YouMed

Tam thất: Dược liệu quý cầm máu hiệu quả

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Đã từ lâu, Tam thất được xem là vị thuốc quý bồi bổ sức khỏe và có tác dụng điều trị bệnh rất hiệu quả, đặc biệt là các bệnh lý chảy máu có ứ huyết, sưng đau… Mỗi loại Tam thất khác nhau sẽ có những tác dụng khác nhau. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu Tam thất bắc.

1. Giới thiệu về Tam thất

  • Tên thường gọi: Tam thất mạt, Sâm tam thất, Quảng tam thất, Sơn tất.
  • Tên khoa học: Radix Panasis notoginseng.
  • Họ: Ngũ gia bì (Araliaceae).
  • Phần làm dược liệu là rễ củ phơi hay sấy khô. Loại cứng nặng đen, thịt xanh xám, chỗ cắt mịn thì tốt, còn thịt trắng vàng là kém.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Tam thất là cây thảo đặc biệt ưa bóng và ưa ẩm mát, mọc ở vùng núi cao trên 1.500 m. Mùa đông, nhiệt độ xuống dưới 0ºC nhưng phần thân rễ của Tam thất vẫn tồn tại.

Cây phân bố chủ yếu ở phía Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, Tam thất thường được trồng ở vùng núi cao, khí hậu lạnh như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai.

Sau khi trồng khoảng 5 – 7 năm thì mới thu hoạch. Mùa thu hoạch chính là mùa hè. Rễ củ Tam thất sau khi thu hoạch sẽ được mang đi rửa sạch bùn đất, cắt bỏ phần rễ con và đem đi phơi nắng hoặc sấy khô để làm dược liệu.

1.2. Mô tả toàn cây

Tam thất thuộc loại cây thân thảo, sống nhiều năm, thân mọc thẳng cao khoảng 30 – 50 cm, rễ củ hình con quay.

Lá mọc vòng từ 3 đến 4 lá một, cuống dài 3 – 6 cm, mỗi cuống lá có 3 – 7 lá chét hình mác dài, mép lá có răng cưa nhỏ.

Hoa mọc thành cụm, có hoa đơn tính, có hoa lưỡng tính cùng tồn tại tán đơn ở phần ngọn, thân cây. Màu vàng lục nhạt, 5 cánh. Đài có 5 răng ngắn, tràng có 5 cánh rộng ở phía dưới, nhị 5 bầu 2 ô.

Quả mọng, hình cầu dẹt, khi chín có màu đỏ, hạt màu trắng.

Mùa hoa vào tháng 5 – 7, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.

Tam thất là cây thân thảo đặc biệt ưa bóng và ưa ẩm mát
Tam thất là cây thân thảo đặc biệt ưa bóng và ưa ẩm mát

1.3. Bộ phận làm thuốc, bào chế

Hầu hết các bộ phận của Tam thất đều được sử dụng để làm thuốc. Trong đó, phần rễ củ Tam thất là bộ phận thường được sử dụng làm dược liệu nhất.

Rễ củ có hình dạng thay đổi, hình trụ hay hình chùy ngược, dài 1,5 – 4 cm, đường kính 1,2 – 2 cm. Mặt ngoài màu vàng xám nhạt, có khi được đánh bóng, trên mặt có những vết nhăn dọc rất nhỏ. Trên một đầu có những bướu nhỏ là vết tích của những rễ con, phần dưới có khi phân nhánh. Trên đỉnh còn vết tích của thân cây.

Chất cứng rắn, khó bẻ, khó cắt. Khi đập vỡ, phần gỗ và phần vỏ dễ tách rời nhau. Mặt cắt ngang có lớp vỏ màu xám nhạt, có những chấm nhỏ màu nâu (ống tiết), phần gỗ ở trong màu xám nhạt, mạch gỗ xếp hình tia toả tròn. Mùi thơm nhẹ đặc biệt, vị đắng hơi ngọt.

Chế biến: Rửa sạch dược liệu, phơi hoặc sấy khô ở 50 – 70°C, tán thành bột mịn.

Củ Tam thất được chia thành 2 loại:

  • Tam thất nam có vỏ màu trắng vàng, hình dáng như quả trứng được chia thành nhiều nhánh xung quanh. Khi dùng dao để cắt vào bên trong, củ có màu trắng ngà, vị cay nóng, mùi như gừng.
  • Tam thất bắc có hình dạng giống con ốc hoặc hình trụ, màu xám xanh hoặc hơi đen, bóng sáng.
Tam thất có mùi thơm nhẹ đặc biệt, vị đắng hơi ngọt
Dược liệu có mùi thơm nhẹ đặc biệt, vị đắng hơi ngọt

>> Xem thêm: Nụ hoa tam thất: Vị thuốc quen thuộc nhiều công dụng

1.4. Bảo quản

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, tránh ẩm thấp và mối mọt.

2. Thành phần hóa học

Tam thất bắc chứa nhiều nhóm thành phần hóa học, chủ yếu là saponin (4,42% –12%), thuộc kiểu protopanaxadiol và protopanaxainol.

Nhiều ginsenosid như Rb1, Rb2, Rb3 Rc, Rd, Re, Rg1, Rg2-Rh1 và glucoginsenosid được phân lập từ toàn cây Tam thất.

Rễ cây còn chứa tinh dầu (trong đó có α-guaien, β-guaien và octadecan). Ngoài ra còn có flavonoid, phytosterol (β-sitosterol, stigmasterol, daucosterol), polysaccharid (arabinogalactan: sanchinan A), muối vô cơ (W. Tang và cộng sự, 1992, A. Y. Leung và cộng sự, 1996).

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

Tam thất có rất nhiều công dụng khác nhau, nổi bật như:

  • Tăng khả năng thích nghi, tăng lực của cơ thể đối với các yếu tố độc hại (nhiệt độ quá cao, quá thấp, liều độc glycoside trợ tim) được chứng minh trong thử nghiệm trên chuột nhắt trắng và ếch.
  • Kích thích chức năng sinh dục nội tiết tố nữ, thể hiện ở các hoạt tính oestrogen và hướng sinh dục.
  • Giãn mạch ngoại biên và không ảnh hưởng tới huyết áp hay hệ thần kinh trung ương. Làm tăng lưu lượng máu lưu thông ở mạch vành, giảm lượng oxy tiêu thụ ở cơ tim, ứng dụng điều trị thiểu năng vành. Nhờ hoạt chất noto ginsenosid mà Tam thất có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, làm tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy.
  • Tác dụng điều hòa miễn dịch in vitro và in vivo, Tam thất có tác dụng kích thích chuyển dạng lympho bào ở mức độ nhẹ.
  • Tác dụng kích thích tâm thần, chống trầm uất.
  • Áp dụng trong điều trị nhãn khoa có tác dụng tiêu máu, tiêu sưng tốt.
  • Rút ngắn thời gian đông máu do có tác dụng cầm máu, làm lành các vết thương nhanh, giảm đau rõ rệt.

3.2. Y học cổ truyền

Vị ngọt, hơi đắng, tính ôn.

Quy kinh Can, Vị.

Tác dụng: cầm máu, điều hòa khí huyết, giảm sưng, giảm đau, tán ứ.

>> Cỏ nhọ nồi cũng là một vị thuốc gần gũi với khả năng cầm máu tốt. Xem thêm: Cầm máu hiệu quả với Cỏ nhọ nồi.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tam thất thường được sử dụng với nhiều dạng khác nhau như tán bột, dùng tươi, ủ rượu hoặc bào chế dưới dạng viên hoàn. Tuy nhiên, vị thuốc có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng khi không sử dụng đúng cách. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu với liều khác nhau, thông thường 0,9 – 4,5 g (không quá 9 g một ngày).

Cách dùng:

  • Thái phiến sắc lên uống, hoặc tán bột, hòa với nước uống hay tán nhỏ đắp ngoài.
  • Hoặc hái về rửa sạch, vẩy ráo nước, phơi râm cho khô giòn, chà xát bỏ gân và cọng lá (dùng sống). Có thể tẩm mật (ít dùng), sao qua cho thơm..

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị té ngã chảy máu trong và ngoài da, có ứ huyết đau

Cho uống bột Tam thất 4 g với nước cơm hoặc uống với 30 – 40 ml rượu trắng. Phía ngoài xoa bột Tam thất 2 g, phối hợp với Long cốt nung, Ngũ bội tử mỗi thứ 15 – 20 g (Sổ tay lâm sàng Trung dược).

4.2. Trị chứng ra máu sau sinh

Tán mịn 100 g bột Tam thất. Mỗi lần dùng khoảng 8 g bột hòa với nước cơm để uống. Ngày uống 2 – 3 lần cho đến khi triệu chứng ra máu được khắc phục.

4.3. Trị loét dạ dày, đau nhiều

Dùng bột Tam thất 3 – 4g uống (Sổ tay lâm sàng Trung dược).

5. Kiêng kỵ

Những đối tượng sau đây không được sử dụng Tam thất:

  • Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ.
  • Người đang chảy máu, hư nhược.
  • Phụ nữ mắc chứng rong kinh nặng.
  • Người cảm lạnh, tay chân lạnh.

Rõ ràng, Tam thất là vị thuốc có rất nhiều tác dụng trong hồi phục hay tăng cường sức khỏe cho người sử dụng, đặc biệt trong việc cầm máu, giảm sưng đau. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội

  2. Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai.

  3. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người