Sốt co giật: Cách nhận biết và xử trí cho trẻ
Nội dung bài viết
Chỉ cần nhắc đến Co giật, đa số ba mẹ trẻ đều không đủ bình tĩnh để ứng phó khi tình huống ấy xảy ra. Người thì bảo vắt chanh vào miệng bé, người thì bảo cắt lễ … Vì sốt co giật rất thường gặp ở trẻ nhỏ và một trong những điều quan trọng là theo dõi và xử trí đúng khi trẻ bị co giật sẽ giúp rất nhiều trong việc chẩn đoán cũng như điều trị của Bác sĩ.
Sốt co giật là gì?
– Là tình trạng co giật do sốt xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của co giật và thường lành tính.
– Thường xảy ra khi trẻ sốt ≥ 39 độ C, tuy nhiên co giật có thể xảy ra ở bất cứ nhiệt độ nào cao hay thấp hơn ngưỡng này.
– Sốt có thể là biểu hiện của bệnh lý nhiễm trùng ở bất cứ cơ quan nào trong cơ thể.
– Trong cơn co giật, trẻ có thể:
Co cứng toàn thân, trợn mắt, không tỉnh táo, sau cơn trẻ có thể ngủ thiếp đi 1 lúc và tỉnh táo lại, không tái phát trong vòng 24 giờ đầu.
Những tác động này kéo dài bao lâu?
– Mỗi cơn co giật thường kéo dài 1-5 phút mà không cần bất cứ điều trị gì.
– 4% trẻ có sốt co giật. Đa số trẻ chỉ có 1 đợt sốt co giật. Khoảng 1/3 trẻ có thể tái phát 1-3 đợt sốt co giật trong năm tới.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ sốt co giật?
– Tránh để trẻ bị thương: đặt trẻ trên mặt phẳng an toàn như nền nhà, tránh các vật dụng cứng nhọn, dễ cháy, dễ bể như dao kéo, chén ly … không giữ chặt hay đè lên người trẻ khi trẻ đang co giật.
– Theo dõi tính chất co giật: thời gian, co giật 1 hay 2 bên, tay hay chân, có trợn mắt, gồng cứng người không , tím môi, quay video lại nếu có thể.
– Hạ sốt: giúp trẻ hạ sốt càng sớm có thể rút ngắn thời gian co giật. Trước hết cần để thoáng trẻ, lau mát. Sau khi cơn co giật kết thúc, nếu trẻ còn thức có thể cho trẻ uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen (liều theo cân nặng trẻ), khuyến khích trẻ uống thêm nhiều nước (nước lọc, sữa, nước trái cây).
– Bảo vệ đường thở của trẻ: lấy dị vật trong miệng trẻ để tránh trẻ bị nghẹt thở. Đặt trẻ nằm nghiêng một bên để dễ tống xuất chất tiết ra ngoài. Nếu trẻ khò khè, khó thở, nâng cằm và hàm trẻ lên trước.
– Gọi xe cấp cứu ngay nếu trẻ còn co giật hơn 5 phút.
–Đưa trẻ đến cơ sở y tế cho tất cả trường hợp có sốt ngay khi trẻ vừa hết co giật. Cho trẻ mặc đồ thoáng nếu thời tiết cho phép. Lưu ý: co giật kéo dài khi vẫn còn sốt do ủ ấm trẻ, nhất là những trẻ < 1 tuổi trong lúc đưa trẻ đến bệnh viện.
–Những sai lầm:khi trẻ đang co giật, không ôm chặt trẻ, không ấn tim thổi ngạt, không đưa bất cứ vật gì vào miệng trẻ vì gây nguy cơ hít sặc các chất vào phổi trẻ, hơn nữa có thể làm tổn thương đến răng miệng trẻ và cho chính bạn. Không cần giữ lưỡi trẻ, vì hiếm khi trẻ tự cắn lưỡi trong lúc co giật.
Làm gì để ngăn co giật?
– Cho trẻ uống thuốc hạ sốt/ nhét hậu môn: Sốt co giật thường xảy ra trong ngày đầu tiên của bệnh. Theo nghiên cứu, rất khó để ngăn sốt co giật. Tuy nhiên, ở những trẻ này cần cho uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen ngay khi sốt > 38 độ C, kể cả khi trẻ đang ngủ ban đêm. Chỉ dùng sau khi trẻ hết co giật.
– Để thoáng trẻ:cho trẻ mặc quần áo mỏng, đắp không quá 1 lớp chăn khi trẻ ốm. Bọc trẻ trong lúc ngủ có thể tăng thêm 1-2 độ C
– Cho trẻ uống nhiều nước.
– Thuốc chống co giật: thường ít khi dùng trừ khi trẻ có vấn đề về hệ thần kinh, ngoài ra thuốc cũng có 1 số tác dụng phụ. Sốt co giật thường vô hại, nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Thông điệp: Hãy bình tĩnh với sốt co giật.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Tham khảo:
https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_convwfev_hhg.htm
>> Co giật đi kèm với sốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não, viêm não… Vì vậy, khi trẻ co giật có sốt cần được đưa tới các cơ sở uy tín để thăm khám kỹ lưỡng. Tham khảo bệnh viện khám bệnh cho trẻ.