YouMed

Sốt xuất huyết có lây không? Câu trả lời của bác sĩ

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Sốt xuất huyết là một bệnh gây đại dịch đang nổi lên nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới. Sốt xuất huyết là mối đe dọa đối với sức khỏe người dân ở Việt Nam và nó đang trở nên trầm trọng hơn. Điều này khiến mọi người quan tâm về vấn đề sốt xuất huyết có lây không? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu và giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh sốt xuất huyết được hiểu như thế nào?

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm do virus sốt xuất huyết gây ra. Trong đó, muỗi là trung gian truyền bệnh.1 Virus sốt xuất huyết hay còn gọi là virus Dengue thuộc họ Flaviviridae, chi Flavivirus.2 Bệnh phổ biến hơn ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.3

Hầu hết những người bị sốt xuất huyết sẽ không có triệu chứng. Sốt xuất huyết nhẹ gây sốt cao và các triệu chứng giống như cảm cúm (đau đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn và phát ban). Thể nặng của sốt xuất huyết cần được chăm sóc tại bệnh viện. Bệnh nặng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, khó thở hoặc thở nhanh.3

Bệnh sốt xuất huyết có lây không?

Sốt xuất huyết chủ yếu lây truyền qua vết đốt của muỗi bị nhiễm virus sốt xuất huyết. Muỗi bị nhiễm bệnh khi nó đốt một người có virus sốt xuất huyết trong máu của họ. Bệnh sốt xuất huyết không thể lây trực tiếp từ người này sang người khác và muỗi là trung gian cần thiết để truyền virus sốt xuất huyết.4 5

Khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết với ước tính khoảng 100 đến 400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm. Có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây. Theo báo cáo của WHO, số ca bệnh đã tăng từ 505.430 trường hợp vào năm 2000 lên 5,2 triệu vào năm 2019.1

Người ta ước tính rằng gần 3,6 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh. Với 390 triệu ca nhiễm bệnh. Trong đó 96 triệu ca có triệu chứng.2

Sốt xuất huyết lây giai đoạn nào?

Sự lây truyền từ người sang muỗi có thể xảy ra tối đa 2 ngày trước khi một người nào đó xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Cùng với đó là tối đa 2 ngày sau khi hết sốt.1

Một phụ nữ mang thai đã bị nhiễm sốt xuất huyết có thể truyền virus cho thai nhi trong khi mang thai hoặc trong khoảng thời gian sinh nở.4

Trong tuần đầu tiên nhiễm bệnh, virus sốt xuất huyết được tìm thấy trong máu của người bị nhiễm bệnh. Sau khi hút máu người bị nhiễm bệnh, virus sẽ nhân lên trong ruột giữa của muỗi trước khi lây lan sang các mô thứ cấp, bao gồm cả tuyến nước bọt.

Thời gian từ khi nhiễm virus đến khi lây truyền sang vật chủ mới được gọi là thời kỳ ủ bệnh bên ngoài. Thời gian này mất khoảng 8 đến12 ngày khi nhiệt độ xung quanh nằm trong khoảng 25 đến 28°C. Sau khi lây nhiễm, muỗi có thể truyền virus trong suốt quãng đời còn lại của nó.1

Sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Sau khi tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Sốt xuất huyết có lây không?”. Sau đây, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về “Con đường lây bệnh như thế nào?”

1. Lây truyền qua vết muỗi đốt1 4 5

Virus sốt xuất huyết lây lan sang người qua vết đốt của loài muỗi Aedes bị nhiễm bệnh. Muỗi cái Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chính của bệnh sốt xuất huyết. Các loài khác trong chi Aedes cũng có thể đóng vai trò là trung gian truyền bệnh nhưng chúng chỉ là thứ yếu so với Aedes aegypti.

Virus sốt xuất huyết lây lan sang người qua vết đốt của muỗi
Virus sốt xuất huyết lây lan sang người qua vết đốt của muỗi

Muỗi có thể bị nhiễm virus bởi những người có virus Dengue, bao gồm:

  • Người bị nhiễm sốt xuất huyết có triệu chứng.
  • Người chưa bị nhiễm trùng có triệu chứng (tiền triệu chứng).
  • Những người bệnh nhưng không có triệu chứng.

Muỗi cái cần máu để sản xuất trứng. Chúng có thể đẻ nhiều lứa trứng trong suốt cuộc đời. Chúng thường hút máu nhiều lần trước khi đẻ một lứa trứng. Khi hút máu, muỗi cái bị nhiễm bệnh sẽ tiêm nước bọt có chứa virus vào vật chủ là người để ngăn máu của vật chủ đông lại và để dễ hút máu. Việc tiêm nước bọt này sẽ lây nhiễm virus sốt xuất huyết cho vật chủ.

2. Truyền mẹ sang con1 4

Phương thức lây truyền chính của virus sốt xuất huyết giữa người với người liên quan đến trung gian là muỗi. Tuy nhiên, vẫn có bằng chứng về khả năng lây truyền từ mẹ (từ người mẹ mang thai sang con).

Tỷ lệ lây truyền này khá thấp. Kèm theo đó nguy cơ lây truyền cũng phụ thuộc thời điểm nhiễm sốt xuất huyết. Khi người mẹ bị nhiễm virus sốt xuất huyết khi đang mang thai, trẻ sơ sinh có thể bị sinh non, nhẹ cân và suy thai.

Cho đến nay, đã có một báo cáo được ghi nhận về bệnh sốt xuất huyết lây lan qua sữa mẹ. Vì những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ được khuyến khích cho con bú ngay cả ở những vùng có nguy cơ sốt xuất huyết.

3. Các đường lây truyền khác4 5

Các trường hợp lây truyền hiếm gặp qua truyền máu, cấy ghép nội tạng hoặc qua vết thương do kim đâm đã được ghi nhận. Bất chấp những sự kiện hiếm gặp này, phần lớn các ca nhiễm sốt xuất huyết đều do muỗi đốt

Đối tượng dễ bị lây bệnh

Sốt xuất huyết là một bệnh lây lan qua vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh. Bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết hoặc một tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn nếu:3

  • Bạn sống hoặc đi du lịch ở vùng nhiệt đới. Do tăng nguy cơ tiếp xúc với virus gây bệnh sốt xuất huyết. Các khu vực có nguy cơ đặc biệt cao bao gồm Đông Nam Á, các đảo phía tây Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Châu Phi.
  • Bạn đã từng bị sốt xuất huyết trong quá khứ. Việc nhiễm virus sốt xuất huyết trước đó làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng nếu bị sốt xuất huyết trở lại.
Tăng nguy cơ mắc bệnh nếu bạn đang ở vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết
Tăng nguy cơ mắc bệnh nếu bạn đang ở vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có bị lại không?

Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Do đó, bệnh nhân có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.2 3

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Một số phương pháp phòng bệnh sốt xuất huyết bao gồm:3

1. Vaccine

Ở những khu vực trên thế giới nơi bệnh sốt xuất huyết phổ biến, một loại vaccine sốt xuất huyết (Dengvaxia) được chấp thuận cho những người từ 9 đến 45 tuổi đã bị sốt xuất huyết ít nhất một lần. Vắc xin được tiêm ba liều trong vòng 12 tháng.

Vaccine chỉ được phê duyệt cho những người có tiền sử mắc bệnh sốt xuất huyết hoặc những người đã được xét nghiệm máu cho thấy trước đó đã nhiễm một trong các loại virus sốt xuất huyết. Đây được gọi là huyết thanh dương tính. Ở những người trước đây chưa bị sốt xuất huyết (huyết thanh âm tính), việc tiêm vaccine dường như làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng. Đông thời có nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết trong tương lai.

Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh rằng bản thân vaccine không phải là một công cụ hiệu quả để giảm sốt xuất huyết ở những khu vực phổ biến bệnh. Phòng chống muỗi đốt và kiểm soát số lượng muỗi vẫn là những biện pháp chính để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết.

2. Ngăn ngừa muỗi đốt

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày.1

Giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết bằng cách bảo vệ bạn khỏi bị muỗi đốt. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ bị muỗi đốt:

  • Ở trong nhà có máy lạnh hoặc được che chắn cẩn thận. Muỗi mang virus sốt xuất huyết hoạt động mạnh nhất vào ban ngày. Chúng cũng có thể đốt vào ban đêm.
  • Mặc quần áo bảo hộ. Khi bạn đi vào những khu vực có nhiều muỗi, hãy mặc áo sơ mi dài tay, quần dài, đi tất và đi giày.
  • Sử dụng thuốc chống muỗi.
  • Giảm môi trường sống của muỗi. Muỗi mang virus sốt xuất huyết thường sống trong và xung quanh nhà. Chúng sinh sản trong nước đọng có thể tích tụ. Bạn có thể giúp giảm số lượng muỗi bằng cách loại bỏ môi trường sống nơi chúng đẻ trứng. Ít nhất mỗi tuần một lần, đổ sạch và làm sạch các thùng chứa nước đọng. Chẳng hạn như thùng trồng cây, đĩa động vật và bình hoa. Đậy kín các thùng chứa nước đọng giữa các lần vệ sinh.
Chủ động phòng tránh bằng cách diệt muỗi
Chủ động phòng tránh bằng cách diệt muỗi

Qua bài viết hy vọng bạn đã có được câu trả lời cho câu hỏi “Sốt xuất huyết có lây không?”. Để bảo vệ bản thân và gia đình, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh và ngăn ngừa bệnh càng nhiều càng tốt. Liên hệ bác sĩ và đến các trung tâm y tế nếu bạn có các triệu chứng bệnh gây khó chịu.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Dengue and severe denguehttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue

    Ngày tham khảo: 27/06/2023

  2. Dengue Virushttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7149978/

    Ngày tham khảo: 27/06/2023

  3. Dengue feverhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dengue-fever/symptoms-causes/syc-20353078

    Ngày tham khảo: 27/06/2023

  4. Through Mosquito Biteshttps://www.cdc.gov/dengue/transmission/index.html

    Ngày tham khảo: 27/06/2023

  5. Dengue Transmissionhttps://www.nature.com/scitable/topicpage/dengue-transmission-22399758/

    Ngày tham khảo: 27/06/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người