Sốt siêu vi có lây không? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Sốt siêu vi là một bệnh thường gặp kể cả người lớn và trẻ em. Nhiều người vẫn thường thắc mắc sốt siêu vi có lây không? Sốt virus có lây không? Nếu có thì bệnh lây qua đường nào? Hãy cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc này qua bài viết sau nhé!
Tổng quan về sốt siêu vi
Sốt siêu vi còn được gọi là sốt virus. Và như tên gọi này, nguyên nhân gây ra sốt siêu vi chính là virus.1
Có nhiều loại virus gây ra các loại sốt siêu vi khác nhau. Dưới đây là các nhóm virus nguyên nhân gây sốt siêu vi phổ biến nhất:2
- Virus cúm: thường là chủng virus Influenza A hoặc Influenza B.
- Virus Corona: các chủng virus SARS-CoV 1 và 2 đều gây sốt khi nhiễm bệnh.
- Virus gây cảm lạnh đối với chủng rhinovirus hoặc adenovirus.
- Và một số virus khác như herpesvirus, enterovirus, parechovirus,…
Nguyên nhân gây sốt có thể ảnh hưởng đến thời gian cơn sốt kéo dài. Với các bệnh gây sốt thông thường (như cảm lạnh, cúm,…), sốt thường kéo dài 3-4 ngày. Thời gian sốt có thể phụ thuộc vào liệu trình và cách thức điều trị được sử dụng để hạ sốt. Tuy nhiên, ngay cả khi được điều trị, cơn sốt thường sẽ quay trở lại khi cơ thể đang chống lại mầm bệnh và sau khi thuốc hết tác dụng.
Tất cả chúng ta đều có thể sẽ bị nhiễm virus vào một thời điểm nào đó. Nhưng nguy cơ mắc bệnh sốt do virus sẽ cao hơn nếu bạn:3
- Người dưới 5 tuổi hoặc trên 65 tuổi.
- Mắc một số tình trạng sức khỏe, như tiểu đường, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc bệnh phổi mạn tính khác.
- Bị suy giảm hệ thống miễn dịch (do HIV/AIDS, ung thư hoặc thuốc ức chế miễn dịch).
- Đang mang thai.
Sốt siêu vi thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cơn sốt kéo dài hơn, hoặc người bệnh sốt trên 39°C, hoặc có các biểu hiện như co giật, khó thở, cứng cổ, lú lẫn,… thì nên liên hệ cơ sở y tế để được thăm khắm và điều trị kịp thời.
Để rõ hơn về bệnh lý này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết chi tiết Sốt siêu vi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa nhé!
Sốt siêu vi có lây không?
Virus gây sốt siêu vi có thể lây truyền từ người này sang người khác. Do đó, đa số các loại sốt siêu vi đều có thể lây nhiễm. Và đặc biệt lây lan nhanh ở đối tượng trẻ em và người lớn tuổi.
Virus gây sốt siêu vi có kích thước rất nhỏ và có cơ chế tồn tại đặc biệt. Virus cần lây nhiễm vào các sinh vật sống để sinh sản. Vì vậy, virus ở người tồn tại bằng cách lây lan giữa người với người. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng, mắt, hậu môn, bộ phận sinh dục. Lúc này, virus sẽ xâm nhập vào bên trong tế bào và sử dụng nguyên liệu bên trong để tạo ra nhiều bản sao.
Sốt siêu vi lây qua đường nào?
Sốt siêu vi có thể lây truyền, vậy, nó lây truyền qua đường nào? Đây cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Vì biết được con đường lây truyền bệnh sẽ dễ dàng phòng chống bệnh.
Virus gây sốt siêu vi lây qua nhiều đường khác nhau. Virus có thể lây nhiễm qua:3
- Từ người này sang người khác (do ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần).
- Từ các bề mặt hoặc đồ vật mà người nhiễm virus đã chạm vào (như mặt bàn, tay nắm cửa hoặc điện thoại).
- Thông qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn.
- Từ vết cắn của động vật bị nhiễm bệnh, muỗi hoặc ve.
- Từ việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm hoặc uống nước bị ô nhiễm.
Phòng ngừa sốt siêu vi như thế nào?
Cách để phòng ngừa sốt siêu vi cho người lớn cũng như trẻ em luôn được quan tâm. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa được sốt siêu vi:
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ và theo lịch trình, đặc biệt là trẻ em.
- Tăng sức đề kháng và thể trạng bằng cách thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học và lành mạnh.
- Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Điều này ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh.
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt vào mùa cúm hay dịch bệnh.
- Lưu ý khi giữ trẻ, tránh để trẻ đưa đồ chơi vào miệng. Không đưa trẻ đến trường nếu trẻ có các dấu hiệu của bệnh.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người đang bị bệnh hay vật dụng cá nhân của người bệnh.
- Không nên đến những nơi đông người, nơi công cộng khi đang có dịch bệnh lưu hành.
- Đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang tạo ra một rào cản vật lý có thể ngăn chặn sự lây lan của virus gây sốt. Nếu bạn bị bệnh, khẩu trang có thể giúp ngăn bạn truyền virus cho người khác. Tương tự, nếu những người xung quanh bạn bị ốm, khẩu trang có thể ngăn các giọt hô hấp có vấn đề trong không khí xâm nhập vào cơ thể bạn qua miệng hoặc mũi.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc “Sốt siêu vi có lây không?” cho bạn đọc. Khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ sốt siêu vi, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp. Tùy vào tình trạng của từng người mà bác sĩ có thể cho điều trị và theo dõi tại nhà.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Feverhttps://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/fever/
Ngày tham khảo: 25/03/2023
-
Comparison of COVID-19, influenza, common cold, and gastrointestinal (GI) illnesshttps://www.albertahealthservices.ca/assets/info/ppih/if-ppih-covid-19-flu-cold.pdf
Ngày tham khảo: 25/03/2023
-
Viral Infectionhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24473-viral-infection
Ngày tham khảo: 25/03/2023