Suy giảm nhận thức sau hóa trị: Nỗi lo của bệnh nhân ung thư
Nội dung bài viết
Hóa trị là một phương thức điều trị bệnh ung thư nhưng thường mang đến tác dụng phụ sau đó. Đa số bệnh nhân đều trải qua chứng suy giảm nhận thức sau những đợt điều trị hóa trị. Bên cạnh đó, bệnh còn gây những ảnh hưởng về sự lưu loát và các khả năng nhận thức. Nguyên nhân và sự tồn tại của suy giảm nhận thức sau hóa trị là một chủ đề tranh luận. Các nghiên cứu gần đây đã xác nhận rằng đây là một tác dụng phụ, có thể tiên lượng trước. Hãy cùng tìm hiểu chứng suy giảm nhận thức sau hóa trị qua bài viết Bác sĩ Lê Ngân Cẩm Giang.
Định nghĩa
Suy giảm nhận thức sau hóa trị là sự thay đổi tinh thần ảnh hưởng đến chức năng nhận thức tổng thể của bệnh nhân. Bệnh thường được hình thành ở bệnh nhân ung thư sau những đợt điều trị hóa trị liệu. Khoảng 75% bệnh nhân phàn nàn thay đổi nhận thức sau hóa trị làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Suy giảm nhận thức sau hóa trị là những thay đổi trong trí nhớ, sự tập trung và cách suy nghĩ của bệnh nhân. Những thay đổi này cản trở khả năng sinh hoạt của họ sau khi tiếp nhận hóa trị liệu. Đây không phải là chứng mất trí và không có bằng chứng nào cho thấy nó dẫn đến chứng mất trí nhớ.
Nhiều người lớn tuổi có trí nhớ kém, liệu có liên quan đến bệnh Alzheimer hay không? Tìm lời giải đáp trong bài viết: Đãng trí ở người lớn tuổi: Có phải do mắc bệnh Alzheimer?
Nguyên nhân gây suy giảm nhận thức sau hóa trị
Nguyên nhân của sự thay đổi về nhận thức, tập trung và vấn đề trí nhớ chưa được hiểu rõ. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân. Trong quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân thường gặp căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chế độ ăn uống… Bất kỳ yếu tố nào cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của nhận thức. Không có sự khác biệt về giới tính, tuổi tác, mối tương quan với loại ung thư của người bệnh.
Phương pháp điều trị nội tiết trong ung thư vú có thể góp phần gây ra các triệu chứng suy giảm nhận thức sau hóa trị. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bệnh nhân của các bệnh ung thư khác không mắc phải điều này.
Suy giảm nhận thức sau hóa trị có thể là sự kết hợp của các yếu tố bao gồm:
- Được chẩn đoán ung thư.
- Tất cả những căng thẳng và cảm xúc lo lắng, xúc động phải đối mặt khi mắc bệnh ung thư.
- Phương pháp điều trị ung thư: hóa trị liệu, liệu pháp hormone, xạ trị, các loại thuốc nhắm mục tiêu.
- Điều trị ung thư tích cực: hóa trị liệu liều cao, ghép tế bào gốc, tủy xương…
- Tác dụng phụ của điều trị: mệt mỏi, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ hoặc thay đổi nội tiết tố.
- Những bệnh nhân lớn tuổi, rối loạn nhận thức, suy giảm trí nhớ, trầm cảm trước đó.
- Một số bệnh ung thư có thể tạo ra các hóa chất ảnh hưởng đến trí nhớ.
- Ung thư bắt đầu trong não hoặc lan sang não có thể gây ra những thay đổi trong suy nghĩ.
- Các bệnh nền có sẵn cũng có thể xem như một nguyên nhân.
- Thời kỳ mãn kinh.
- Tình trạng dinh dưỡng.
Yếu tố nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức sau hóa trị
- Ung thư não.
- Ung thư di căn lên não.
- Liều hóa trị hoặc xạ trị cao.
- Hóa xạ trị lên não.
- Độ tuổi tại thời điểm chẩn đoán và điều trị ung thư.
Theo tiến sĩ Asher thì có nhiều bệnh nhân ảnh hưởng chứng bệnh này dù chưa bao giờ bị hóa trị.
Triệu chứng suy giảm nhận thức sau hóa trị
Người bệnh có thể nhận thức được sự khác biệt trong suy nghĩ của họ. Những người thân xung quanh họ thậm chí có thể không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào cả.
Triệu chứng bao gồm:
- Quên những điều mà họ thường không gặp khó khăn khi nhớ (suy giảm trí nhớ). Ví dụ: khó nhớ ngày tháng năm, tên, số điện thoại, sự việc…
- Khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ, khó dùng từ đúng cho một khái niệm cụ thể.
- Sự tập trung gặp khó khăn (không thể tập trung vào những gì đang làm, chú ý ngắn hạn, có thể dễ dàng lơ đãng).
- Thường hoang mang, lo lắng. Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Cản trở trong thực hiện các hoạt động, gặp vấn đề trong tổ chức, sắp xếp cuộc sống.
- Việc học các kỹ năng mới gặp khó khăn.
- Mất nhiều thời gian hơn bình thường để hoàn thành các công việc thường ngày. Thực hiện nhiều việc cùng một lúc bị cản trở.
- Rắc rối với bộ nhớ trực quan, chẳng hạn như nhớ lại một hình ảnh hoặc danh sách các từ. Ngoài ra còn gặp rắc rối với lời nói như ghi nhớ một cuộc trò chuyện.
Những thay đổi thường nhẹ và rất khó nhận ra. Nhưng nếu bạn có chúng, chúng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn.
Chẩn đoán
Không có xét nghiệm để chẩn đoán chứng suy giảm nhận thức sau hóa trị.
Những bệnh nhân ung thư sau điều trị gặp phải các triệu chứng này cần thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ. Nếu gặp vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ, họ cần gặp bác sĩ. Họ thường cần phải thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ. Bác sĩ sẽ cần biết về thời điểm bắt đầu xảy ra các triệu chứng. Họ sẽ yêu cầu người bệnh ghi nhật ký về các triệu chứng của mình để theo dõi rõ hơn. Từ đó, bác sĩ sẽ biết được mức độ ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống hằng ngày.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu, chụp CT, MRI não hoặc các xét nghiệm khác. Cần loại trừ các nguyên nhân khác gây ra vấn đề về trí nhớ.
Điều trị suy giảm nhận thức sau hóa trị
Điều trị suy giảm nhận thức sau hóa trị tập trung vào việc điều trị các triệu chứng. Trong hầu hết trường hợp, các vấn đề về trí nhớ liên quan đến ung thư chỉ là tạm thời. Các triệu chứng thường sẽ hết hoặc cải thiện trong vòng 1 năm sau khi kết thúc điều trị. Với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài nhiều năm sau khi điều trị kết thúc.
Phương pháp điều trị suy giảm nhận thức sau hóa trị có thể bao gồm:
1. Phục hồi chức năng nhận thức
Đây có thể là một phần của chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân ung thư. Nó bao gồm các hoạt động để cải thiện chức năng của não:
- Học cách não hoạt động.
- Cách tiếp nhận thông tin mới.
- Thực hiện các nhiệm vụ mới.
- Làm lặp đi lặp lại một số hoạt động, cấp độ khó tăng dần theo thời gian. Các bài tập lặp đi lặp lại và các bài tập về trí nhớ, tư duy có thể hỗ trợ não bộ.
- Ưu tiên nhiệm vụ khó khăn nhất vào đầu mỗi ngày. Nếu dễ bị phân tâm khi đói, mệt, nên làm các các nhiệm vụ khó khăn trước. Làm các việc đòi hỏi sự tập trung vào thời gian cảm thấy tốt nhất trong ngày .
- Tránh thực hiện nhiều việc cùng lúc, tại mỗi thời điểm chỉ thực hiện một việc nhất định.
- Lên danh sách những việc cần làm, những thứ cần mua, những nơi cần đi, những điều quan trọng. Sử dụng các công cụ để giúp tổ chức: lập kế hoạch, sử dụng nhật ký.
- Luyện tập với các câu đố, chơi nhạc cụ, học một sở thích mới, giải ô chữ.
- Tiếp nhận trị liệu ngôn ngữ.
2. Tập thể dục
Tập thể dục có thể cải thiện suy nghĩ và khả năng tập trung. Các hoạt động như làm vườn, chăm sóc thú cưng, đi bộ… cũng có ích. Nó có thể giúp cải thiện mức độ chú ý và khả năng tập trung. Tập thể dục cũng cải thiện sức khỏe tim mạch. Đây là một trong những yếu tố giúp kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh mới. Nó còn kết nối các tế bào não và tăng cường khả năng phục hồi nhận thức tổng thể.
3. Phương pháp trị liệu
Thiền có thể giúp cải thiện chức năng não bằng cách tăng sự tập trung và nhận thức. Ngoài ra, còn có nghệ thuật trị liệu, âm nhạc trị liệu, thư giãn.
Vật lý trị liệu được biết đến là phương pháp giúp nhiều bệnh nhân phục hồi chức năng. Xem thêm về tác dụng của nó: Vật lí trị liệu: Một phương pháp chữa đau lưng không dùng thuốc
4. Tránh mệt mỏi, căng thẳng
Dành thời gian mỗi ngày cho các hoạt động thư giãn, giảm căng thẳng. Stress có thể góp phần vào các vấn đề về trí nhớ và tập trung.
5. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý
Thiếu ngủ mãn tính ảnh hưởng các tế bào não, gây mệt mỏi và làm giảm chức năng nhận thức. Giấc ngủ kém cũng làm suy yếu cơ chế loại bỏ độc tố trong não, một quá trình chủ yếu xảy ra khi ngủ. Thay đổi hành vi đơn giản để cải thiện giấc ngủ bao gồm tránh các chất kích thích thần kinh trước khi đi ngủ. Ví dụ: cà phê, sô cô la, đồ uống có hàm lượng đường cao… Bên cạnh đó, cần giảm thiểu tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong phòng ngủ.
6. Các phương pháp khác
- Ưu tiên môi trường giao tiếp yên tĩnh, tránh yếu tố gây phiền nhiễu.
- Sử dụng lịch nhắc nhở, dán nhắc nhở ở những nơi dễ thấy.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa giúp hạn chế các ảnh hưởng từ việc điều trị ung thư.
- Ghi chép, theo dõi những diễn tiến về việc thay đổi nhận thức một cách thường xuyên. Theo dõi và hiểu những gì ảnh hưởng đến vấn đề bộ nhớ.
- Chia sẻ với người thân về vấn đề đang gặp phải để họ hỗ trợ trong hoạt động hằng ngày.
- Tái khám và trò chuyện với bác sĩ theo đúng lịch hẹn.
Trong mỗi lần tái khám, người bệnh có thể chuẩn bị:
- Viết ra câu hỏi về những vấn đề hiện tại. Đưa bác sĩ xem nhật ký ghi chép các triệu chứng, khó khăn thường gặp phải, mức độ ảnh hưởng.
- Mang theo một danh sách tất cả các loại thuốc đang dùng.
- Đi cùng người thân, họ có thể mô tả với bác sĩ những tình trạng người bệnh gặp phải. Thông thường, các thông tin sẽ trở nên khách quan hơn.
Không có thuốc được phê duyệt để điều trị suy giảm nhận thức sau hóa trị
Các loại thuốc đôi khi được sử dụng ở những người có các triệu chứng. Tuy nhiên, không sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ:
- Methylphenidate, một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn thiếu tập trung/hiếu động thái quá (ADHD).
- Donepezil, một loại thuốc được sử dụng ở những người mắc bệnh Alzheimer.
- Modafinil, một loại thuốc được sử dụng ở những người bị rối loạn giấc ngủ nhất định.
- Memantine, một loại thuốc dùng để cải thiện trí nhớ ở những người mắc bệnh Alzheimer. Thuốc còn có thể giúp ích trong quá trình xạ trị não.
Video chia sẻ chi tiết về thuốc Modafinil:
Biên tập bởi: Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân
Suy giảm nhận thức sau hóa trị kéo dài bao lâu?
Đối với hầu hết mọi người, những thay đổi tinh thần này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Với một số người khác, những thay đổi có thể kéo dài lâu hơn hoặc xuất hiện triệu chứng chậm hơn. Hầu hết trong số này gây ra các vấn đề ngắn hạn. Các thay đổi sẽ trở nên tốt hơn khi vấn đề tiềm ẩn được điều trị hoặc biến mất. Những người khác có thể có các vấn đề não kéo dài trừ khi nguyên nhân được điều trị.
Suy giảm nhận thức sau hóa trị kéo dài bao lâu là yếu tố chính quyết định tới mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống. Khi nào bắt đầu, kéo dài bao lâu và triệu chứng như thế nào có thể khác nhau tùy mỗi bệnh nhân.
Cho đến nay, không có cách nào để ngăn chặn những suy giảm nhận thức sau hóa trị. Đây là một tác dụng phụ có thể học cách quản lý được. Mặc dù các biểu hiện của bệnh thường khó nhận thấy nhưng cần chú ý để nhận biết sớm. Hãy tâm sự với người thân về những thay đổi bạn đang gặp phải. Tìm đến bác sĩ với những theo dõi về tình trạng bệnh có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Hy vọng bài viết đã mang đến cho người bệnh cũng như thân nhân những kiến thức bổ ích.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chemo brainhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chemo-brain/symptoms-causes/syc-20351060
Ngày tham khảo: 22/04/2020
-
Chemo Brainhttps://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/changes-in-mood-or-thinking/chemo-brain.html
Ngày tham khảo: 22/04/2020
-
What is chemo brainhttps://www.webmd.com/cancer/what-is-chemo-brain
Ngày tham khảo: 22/04/2020
-
About Chemo Brainhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-in-general/treatment/chemotherapy/side-effects/chemo-brain/about
Ngày tham khảo: 22/04/2020
-
What is chemo brainhttps://www.cedars-sinai.org/blog/chemo-brain.html
Ngày tham khảo: 22/04/2020
-
Suffering from Chemo Brain, there’s hope and many things you can dohttps://www.health.harvard.edu/blog/suffering-from-chemo-brain-theres-hope-and-many-things-you-can-do-2019112018403
Ngày tham khảo: 22/04/2020