YouMed

Tắc mật: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Tắc mật là một trong các nguyên nhân thường gặp gây vàng da. Đây là hệ quả của nhiều bệnh lý tại gan, đường mật và một số cơ quan xung quanh. Chúng gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh lại dễ bị che lấp bởi các đặc điểm bình thường của người châu Á. Vì lý do đó, bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên sẽ giúp chúng ta tìm hiểu những điểm quan trọng nhất về vấn đề sức khỏe này.

Sinh lý đường mật bình thường

Để hiểu rõ hơn về nhóm bệnh lý này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua về cấu trúc và chức năng bình thường của đường mật.

Mật là sản phẩm được tạo ra liên tục bởi các tế bào gan. Nó chứa cholesterol, muối mật, sắc tố mật (bilirubin)… và có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Một nửa lượng mật tạo ra được bài tiết thẳng xuống ruột thông qua hệ thống ống dẫn. Nửa còn lại sẽ được cô đặc lại và dự trữ ở túi mật để sử dụng khi cần (khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ kích thích túi mật co bóp và phóng thích chúng).

Như thế nào là tắc mật?

Tắc mật là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ sự tắc nghẽn của hệ thống ống dẫn mật. Lượng mật được bài tiết ra không thể lưu thông bình thường mà bị ứ đọng lại, dẫn đến tăng nồng độ sắc tố mật ở trong máu gây vàng da.

Tắc mật có thể xảy ra ở bất cứ đâu và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Rối loạn chức năng gan.
  • Suy thận.
  • Rối loạn đông máu.
  • Suy giảm chức năng hệ tim mạch.
  • Suy dinh dưỡng.
  • Nhiễm trùng.

Nguyên nhân nào gây ra tắc nghẽn?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tắc nghẽn. Nhìn chung, chúng được chia ra làm ba nhóm chính, bao gồm: các nguyên nhân tắc nghẽn trong lòng ống mật, bệnh lý trên thành ống mật và bệnh lý từ ngoài chèn vào đường mật.

Đường mật có thể bị tắc nghẽn do nhiều nguyên nhân
Đường mật có thể bị tắc nghẽn do nhiều nguyên nhân

Các nguyên nhân tắc nghẽn trong lòng ống mật

Thường diễn tiến nhanh và ngắn ngày. Đặc trưng với các triệu chứng xuất hiện lần lượt theo thứ tự. Đầu tiên là đau bụng rồi đến sốt và cuối cùng là vàng da. Và khi nguyên nhân tắc nghẽn được giải quyết, triệu chứng nào có trước sẽ biến mất trước.

Các nguyên nhân này thường bao gồm:

  • Sỏi đường mật.
  • Ký sinh trùng đường ruột như giun đũa.

Bệnh lý trên thành ống mật

  • Viêm đường mật do xơ hóa.
  • Hẹp đường mật sau phẫu thuật.
  • Các bệnh lý đường mật do AIDS.
  • U đường mật: có thể là u lành tính (nang đường mật) hoặc ác tính (ung thư đường mật).

Bệnh lý từ ngoài chèn vào đường mật

  • Viêm tụy: tụy bị viêm sẽ phù nề và chèn vào đường mật gây tắc.
  • U bướu: cả lành tính và ác tính xung quanh đường mật. Thường gặp là: ung thư đầu tụy, ung thư gan, ung thư di căn…
  • Dị dạng mạch máu đè ép: phình động mạch, tĩnh mạch cửa thay đổi hình dạng…

Bệnh biểu hiện như thế nào?

Người bệnh thường than phiền về các triệu chứng như:

  • Da màu vàng sậm: triệu chứng này thường được phát hiện trễ ở người châu Á do đã có sẵn nước da vàng. Vị trí dễ nhận thấy nhất là những vùng da mỏng như da mặt, da lòng bàn tay, bàn chân… Đặc biệt là soi dưới ánh sáng mặt trời. Trường hợp nặng hơn, da có thể vàng như nghệ hoặc thậm chí đen sậm như màu đồng đen.
  • Kết mạc mắt vàng. Đây cũng là một vị trí dễ phát hiện màu vàng (do nền trắng).
  • Phân bạc màu như phân cò, rất đặc trưng cho tắc mật. Tuy nhiên, triệu chứng này không phải lúc nào cũng có.
  • Nước tiểu vàng sậm (như nước trà đậm): cần phân biệt với tình trạng thiếu nước hay sử dụng thuốc làm cho nước tiểu có màu vàng.
  • Khi tắc mật nhiều, bệnh nhân có thể bị ngứa.
  • Đau dưới sườn phải, sốt, buồn nôn/nôn cũng có thể gặp, đặc biệt khi có viêm đường mật kèm theo.
Một số triệu chứng nhận biết khi bị tắc mật
Một số triệu chứng nhận biết khi bị tắc mật

Vàng da tắc mật được chẩn đoán như thế nào?

Khi có các biểu hiện nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị.

Quá trình thăm khám có thể bao gồm:

  • Đánh giá lại triệu chứng vàng da: xem người bệnh có thật sự bị vàng da hay không.
  • Khám bụng để tìm kiếm các biểu hiện của nguyên nhân gây bệnh.
  • Đi tìm các dấu hiệu ung thư di căn (hạch ở trên xương đòn trái, hạch quanh rốn…).
  • Khác: chán ăn, sụt cân, máu ẩn trong phân cũng có thể là triệu chứng gợi ý cho nguyên nhân ác tính.

Cần các xét nghiệm gì để chẩn đoán?

Xét nghiệm máu

  • Nồng độ bilirubin trong máu: tăng cao bất thường bất kể vàng da do bất kỳ nguyên nhân gì. Do đó, nó thường dùng để xác định xem có tình trạng vàng da hay không.
  • Nồng độ ALP (phosphatase kiềm) và GGT: Sự gia tăng đồng thời của men ALP và GGT thường liên quan rất mạnh với tắc nghẽn đường mật.
  • Men gan: thường không tăng quá cao ở những bệnh nhân chỉ có tắc mật. Trong một số ít trường hợp, men gan cũng có thể tăng đáng kể (đặc biệt là khi có viêm đường mật kèm theo).
  • Thời gian đông máu: có thể bị kéo dài do kém hấp thu vitamin K (nguyên liệu cần thiết cho quá trình đông máu).

Hình ảnh học

Siêu âm: là phương tiện đầu tiên được sử dụng để phân biệt tắc mật với các nguyên nhân khác. Siêu âm đơn giản, rẻ tiền, nhanh, có thể lặp lại nhiều lần và an toàn cho người bệnh. Ngoài ra, siêu âm còn giúp thực hiện các can thiệp cần thiết như dẫn lưu đường mật qua da…

Đối với những trường hợp khó, siêu âm có thể không cho kết quả phù hợp. Một số xét nghiệm hình ảnh học chuyên sâu hơn có thể được thực hiện, bao gồm:

  • CT-scan bụng (computerized tomography): chụp cắt lớp vi tính vùng bụng.
  • MRCP (magnetic retrograde cholangiopancreatography): cộng hưởng từ đường mật.
  • EUS (endoscopic ultrasonography): siêu âm qua đường nội soi.
  • ERCP (endoscopic retrograde cholangiopancreatography): chụp mật tụy ngược dòng.
  • PTC (percutaneous transhepatic cholangiography): chụp đường mật xuyên gan qua da.

Trong đó, ERCP và PTC là phương pháp chụp hình đường mật trực tiếp và có xâm lấn. Khác với các phương tiện thông thường, chúng có thể gây nguy cơ đáng kể cho người bệnh (như viêm tụy, viêm đường mật sau thủ thuật..). Vì thế, vai trò của ERCP và PTC được xem như một phương pháp vừa chẩn đoán vừa điều trị. Sử dụng chúng với mục đích chẩn đoán đơn thuần không được khuyến khích.

Kế hoạch điều trị ra sao?

Điều trị dứt điểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vàng da. Cụ thể là:

  • Nếu được chẩn đoán sỏi mật, phẫu thuật lấy sỏi là phương pháp được ưu tiên. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể là mổ hở hoặc mổ nội soi. Ngoài ra, điều trị nội khoa cũng có thể được lựa chọn. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các phương pháp này là kéo dài, hiệu quả không cao và dễ tái phát.
  • Nếu nguyên nhân gây tắc mật là do khối u chèn ép, tốt nhất và triệt để nhất là phẫu thuật cắt bỏ. Trong cuộc mổ, tùy vào nhận định của các bác sĩ về khối u và kết quả xét nghiệm tế bào, các kế hoạch điều trị khác nhau có thể được đưa ra. Nếu là u ác, hóa trị hoặc xạ trị có thể sẽ là lựa chọn tiếp theo.
Phẫu thuật cắt bỏ là giải pháp triệt để nhất
Phẫu thuật cắt bỏ là giải pháp triệt để nhất

Đặc biệt, đối với những trường hợp bệnh quá nặng, người bệnh quá yếu hay mắc cùng lúc nhiều bệnh.. phẫu thuật sẽ có rất nhiều nguy cơ. Lúc này, tạm thời dẫn lưu đường mật là phương pháp được lựa chọn để cứu sống bệnh nhân (có thể là đặt stent đường mật, dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da…). Trong thời gian đó, người bệnh sẽ được ổn định các bệnh nội khoa một cách tối ưu để chuẩn bị cho phẫu thuật triệt để.

Xem thêm: Những cách điều trị sỏi túi mật phổ biến hiện nay

Tắc mật là vấn đề sức khỏe cần được hết sức quan tâm. Tắc nghẽn kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các biểu hiện bệnh đôi khi rất khó để nhận biết như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu… Chẩn đoán xác định dựa vào thăm khám và các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm máu và hình ảnh học).

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc mật, thường gặp nhất là do sỏi và khối u. Điều trị cũng sẽ khác nhau tùy trường hợp cụ thể (bao gồm: dùng thuốc và phẫu thuật). Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh. Đừng vì chủ quan mà để xảy ra những hậu quả đáng tiếc bạn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Biliary Obstructionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539698/

    Ngày tham khảo: 25/11/2019

  2. Cholestasishttps://emedicine.medscape.com/article/927624-treatment#showall

    Ngày tham khảo: 25/11/2019

  3. Sách “Triệu chứng học nội khoa”. Bộ môn Nội, Đại học Y Dược TP.HCM.

  4. Sách “Triệu chứng học ngoại khoa tiêu hóa”. Bộ môn Ngoại tổng quát, Đại học Y Dược TP.HCM.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người