Tăng huyết áp ác tính: Triệu chứng và phương pháp điều trị
Nội dung bài viết
Tăng huyết áp ác tính là một trong những tình huống cấp cứu rất khẩn trương. Nó đòi hỏi các y bác sĩ phải điều trị nhanh chóng và tích cực. Mục đích là hạn chế tối đa những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Vậy thì bệnh cảnh cấp cứu này có nguyên nhân do đâu? Phương pháp điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô.
Tăng huyết áp ác tính là gì?
Tăng huyết áp ác tính hay tăng huyết áp cấp cứu là huyết áp cực kỳ cao. Nó phát triển nhanh chóng và gây ra một số loại tổn thương cơ quan. Huyết áp trung bình của một người thông thường là 120/80 mmHg. Một người bị tăng huyết áp mang tính chất ác tính khi có huyết áp cao hơn 180/120 mmHg. Huyết áp tăng ác tính nên được xử lý như một cấp cứu y tế.
Nói một cách dễ hiểu hơn, tăng huyết áp mang tính chất ác tính là một thuật ngữ được dùng để chỉ những bệnh nhân bị tăng huyết áp và có nhiều biến chứng với tiên lượng xấu. Ngày nay, thuật ngữ khủng hoảng tăng huyết áp được sử dụng để mô tả những bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp nghiêm trọng như sau:
- Huyết áp tâm thu lớn hơn 180 mm Hg và hoặc
- Huyết áp tâm trương lớn hơn 120 mm Hg.
Để chẩn đoán tăng huyết áp là ác tính, tình trạng phù gai thị phải xuất hiện. Trong tăng huyết áp có tính chất ác tính, chìa khóa là phải hạ huyết áp trong vòng vài giờ.
Những nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp ác tính
Ở hầu hết các trường hợp, huyết áp cao là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tăng huyết áp cấp cứu. Thiếu liều thuốc huyết áp cũng có thể gây ra bệnh này. Ngoài ra, có một số điều kiện y tế có thể gây ra nó. Chúng bao gồm:
- Bệnh mạch máu collagen, chẳng hạn như xơ cứng bì.
- Các bệnh về mạch máu, chẳng hạn như hẹp động mạch thận, viêm đa mạch và viêm động mạch Takayasu.
- Tổn thương tủy sống.
- Khối u của tuyến thượng thận
- Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc tránh thai và MAOIs.
- Sử dụng ma túy bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine, Amphetamin.
- Bệnh nhu mô thận bao gồm viêm cầu thận, viêm thận mô kẽ.
- Hội chứng tán huyết – urê huyết.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- Rối loạn hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như chấn thương đầu, nhồi máu não và xuất huyết não.
Dịch tễ học
Các trường hợp cấp cứu tăng huyết áp là bất thường, với tỷ lệ dự kiến là 1 đến 2 trường hợp trên 1 triệu người mỗi năm. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy số lần khám và tỷ lệ trên một triệu người lớn đến khám tại khoa cấp cứu (ED) đã tăng hơn gấp đôi. Số liệu này được thống kê từ năm 2006 đến năm 2013. Một số ví dụ bao gồm sản giật (2%), nhồi máu não (39 %), và phù phổi cấp (25%).
>> Xem thêm: Tìm hiểu về bệnh giãn tĩnh mạch, nguyên nhân và cách điều trị
Sinh lý bệnh của tình trạng huyết áp tăng ác tính
Cấp cứu tăng huyết áp xảy ra khi tăng huyết áp tương đối nhanh trong một thời gian ngắn. Tăng sức cản hệ thống mạch máu bằng cách tăng cơ chế co mạch thông qua hoạt hóa renin-angiotensin. Tình trạng bài niệu tạo áp lực, giảm tưới máu, và thiếu máu cục bộ,… Đó là những thủ phạm phổ biến nhất gây tổn thương cơ quan nội tạng.
Đặc điểm mạch máu cổ điển là hoại tử fibrinoid của các mạch nhỏ. Ngoài ra, sự phá hủy hồng cầu thường xảy ra khi chúng đi qua những mạch bị tắc nghẽn. Từ đó dẫn đến thiếu máu tan máu vi thể. Một đặc điểm khác của tăng huyết áp mang tính chất ác tính là mất khả năng tự điều hòa trong não. Nó có thể biểu hiện như bệnh não do tăng huyết áp.
Ai có nguy cơ bị tăng huyết áp cấp cứu?
Tăng huyết áp có tính chất ác tính hiếm gặp. Khoảng 1% những người có tiền sử cao huyết áp phát triển tình trạng đe dọa tính mạng này. Bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh này hơn nếu bạn là nam giới. Đồng thời là người Mỹ gốc Phi. Hoặc người có địa vị kinh tế thấp hơn. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém sẽ làm tăng nguy cơ.
Những triệu chứng chính
Các triệu chứng chính của huyết áp tăng ác tính là huyết áp tăng nhanh từ 180/120 mmHg trở lên. Đồng thời có dấu hiệu tổn thương các cơ quan. Thông thường, tổn thương xảy ra đối với thận hoặc mắt.
Các triệu chứng khác phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của huyết áp đến các cơ quan của người bệnh. Một triệu chứng phổ biến là chảy máu và sưng tấy các mạch máu nhỏ trong võng mạc.
Võng mạc là lớp dây thần kinh nằm phía sau của mắt. Nó cảm nhận ánh sáng và gửi tín hiệu đến não thông qua dây thần kinh thị giác. Võng mạc cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chứng huyết áp tăng ác tính. Khi ấy, mắt bị suy giảm thị lực khá nhiều.
Các triệu chứng khác của tăng huyết áp mang tính chất ác tính bao gồm:
- Nhìn mờ.
- Đau ngực (đau thắt ngực).
- Khó thở.
- Chóng mặt.
- Tê yếu tay, chân và mặt.
- Đau đầu dữ dội.
- Hụt hơi.
- Thay đổi trạng thái tinh thần. Chẳng hạn như lo lắng, lú lẫn, giảm tỉnh táo, giảm khả năng tập trung, mệt mỏi, bồn chồn, buồn ngủ hoặc sững sờ.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Giảm lượng nước tiểu.
- Ho, co giật,…
Chẩn đoán tăng huyết áp ác tính như thế nào?
Chẩn đoán tăng huyết áp ác tính dựa trên kết quả đo huyết áp và các dấu hiệu tổn thương cơ quan cấp tính.
Lâm sàng
Nếu bạn có các triệu chứng của huyết áp tăng ác tính, bác sĩ sẽ:
- Kiểm tra lại huyết áp của bạn và lắng nghe tim và phổi của bạn để tìm âm thanh bất thường.
- Khám mắt để kiểm tra xem có tổn thương mạch máu võng mạc và sưng dây thần kinh thị giác không.
- Thăm khám các triệu chứng có liên quan như: Đau đầu, buồn nôn, tiểu ít, rối loạn tri giác,…
Cận lâm sàng
Một số xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:
- Nồng độ nitơ urê trong máu (BUN) và creatinin, sẽ tăng lên nếu bạn bị tổn thương thận.
- Xét nghiệm đông máu.
- Mức đường huyết (glucose).
- Công thức máu toàn phần.
- Mức natri và kali trong máu.
- Phân tích nước tiểu để kiểm tra nồng độ hormone trong máu, protein hoặc bất thường liên quan đến các vấn đề về thận.
- Siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim và lưu lượng máu qua tim.
- Điện tâm đồ (ECG) để kiểm tra chức năng điện của tim.
- Chụp X-quang ngực để xem hình dạng và kích thước của cấu trúc tim và phát hiện chất lỏng trong phổi.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác để đánh giá thận và động mạch của chúng.
Điều trị huyết áp tăng ác tính như thế nào?
Nguyên tắc điều trị
Phương pháp điều trị thích hợp bao gồm cả việc lựa chọn thuốc và mục tiêu huyết áp. Những phương pháp điều trị sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình trạng cấp cứu tăng huyết áp cụ thể và cơ quan bị ảnh hưởng.
>> Tham khảo thêm: Tim phì đại nguy hiểm như thế nào?
Không nên giảm huyết áp quá nhanh hoặc quá nhiều Bởi vì tổn thương do thiếu máu cục bộ có thể xảy ra ở các vùng mạch máu đã quen với mức huyết áp tăng cao. Đối với phần lớn các trường hợp, huyết áp trung bình nên giảm khoảng 10 đến 20% trong vòng một giờ đầu. Và giảm thêm 5% đến 15% trong 24 giờ tiếp theo.
Điều này thường dẫn đến huyết áp mục tiêu giảm dưới 180/120 mm Hg trong giờ đầu tiên. Và giảm dưới 160/110 mm Hg trong 24 giờ tiếp theo, Tuy nhiên, hiếm khi thấp hơn 130/80 mm Hg trong khung thời gian đó.
Sử dụng thuốc hạ áp
Các loại thuốc và liều lượng tiêm tĩnh mạch (IV) phổ biến được sử dụng để điều trị các trường hợp tăng huyết áp ác tính bao gồm:
- Nicardipine, tốc độ truyền ban đầu 5 mg mỗi giờ, tăng 2,5 mg mỗi giờ sau mỗi 5 phút đến tối đa 15 mg mỗi giờ.
- Natri nitroprusside, 0,3 đến 0,5 mcg / kg / phút, tăng 0,5 mcg / kg mỗi phút sau mỗi vài phút. Khi cần thiết đến liều tối đa 10 mcg / kg mỗi phút.
- Labetalol 10 đến 20 mg tiêm tĩnh mạch. Sau đó là liều bolus từ 20 đến 80 mg cách nhau 10 phút. Tiếp tục cho đến khi đạt được huyết áp mục tiêu đến liều tích lũy tối đa 300 mg.
- Esmolol, liều tải ban đầu 500 mcg / kg / phút trong 1 phút. Sau đó 50 đến 100 mcg / kg / phút đến liều tối đa 300 mcg / kg mỗi phút.
Những trường hợp ngoại lệ
Các trường hợp ngoại lệ chính để hạ huyết áp dần dần trong ngày đầu tiên là:
- Giai đoạn cấp tính của thiếu máu cục bộ trong đột quỵ. Huyết áp thường không được điều trị trừ khi cao hơn 185/110 mmHg ở những bệnh nhân mà liệu pháp tái tưới máu có thể là một lựa chọn. Hoặc cao hơn 220/120 mmHg ở những bệnh nhân có thể không đủ tiêu chuẩn. Cân nhắc truyền Labetalol hoặc Nicardipine.
- Bóc tách động mạch chủ cấp tính: Huyết áp tâm thu phải được hạ xuống 120 mm Hg trong vòng 20 phút. Và nhịp tim mục tiêu khoảng 60 nhịp mỗi phút, để giảm áp lực động mạch chủ. Điều trị thường cần dùng thuốc chẹn beta và thuốc giãn mạch. Các lựa chọn bao gồm Esmolol, Nicardipine hoặc Nitroprusside.
>> Xem thêm: Viêm động mạch Takayasu: Những điều cần biết
- Xuất huyết nội sọ: Các mục tiêu của liệu pháp là khác nhau và phụ thuộc vào vị trí và phương pháp phẫu thuật.
- Thiếu máu cục bộ cơ tim cấp: Nitroglycerin là thuốc được lựa chọn. Không sử dụng nếu bệnh nhân đã dùng thuốc ức chế men phosphodiesterase. Bao gồm Sildenafil hoặc Tadalafil, trong vòng 48 giờ qua.
Tiên lượng
Tiên lượng của bệnh nhân tăng huyết áp ác tính được bảo vệ. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 75 đến 84% đã được báo cáo khi điều trị. Nếu không điều trị, thời gian sống thường dưới 24 tháng. Hầu hết các trường hợp tử vong là do suy tim, đột quỵ hoặc suy thận.
>> Tham khảo thêm: Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa
Biến chứng
Tăng huyết áp ác tính không được điều trị gây tử vong. Các biến chứng của tăng huyết áp mang tính chất ác tính cũng có thể bao gồm:
- Bóc tách động mạch chủ, là sự vỡ đột ngột của mạch máu chính rời khỏi tim
- Hôn mê.
- Phù phổi cấp.
- Đau tim.
- Suy tim.
- Đột quỵ.
- Suy thận đột ngột.
Phòng ngừa tăng huyết áp ác tính
Để đề phòng tình trạng huyết áp tăng ác tính, người bệnh được khuyến khích:
- Theo dõi huyết áp hàng ngày ở những người bị tăng huyết áp.
- Uống thuốc huyết áp đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Chế độ ăn ít muối.
- Hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích như cà phê, trà.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Luyện tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức khỏe, ổn định huyết áp.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọ sẽ hiểu rõ hơn về bệnh tăng huyết áp ác tính. Nói chung, đây là một tình trạng cấp cứu y tế, đòi hỏi phải được điều trị nhanh chóng và phù hợp. Mọi người nhất là những người bị tăng huyết áp nên có lối sống lành mạnh. Đồng thời tuân thủ chế độ uống thuốc hàng ngày huyết áp được ổn định.
>> Xem thêm: Đau ngực: Triệu chứng tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Malignant Hypertensionhttps://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/what-is-malignant-hypertension
Ngày tham khảo: 22/09/2020
-
Malignant Hypertensionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507701/
Ngày tham khảo: 22/09/2020
-
Malignant hypertensionhttps://medlineplus.gov/ency/article/000491.htm
Ngày tham khảo: 22/09/2020