YouMed

Biến chứng suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường: Dấu hiệu, phát hiện sớm và phòng ngừa

BS.CKII Nguyễn Vũ
Tác giả: BS.CKII Nguyễn Vũ
Chuyên khoa: Nội tiết

Suy tim là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường). Đây là một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao ở người bệnh tiểu đường. Vậy biến chứng suy tim do đái tháo đường là gì? Người bệnh cần làm gì để phát hiện sớm suy tim? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Vũ để có thêm thông tin hữu ích giúp phòng ngừa, hạn chế nguy cơ tử vong do biến chứng suy tim.

Biến chứng suy tim do đái tháo đường là gì?

Biến chứng suy tim do đái tháo đường là tình trạng tim suy giảm chức năng do ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường. Dẫn đến tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Suy tim là một trong những biến chứng phổ biến và nghiêm trọng ở bệnh nhân đái tháo đường. Theo nhiều nghiên cứu, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc suy tim cao gấp 2-4 lần so với người không mắc bệnh.1

Nghiên cứu của ASIAN-HF (2022) cho thấy có tới 41,3% bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán suy tim sau đó.2 Đồng nghĩa với việc cứ 10 người bệnh sẽ có 4 người mắc suy tim.

Bệnh nhân mắc đồng thời cả tiểu đường và suy tim thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý sức khỏe so với người chỉ mắc một trong hai bệnh. Các chuyên gia y tế cho biết, những bệnh nhân này có số lần nhập viện cao hơn, làm tăng thêm gánh nặng kinh tế do chi phí chăm sóc và điều trị.3 4 5

Tăng nguy cơ nhập viện ở người bệnh tiểu đường mắc biến chứng suy tim
Tăng nguy cơ nhập viện ở người bệnh tiểu đường mắc biến chứng suy tim

Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong tăng gấp 3 lần ở những bệnh nhân đái tháo đường kèm theo suy tim.3 Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ về bệnh để phát hiện sớm và phòng ngừa, hạn chế suy tim tiến triển dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây suy tim ở người bệnh tiểu đường

Suy tim do đái tháo đường bắt nguồn từ nhiều cơ chế phức tạp liên quan đến chuyển hóa đường glucose và chức năng tim. Ở người bệnh tiểu đường, sự chuyển hóa glucose trong cơ thể bị rối loạn. Kéo theo khả năng chuyển hóa glucose ở tim suy giảm, thay vào đó phải sử dụng acid béo để tạo năng lượng. Sự thay đổi này làm giảm hiệu quả và khả năng co bóp của tim, cuối cùng dẫn đến suy tim.

Ngoài ra, tình trạng đường huyết tăng cao và kháng insulin trong bệnh đái tháo đường cũng gây ra hàng loạt rối loạn chuyển hóa và sinh lý khác. Những điều này góp phần vào sự thay đổi cấu trúc và chức năng của tim, làm tăng nguy cơ suy tim ở người bệnh tiểu đường.6

Yếu tố nguy cơ

Đái tháo đường vốn đã là một yếu tố quan trọng gây suy tim. Nguy cơ càng tăng cao nếu thời gian mắc bệnh càng lâu và khả năng kiểm soát đường huyết kém. Bên cạnh đó, một số yếu tố đi kèm làm tăng nguy cơ suy tim bao gồm:2

  • Béo phì: Tình trạng thừa cân làm tăng áp lực lên tim, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, từ đó tăng nguy cơ suy tim.
  • Tăng huyết áp: Tình trạng này làm tăng sức cản mạch máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn để duy trì lưu thông máu, dẫn đến sự suy giảm chức năng tim theo thời gian.
  • Tăng lipid máu: Mức cholesterol và triglyceride cao có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ suy tim.
  • Bệnh thận mạn: Sự suy giảm chức năng thận ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ chất thải và duy trì cân bằng chất lỏng, làm tăng gánh nặng cho tim và có thể dẫn đến suy tim.
  • Bệnh mạch vành: Sự tích tụ mảng bám trong các động mạch vành làm giảm lượng máu cung cấp cho tim, gây tổn thương và làm suy giảm khả năng bơm máu, gây suy tim.

Dấu hiệu nhận biết

Suy tim thường không triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, gây khó khăn cho việc nhận biết bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, suy tim có thể tiến triển nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Lúc này, người bệnh phải chịu ảnh hưởng của đái tháo đường kèm theo các triệu chứng suy tim như:7

  • Khó thở khi hoạt động (thường gặp nhất), khi nghỉ ngơi hoặc cũng có thể đột ngột xuất hiện vào ban đêm.
  • Thở khò khè.
  • Ho dai dẳng, ho ra đờm màu trắng hoặc hồng có lẫn máu.
  • Phù nề, sưng bàn chân, mắt cá chân.
  • Mệt mỏi, gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thường ngày.
  • Chán ăn, buồn nôn.
  • Tim đập nhanh.
  • Tăng hoặc giảm cân đột ngột.

Bệnh nhân tiểu đường chưa được xác định mắc suy tim khi nhận thấy những dấu hiệu trên nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán sớm. Từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Suy tim tiến triển gây nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường
Suy tim tiến triển gây nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường

Tầm soát suy tim ở người bệnh tiểu đường

Như đã đề cập ở trên, người bệnh không thể tự nhận biết mình mắc suy tim do không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Nếu để bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên nhiều lần.

Đầu năm 2024, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ chính thức khuyến nghị xét nghiệm NT-proBNP để sàng lọc và phát hiện sớm suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường.8

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xét nghiệm NT-proBNP rất hữu ích trong việc phát hiện sớm suy tim ở người bệnh tiểu đường, ngay cả ở giai đoạn chưa có triệu chứng. Việc sử dụng xét nghiệm này trong tầm soát định kỳ có thể giúp bác sĩ can thiệp sớm, giảm thiểu nguy cơ nhập viện và tử vong liên quan đến suy tim.8

Do đó, người bệnh đái tháo đường nên thực hiện xét nghiệm NT-proBNP sớm và định kỳ theo hướng dẫn để phát hiện các bất thường ở tim. Đặt lịch xét nghiệm NT-proBNP gần bạn tại ứng dụng YouMed ngay!

Xét nghiệm NT-proBNP là công cụ hiệu quả giúp phát hiện sớm biến chứng suy tim ở người bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm NT-proBNP là công cụ hiệu quả giúp phát hiện sớm biến chứng suy tim ở người bệnh đái tháo đường

Điều trị biến chứng suy tim do đái tháo đường

Điều trị suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường thường bao gồm việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Việc kết hợp hai phương pháp này là chiến lược hiệu quả để quản lý suy tim và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường.

1. Sử dụng thuốc2 9

Mục tiêu chính của việc dùng thuốc điều trị suy tim là cải thiện khả năng bơm máu của tim bằng cách giảm bớt gánh nặng cho tim. Tùy theo giai đoạn, phân loại suy tim mà bác sĩ sẽ có chỉ định thuốc phù hợp cho người bệnh.

2. Thay đổi lối sống2 9

Thay đổi lối sống là yếu tố không thể thiếu trong việc kiểm soát suy tim cũng như bệnh đái tháo đường:

  • Tránh hút thuốc: Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm suy tim. Việc từ bỏ thói quen này giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Hạn chế rượu bia: Sử dụng rượu bia quá mức có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim và ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị.
  • Chế độ ăn uống khoa học: Duy trì chế độ ăn ít muối, giàu chất xơ, và cân bằng dinh dưỡng giúp kiểm soát đường huyết và huyết áp, giảm nguy cơ suy tim.
  • Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sức mạnh của tim và quản lý cân nặng hiệu quả.
  • Giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì: Đây là yếu tố nguy cơ cao đối với suy tim và đái tháo đường. Giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên tim và cải thiện chức năng tim.

Phòng ngừa biến chứng suy tim ở người bệnh tiểu đường

Để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của biến chứng suy tim, người bệnh tiểu đường cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ. Dưới đây là các phương pháp hiệu quả giúp phòng tránh suy tim cho bệnh nhân đái tháo đường:2

1. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây suy tim

Kiểm soát tốt mức cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu là bước quan trọng đầu tiên trong việc phòng ngừa suy tim. Để đạt được điều này, người bệnh cần kết hợp một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu cần và tuân thủ đúng liệu pháp dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa suy tim
Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa suy tim

2. Tầm soát suy tim định kỳ

Thực hiện xét nghiệm NT-proBNP để tầm soát suy tim ngay cả khi chưa có triệu chứng giúp phát hiện sớm biến chứng suy tim.

Bệnh nhân đái tháo đường được khuyến nghị làm xét nghiệm NT-proBNP ít nhất 1 lần/ năm để để phát hiện kịp thời những biến đổi liên quan suy tim.2 Từ đó, bác sĩ sẽ có những biện pháp can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tiến triển và giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh.

3. Không hút thuốc và tránh rượu bia

Hút thuốc và sử dụng rượu bia là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tim. Việc ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia không chỉ giúp phòng ngừa suy tim, mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Trên đây là thông tin về biến chứng suy tim do đái tháo đường. Việc tầm soát suy tim định kỳ ở người bệnh tiểu đường giúp phát hiện sớm các bất thường ở tim, từ đó hỗ trợ điều trị kịp thời và hiệu quả hơn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về xét nghiệm NT-proBNP phát hiện sớm suy tim, đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho các bác sĩ tại ứng dụng YouMed để được giải đáp miễn phí nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Type 2 Diabetes Mellitus and Heart Failure: A Scientific Statement From the American Heart Association and the Heart Failure Society of America: This statement does not represent an update of the 2017 ACC/AHA/HFSA heart failure guideline updatehttps://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIR.0000000000000691

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  2. Heart Failure: An Underappreciated Complication of Diabetes. A Consensus Report of the American Diabetes Associationhttps://diabetesjournals.org/care/article/45/7/1670/147048/Heart-Failure-An-Underappreciated-Complication-of

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  3. Prevalence of cardiovascular disease in type 2 diabetes: a systematic literature review of scientific evidence from across the world in 2007-2017https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5994068/

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  4. Diabetes and heart failure are linked; treatment should be toohttps://www.heart.org/en/news/2019/06/06/diabetes-and-heart-failure-are-linked-treatment-should-be-too

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  5. Economic Burden of Cardiovascular Disease in Type 2 Diabetes: A Systematic Reviewhttps://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S1098-3015(18)30129-3

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  6. Heart Failure in Patients with Diabetes Mellitushttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5494155/

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  7. Heart Failure Signs and Symptomshttps://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/warning-signs-of-heart-failure

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  8. 10. Cardiovascular Disease and Risk Management: Standards of Care in Diabetes—2024https://diabetesjournals.org/care/article/47/Supplement_1/S179/153957/10-Cardiovascular-Disease-and-Risk-Management

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

  9. Diabetes and Heart Failure: The Connection That May Put You at Riskhttps://www.chestercountyhospital.org/news/health-eliving-blog/2020/february/connection-between-diabetes-and-heart-failure

    Ngày tham khảo: 29/08/2024

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người