Trùng roi kí sinh ở ruột: Nhiễm Giardia Lamblia
Nội dung bài viết
Nhiễm Giardia lamblia – một bệnh khá phổ biến gây nhiễm trùng đường ruột tại Việt Nam. Chúng ta đã biết những tác hại gì của bệnh? Cũng như nguy cơ lâu nhiễm và các cách phòng chống bệnh chưa?
I. Thông tin chung
- Nhiễm Giardia lamblia do một loài trùng roi có tên Giardia lamblia, kí sinh ở đoạn ruột tá tràng, gây bệnh tiêu chảy mạn tính.
- Đây là loài kí sinh trùng có ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Tỷ lệ nhiễm tùy vùng, từ 3-10%. Nó là loại kí sinh trùng rất thích cơ địa trẻ em, nhất là trẻ bị suy dinh dưỡng.
Uống nước tại các nguồn tự nhiên không đảm bảo là nguy cơ cao nhiễm bệnh
- Bệnh nhân bị nhiễm Giardia khi lỡ nuốt phải bào nang có trong đồ ăn, thức uống. Ở trẻ em, một tỉ lệ lớn do tiếp xúc với vật gây bệnh hoặc lây nhiễm. Trẻ em thường ôm, âu yếm vật nuôi: chó mèo, chim, hải âu, các loại thú nuôi khác. Hay vô tình, người lớn nhiễm bệnh, người đi từ vùng dịch về, tiếp xúc, âu yếm và nựng trẻ em.
II. Hình thể
Được ghi nhận hai thể: thể hoạt động và thể bào nang.
Thể hoạt động:
- Chúng có hình quả lê, dài 10-15mcm. Đối xứng hai bên qua một trục dọc cơ thể. Đầu trước tròn, đầu sau nhọn. Mặt lưng lồi, mặt bụng lõm vào. Có hai nhân to ở hai bên, nhìn như hai con mắt. Màng nhân rõ và nhân ở giữa lớn.
- Ở phía đầu trước có một đĩa hút, bám vào tế bào kí chủ. Ngoài ra: không thể thiếu các bộ phận roi ở đuôi và hai bên giúp chúng di chuyển. Nhìn chung, chúng trông như một tàu không gian. Các roi quẫy liên tục không nghỉ, đưa chúng tiến lên phía trước.
Thể hoạt động của Giardia lamblia
Thể bào nang:
- Hình bầu dục, dài 9-12mcm. Hình ảnh chiết quang. Có 2-4 nhân. Bên trong có một số cấu trúc non của thể hoạt động. Có vài cặp roi nhỏ mới hình thành.
Thể bào nang của Giardia lamblia
Hoạt động:
- Hai thể hoạt động và bào nang chuyển động trong cơ thể kí chủ.
Nơi chúng kí sinh thường là đoạn đầu ruột non với pH khoản 6.7-7, thích hợp với chúng. Đôi khi chúng chui vào ống mật và ống tụy, gây ra các bệnh nhiễm trùng mật-tụy cấp tính. Chúng sống ở bề mặt niêm mạc ruột, rất ít khi chui ra khỏi lớp niêm mạc này. - Thể hoạt động bám sát vào màng trong của ruột non. Chúng ăn các chất nhầy và chất dinh dưỡng ở bề mặt ruột.
- Khi ruột tăng nhu động, tiêu chảy, mới tìm thấy thể hoạt động. Chúng khi bị đẩy xuống ruột già, sẽ biến thành bào nang và thoát ra ngoài.
Thể hoạt động là thể gây bệnh chính. Chúng hoạt động nhanh nhẹn nhờ các lông roi. Sinh sản đơn giản bằng cách chia đôi và dinh dưỡng bằng cách thẩm thấu chất dinh dưỡng, chất nhày ở ruột non.
III. Nhiễm Giardia lamblia do cơ chế nào?
- Phần lớn người nhiễm Giardia lamblia, mang trùng roi trong cơ thể mà không có triệu chứng gì.
- Khi ở ruột, có sự tăng số lượng thể hoạt động, màng nhầy ruột non sẽ bị kích thích. Càng kích thích, màng nhầy càng tiết nhiều chất nhày, gây đau bụng và tiêu chảy. Trong phân giai đoạn đầu có chứa nhiều thể hoạt động, có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi.
- Giai đoạn nhiễm mạn tính hoặc giai đoạn sau: phân sệt dần. Chỉ nhìn thấy thể bào nang ở phân.
Chu kì phát triển của Giardia lamblia (nguồn CDC Mỹ)
IV. Các thể bệnh nguy hiểm của nhiễm Giardia
Nhiễm Giardia có nhiều thể, tùy vào số lượng thể hoạt động mà gây ra các triệu chứng khác nhau.
Thể phổ biến:
- Tiêu chảy day dưa kéo dài nhiều tuần. Phân nhão, màu xám hoặc đôi khi màu nhạt. Có thể lẫn mỡ, không máu. Đi tiêu 5-6 lần/ngày. Chúng hấp thụ muối mật, khiến cho người bệnh không tiêu hóa được mỡ. Tiêu phân lẫn mỡ là triệu chứng khác đặc trưng của bệnh.
Thể nặng hơn ở trẻ em:
- Những cơn đau bụng quanh rốn. Trẻ bị tiêu chảy, bực dọc, quấy khóc và biếng ăn. Lúc này thể hoạt động bám vào biểu mô, làm cho nhu nhu mao ruột hoạt động kém. Lâu dần trẻ càng bị suy dinh dưỡng nặng và mất nước.
Thể ác tính:
- Gặp ở những người có hệ miễn dịch kém. Trẻ em suy dinh dưỡng nặng, người nghiện rượu, người bị suy giảm miễn dịch là đối tượng của thể này. Nhiễm Giardia gây chứng tiêu chảy kéo dài, gây suy kiệt người bệnh.
Sơ đồ mô tả vị trí kí sinh và hình thể của Giardia lamblia
Thể Giardia gan mật:
- Biểu hiện ở các cơn đau quặn mật, nhiễm trùng đường mật. Đây là thể mạn tính. Trùng roi kí sinh lâu trong cơ thể người bệnh, đôi khi bơi ngược dòng lên đường mật tụy gây viêm nhiễm. Các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm Giardia này nếu không điều trị sẽ gây tử vong. Nhiễm trùng mật tụy là bệnh nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Cơ địa đặc biệt:
- Cơ địa đang mang thai. Có những bằng chứng và báo cáo về việc khi mang thai, sinh qua ngã tự nhiên, có ghi nhận các ca lây nhiễm Giardia ở trẻ sơ sinh. Việc lây nhiễm Giardia gây ra các bệnh nhiễm trùng sơ sinh nguy hiểm.
>> Tham khảo Nhiễm ký sinh trùng: Dấu hiệu và những điều cần biết.
V. Làm cách nào phát hiện nhiễm Giardia
- Khi có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, bạn cần đến khám tại các nơi uy tín.
- Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh và cho các xét nghiệm tầm soát bệnh nếu có nghi ngờ nhiễm Giardia.
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm ELISA, tìm kháng thể với bệnh.
- Hút dịch tá tràng, tìm thể hoạt động.
- Xét nghiệm phân, soi phân tìm thể bào nang.
VI. Điều trị bệnh như thế nào?
- Bệnh may mắn có thể được chưa khỏi bằng đúng phác đồ điều trị. Người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị và liều lượng của bác sĩ.
- Bệnh nhân cần tái khám 1-2 tuần cho đến khi hết hẳn các triệu chứng nhiễm Giardia.
VII. Phòng ngừa lây nhiễm Giardia
- Phòng ngừa lây truyền từ người sang người tốt nhất bằng rửa tay sạch và các tiêu chuẩn vệ sinh.
- Sự bùng phát nhiễm giardia gắn liền với bể bơi, dòng nước suối từ núi bị nhiễm bẩn, nguồn cấp nước đô thị, động vật bị nhiễm, cửa hàng ăn, nhà an dưỡng, và trung tâm chăm sóc ban ngày.
- Bơi trong nước ngọt rõ ràng có nhiều nguy cơ hơn trong nước biển hoặc bể bơi. Người ta biết rằng lọc và clorin hóa nguồn cấp nước là có hiệu quả trong việc loại trừ giardia. Nếu nước bể bơi bị nhiễm bẩn phân, hệ thống clorin hóa có thể bị át đi.
- Lời khuyên cho những người đi xa ra nước ngoài nên nhấn mạnh vào việc tránh dùng thức ăn có nguy cơ nhiễm bẩn và tránh bơi trong nước nhiễm bẩn.
- Những người thực hiện tình dục miệng-hậu môn cũng có nguy cơ cao mắc nhiễm giardia.
Đối với quy mô gia đình:
- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ: Thực hiện các biện pháp phòng chống chung như phòng chống các bệnh lây nhiễm Giardia theo đường tiêu hóa
- Thực hiện rửa tay trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi cầu hoặc sau khi dọn vệ sinh cho trẻ.
- Ăn chín, uống sôi.
Đối với xã hội:
- Cung cấp nước sạch, tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước, tiến hành lọc các nguồn nước nhiễm phân người hoặc súc vật.
Sử dụng hố xí, xử lí phân trẻ hợp vệ sinh. - Xử lý môi trường: Chú ý xử lý sát khuẩn, tẩy uế nguồn phân.
Quản lí người lành mang trùng:
- Định kỳ kiểm tra, xét nghiệm phân của người nhà, người tiếp xúc, người chế biến thực phẩm, thức ăn ở các nhà trẻ, nhà hàng nếu phát hiện có nang trùng hoặc ký sinh trùng thì tổ chức cách ly, điều trị ngay. Nếu cần cho chuyển nghề.
Bệnh nhiễm Giardia nếu được điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn mà không bị di chứng gì. Trái lại không được điều trị, bệnh nhân có thể bị rối loạn hấp thu nặng và có thể dẫn đến tử vong vì các nguyên nhân khác.
Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.