Sứa biển cắn có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Vào những ngày hè chúng ta thường rất thích được bơi lội ở những bãi biển. Một trong những tai nạn thường gặp khi bơi ở biển đó là bị sứa cắn. Vấn đề này xảy ra tương đối phổ biến và có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Vậy khi bị sứa biển cắn sẽ biểu hiện như thế nào và nó có gây nguy hiểm hay không? Chuyên gia từ YouMed sẽ giúp chúng ta giải đáp ngay sau đây.
1. Sứa biển cắn ra sao?
Loài sứa được tìm thấy ở khắp các đại dương trên thế giới và đã xuất hiện từ hàng trăm triệu năm trước. Sứa là loài không xương sống và 95% cơ thể của chúng là nước. Kích thước của loài sứa rất thay đổi, có con chỉ bằng đầu ngón tay nhưng có con lên tới 2,5 mét. Xúc tu của sứa có thể dài đến 60 mét và mỗi xúc tu chứa hàng ngàn sợi lông dạng xoắn giống như một chiếc kim có chứa nọc độc.
Cơ chế tự vệ chính của sứa là tiêm chất độc vào kẻ thù. Khi con mồi bị mắc kẹt trong những xúc tu thì những chiếc kim xoắn duỗi thẳng ra giống như chiếc lưỡi câu. Con mồi sẽ bị tiêm chất độc vào người khi mắc phải những chiếc lưỡi câu này. Khả năng tiêm chất độc của sứa rất nguy hiểm, thậm chí một con sứa đã chết vẫn còn khả năng tiêm chất độc. Đồng thời xúc tu của sứa vẫn có thể tiêm chất độc ngay cả khi nó đứt khỏi cơ thể của nó.
Sứa không chủ động cắn con người khi đang bơi ở biển. Thông thường là do chúng ta vô tình chạm phải con sứa khi đang bơi và dính các kim xoắn chứa nọc độc của nó. Trường hợp khác là do đùa ngịch, chạm vào hay dẫm đạp lên những con sứa đã chết trên bờ biển. Chính những chất độc từ xúc tu sẽ tiêm vào cơ thể của chúng ta và gây nên những triệu chứng của sứa cắn.
2. Biểu hiện khi bị sứa cắn là gì?
Những biểu hiện thường thấy của một người khi bị sứa cắn đó là:
- Cảm giác bỏng rát, đau nhức, châm chích
- Xuất hiện các lằn đỏ, nâu hay tím ở trên da
- Cảm giác ngứa
- Da sưng vù
- Cảm giác đau theo nhịp đập và lan theo cánh tay hoặc chân
Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện các triệu chứng ảnh hưởng lên các cơ quan trong cơ thể. Những triệu chứng này xuất hiện một cách nhanh chóng và nặng dần lên trong vòng vài giờ sau khi bị cắn. Biểu hiện của mức độ nặng khi bị sứa cắn đó là:
- Đau bụng, buồn nôn, nôn ói
- Chuột rút hay đau cơ
- Nhức đầu
- Yếu cơ, lơ mơ hay ngất xỉu
- Khó thở
- Tim đập nhanh hay các rối loạn tim mạch khác
Biến chứng nặng nề có thể xảy ra sau khi bị sứa cắn nếu không sơ cứu đó là:
- Da nổi bóng nước, phát ban kéo dài 1-2 tuần sau khi bị sứa cắn
- Xuất hiện hội chứng Irukandji tức là các biểu hiện đau ngực, đau bụng, tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch
Mức độ nặng hay nhẹ của các triệu chứng sau khi bị sứa cắn phụ thuộc vào:
- Loại sứa và kích thước của chúng
- Độ tuổi, sức khỏe của người bị sứa cắn. Trẻ em hoặc người lớn tuổi có sức khỏe kém sẽ bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn
- Thời gian tiếp xúc với các xúc tu chứa chất độc của con sứa
- Kích thước vùng da của người tiếp xúc với các xúc tu của con sứa
3. Những ai có nguy cơ bị sứa cắn?
Loài sứa xuất hiện phổ biến ở vùng biển nên những người bơi lội hay lặn sẽ gặp nhiều nguy cơ bị sứa cắn. Ngoài ra khả năng chúng ta sẽ bị sứa cắn cao hơn nữa nếu như:
- Đi bơi hoặc lặn vào mùa sứa xuất hiện với số lượng lớn
- Không mặc quần áo bảo hộ khi bơi hoặc lặn
- Chạm vào hay dẫm đạp lên những con sứa trôi dại vào bờ
- Bơi hoặc lặn vào vùng biển có nhiều sứa
4. Khi nào nên đến khám bác sỹ?
Sau khi bị sứa cắn chúng ta nên đến khám ngay bác sĩ nếu có những biểu hiện sau:
- Cảm thấy khó thở, đau ngực hay đau cơ ở vùng bị sứa cắn
- Khi bị sứa cắn ở vùng miệng mà sau đó cảm giác khó nuốt hay mất cảm giác ở lưỡi
- Trẻ em hay người lớn tuổi nên nhanh chóng đến khám bác sỹ vì có nguy cơ diễn tiến nặng
- Khi một diện tích lớn trên cơ thể bị sứa cắn nên nhanh chóng đến khám bác sỹ vì tiếp xúc với một lượng lớn độc tố
- Đối với nhũng người bị triệu chứng nhẹ như đỏ da, ngứa nhưng kéo dài nhiều ngày cũng nên đến khám bác sỹ để xem có bị nhiễm trùng hay không
6. Kết luận
Sứa biển cắn là tai nạn xảy ra rất phổ biến ở những người có hoạt động bơi lội hay lặn. Tai nạn này tăng lên vào mùa hè khi mà nhiều người yêu thích bơi lội ở bãi biển. Phản ứng của cơ thể khi bị sứa cắn rất đa dạng từ nhẹ đến nặng.
Khi bị sứa cắn, mọi người nên cảnh giác và nhanh chóng đến khám bác sỹ khi triệu chứng trở nặng. Đặc biệt ở những đối tượng là trẻ em hay người lớn tuổi để hạn chế biến chứng nặng nề.
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
– jellyfish stings, https://www.emedicinehealth.com/jellyfish_stings/article_em.htm#when_should_you_call_the_doctor_for_a_jellyfish_sting, accessed on 2020 Mar 31
– jellyfish stings, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/jellyfish-stings/symptoms-causes/syc-20353284, accessed on 2020 Mar 31