YouMed

Sốt siêu vi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Trong giai đoạn giao mùa, sốt siêu vi là bệnh lý rất dễ xảy ra, đặc biệt đối với trẻ em. Vậy, sốt siêu vi là bệnh gì? Bệnh do nguyên nhân gì gây ra và triệu chứng như thế nào? Cần làm gì để điều trị và phòng ngừa bệnh. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh để tìm hiểu về bệnh lý này nhé!

Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi (còn gọi là sốt virus) là bất kỳ cơn sốt nào gây ra bởi một căn nguyên là virus. Hầu hết mọi người có nhiệt độ cơ thể khoảng 37°C. Bất cứ điều gì làm tăng trên mức độ này được coi là một cơn sốt. Sốt thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại một số loại nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.

Bệnh thường xảy ra khi thời tiết giao mùa. Đặc biệt, mùa mưa là thời điểm tình trạng nhiễm virus gây sốt tăng cao. Ví dụ như cúm mùa – một loại sốt siêu vi, theo WHO, đây là dịch bệnh theo mùa xảy ra chủ yếu vào mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 ở Bắc bán cầu và từ tháng 4 đến tháng 9 ở Nam bán cầu. Ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, cúm theo mùa có thể xảy ra quanh năm.1

Tỷ lệ nhiễm sốt virus chiếm số lượng rất cao. Theo thống kê của WHO về cúm mùa, trên toàn thế giới, những trận dịch hàng năm ước tính gây ra khoảng 3 đến 5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng và khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong do hô hấp.2

Sốt siêu vi thường xảy ra vào thời điểm giao mùa
Sốt siêu vi thường xảy ra vào thời điểm giao mùa

Nguyên nhân sốt siêu vi

Như tên gọi, sốt virus là sốt do virus gây ra.

Virus là những vi sinh vật nhỏ bé phổ biến, thường có kích thước vài trăm nanomet. Có nhiều loại virus khác nhau gây ra các loại sốt siêu vi khác nhau. Tất cả các loại virus dưới đây có thể gây sốt trong nhiễm trùng cấp tính, mặc dù mức độ phát sốt phụ thuộc vào độc lực của vi sinh vật và phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng.3

Loại virus Bệnh thường gặp
Adenoviruses Viêm phế quản, viêm phổi, viêm dạ dày ruột,…
Herpesviruses Bệnh herpes, thủy đậu,…
Coronaviruses COVID-19, SARS, MERS,…
Orthomyxoviruses Cúm,…
Rhabdoviruses Dại,…

Triệu chứng của sốt siêu vi

Nếu bị sốt siêu vi, bạn có thể có một số triệu chứng chung sau:4

  • Ớn lạnh.
  • Đổ mồ hôi.
  • Mất nước.
  • Đau đầu, đau nhức cơ bắp.
  • Cảm giác yếu người.
  • Giảm ngon miệng.

Những triệu chứng này thường chỉ kéo dài vài ngày.

Ớn lạnh, đổ mồ hôi,… là những triệu chứng thường gặp của sốt virus
Ớn lạnh, đổ mồ hôi,… là những triệu chứng thường gặp của sốt virus

Ngoài ra, một số loại virus có thể gây triệu chứng sốt siêu vi nổi ban da. Đây là phản ứng miễn dịch cơ thể với sự xâm nhập của virus hay chính virus gây tổn thương trực tiếp tế bào da. Các đặc điểm của phát ban do virus có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết trông giống như những đốm đỏ lốm đốm trên da sáng hơn hoặc những đốm đỏ tía trên da sẫm màu.

Những đốm này có thể xuất hiện đột ngột hoặc xuất hiện dần dần trong vài ngày. Ban cũng có thể xuất hiện trong một phần nhỏ hoặc bao gồm nhiều chỗ cơ thể. Ví dụ, phát ban liên quan đến bệnh sởi bắt đầu trên má của người bệnh trước khi lan ra thân, tay, chân. Phát ban do virus cũng có thể khiến bệnh nhân ngứa hoặc đau khi chạm vào vị trí ban. Ở trẻ em, biểu hiện sốt siêu vi phát ban phổ biến hơn, đặc biệt lứa tuổi tập đi.

Một số virus có thể gây triệu chứng phát ban khi sốt siêu vi
Một số virus có thể gây triệu chứng phát ban khi sốt siêu vi

Sốt siêu vi có lây không?

Sốt siêu vi có lây không? Sốt virus có lây không? là những câu hỏi thường được quan tâm khi nhắc đến bệnh lý này.

Virus sốt siêu vi có thể lây truyền từ người này sang người khác. Do đó, bệnh cũng có thể lây truyền. Để rõ hơn về quá trình lây truyền của virus, cũng như những con đường lây nhiễm sốt siêu vi, bạn đọc và gia đình có thể theo dõi bài viết Sốt siêu vi có lây không? Câu trả lời của bác sĩ.

Chẩn đoán sốt siêu vi bằng cách nào?

Cả nhiễm virus và vi khuẩn thường gây ra các triệu chứng tương tự. Để chẩn đoán sốt siêu vi, bác sĩ có thể sẽ bắt đầu bằng cách loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn. Họ có thể làm điều này bằng cách xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh, cũng như lấy bất kỳ mẫu nào để kiểm tra có nhiễm vi khuẩn không.

Ví dụ, nếu bạn bị đau họng, bác sĩ có thể lấy dịch cổ họng để kiểm tra vi khuẩn gây viêm liên cầu khuẩn. Nếu mẫu cho kết quả âm tính, bạn có thể bị nhiễm virus. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu máu hoặc chất dịch cơ thể khác để kiểm tra các dấu hiệu nhất định gợi ý có thể cho thấy bạn bị nhiễm virus, chẳng hạn như số lượng bạch cầu của bạn.

Sốt virus có gây biến chứng không?

Sốt siêu vi có thể gây biến chứng do sốt cao hoặc tổn thương cơ quan đích do chính sự xâm nhập của virus. Ví dụ: sốt quá cao có thể gây co giật, virus có thể gây viêm phổi, viêm phế quản, viêm cơ tim.

CDC khuyến cáo các dấu hiệu cảnh báo biến chứng khi nhiễm virus cúm như sau:5

Đối tượng Trẻ em Người lớn
Biến chứng
  • Thở nhanh hoặc khó thở.
  • Xanh tái môi, mặt.
  • Xương sườn kéo vào trong từng hơi thở.
  • Đau ngực.
  • Đau cơ nghiêm trọng (trẻ không chịu đi).
  • Mất nước (không có nước tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc).
  • Không tỉnh táo hoặc tương tác khi thức.
  • Co giật.
  • Sốt trên 104°F mà không được kiểm soát bằng thuốc hạ sốt.
  • Ở trẻ em dưới 12 tuần, bất kỳ cơn sốt nào.
  • Sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó trở lại hoặc trầm trọng hơn.
  • Làm xấu đi các tình trạng bệnh mãn tính.
  • Khó thở hoặc thở gấp.
  • Đau dai dẳng hoặc cảm giác đè ép ở ngực hoặc bụng.
  • Chóng mặt dai dẳng, lú lẫn, không có khả năng đánh thức.
  • Co giật.
  • Không đi tiểu.
  • Đau cơ nghiêm trọng.
  • Yếu cơ, không vững.
  • Sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó trở lại hoặc trầm trọng hơn.
  • Làm xấu đi các tình trạng bệnh mãn tính.

Các phương pháp điều trị sốt virus

Trong hầu hết các trường hợp, sốt siêu vi không cần điều trị cụ thể. Không giống như nhiễm trùng do vi khuẩn, virus không phản ứng với thuốc kháng sinh.

Thay vào đó, điều trị thường tập trung vào việc giảm các triệu chứng của cơ thể. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:6

  • Dùng thuốc giảm sốt không kê đơn, chẳng hạn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen, để giảm sốt và các triệu chứng.
  • Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
  • Uống nhiều nước để giữ nước và bổ sung chất lỏng bị mất khi đổ mồ hôi.
  • Dùng thuốc kháng virus, chẳng hạn như oseltamivir phosphate (Tamiflu), khi có chỉ định.
  • Ngồi trong bồn nước ấm để hạ nhiệt độ cơ thể.

Cách phòng bệnh sốt virus

Người bệnh có thể lây truyền virus qua việc hắt hơi, thở và chạm vào các bề mặt. Do đó, bằng cách hạn chế tiếp xúc với các nguồn nhiễm, bạn có thể tránh bị sốt siêu vi. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp phòng sốt virus:4

  • Thường xuyên rửa tay. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ em cách rửa tay.
  • Tránh chạm trực tiếp vào mũi và miệng
  • Tránh dùng chung cốc hoặc đồ dùng của bạn với người khác.

Virus sẽ phát triển chậm ở môi trường nhiệt độ cao. Do đó, bạn đọc nên dùng thực phẩm khi vẫn còn ấm. Để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, bạn cũng nên thay quần áo ngay sau khi trở về từ bệnh viện, cho dù là để kiểm tra sức khỏe hay gặp bệnh nhân.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu hơn về sốt siêu vi. Khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, tốt nhất bạn và gia đình nên liên hệ cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Câu hỏi thường gặp

Sốt siêu vi có nguy hiểm không?

Tùy vào tác nhân gây bệnh mà mức độ nguy hiểm của sốt siêu vi sẽ khác nhau. Một số virus gây sốt cao như Dengue có thể gây biến chứng co giật, phản ứng viêm toàn thân, viêm các mạch máu nhỏ làm thoát dịch, nguy cơ dẫn đến sốc đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên, một số virus khác chỉ gây ra các bệnh cảm lạnh thông thường, sổ mũi, hắt hơi, đau nhức cơ thể. Các bệnh này thường diễn tiến vài ngày và dần tự giới hạn, sau đó sẽ khỏi bệnh.

Khi nào cần đưa người bệnh sốt siêu vi đến gặp bác sĩ?

Đa số sốt siêu vi không đáng lo ngại, tuy nhiên nếu sốt cao hơn 39°C, người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm.

Ngoài ra, cần theo dõi và đến bệnh viện khi có các dấu hiệu sau đây: Đau đầu dữ dội , khó thở, đau ngực, đau bụng, nôn mửa thường xuyên, phát ban tiến triển một cách nhanh chóng và phức tạp, cứng cổ, đau khi uốn cong về phía trước, lú lẫn, co giật.

Sốt siêu vi mấy ngày hết?

Các cơn sốt do virus gây ra có thể kéo dài từ 2 – 3 ngày cho đến hai tuần.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. How can I avoid getting the flu?https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/how-can-i-avoid-getting-the-flu

    Ngày tham khảo: 24/03/2023

  2. Influenza (Seasonal)https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)

    Ngày tham khảo: 24/03/2023

  3. Effect of a fever in viral infections — the ‘Goldilocks’ phenomenon?https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7812885/

    Ngày tham khảo: 24/03/2023

  4. Feverhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/symptoms-causes/syc-20352759

    Ngày tham khảo: 24/03/2023

  5. Flu Symptoms & Complicationshttps://www.cdc.gov/flu/symptoms/symptoms.htm

    Ngày tham khảo: 24/03/2023

  6. Virus infectionhttps://www.npmc.nhs.uk/website/K82016/files/Bacterial_Infections_Sept_12.pdf

    Ngày tham khảo: 24/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người