Tăng huyết áp thai kỳ: Những điều mẹ bầu cần biết
Nội dung bài viết
Tăng huyết áp thai kỳ là một thuật ngữ không còn xa lạ với nhiều mẹ bầu hiện nay. Tuy nhiên nhiều mẹ bầu vẫn chưa hiểu rõ những thông tin xung quanh căn bệnh này. Nguyên nhân gây bệnh là gì? Mức độ nguy hiểm ra sao? Làm thế nào để phòng ngừa? Những thắc mắc trên sẽ được bác sĩ Lê Dương Linh giải đáp qua bài viết sau đây nhé!
Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
Định nghĩa tăng huyết áp
Huyết áp đặc trưng bởi hai chỉ số: huyết áp tâm thu (chỉ số trên) và huyết áp tâm trương (chỉ số dưới). Thông thường, huyết áp khi nghỉ của người khỏe mạnh sẽ nằm trong khoảng sau đây:
- Huyết áp tâm trương: Từ 90 đến 130 mmHg.
- Huyết áp tâm thu: từ 60 đến 90 mmHg.
Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trường từ 90mmHg trở lên. Tuy nhiên, để chẩn đoán một người có thật sự tăng huyết áp hay không cần đo đúng tư thế ngồi, đo khi nghỉ và đo ít nhất 2 lần cách nhau 1 tuần.
Thế nào là tăng huyết áp thai kỳ?
Có rất nhiều dạng rối loạn huyết áp trong thai kỳ. Tăng huyết áp thai kỳ được định nghĩa theo các tiêu chí sau đây:
- Tình trạng tăng huyết áp xảy ra từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Không có triệu chứng đạm niệu hay các triệu chứng khác của tình trạng tiền sản giật.
- Huyết áp trở về bình thường trong vòng 12 tuần hậu sản.
Tăng huyết áp thai kỳ có nguy hiểm không?
Sự nguy hiểm của tăng huyết áp mạn tính
Tăng huyết áp mạn tính được coi là kẻ giết người thầm lặng. Tình trạng tăng huyết áp kéo dài lâu dần sẽ ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác nhau như tim, não,..Tăng các nguy cơ suy gan, suy thận, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não,.. Ngoài ra còn liên quan đến các bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường,… Từ đó gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Ta có thể hình dung hệ thống mạch máu trong cơ thể như một hệ thống ống nước chằng chịt. Và tim là máy bơm nước mang dinh dưỡng và oxy nuôi cơ thể. Khi huyết áp tăng cao nghĩa là áp lực lên thành ống nước tăng lên. Dưới áp lực đó thành ống nước – thành mạch sẽ dễ bị tổn thương. Từ đó hình thành các thương tổn mạn tính. Khiến lòng ống co nhỏ, dẫn đến lượng máu lưu thông giảm đi.
Ngoài ra huyết áp cao còn để lại một lực cản lớn lên tim. Hậu quả khiến tim ngày càng vất vả hơn trong việc bơm máu đi nuôi cơ thể. Các cơ quan thiếu máu nuôi dài ngày sẽ tăng nguy cơ suy chức năng.
Ảnh hưởng của tăng huyết áp thai kỳ với mẹ và thai
Với những nguy cơ kể trên của tăng huyết áp, ta có thể hình dung phần nào sự nguy hiểm của tăng huyết áp thai kỳ. Lúc này, tăng huyết áp không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể của người mẹ mà còn tác động xấu đến thai nhi.
Nguyên nhân là do hệ thống mạch máu nuôi bánh nhau bị tác động tiêu cực do tăng huyết áp. Từ đó dẫn đến co nhỏ hệ thống mạch máu nuôi bánh nhau. Dẫn đến thiêu máu nuôi thai nhi.
Ảnh hưởng đến mẹ
- Đột quỵ.
- Suy đa cơ quan.
- Hội chứng HELPP. Đây là biến chứng nặng của tăng huyết áp thai kỳ. Đặc trưng của hội chứng bao gồm tình trạng tan máu, suy chức năng gan và giảm tiểu cầu.
- Tiền sản giật/ sản giật
- Nhau bong non: Khi nhau thai không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, nó sẽ sớm tách ra khỏi thành tử cung. Nhau bong non còn có có thể gây xuất huyết nặng và dẫn tới tử vong.
- Tăng khả năng phải sinh mổ.
Ảnh hưởng thai nhi
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung: Huyết áp cao làm giảm dòng máu đi qua nhau thai. Từ đó, giảm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé. Tình trạng này dẫn tới các vấn đề trong quá trình phát triển của thai nhi. Như việc em bé có thể bị chậm phát triển so với tuổi. Hoặc tệ hơn là có thể khiến người mẹ suy thai, sẩy thai,…
- Tiền sản giật và sản giật: Có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của cả sản phụ và thai nhi. Tiền sản giật sẽ đi kèm với những biến chứng như giảm tiểu cầu, xuất huyết bất thường,… Những biến chứng này đều có thể gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
- Sinh non: Tăng huyết áp thai kỳ làm giảm lượng máu tới nhau thai, khiến nhau dễ bong ra và dẫn tới sinh non. Trẻ sinh non sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh sau này.
Nguyên nhân bà bầu tăng huyết áp
Hiện nay có khá nhiều yếu tố được cho là làm gia tăng khả năng tăng huyết áp thai kỳ. Sau đây là những yếu tố nguy cơ phổ biến:
- Thừa cân, béo phì
- Ít hoạt động thể chất. Khuyến cáo một người trưởng thành nên tập luyện ít nhất 150 phút mỗi tuần.
- Có thói quen hút thuốc lá. Hoặc sống hay làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc lá.
- Thường xuyên dùng rượu bia hay các chất kích thích khác
- Đang mắc các bệnh lí mạn tính khác. Đặc biệt là đái tháo đường, bệnh thận mạn,..
- Trong gia đình có cha, mẹ hay anh chị em mắc cao huyết áp.
- Mang thai lần đầu tiên (con so)
- Thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi)
- Mang đa thai (mang cùng lúc hai thai trở lên)
- Đã từng có chẩn đoán tiền sản giật trong lần mang thai trước đó.
- Khoảng cách với lần mang thai trước đó từ mười năm trở lên.
- Có các bệnh lí tự miễn như lupus ban đỏ
Dấu hiệu bà bầu tăng huyết áp
Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể diễn tiến âm thầm mà không để lại các triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi không được kiểm soát tốt, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng nặng. Đó có thể là dấu hiệu của các biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ.
- Nhức đầu dữ dội hay nhức đầu dai dẳng mà không có nguyên nhân cụ thể
- Buồn nôn, nôn mửa, ói vọt
- Nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một thành hai) hay giảm thị lực đột ngột
- Những cơn đau ngực không do chấn thương
- Tình trạng khó thở. Đặc biệt là khó thở không cải thiện khi nghỉ. Khó thở phải ngồi.
- Nước tiểu đục (tiểu đạm)
- Giảm lượng nước tiểu
- Phù toàn thân
- Chảy máu ở bất kỳ đâu trên cơ thể mà không rõ nguyên nhân
Khi có các triệu chứng này trong thai kỳ, hãy liên hệ ngay với nhân viên y tế để được thăm khám kịp thời.
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Có nhiều lựa chọn trong điều trị tăng huyết áp thai kỳ. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dựa trên các yếu tố sau:
- Chỉ số huyết áp
- Tuổi thai
- Các yếu tố nguy cơ của cả mẹ và con
- Những tổn thương ở các cơ quan khác của mẹ (nếu có)
- Tình trạng sức khỏe hiện tại của thai nhi
Điều trị bao gồm điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc:
Điều trị không dùng thuốc: thay đổi lối sống
Nhiều thói quen trong cuộc sống sẽ có thể gây ảnh hưởng xấu tới huyết áp. Vì vậy, nếu muốn kiểm soát huyết áp tốt hơn, mẹ bầu nên có một số thói quen lành mạnh như:
- Hạn chế ăn muối. Không nên nêm thêm nhiều mắm, muối vào thức ăn. Hạn chế dùng đồ kho, thức ăn nhanh, đồ muối mặn và đồ đóng hộp. Đồng thời, đa dạng hóa khẩu phần ăn và ăn thật nhiều rau xanh.
- Vận động thể dục một cách nhẹ nhàng mỗi ngày. Không nên vận động gắng sức vì dễ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Giảm thiểu căng thẳng và lo lắng. Để thư giãn, mẹ bầu có thể nghe nhạc, đọc sách,…
- Không sử dụng các chất kích thích và không uống rượu bia.
Để sớm phát hiện và can thiệp vào việc điều trị tăng huyết áp thai kỳ. Thai phụ không chỉ cần tuân theo điều trị của bác sĩ mà còn nên xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh. Bởi nó sẽ góp phần không nhỏ đến hiệu quả điều trị.
Điều trị dùng thuốc bao gồm
- Kiểm soát mức độ tăng huyết áp
- Cải thiện các triệu chứng gặp phải
- Phòng ngừa các biến chứng nặng như tiền sản giật, sản giật
- Điều trị ổn định các bệnh mạn tính sẵn có như đái tháo đường,…
Phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Những phương pháp có thể áp dụng tại nhà bao gồm:
- Tăng thời gian và mức độ hoạt động thể chất
- Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh. Thực đơn hằng ngày cần đa dạng nguồn dinh dưỡng, đủ chất, giàu chất xơ.
- Hạn chế dùng các chất kích thích đặc biệt là bia rượu.
- Tránh xa khói thuốc lá.
- Tuân thủ điều trị các bệnh mạn tính sẵn có.
Đối với các biện pháp trên đây, cần thực hiện dài hạn từ trước khi mang thai. Bởi vì những tác động từ chế độ sống đến sức khỏe cần thời gian dài để phát huy hiệu quả. Mỗi phụ nữ nên lập trước kế hoạch mang thai. Từ đó có đủ thời gian để xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện sau cho phù hợp.
Khám thai định kỳ đầy đủ. Thực hiện đủ các xét nghiệm tầm soát trên cả mẹ và thai.
Tăng huyết áp thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều hậu quả xấu trên cả mẹ và thai. Tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Duy trì thói quen sống lành mạnh từ trước khi có thai sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc. Mẹ bầu cần khám thai định kỳ và thực hiện đủ các xét nghiệm tầm soát. Đây chính là chìa khóa giúp phát hiện sớm và kiểm soát ổn huyết áp thai kỳ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
High Blood Pressure During Pregnancyhttps://www.cdc.gov/bloodpressure/pregnancy.htm
Ngày tham khảo: 05/08/2021
-
Gestational Hypertension: Pregnancy Induced Hypertension (PIH)https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/gestational-hypertension/
Ngày tham khảo: 05/08/2021