Những tác hại của stress đến sức khỏe nhất định phải biết
Nội dung bài viết
Stress là một hiện tượng thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, những tác hại của stress là không thể coi thường. Tác động của chúng không chỉ dừng lại ở tinh thần mà còn biểu hiện rõ rệt trên cả sức khỏe thể chất và hành vi. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này thông qua nội dung dưới đây.
Tác hại của stress đối với sức khỏe
Ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh và hệ nội tiết
Hệ thần kinh chịu trách nhiệm tiếp nhận và đưa ra các phản ứng của cơ thể đối với một tác nhân bên ngoài. Khi nhận được một dấu hiệu, não sẽ phát tín hiệu để hệ nội tiết giải phóng hai loại hormone là adrenaline và cortisol. Các hormone này làm tăng nhịp tim và đưa máu đến các cơ quan quan trọng khi khẩn cấp như cơ, tim…
Khi các vấn đề biến mất, hệ thần kinh sẽ chỉ đạo để hệ thống trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nếu vấn đề lặp đi lặp lại, các phản ứng sẽ vẫn tiếp tục và trở thành căng thẳng mãn tính. Điều này sẽ dẫn đến một số hành vi lệch chuẩn như ăn quá nhiều, chán ăn, lạm dụng chất kích thích hoặc xa lánh xã hội…
Hệ hô hấp và tim mạch
Ảnh hưởng của stress đến sức khỏe biểu hiện rất rõ rệt đến hệ hô hấp và tim mạch. Hormone adrenaline được tiết ra khi gặp căng thẳng sẽ khiến máu lưu thông đến tim nhanh hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng làm tăng huyết áp. Từ đó, hệ tim mạch sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Lâu ngày, điều này sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài ra, loại hormone này cũng tác động trực tiếp đến hô hấp. Bạn sẽ thở nhanh hơn khi gặp căng thẳng nhằm phân phối oxy đến toàn cơ thể. Do đó, tác hại của stress kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với hệ hô hấp. Chúng biểu hiện đặc biệt nghiêm trọng với những ai bị hen suyễn hoặc khí phế thũng. Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó thở hơn.
Hệ tiêu hóa
Với sự tăng vọt của các các hormone khi stress, hệ tiêu hóa sẽ có nguy cơ bị rối loạn. Tình trạng ợ chua, trào ngược dạ dày có thể tăng lên. Ngoài ra, stress còn có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy, táo bón hoặc đau bụng. Với những điều này, stress làm tăng nguy cơ mắc hoặc trầm trọng hơn các bệnh dạ dày, đường ruột.
Hệ cơ bắp
Các cơ bắp cần căng lên để bảo vệ cơ thể khỏi các tình huống nguy hiểm hoặc căng thẳng. Chúng sẽ trở lại bình thường khi chúng ta thư giãn. Tuy nhiên, nếu phải thường xuyên phải đối mặt với các tình huống gây stress, cơ bắp sẽ không được phục hồi. Chúng ta có thể sẽ gặp phải tình trạng căng cơ, đau lưng, vai, nhức mỏi…. Có thể thấy, hậu quả của stress đối với các cơ là rất nguy hiểm. Điều này còn nghiêm trọng hơn nếu bạn chuyển sang dùng thuốc giảm đau hoặc ngừng tập thể dục.
Hoạt động tình dục và hệ thống sinh sản
Tác hại của stress không chỉ dừng lại ở các vấn đề thể chất mà chúng tác động tiêu cực đến cả tinh thần. Nếu thường xuyên bị căng thẳng, chúng ta sẽ bị giảm ham muốn. Đối với nam giới, mức testosterone sẽ suy giảm và cản trở quá trình sản xuất tinh trùng. Nguy hiểm hơn, stress kéo dài có thể gây ra chứng rối loạn cương dương, liệt dương.
Thêm vào đó, stress cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ quan sinh sản của nam giới. Cụ thể, tuyến tiền liệt và tinh hoàn là hai bộ phận bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguy cơ này. Ngoài ra, stress cũng làm giảm sức hấp dẫn của nam giới đối với phụ nữ.
Ở phụ nữ, stress sẽ tác động tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt. Chúng có thể khiến cho kinh nguyệt trở nên thất thường hoặc nặng hơn, đau hơn khi đến kỳ. Đối với thời kỳ mãn kinh, stress liên tục sẽ khiến các triệu chứng thể chất trở nên rõ ràng và khó chịu hơn.
Hệ thống miễn dịch
Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, tác hại của stress còn biểu hiện ở việc chúng làm suy giảm miễn dịch. Ở những tình huống tạm thời, việc kích thích hệ miễn dịch khi stress có thể giúp chúng ta tránh nhiễm trùng và làm lành vết thương. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này sẽ làm hệ miễn dịch yếu dần.
Cơ thể có thể sẽ trở nên chậm phản ứng hơn đối với các tác nhân tiêu cực gây bệnh từ bên ngoài. Đó là lý do vì sao những người bị căng thẳng thường xuyên sẽ dễ mắc các bệnh do virus như cúm, cảm lạnh… Chúng cũng có thể khiến cho cơ thể chậm hồi phục hơn sau chấn thương hoặc bệnh tật. Nếu bạn thường xuyên bị cảm cúm, đó rất có thể là do stress ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xem thêm: Những lợi ích bất ngờ của thuốc bổ não Ginkgo Biloba
Tác hại của stress đối với công việc
Bên cạnh những tác hại của stress đối với sức khỏe thì công việc cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Nguy hại hơn, stress không chỉ tác động đến một cá nhân. Việc căng thẳng kéo dài còn ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức, đồng nghiệp và người quản lý lao động.
Tác hại của stress đối với cá nhân người lao động
Người bị stress sẽ bị suy giảm sự tập trung, khó đưa ra quyết định hoặc lo lắng quá mức. Thậm chí, một số người có thể phải ngừng làm việc do sức khỏe tinh thần bị suy giảm. Đây không phải là một tình trạng hiếm gặp trong đời sống hiện đại. Một số trường hợp còn có những tiến triển nặng hơn dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Tác hại của stress đối với tổ chức và những người xung quanh
Hậu quả của stress trong công việc không chỉ dừng lại ở cá nhân mà còn lây lan sang đồng nghiệp. Người quản lý lao động trực tiếp cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực này. Khi đó, mọi người phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và năng suất lao động giảm sút. Đồng thời, sự lo lắng và căng thẳng có thể sẽ lây lan khi người bị stress nghỉ việc.
Điều này cũng sẽ kéo theo những nguy cơ của tổ chức sử dụng lao động. Họ sẽ phải đối mặt với tình trạng năng lực sản xuất bị giảm xuống. Về lâu dài, điều này có thể gây ra những rủi ro tài chính không mong muốn.
Xem thêm: Cách giảm stress bảo vệ sức khỏe tinh thần
Có thể thấy, ảnh hưởng của stress kéo dài là rất đáng lưu tâm. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động tiêu cực tới tinh thần. Stress cũng gây ra những tổn thất về mặt tài chính, công việc cũng như các mối quan hệ. Nếu thường xuyên phải đối mặt với tình trạng này, bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có chuyên môn để có thể kiểm soát tình hình tốt hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
The Effects of Stress on Your Bodyhttps://www.healthline.com/health/stress/effects-on-body
Ngày tham khảo: 09/05/2021