Tiêm thủy đậu có sốt không? Các phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu
Nội dung bài viết
Thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm, bất cứ ai cũng có khả năng mắc bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Hiện nay, đã có vắc-xin phòng ngừa thủy đậu. Tuy nhiên, nhiều người thường thắc mắc rằng tiêm thủy đậu có sốt không? Hoặc những tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin thủy đậu là gì? Hãy cùng Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy giải đáp vấn đề này ở bài viết bên dưới bạn nhé!
Thủy đậu là gì?
Nguyên nhân gây bệnh1
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dược gây ra bởi một loại virus thuộc họ Herpesviridae. Loài vi-rút này còn có tên khoa học là Varicella Zoster (VZV).
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng nhiễm loại virus này, đặc biệt là ở trẻ em. Đối với người lớn, tỷ lệ mắc bệnh sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong do thiếu kiến thức phòng ngừa và điều trị bệnh.
Bệnh lây lan chủ yếu do tiếp xúc gần với người bệnh, qua dịch tiết từ mũi/họng có chứa virus gây bệnh. Tiếp xúc qua quần áo hoặc drap trải giường có dính dịch từ những nốt ban ngứa hoặc từ mũi/họng của người bệnh cũng là nguyên nhân mắc bệnh.
Hiện nay, đã có vắc-xin phòng ngừa bệnh thủy đậu. Đây là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất đối với căn bệnh truyền nhiễm này. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin thủy đậu ở trẻ làm các bậc phụ huynh còn e ngại việc tiêm chủng cho bé.
Triệu chứng1
Thông thường, thời gian ủ bệnh sẽ khoảng 2 – 3 tuần sau khi tiếp xúc với người bệnh. Sau đó, bệnh thường khởi phát đột ngột với những triệu chứng sau:
- Ban ngứa có thể là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên của bệnh. Các triệu chứng như sốt nhẹ, đau đầu và mệt mỏi sẽ thường gặp.
- Nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, thân mình và tứ chi.
- Mụn nước mọc rất nhanh. Thường trong vòng khoảng 12 – 24 giờ là nổi toàn thân. Đường kính mụn nước từ 1 – 3mm. Thường chứa dịch trong. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng hay khi nhiễm thêm vi khuẩn, mụn nước sẽ to và có màu đục do chứa mủ.
- Trẻ nhỏ mắc bệnh thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn. Ở người trưởng thành hay trẻ lớn sẽ kèm nôn ói, sốt cao, đau đầu, đau cơ.
Sau khi khởi phát, bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày (nếu không có biến chứng). Các nốt mụn nước sẽ khô dần, bong tróc, da nơi nổi mụn nước sẽ thâm lại và sẽ không để lại sẹo. Tuy nhiên, trường hợp bị nhiễm thêm vi khuẩn, những vết mụn nước có thể sẽ để lại sẹo.
Biến chứng1
Nếu không được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời, bệnh thủy đậu sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng da: Đây là biến chứng nhẹ, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu để bị nhiễm trùng, các bọng nước sẽ có mủ, lâu lành và để lại sẹo.
- Nhiễm khuẩn huyết: đây là biến chứng nguy hiểm. Vi khuẩn sẽ từ những mụn nước di chuyển vào máu gây nhiễm trùng.
- Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não: Các biến chứng gây nguy hiểm có thể để lại di chứng lâu dài cho người bệnh. Trường hợp nặng có thể tử vong.
- Zona: Sau khi người bệnh đã khỏi bệnh, virus thủy đậu có thể vẫn còn tồn tại dưới dạng ngủ ở các hạch thần kinh. Thời gian tồn tại có thể lên đến 10, 20, hay 30 năm. Khi gặp được điều kiện thuận tiện (như cơ thể đang mắc bệnh, sức đề kháng suy yếu…), virus gây bệnh thuỷ đậu sẽ tái hoạt động trở lại. Đây là một yếu tố gây bệnh zona (dân gian còn gọi là bệnh giời leo).
Tiêm thủy đậu có sốt không?
“Tiêm thủy đậu có sốt không?” là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi nhắc đến vắc-xin thủy đậu.
Thông thường, sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu, bạn có thể bị sốt nhẹ. Tuy nhiên, đây là triệu chứng cho thấy sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Tình trạng sốt thường không kéo dài quá lâu và không cần điều trị đặc biệt.2 Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu sốt cao, kéo dài sau tiêm thì cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị phù hợp.
Các tác dụng phụ khác khi tiêm vắc-xin thủy đậu
Hầu hết các tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin thủy đậu cũng giống như sau khi tiêm các vắc-xin phòng bệnh khác. Ngoài sốt, các triệu chứng khác có thể bao gồm:3
- Đau thoáng qua và đỏ ở vị trí tiêm ngừa.
- Phát ban dạng như thủy đậu tại khu vực xung quanh vết tiêm hay toàn thân. Thỉnh thoảng, trong vòng 1 tháng sau tiêm chủng, ban sẩn dạng nhẹ hoặc ban giống thủy đậu có thể xuất hiện.
- Sự lây lan của virus từ người tiêm vắc-xin sang người nhạy cảm là rất hiếm gặp.
Vấn đề tiêm vắc-xin thủy đậu ở trẻ em
Lịch tiêm chủng2
Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi:
- Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên (0.5ml).
- Mũi 2: Cách mũi tiêm đầu tiên ít nhất 3 tháng (0.5ml) hoặc khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi.
Trẻ em trên 13 tuổi (chưa từng mắc thủy đậu lần nào):
- Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên (0.5ml).
- Mũi 2: Cách mũi tiêm đầu tiên khoảng từ 4 – 8 tuần (0.5ml).
Những lưu ý khi tiêm vắc-xin
Nên hoãn tiêm vắc-xin phòng thủy đậu trong những trường hợp sau:
- Trẻ đang sốt hoặc đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.
- Trẻ mắc các bệnh mạn tính đang tiến triển (như lao phổi, viêm thận).
- Trẻ đã tiêm phòng những vắc-xin sống khác như vắc-xin phòng sởi – quai bị – rubella, vắc-xin BCG,… trong vòng 1 tháng trước đó.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc “Tiêm thủy đậu có sốt không?”, cũng như những tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin thủy đậu cho bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh cũng như vắc-xin phòng bệnh, hãy liên hệ ngay đến bác sĩ để được tư vấn bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
BỆNH THỦY ĐẬU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNHhttps://vnvc.vn/benh-thuy-dau-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-benh-hieu-qua/
Ngày tham khảo: 14/05/2023
-
Vắc xin VARIVAX (Mỹ) phòng bệnh thủy đậuhttps://vnvc.vn/varivax-vac-xin-phong-thuy-dau/
Ngày tham khảo: 14/05/2023
-
Chickenpox (Varicella) Vaccinehttps://www.webmd.com/children/vaccines/chickenpox-varicella-vaccine
Ngày tham khảo: 14/05/2023