảng cách các bữa ăn trong ngày có thể làm giảm tiêu chảy.

Tránh ăn thức ăn gây kích ứng đường tiêu hóa: Tránh những món ăn cay, nhiều chất béo hoặc đồ chiên và các thực phẩm nào khác làm cho triệu chứng của bạn trở nên nặng hơn.

Người bị viêm đại tràng vi thể nên uống nhiều nước

Người bị viêm đại tràng vi thể nên uống nhiều nước

Viêm đại tràng vi thể là bệnh lý mạn tính thường gặp gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt và công việc. Tuy bệnh không làm tăng nguy cơ ung thư nhưng việc điều trị sớm sẽ có hiệu quả và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho quý độc giả những thông tin hữu ích về bệnh giúp phát hiện bệnh sớm hơn, giảm thiểu triệu chứng và gia tăng khả năng thành công trong quá trình điều trị.

Cài đặt ngay ứng dụng YouMed để đặt khám tiện lợi, không chờ đợi tại hơn 25 bệnh viện, 475 bác sĩ và 50 phòng khám đa khoa liên kết chính thức với YouMed. Hotline tư vấn 1900 2805 .

Các tính năng rất hữu ích của ứng dụng đặt khám YouMed

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Chọn bác sĩ, chuyên khoa phù hợp

Chat miễn phí
với bác sĩ

Chat và gọi với bác sĩ

Video call
với bác sĩ

Nhận và lưu trữ hồ sơ, toa thuốc, lịch sử khám

Nhận và lưu trữ hồ sơ, toa thuốc, lịch sử khám

Mua trực tuyến các sản phẩm y tế, sức khỏe chính hãng

Mua trực tuyến các sản phẩm y tế, sức khỏe chính hãng

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Microscopic colitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/microscopic-colitis/symptoms-causes/syc-20351478

    Ngày tham khảo: 02/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người